1. Ảnh hưởng to lớn của chủ nghĩa Khắc Kỷ đối với tôn giáo, chính trị và cả việc chăm sóc sức khỏe tinh thần.
Trong thế giới cổ đại, tôn giáo luôn đề cao nghi lễ hơn giáo lý, và những người có học vấn thường tìm đến triết học để tìm kiếm sự hướng dẫn và an ủi. Trong thời kỳ đế quốc La Mã, chủ nghĩa Khắc Kỷ đã trở thành lý thuyết triết học hàng đầu trong giới tinh hoa La Mã. Và thậm chí nó còn được coi là tôn giáo thực sự của những người cầm quyền, bao gồm cả hoàng đế Marcus Aurelius.
Từ thời kỳ hoàng kim này, chủ nghĩa Khắc Kỷ dần mất vị thế trước Cơ đốc giáo, nhưng đồng thời nó cũng len lỏi vào tôn giáo còn non trẻ này. Sứ đồ Phao – lô đã từng gặp gỡ các triết gia Khắc Kỷ khi ở Athens – được ghi lại trong sách Công vụ của các Tông đồ: “Thời bấy giờ, có một số triết gia thuộc trường phái Epicurus và Khắc Kỷ đã gặp ông và một vài người đã thắc mắc rằng: “Tên ba hoa này muốn nói gì nhỉ?” Và đặc biệt, những Giáo phụ đầu tiên của Hội thánh như Clement thành Alexandria, Tertullian và Origen đều chịu ảnh hưởng sâu sắc từ chủ nghĩa Khắc Kỷ. Hai thế kỷ sau đó, các nhà thần học Ambrose và Augustine cũng vậy.
Chủ nghĩa Khắc Kỷ thậm chí còn để lại dấu ấn trong Kinh Thánh. Ví dụ, Phúc âm Gioan mở đầu bằng câu: “Ban đầu có Ngôi Lời (tiếng Hy Lạp, “Logos”), và Ngôi Lời ở với Đức Chúa Trời, và Ngôi Lời là Đức Chúa Trời”. Và theo quan điểm của những người theo chủ nghĩa Khắc Kỷ, “logos” bao gồm những đốm lửa sáng tạo, hay “pneuma” (tinh thần), có thể được xem là tiền thân của Chúa Thánh Thần trong Cơ đốc giáo.
Những điểm tương đồng lớn hơn giữa Cơ đốc giáo và chủ nghĩa Khắc Kỷ, bao gồm: niềm tin vào một Đấng sáng tạo nhân từ; mỗi người đều mang một yếu tố thần thánh nào đó, hay việc chúng ta nên theo đuổi đức hạnh và yêu thương lẫn nhau. Chính vì sự tương đồng này mà triết gia Công giáo người Flemish, Justus Lipsius, vào thế kỷ 16 đã cố gắng tìm cách dung hòa Cơ đốc giáo với Chủ nghĩa Khắc kỷ, mở đầu cho sự phục hưng được gọi là Chủ nghĩa Tân Khắc Kỷ.
Một câu hỏi thú vị đặt ra là: Tại sao Cơ đốc giáo lại làm lu mờ chủ nghĩa Khắc kỷ? Câu trả lời chính là, bên cạnh các yếu tố triết học, Cơ đốc giáo còn mang đến những câu chuyện huyền bí và lời hứa về cuộc sống sau cái chết – điều mà chủ nghĩa Khắc kỷ không thể cung cấp. Ngoài ra, Cơ đốc giáo cũng giúp gắn kết xã hội bằng cách đưa mọi người, từ dân thường đến giới lãnh đạo, trở lại dưới cùng ngọn cờ của một tín ngưỡng duy nhất.
Điều này gắn liền với một lời chỉ trích đối với chủ nghĩa Khắc Kỷ, đó là nó mang tính “tinh hoa”, vì triết lý này tập trung vào việc làm chủ bản thân, có lẽ thích hợp hơn với những người thuộc tầng lớp cầm quyền. Mặt khác, Epictetus – bậc thầy vĩ đại của chủ nghĩa Khắc Kỷ, đã bắt đầu cuộc sống như một nô lệ và đã vươn lên trở thành một cá nhân ưu tú nhờ chủ nghĩa này. Nếu chủ nghĩa Khắc kỷ có tính tinh hoa, ưu tú cao đó là vì nó thu hút những cá nhân có tính cách mạnh mẽ, những người như Catos hơn là Caesars, những người như Senecas hơn là Neros. Và Seneca cũng từng nói: “Triết học soi sáng cho tất cả mọi người. Ngay từ đầu Socrates không phải quý tộc, Cleanthes đã từng phải đi gánh nước, Plato không phải là người quyền quý từ lúc mới sinh ra,… nhưng tất cả đều được triết học làm cho cao quý. Tất cả chúng ta đều có chung số lượng tổ tiên. Không ai có nguồn gốc từ nơi nào khác ngoài sự lãng quên.”
2. Chính trị và những triết lý của chủ nghĩa Khắc Kỷ
Ngày nay, chủ nghĩa Khắc Kỷ thường thu hút những người trẻ, đặc biệt là nam giới, những người tìm kiếm một hình mẫu nam tính về sự điềm tĩnh, kiên cường và tự lập. Tuy nhiên, tính nam trong chủ nghĩa Khắc Kỷ chỉ xuất phát từ việc lịch sử luôn gắn sự làm chủ với đàn ông. Trong thực tế, những người theo chủ nghĩa Khắc Kỷ đều không quá chú trọng vào vấn đề nam tính và khá tiến bộ trong việc đối xử bình đẳng giữa các giới tính.
Chủ nghĩa Khắc Kỷ không chỉ ảnh hưởng đến Cơ Đốc giáo mà còn có tác động lớn đến lịch sử tư tưởng, ảnh hưởng đến các triết gia lớn như Descartes, Spinoza, Leibniz, Schopenhauer, và Adam Smith. Trong tác phẩm “On Liberty’ (1859), J.S. Mill đã ca ngợi cuốn Meditations của Marcus Aurelius là “sản phẩm đạo đức cao nhất của trí tuệ cổ đại.”
Mặc dù có sức ảnh hưởng và tầm quan trọng to lớn nhưng chủ nghĩa Khắc Kỷ từ lâu đã bị loại khỏi chương trình giảng dạy ở các trường đại học. Điều này có lẽ là do các văn bản lý thuyết của nó đã bị thất lạc, hoặc có thể do các học giả hàn lâm coi thường một triết lý quá thực tế và dễ tiếp cận, bị gắn mác hoen ố bởi người La Mã “không có trí tưởng tượng.”
Trong chính trị, hình ảnh của Cato đã truyền cảm hứng cho những người cách mạng Mỹ khi họ đấu tranh để xây dựng nền Cộng hòa của riêng mình. George Washington từng dàn dựng một vở kịch về Cato tại Valley Forge trong Chiến tranh Cách mạng Mỹ. Khi qua đời, Thomas Jefferson vẫn để cuốn sách của Seneca trên đầu giường. Đặc biệt, nền tự do mà chúng ta được hưởng ngày nay, đặc biệt ở phương Tây, phần nào đó chịu ảnh hưởng từ sự bảo vệ quyết liệt của Cato đối với nền Cộng hòa La Mã.
3. Chủ nghĩa Khắc Kỷ và việc chăm sóc sức khỏe tinh thần
Trong lĩnh vực sức khỏe tinh thần, chủ nghĩa Khắc Kỷ đã truyền cảm hứng cho liệu pháp nhận thức hành vi (CBT), phương pháp trị liệu phổ biến nhất hiện nay cho thấy rằng mọi người có thể nhận được một số lợi ích từ các nguyên tắc của chủ nghĩa Khắc Kỷ “ưu tú” mà không cần phải quen thuộc với triết lý cơ bản. Aaron Beck (mất năm 2021), người sáng lập CBT, đã viết rằng “Nguồn gốc triết học của liệu pháp nhận thức có thể được bắt nguồn từ các nhà triết học Khắc Kỷ”. Albert Ellis (mất năm 2007), người sáng lập liệu pháp hành vi cảm xúc hợp lý – tiền thân của CBT, cũng thường trích dẫn những lý thuyết của chủ nghĩa Khắc Kỷ, đặc biệt bị thu hút bởi câu nói của Epictetus: “Con người không bị xáo trộn bởi các sự kiện, mà bởi quan điểm của họ về sự kiện đó.”
Tuy nhiên, CBT chỉ là phương pháp điều trị ngắn hạn, còn chủ nghĩa Khắc Kỷ hứa hẹn một trạng thái sức khỏe tinh thần toàn diện hơn. Nó khuyến khích chúng ta nhìn ra bên ngoài thay vì chỉ tập trung vào nội tâm, giúp ta đối mặt với thực tế, bao gồm cả sự thật về cái chết của chính mình. Chính sự đối mặt với thực tế này giúp chúng ta trở nên thật sự mạnh mẽ và an yên.
Tương tự với những tư tưởng về “suy nghĩ tích cực” tràn lan trong các cuốn sách self-help chỉ như một liều thuốc tạm thời, giúp chúng ta đối phó với khủng hoảng trước mắt, nhưng lại vô tình tạo điều kiện cho những khủng hoảng mới nảy sinh trong tương lai. Sức khỏe tinh thần bền vững không đến từ việc né tránh mà từ việc chấp nhận thực tại, bao gồm cả sự hữu hạn của đời người. Chỉ khi đối diện và chấp nhận sự thật này, chúng ta mới có thể tìm thấy sự bình an và sống chân thật với chính mình.