Có một kiểu người mà, khi mới gặp, ta cảm thấy họ đồng điệu đến kinh ngạc với ta trong mọi vấn đề lớn nhỏ. Mọi phát biểu chính trị của ta đều nhận được cái gật đầu tán thành từ họ. Mọi nơi ta muốn đến đều trùng khớp với mong muốn của họ. Mỗi cuốn sách, mỗi bộ phim ta nhắc đến đều dẫn đến cùng một kết luận. Thậm chí, họ cười đúng những điều ta thấy hài hước và vừa mới nghĩ đến loại nhân bánh sandwich giống hệt ta cho bữa trưa.
Ta có cảm giác như vừa tìm thấy người bạn tri kỷ thất lạc lâu năm hoặc một mảnh hồn đồng điệu từ thiên đàng, nhưng thực tế thì lại giản dị và phức tạp hơn nhiều. Sự đồng điệu vô bờ bến của họ với ta không phải bắt nguồn từ một kết nối thần thánh nào trong tâm hồn, mà từ nỗi sợ hãi sâu sắc trước hậu quả của việc bất đồng. Người luôn cố làm vui lòng người khác mang trong mình niềm tin rằng, việc bày tỏ ý kiến trái chiều – dù là về món ăn hay cách vận hành một công ty, một quốc gia – sẽ dẫn đến cơn giận dữ bùng nổ hoặc nỗi thất vọng hằn học. Họ đồng ý với ta không phải vì thật lòng, mà vì họ tin rằng nói lên suy nghĩ thật của mình sẽ khiến họ không còn được yêu thương và tôn trọng.
Kiểu người này thường lớn lên trong một gia đình mà cha mẹ rất khắc nghiệt với những quan điểm khác biệt. Trong môi trường ấy, có lẽ chỉ có một cách duy nhất để chuẩn bị bữa ăn, một nơi duy nhất để đi nghỉ hè, và một cách duy nhất để đánh giày – và chắc chắn, một đứa trẻ không có quyền quyết định điều đó. Hoặc có thể, họ lớn lên với một người cha mẹ yêu thương nhưng yếu đuối, luôn suy sụp trước bất kỳ dấu hiệu phản kháng hay mong muốn độc lập nào, khiến đứa trẻ cảm thấy mình là nguồn cơn đe dọa đến sự tỉnh táo, thậm chí sự sống của cha mẹ.
Hậu quả là, những người luôn làm vui lòng người khác phải sống dưới một mệnh lệnh nội tâm khắc nghiệt rằng họ không bao giờ được phép nói ra suy nghĩ của mình. Tệ hơn, họ có thể đã không còn suy nghĩ gì nữa – họ không chỉ im lặng, mà chẳng còn gì để giữ lại trong im lặng. Trong tâm trí họ, có lẽ đã hàng thập kỷ trôi qua kể từ lần đầu nghe thấy những giọng nói răn đe họ: “Đừng ngốc nghếch như thế,” “Im lặng và nghe đi,” “Đừng trèo cao,” “Phải biết nghe lời.” Sự tự ghét bỏ đã bóp nghẹt sự phát triển của trí óc họ.
Con đường giải thoát bắt đầu từ một ý niệm thoạt đầu nghe có vẻ lạ lẫm và đáng sợ: rằng bất kể những trải nghiệm tuổi thơ đã dạy họ điều gì, thực tế là hầu hết con người không thấy việc đồng tình mọi thứ một cách vô điều kiện là điều dễ chịu. Dù sự ngoan ngoãn có đôi lúc đáng yêu, nhưng sự phục tùng quá mức thường gây khó chịu – và điều này hoàn toàn có lý. Chúng ta nhận ra rằng, một người chỉ nói những gì ta muốn nghe sẽ khiến ta mù quáng trước những sự thật thách thức và quan trọng. Mỉa mai thay, việc cố làm vừa lòng người khác lại chẳng làm ai thực sự hài lòng.
Những người này cần có cơ hội để tin vào một ý niệm mà trước đây họ coi là điều cấm kỵ: rằng họ hoàn toàn có quyền nghĩ về bản thân như một trung tâm của những suy nghĩ độc lập và những ý tưởng mới lạ – có thể rất quan trọng và giá trị – ngay cả khi chúng không hoàn toàn phù hợp với dư luận hay sự khôn ngoan thông thường.
Qua câu chuyện của những người luôn cố làm vui lòng người khác, ta nhận ra một sự thật đáng ngạc nhiên: nguồn gốc của tư duy sáng suốt nằm ở trải nghiệm được yêu thương. Cảm giác được yêu là điều giúp ta sử dụng trí óc một cách tự do và sáng tạo. Khi cảm nhận được sự quan tâm thật sự, ta sẽ tin rằng mình không cần phải tuân thủ mọi chuẩn mực trong suy nghĩ, và người khác vẫn sẽ trân trọng ta ngay cả khi ta đưa ra những quan điểm khác biệt hay đầy thách thức. Điều mà những người may mắn hiểu được từ thuở ban đầu, thì những người luôn làm hài lòng người khác phải học bằng con đường đầy đau đớn và lý trí: rằng với tình yêu bản thân đủ lớn, việc nuôi dưỡng và bộc lộ những suy nghĩ thật của mình sẽ không còn là một canh bạc quá khó khăn.
(Ảnh: Alexander Krivitskiy trên Unsplash)
Nguồn: THE ORIGINS OF PEOPLE PLEASING