Persona là thuật ngữ tâm lý học Carl Jung – nghĩa là cái mặt nạ, cái vai diễn mà anh em vẫn hay trưng diện ra bên ngoài. Và không một ai, nhắc lại là không một ai sống trên đời này mà không có cho mình một chiếc mặt nạ – thậm chí anh em có thể xem việc sở hữu cho mình một lớp vỏ đẹp là một skill cần thiết để anh em deal với game đời, game giao tiếp, game cộng đồng.
Tùy vào nhiều tình huống khác nhau mà anh em sẽ bày ra cho thiên hạ xem những bộ mặt khác nhau của bản thân mình. Chẳng hạn như anh em đi làm thì vai diễn của anh em là một nhân viên hòa đồng, chịu lắng nghe và ngoan ngoãn. Đi chơi với bạn bè thì anh sắm vai một thằng khứa hỗn láo, lắm lời, thèm bia.
Đi chơi với gái thì sắm vai anh trai galang tốt bụng và là một cây ATM uy tín. Ở nhà thì diễn thêm vai thằng con trời đánh, kiểu vậy. Khá là biến thiên, và anh em cũng sở hữu bộ sưu tập những chiếc mặt nạ đa dạng vl hahah.
Điều này có tốt hay không? Chúng ta tiêu thụ ấn phẩm truyền thông khá thường xuyên, nơi mà người ta lên án những đứa giả tạo, hai mặt, và không dám thiệt sống với đúng con người mình – nên có nhiều người anh em đôi khi ác cảm với những đứa ‘tắc kè hoa’ như vậy, trong khi chính bản thân anh em cũng là một con tắc kè mà anh em không biết (cái này còn hại hơn nhiều).
Việc có cho mình vài vai diễn xuyên suốt cuộc đời, tậu cho mình nhiều lớp vỏ, trên thực tế không hề xấu như nhiều người vẫn nghĩ. Một người giữ mãi những đặc điểm tính cách của mình cả đời, xuyên suốt mọi hoàn cảnh chỉ có trên truyện và trên phim thôi anh em. Một ông giám đốc, dù có là người nhạy cảm và biết cảm thông, khi lên công ty ông vẫn phải là một con người khác, có thể vừa lạnh lùng vừa nóng tính – hoàn toàn phục vụ cho mục đích công việc, có thể xem đó là điều xấu không? Ông ta trở về nhà bên vợ bên con, ông phải cất đi cái mặt nạ giám đốc của mình, để trở về với một vai diễn dễ chịu hơn – vai một ông bố ân cần, vậy có xấu khi ông có đến vài gương mặt?
Vì mục đích ‘sống còn’ ở harsh mode game đời, anh em bắt buộc phải diễn, anh em có biết thế nào là sống đúng với bản chất không? Để tôi nói cho nghe, bản chất con người không mấy tốt đẹp như anh em vẫn nghĩ, kể tên sơ sơ thì có cả sự đố kỵ, ganh ghét, tính thiển cận, thích những thứ dễ dàng, tham lam, bị điều phối bởi dục vọng etc. Anh em đem đúng bản chất đó ra điều với đời thì anh em bấm thẳng vào nút tự hủy. Đúng đó, mới đây có vụ thằng cha nào trên đường Nguyễn Tất Thành sàm sỡ một chị người Nhật đang đạp xe – đấy, vì dũng cảm sống đúng với bản chất nên người anh em đó bị phạt có 200 ngàn à, lần sau nó đưa trước 2 triệu rồi mần ăn luôn một thể, vậy mới đúng là sống thật chớ.
Và ai cũng phải diễn cả, vì mục đích và vì nhu cầu khác nhau, mỗi người có thể lựa chọn cho mình nhiều vai diễn sao cho phù hợp. Donald Trump là một ví dụ khá hay, không ai có thể 100% tự tin và vững chãi toàn thời gian nhưng Trump lại mang đến cảm giác an tâm cực kỳ cũng như sự tự tin không có giới hạn của mình – trở thành nơi dựa dẫm an toàn cho dân chúng Mỹ. Ông phải diễn vai đó mới mong dân chúng tin tưởng; con người dù không thích đứng dưới trướng bất kỳ ai, bản chất luôn thèm khát được dẫn dắt – một vị lãnh đạo càng vững vàng thì họ càng tin tưởng, họ thần thánh hóa hình tượng ấy cho Trump, và nếu ông muốn giữ được điều đó nơi đám đông, ông phải diễn cho xuất sắc. Dĩ nhiên là ông cũng có những bất an và lo lắng riêng mình, nhưng mỗi khi xuất hiện, bộ mặt ông trưng ra ngoài luôn như anh em vẫn thấy – sự tự tin tuyệt đối.
Nó không liên quan gì đến khía cạnh đạo đức cả, anh em muốn sống dễ chịu như một cá thể trong cộng đồng thì bắt buộc phải diễn, để che đi những cái xấu và mục đích của bản thân mình. Vì ai cũng phải diễn, anh em không diễn thì anh em thiệt thòi; nó chỉ động đến hai chữ đạo đức khi anh em dùng nó để hại người, trục lợi; chứ anh em diễn để sống hòa hợp với người ta thì đâu có xấu phớ hem?
Đâu đó có câu “Đời là những vở kịch mà chúng ta là một diễn viên” – lỡ diễn rồi phải diễn cho hay nhơ anh em haha.
Tính chỉ viết trong một bài thôi nhưng đoán sẽ dài vãi đây, nên tôi biên vào đây phần Persona 1, bài sau sẽ nói sâu hơn chi tiết về khía cạnh tâm lý của những chiếc mặt nạ – liên quan thế nào đến The Shadow (bóng âm, mặt đen tối trong tâm hồn anh em), bài sau đáng đọc hơn bài này hehe.