Có bạn hỏi tôi, liệu các Sư hay xuất hiện trên mạng có tu thật hay không, hay chỉ phong bạt để nhận hưởng cúng dường và sự tung hô của bá tánh.
Hoặc một ý kiến khác, là người tu thật thì họ sẽ chọn ẩn danh, hạn chế lộ tướng nhất có thể, và ít động đến chuyện thế gian.
Anh em thân mến, lộ diện hay ẩn danh, không quan trọng, có tu thật hay không, tự tâm người đó biết, với vai trò là người nghe, là người tầm Sư học đạo (Pháp), thì anh em nên hiểu thế này, anh em đi ăn phở, cái cốt lõi là tô phở ngon, hợp khẩu vị, nói chung là ăn được, chứ không ai đi ăn phở mà lại hỏi xem người bán phở là đã tốt nghiệp cử nhân nấu phở chưa, hay có bảng điểm hạnh kiểm tốt hay không, hay gia đình ông bán phở có đạt chuẩn gia đình văn hoá hay không. Nếu không có mấy cái đó thì anh em sẽ không ăn. Không ai như vậy cả, anh em thống nhất chỗ này.
Nó sẽ logic như sau, outcome (đầu ra) của một ông bán phở là tô phở ngon và chất lượng. Thì outcome của một ông Sư là một bài pháp thoại đúng chánh pháp.
Anh em phải đọc thật chậm chỗ này, một người có thể giảng Pháp cho anh em, và lời giảng hoàn toàn khớp với kinh điển, vậy anh em tin và dùng được không?
Tin được và dùng được, nếu lời giảng có chánh kiến rõ ràng. Vậy liệu người đó đã tu theo những lời giảng đó hay chưa?
Chưa biết, tu ít, tu nhiều, hay chưa tu, chỉ người đó biết thôi. Vậy tại sao họ giảng được như vậy?
Một, là họ có tu thật, có trải nghiệm thật, họ chia sẻ thật như vậy.
Hai, là họ thuộc bài trên trí nhớ, kinh kệ nhớ hết, giảng không sót một chữ nào, nhấn nhá hợp tình, nhưng thân tâm vẫn chưa tu.
Đến đây, vậy giờ kiếm ai để học?
Kiếm người chân tu để nghe sao?
Giờ tin ai đây, không phải một mình tôi nói, mà cả Đức Phật cũng nhắc rồi, về sau ai mượn lời ta nói, các con cứ nghe đi đã nhưng đừng tin vội, cần phải trải, phải chứng nghiệm, rồi mới tin các con nhé.
Ngài tính xa, biết sau này, nhiều người mượn lời Ngài thêm bớt tý tý để phục vụ mục đích cá nhân, hoặc tuyên truyền sai lệch, cho nên, dù ai có nói rằng, đây là từ Kinh trích nguyên văn ra thì anh em cũng phải trải nghiệm rồi mới tin. Giờ chưa có gì để mò đường thì cứ tạm tin rồi đối chiếu lại sau.
Trở lại chuyện tô phở, thì nghe Pháp cũng vậy, nếu người nói có tu thì tốt, lời nói ra uy tín hơn tý, còn nếu chưa có tu, nếu lời nói của họ hợp chánh pháp thì nghe cũng được. Mà làm sao để nhận biết?
Về nhà ứng dụng mà thấy càng hành theo, càng thấy mình dễ thương hơn, ít phóng dật hơn, ít thấy mình quan trọng hơn, bớt thị phi hơn, bớt thích ghét hơn, bớt bám chấp hơn, bớt thể hiện hơn… thì có thể anh em đang đúng hướng rồi đó.
Chứ càng tu pháp gì mà càng phình to cái tôi ra thì nên xem lại, còn nếu chờ đợi để kiếm được bậc chân tu để học thì anh em chờ mòn cổ, hoặc người đó kế bên ngay anh em mà tầm anh em chưa nhận ra.
Người thuộc bài giảng Pháp thì đông, anh em sẽ học được nhiều từ nhóm này, nhất là những giai đoạn đầu sơ cơ, còn xa hơn nữa thì tự thân cái trí tuệ của anh em sẽ dẫn lối cho anh em nên gặp ai, nên đọc gì, nên nghe gì, nó có lực hút, tâm lực đến đâu thì pháp nó sẽ tương ứng đến đó.
Có trí sáng hơn, thì anh em nghe đến đâu có khả năng phản biện đến đó, lập luận được, kết nối được, chứ không cần phụ thuộc vào lời nói của một người Thầy duy nhất. Còn anh em nào mà hỏi tôi, người A giác ngộ chưa, người B giải thoát chưa, người C là chân tu phải không?
Tôi không trả lời được, vì chỉ chính người đó biết thôi, tuy nhiên, tôi biết rõ một điều,
nếu người đó đã hết phiền não, hết bám chấp thì người đó giác ngộ giải thoát, còn ngược lại thì chưa, tôi cũng vậy, tôi còn bám chấp, còn âu phiền thì còn xa bờ.
Bonus,
Chính anh em cũng có thể giảng pháp cho bạn bè, hay người thân của anh em được, chứ không nhất thiết anh em đã tu xong thì mới được giảng. Nói về nhân quả, vô thường, chính anh em cũng giảng được, và nếu nó có lợi cho đối phương thì tại sao không.
Giống một người khuyên anh em đừng hú.t thuố.c, dù họ vẫn chưa bỏ thuốc được, tại sao họ vẫn khuyên, vì họ thấy nó hại bản thân họ rồi, nên khuyên anh em để đừng giống họ nữa.
Cheers
Bác 7B
——-
Hình của Phil Langer