1. Có người xuất gia vì muốn trốn luật vua, phép nước.
2. Có người xuất gia vì để được thân cận giới quyền quý cao sang.
3. Có người xuất gia vì mong được quyền hành trong một ngôi chùa hay lãnh đạo Tăng lữ, đồ chúng.
4. Có người xuất gia vì thất nghiệp, muốn kiếm miếng cơm manh áo.
5. Có người xuất gia vì cô thế, cô thân, trốn kẻ thù nghịch.
6. Có người xuất gia vì mang công mắc nợ.
7. Có người xuất gia vì sợ sanh tử luân hồi, muốn chấm dứt khổ đau, phiền não.
Đọc qua thì anh em tự ngẫm, 100 người cạo đầu đi tu thì được bao nhiêu người với cái tâm chân thành cầu giải thoát.
Hoặc đa phần, đang mượn cái cớ cầu trí tuệ để thoả mãn những động cơ tham dục vi tế khác. Nên có trời với người đó mới biết thôi, tuy nhiên, cách tu và hình tướng tu cũng nói lên được phần nào nếu anh em chịu quan sát họ đủ lâu.
Xuất gia, không phải là con đường duy nhất để đạt được trí tuệ minh sát.
Xuất gia, cũng không phải là con đường duy nhất để đạt đến giới – định – tuệ tự tánh.
Xuất gia như đi học lớp chuyên, bà con bá tánh góp cơm cúng dường để người đó ‘chuyên tâm’ học thành tài.
‘Thành tài’ nên hiểu ở đây gồm có 2 phần, một là người đó giải quyết được vấn đề trong thân tâm họ trước.
Vì mình còn đầy khổ đau thì giúp được ai bớt khổ, hoặc nói cách khác, tâm mình còn đầy rác thì lấy tư cách gì để hướng dẫn người khác dọn rác.
Hai là, khi mình tương đối dọn dẹp tham si bên trong được phần nào, rồi chia sẻ lại con đường (pháp) cho bà con đã góp cơm nuôi mình xưa giờ.
Anh em nào hiểu khúc này mới thấy, nhận cúng dường là một gánh nặng không thể tả nỗi, nó như ba má tôi nhịn ăn nhịn uống dồn tiền cho tôi đi học, vậy mà tôi đem tiền đi ăn chơi, trốn học, nói dối, rồi chẳng trả hiếu được gì cho ba má tôi thì tội này trời đất cũng khó tha.
Cúng dường cũng tương tự, bá tánh lo cày bừa để cho các anh em tu tập, mà anh em tu không tới thì cái nợ đó to lắm.
Hiểu thấu khúc này, mới thấm cái câu của Mai An Tiêm, “Của cho là của nợ” nợ pháp và nợ tình nghĩa của bá tánh, nên anh em nào định xuất gia đi tu thì nhớ điều tôi nói, nếu nhân duyên quả của anh em hợp với con đường xuất gia thì phải khắc lên người, ngày nào đã nhận cúng dường thì nguyện phải tu cho tới, chứ không thì nợ bà con nặng lắm, trả vô lượng kiếp đó cũng chưa xong.
Và một điều cốt lõi nữa là, không nhất thiết đến chùa để tu đâu, vì tâm mỗi chúng ta như một ngôi chùa, hay một ngôi đền vậy, ở chùa thì không gian thuận lợi để anh em quán chiếu hơn…
Tuy nhiên ở chỗ làm, hay ở nhà, không gian nhiều tạp niệm nên cũng đầy đủ cảnh trần để anh em quán chiếu được thân tâm mình phản ứng ra sao với bất như ý thường ngày.
Tâm là ngôi chùa, còn anh em là trụ trì của ngôi chùa đó, anh em tự làm, tự cúng dường cho mình, rồi tự tu, hạn chế nhận của bất kỳ ai (nếu không quá cần thiết)
Tất nhiên sống ở đời, mọi thứ tương giao qua lại thì bắt buộc phải nhận, phải nợ, nhưng nhớ là, nợ bao nhiêu thì trả ngay khi có thể.
Người xuất gia cạo đầu, ăn chay, chưa chắc đã ly dục, vì cạo đầu và ăn chay chỉ là phương tiện để mình không vướng mắc vào hình tướng nữa, tiết kiệm thời gian và tiết kiệm năng lượng để liên tục quan chiếu thân-thọ-tâm-pháp trong từng sát na trong từng hơi thở.
Hiểu khúc này, nếu nhà anh em có 4 người, 1 vợ 2 con, thì giống như ngôi chùa có 1 trụ trì và 3 đệ tử. Tất nhiên 3 đệ tử đấy và cả trụ trì cũng còn nhiều tạp niệm si mê quấy lắm, nhưng hãy sắp xếp sinh hoạt như một ngôi chùa thu nhỏ vậy, cũng giữ giới định tuệ y như tu chùa vậy.
Xin nhắc lại, xuất gia hay không xuất gia, đó là duyên hay sự lựa chọn của mỗi người, không có con đường nào hay hơn hay dở hơn con đường nào cả, vì Phật ở trong tâm, tu tâm là thấy Phật, còn hình tướng tu thì tuỳ căn cơ nghiệp báo của mỗi người, Khi tâm mình còn dính mắc, thì dù chỉ còn có cái Bình Bát mình cũng dính mắc.
Còn sống ở đời, tu với đời thường, cố gắng tay nắm nhưng tâm không nắm! Tay nắm là cái gì cũng cầm lên được, còn tâm không nắm là cái gì cũng buông xuống được. Nên tính ra tu giữa đời khó chứ không dễ, mà tu được giữa đời, trong nhà, trong chỗ làm, thì tứ vô lượng tâm vẫn phát triển đầy đủ.
Tu với vợ chồng mình, tu với đồng nghiệp, tu với hàng xóm, tu với con quỷ trong mình, tu mọi lúc mọi nơi với bất kỳ cảnh nào và bất kỳ ai. Mỗi khoảnh khắc sống đều là một cơ hội để tu, một cơ hội để thấy và hiểu mình rõ hơn.
Tái bút:
Anh em cũng từng có nhiều cuộc đời làm tu sĩ, cũng cạo đầu, cũng từng tu trong chùa, và có thể cuộc đời này anh em phải tu ngoài chợ, tự đi làm kiếm ăn, tự cúng dường cho mình, và xây ngôi chùa nhỏ nơi tâm mình để mình và người thân được tu chung.
Nó luân hồi đến nổi da gà là nếu chọn một người bất kỳ mà anh em từng gặp hay thậm chí chưa gặp trong cõi này, thì họ đều từng là bố mẹ của anh em ở một cuộc đời nào đó rồi.
Tham sân si vô thuỷ, đến khi nào mới dừng! Nên anh em đừng lơ là, vì thân người khó được, quán chiếu thân tâm và dọc rác khi có thể.
Cheers
Bác 7B
——-
Hình của Jyo John Mullor