Mặt nạ càng sáng, tâm hồn càng đặc đen.
Vai trò của một diễn viên, là hoàn thành cho thật chân thực nhân vật của mình, anh diễn như thể đó là con người của anh vậy – điều này đem lại thành công cho anh, và tương tự, cũng sẽ giúp anh em dễ thở hơn trong vở kịch đời. Vì sao phải diễn thì đọc lại phần 1 hen.
Có vài cái hại khi anh em sắm vai một nhân vật không phải mình để deal với game đời, một là cái hại về mặt xã hội và hai là cái hại về mặt cá nhân.
Cái hại về xã hội, là khi chơi xấu người ta, trục lợi từ người ta và anh em xem việc diễn vai như là một công cụ để làm ăn bất chính. Tôi nhớ có đợt ông già kể về thời ổng còn đi làm cho Cô Coa, con người thật tụi này và gương mặt tụi này trưng ra là hai cá tính hoàn toàn khác biệt. Xưa khi còn làm lính, sale thì phải chạy doanh số gắt gao (chắc anh em cũng rõ, đặc biệt lại ở doanh nghiệp lớn như Cô Coa thời đó nữa) có thằng đồng nghiệp “đóng phim tội” trước mặt ông già, tháng đó ông già chạy doanh số vượt hơn chỉ tiêu (chắc chắn được tưởng thưởng), thấy thương thấy tội nên chia bớt doanh số cho thằng này.
Đến cuối tháng tổng lương mới hóa ra thằng cha này đạt đủ doanh số từ trước, nhưng vì muốn được sếp sòng chú ý đến nên chơi ẩu với ông già. Ổng cũng cay nhưng vì môi trường làm việc chuyên nghiệp, ổng cho qua (nhưng đề phòng). Đó là khi chiếc mặt nạ được dụng để hại người.
Hay chẳng hạn như trại chăn gà “Phẹn Thènh Lon” – bao lâu bán được tỷ gói mè. Dăm ba mẹo vặt self help, bản chất mục nát, kiếm ăn bất chính từ việc bán khóa học xàm loz đội lốt vẻ ngoài doanh nhân, ngôn từ kinh tế cao siêu gây lú. Tổ chức cái khóa học để nghìn người bỏ tiền ra xem một thằng cha bán kem đánh găng cãi nhau với một thằng trong đầu chỉ đang nghĩ tới mấy gói mè. À anh em xem cmt, tôi có cái link của thằng cha này hay lắm, liên quan trực tiếp tới cái mặt nạ nha.
Cái hại cá nhân
Là cái tổn hại về mặt tâm lý – anh em tham gia cộng đồng này kia, hoặc đi làm môi trường công sở, nếu không trưng ra bên ngoài bộ mặt năng động, hài hước, chăm chỉ, dễ gần dễ bảo thì nhiều khả năng anh em sẽ không có đồng minh, nói cao siêu vậy chứ nôm na là bị cô lập.
Điều đáng nói là việc diễn vai liên tục trong suốt một khoảng thời gian dài sẽ làm anh em quên mất đi cái cá tính thật sự của mình. Ban đầu, anh em cảm thấy hơi mệt mỏi với việc phải luôn tỏ ra niềm nở, dần dà thì anh em quen hơn, lâu dần thì đồng hóa hẳn tính cách đó với con người mình – lắm khi gặp những chuyện gây ức chế, nhưng vì phải diễn vai diễn ‘dễ thương’ anh em kìm nén đi cái tiêu cực đó vào sâu bên trong mình. Sau nhiều năm trời dấn thân, dù học được nhiều thứ, trải nghiệm nhiều cái hay ho, nhưng khía cạnh nội tâm của anh em vẫn thế, vẫn luôn bị xem nhẹ và bỏ bê – rồi đến một lúc đầu óc trở nên trưởng thành hơn, anh em chợt nhận ra con người ngày xưa của mình đi đâu mất, tại sao mình vẫn luôn tỏ ra nhiệt tình dù không mấy dễ chịu thế này, hoặc thậm chí tại sao mình luôn cảm thấy bí bách đại loại thế.
Khái niệm Shadow tôi không bàn lại sâu, nó có liên hệ mật thiết với cái mặt nạ (Persona) mà anh em trưng ra bên ngoài. Vì mục đích sống còn hay để dễ sống trong cộng đồng xung quanh, anh em buộc phải che đi những cái xấu, cái bực bội trong mình – nó không hề mất đi, nó vẫn luôn nằm ở đó không ngừng tích lũy. Anh em thấy buồn buồn, mệt mệt thế rồi tìm đến các phương tiện giải trí và xem đó như cứu cánh cho cảm xúc của anh em, sau đó thấy nhẹ nhõm hơn, anh tưởng chừng như đã chữa được cái đau của mình. Thực chất thì không, anh em chỉ vẫn đang kìm nén nó đi theo một cách tinh vi hơn mà thôi.
Con người khi bị Shadow (cái bóng âm) chiếm lấy, anh ta mất đi hoàn toàn ý thức của mình, chỉ trong chốc lát anh hành xử như một con người khác, một con người đầy bản năng với các hành động mang hơi hướng bạo lực – những hành động khi tỉnh táo có cho tiền anh cũng không dám làm. È, dĩ nhiên là lúc đó mọi logic cũng theo gió mà tan đi, bản thân anh em thực sự cần một liều giải tỏa và nó chọn sự bùng nổ như một phương thuốc hiệu quả – sau những lần như vậy thì hối hận là điều không tránh được.
Hmm, nhiều khi Shadow tích lũy ngấm ngầm mà anh em không biết (có thể vì thiếu kiến thức hoặc vì anh em quá lười để tự chất vấn cảm giác của bản thân vào thời điểm đó). Xưa có đợt dài tôi không phản ứng gì đặc biệt, tôi nghĩ mình đầm tính lắm, một ngày tôi tranh cãi với bạn bè qua điện thoại, điên máu sao đó mà tôi đôi điện thoại vào tường anh em ạ haha. Một giây sau đó thì dĩ nhiên hối hận vl rồi.
Anh em có thể hiểu Shadow là những tổn thương được tích theo năm tháng, thiệt ra thì không ai là không hư tổn. Sự kỳ lạ của người lớn bắt nguồn từ những tổn thương thời trẻ dại, dù với một gia đình bình thường, thì từ bé cũng đã phải đối mặt với mất mát, cái mất mát đầu tiên đó chính là nỗi sợ bỏ rơi tới từ cha mẹ mình (dù cho họ chỉ đơn giản là hơi mệt mỏi và tạm thời nghỉ ngơi để mặt con khóc). Anh em thấy nó nhỏ nhặt, nhưng với một đứa trẻ chỉ có cha hoặc mẹ nó gần gũi thì đó là biến cố lớn – cũng vì thế mà con người hầu như ai cũng sợ cảm giác bị bỏ rơi. Đối với những gia đình không mấy êm ấm thì, chia buồn, sự hư tổn tâm lý của anh em còn sâu sắc hơn nữa.
Việc diễn vai nhìn chung là cần thiết nhưng nó sẽ đâm ngược lại anh em nếu anh em không biết cách xả bớt ra cảm giác xúc động. Tức là dành thời gian ở một mình, cảm nhận xem mình đang cảm thấy thế nào, suy nghĩ về điều bực bội vừa trải qua, etc. Nhiều cách, nhưng quan trọng là phải làm, nhiều anh em khá lười khi phải thực hiện những nghi thức như thế, có thể vì anh em không biết hoặc vì biết nhưng lướt điện thoại đi ăn đi chơi nó sướng hơn.
Mặt nạ càng sáng, tâm hồn càng đặc đen. Vì nhiều người thể hiện ra bên ngoài một bộ mặt quá hào nhoáng, hầu như không có khuyết điểm gì – đó là những con người đặc biệt cần đề phòng, vì có thể phần âm của họ rất đậm đặc. Persona vs Shadow bù trừ cho nhau, anh có vẻ ngoài quá mạnh mẽ thì chính điều đó tố giác nội tâm yếu hèn trong anh, nên buộc anh phải trưng ra bên ngoài sự mạnh mẽ đó như một cách bù trừ cho cảm giác thiếu sót bên trong mình; tương tự với những người hay thể hiện ra bên ngoài mình hướng thiện hay hướng Phật này kia, anh em nên nhớ ai cũng có những vấn đề tâm lý sâu thẳm mà họ không thể hiện ra, người có vẻ ngoài quá thánh thiện hay quá nhiệt tình sẽ hơi bị nguy hiểm nhớ.
Có một vài tips tôi muốn shill cho anh em. Nghe có vẻ khá xàm l và nhảm nhí, nhưng đó là những phương cách mà các bác sĩ tâm lý vẫn hay áp dụng cho bệnh nhân, anh em thấy tôi nói ra nó vớ vẩn chớ từ miệng bác sĩ nói ra thì lại chả là chân lý.
Có đợt, tôi làm bài nhóm với mấy thằng kia, chủ yếu là vô trách nhiệm nhưng lại hay đổ thừa. Dĩ nhiên là xung đột nổ ra và không thằng nào chịu nhường nhịn, một bên thì buộc tội một bên thì tìm cách chối quanh với đủ lý do trên đời. Tôi ức chế kinh khủng, nhưng nếu kìm xuống thì chắc chắn không ổn cho tâm lý bản thân, nên tôi dùng cách này. Tôi vào phòng khóa cửa lại, dành đâu đó 15 20p để tưởng tượng (hình như được gọi là phương pháp chủ động tưởng tượng của Carl Jung) – anh em biết tôi tưởng tượng gì không, một căn phòng trống tôi với thằng đó đối mặt với nhau, nói chuyện phải quấy và sau khi nói chuyện không đâu vào đâu, tôi xách cây đập nó tanh bành, càng nát tinh tươm tôi càng thấy được giải tỏa – hiệu quả lắm anh em, sau hôm đó thì tôi cũng thoải mái hơn nhiều, mấy vấn đề của nhóm làm tôi không phải bực bội nữa vì tôi cũng “xử” thằng đó xong xuôi. Anh em có thể khó hiểu, tưởng tượng bạo lực vậy có ảnh hưởng gì đến cách hành xử của mình bên ngoài không thì xin thưa là không, anh em chỉ bạo lực bên ngoài khi anh em không có chỗ để xả (như chỗ tôi tưởng tượng).
Có những vấn đề xuất phát từ nội tâm, không phải từ người ngoài gây ra – chẳng hạn như anh em thấy bất lực, trống rỗng, muốn khóc, thấy nghi ngờ bản thân sau khi chứng kiến thành công của bạn bè etc.
Thì cách ở trên vẫn áp dụng được, anh em tưởng tượng dùm tôi, một “chính mình” khác, ngồi đối diện – dĩ nhiên là đèo có đấm nhau nhé. Anh em nghe nó giải bày mọi cảm xúc của nó, bây giờ anh em sắm vai một “chính mình” lý tưởng mà anh em vẫn luôn hướng tới, trước mặt anh em là một “chính mình” khác với mớ bồng bông. Anh em cứ để nó tự nhiên được kể, không cần phải suy nghĩ thằng đó sẽ kể thế nào đâu, bộ não của anh em hay lắm, cứ ngồi nghe thì nó sẽ tự dệt ra hàng trăm câu chuyện cho phép anh em được biết. Sau khi hiểu những vấn đề nội tâm, anh em trình bày cho nó nghe tại sao không nên vậy, hoặc tại sao bị vậy, vì anh em sắm vai một “chính mình” lý tưởng nên ngôn từ anh em điềm đạm, ý tứ anh em đưa ra cũng lô gích, anh em cảm thông cho hắn ta, chia sẻ với hắn, như cách anh em tự nhìn thấy chính mình.
Bài cũng dài, khá mừng cho anh em nào chịu khó đọc đến đây, anh em nếu muốn có thể thử, miền đất nội tâm hỗn loạn và rộng lớn, không ai có thể chữa cho anh em trừ khi chính anh em muốn chữa cho mình. Đôi khi đến gặp bác sĩ, họ cũng chỉ là ngón tay chỉ hướng cho anh em, chứ bản thân ngón tay không phải phương thuốc, anh em cũng phải tự đi à. Nhìn chung thì anh em đừng xem nhẹ những vấn đề nội tâm, đặc biệt là những người có quá khứ hồi thơ bé không mấy êm đẹp, anh em có thể tưởng tượng đang đối đáp với một “chính mình” trẻ dại, có thể ôm thằng/ con bé đó vào lòng, đứa trẻ bên trong anh em có khi cũng đang cảm thấy cô đơn.
Hết.