Với một số người, cuộc đời dường như được dẫn dắt – và đồng thời bị bó buộc – bởi một nguyên tắc tối thượng: không bao giờ được làm ai thất vọng. Không chỉ vài người bạn thân hay người trong gia đình, mà là hầu như bất kỳ ai, miễn họ muốn điều gì đó từ ta.
Có thể ai đó muốn mời ta đi ăn tối lần nữa, vì lần trước ta đã làm họ cười vui. Vấn đề là ta chẳng mấy ưa họ, nhưng rồi vẫn đi. Bởi sao ta có thể từ chối, không chỉ lần này mà có lẽ còn 20 lần sau đó nữa? Ta đưa tiền cho người ta chẳng tin tưởng, thức khuya ở những bữa tiệc nhàm chán, đi nghỉ cùng những nhân vật chẳng có điểm chung. Thậm chí, ta còn cảm thấy có trách nhiệm với một người vừa gặp trên tàu điện hay một chú chó cứ muốn ta ném bóng mãi. Tấm bia mộ của ta có thể sẽ ghi: “Ra đi sớm hơn dự tính, vì không biết cách nói không.”
Tình hình càng trở nên trầm trọng hơn khi ta gặp một người tốt với mình, hoặc khi mối quan hệ trở nên sâu sắc về mặt cảm xúc. Nếu ta bắt đầu cảm thấy không chắc chắn về người yêu, ta vẫn sẽ mỉm cười kiên nhẫn khi họ nhắc đến việc gặp bố mẹ, chuyển đến sống chung – hay kết hôn. Mình là ai mà dám phản đối? Điều gì cho ta quyền làm chệch đi niềm hân hoan của họ, chỉ bởi ta thấy hơi khó chịu – hay đôi lúc có chút buồn nôn?
Cảm giác nghĩa vụ ấy thường có gốc rễ từ quá khứ. Ngày trước, có lẽ những người xung quanh không quan tâm lắm đến nhu cầu thực sự của ta. Ai mà thèm để ý việc ta cảm thấy thế nào về trường học, một người bạn, hay cơn đau lạ lùng trong bụng – khi họ, những người “quan trọng,” đang bận rộn với thế giới to lớn của riêng họ? Ta học cách bước thật khẽ, kẻo chọc giận thêm những cơn cuồng nộ hoặc khơi dậy sự tự thương hại đầy bực dọc từ họ. Có lẽ tốt nhất là không nên nhắc rằng mình cần đi vệ sinh, không thích thú gì cái bảo tàng kia, hay thực sự muốn thêm một miếng bánh nữa.
Cảm giác nghĩa vụ cuồng loạn này chính là hệ quả của việc những người quan trọng ấy không cảm thấy có nghĩa vụ gì đối với ta.
🌸 CỞI BỎ NÚT THẮT
Lối thoát đầu tiên là bắt đầu nhìn nhận vấn đề này một cách nghiêm túc. Đây không chỉ là điều mà ai cũng phải làm. Ở mức độ này, nó là một căn bệnh. Ta cần học một thứ ngôn ngữ xa lạ: sự thành thật.
“Tôi không muốn ở cạnh người này nữa – dù từng có lúc chúng ta vui vẻ.”
“Tôi không muốn gặp lại người bạn này – dù họ cũng có những điểm tốt.”
“Tôi không cần phải làm điều họ muốn – ngay cả khi họ nói rằng họ rất quý mến tôi.”
Khi lần đầu phát hiện ra bản thân có thể nói “không,” ta sẽ thấy kinh ngạc. Trước đây, ta vẫn nghĩ mình là “người tốt.” Nhưng giờ đây, ta cảm thấy mình còn có nghĩa vụ lớn hơn – đối với chính mình – thay vì chỉ đáp ứng những mong mỏi vô tận từ người khác.
Điều bất ngờ là hậu quả của việc khiến ai đó thất vọng hầu như chẳng nghiêm trọng như ta vẫn lo sợ.Không phải ai cũng dễ tổn thương như người cha yếu đuối hay người mẹ nóng nảy của ta. Hầu hết người trưởng thành đều có thể chấp nhận một lời từ chối, và đôi khi, họ thậm chí còn biết ơn khi ta đặt giới hạn cho những đòi hỏi của họ.
Ta có thể chọn một lối ứng xử nằm giữa hai cực: một bên là cam chịu nhún nhường, bên kia là nổi trận lôi đình. Ta có thể vừa lịch sự vừa dứt khoát, vừa nhẹ nhàng vừa kiên định.
“Tôi rất muốn gặp bạn, nhưng dạo này sức khỏe không tốt lắm. Để tôi chủ động liên lạc khi tôi sẵn sàng nhé…”
“Cảm ơn bạn vì lời mời tử tế. Tôi rất muốn nhận lời, nhưng hoàn cảnh hiện tại khiến tôi đành từ chối. Mong bạn thông cảm…”
“Bạn là một người tuyệt vời, tôi rất trân trọng khoảng thời gian bên nhau, nhưng sau khi suy nghĩ kỹ, tôi không sẵn sàng tiếp tục mối quan hệ này…”
Những câu thế này đáng lẽ phải được dạy ở trường cho những ai chưa từng học được ở nhà – để rồi lớn lên mãi vẫn ngại ngùng chẳng dám hỏi… nhà vệ sinh ở đâu.
Ta sẽ biết mình tiến bộ khi bắt đầu yêu thương bản thân nhiều hơn là sợ làm phiền lòng những người không xứng đáng với thời gian và năng lượng của ta. Bởi đôi khi, cách tử tế nhất mà ta có thể làm cho chính mình là dũng cảm nói: “Không.”
Nguồn: ON FEELING OBLIGED – The school of life