Một buổi tối mùa hè, tháng 5/2018, một cô bạn học cũ không thân cũng không thường nói chuyện, đột nhiên nhắn tin cho tôi, “Tôi muốn hỏi bạn một chuyện này, được không?”
“Tất nhiên là được.”
“Nếu như một người vừa bị chẩn đoán bị u xơ tử cung, bác sĩ nói nếu muốn có con thì phải có ngay lúc này vì sau này sẽ không thể có con được nữa. Người đó muốn có con nên thuyết phục bạn trai cưới và sinh con nhưng người bạn trai không chịu cưới, cũng không muốn chia tay. Mới đây cô ấy còn phát hiện ra người bạn trai của mình đang có mối quan hệ thân thiết với một người khác nữa. Thì giờ cô ấy nên làm gì?”
Vốn tính thẳng thắn lại không thích an ủi lòng vòng, tôi nói thẳng luôn những điều mà có lẽ cô bạn chưa bao giờ nghĩ tới:
“Nếu cô ấy rất muốn có con, kiểu như khao khát cháy bỏng được làm mẹ thì có thể nghĩ ngay đến chuyện kiếm một đứa con và rồi chuẩn bị sẵn tâm lý cho việc làm mẹ đơn thân. Còn nếu cô ấy không khao khát làm mẹ mà chỉ tiếc nuối việc mất đi khả năng làm mẹ, thì thôi, tốt hơn là đừng nên có con. Sống trên đời đâu phải ai cũng phải có con. Không có con cũng chẳng sao cả nếu bạn vẫn sống khỏe mạnh, hạnh phúc.”
Bạn ấy đáp, “Tôi không thể kiếm ở đâu khác một đứa con được. Tôi không làm được. Bạn trai tôi lại không muốn. Tôi không cam tâm. Tôi có quyền được làm mẹ. Tại sao người ta lại lấy mất thiên chức ấy của tôi?”
“Thế thì có lẽ bạn nên bỏ ý định có con đi và làm ơn bỏ luôn cả suy nghĩ về ‘thiên chức làm mẹ’ đó nữa. Bạn có quyền chọn ‘thiên chức làm mẹ’ thì bạn cũng nên tôn trọng người cha về quyền chọn việc có muốn làm cha hay không chứ? Nếu ‘thiên chức làm mẹ’ là một quyền thì ‘thiên chức làm cha’ cũng nên là một quyền và nếu là quyền – người ta phải được quyền nói ‘có’ hoặc ‘không’ chứ. Với lại ai đã lấy đi thiên chức ấy của bạn? Nên nhìn thấu suốt chỗ này trước khi dùng nó để đổ lỗi cho bạn trai của bạn. Nếu bạn cho rằng trời cho bạn cái chức ấy thì rõ ràng trời cũng có quyền lấy nó đi chứ.”
“Ừ biết vậy nhưng vẫn khó chấp nhận. Giờ tôi sẽ học cách không đổ lỗi nữa, tôi chấp nhận rồi.”
“Mà tôi nói thật bạn đừng giận nhé. Tôi nghĩ bạn không nên có con. Ngay tại thời điểm này, bạn là người cuối cùng trên đời nên có con.”
“Tại sao?”
“Làm mẹ là một công việc cực kỳ khó khăn vất vả. Một người chỉ nên làm mẹ khi người đó đã chuẩn bị sẵn sàng mọi thứ, hay ít nhất ba thứ: một là sức khỏe tốt, hai là tinh thần tốt, ba là tài chính đủ ổn định. Mà theo tôi thấy, bạn không có cả ba thứ đó. Bạn đang mang bệnh tật thì sinh con ra bạn sẽ chăm con kiểu gì, ai sẽ chăm đứa trẻ khi nó không có cha? Chẳng lẽ bạn lại để cho ba mẹ của bạn chăm con à? Rồi thì bạn đang không hề hạnh phúc. Trong bạn chỉ đang chất chứa toàn hận thù, căm ghét vì ý nghĩ mình bị phản bội từ người đàn ông kia. Chưa kể nỗi đau đớn bệnh tật thể xác thì riêng mỗi những suy nghĩ tiêu cực trong thời điểm này của bạn, thì việc có con giống như bạn đang muốn trả thù đời vậy. Sau cùng là bạn cũng chẳng hề có tài chính ổn định nữa chứ. Bạn đang yếu cả sức khỏe thể chất, tinh thần lẫn tài chính. Bạn sinh con sẽ không chỉ làm con khổ, bạn khổ mà có thể cả gia đình bạn cũng khổ theo nữa.”
“Đúng vậy. Hiện giờ tôi chỉ thấy căm phẫn và tức giận cái kẻ khốn nạn, cái con quỷ đội lốt người ấy.”
“Lại nói thật thêm một điều khác mong bạn đừng giận. Cái viễn cảnh một tình yêu cùng nhau vượt qua mọi gian khổ – hiếm lắm. Con người ngày nay đủ mọi áp lực quay cuồng, gánh một đời mình đã không đủ sức thì làm sao sẵn sàng gánh thêm người khác nữa. Nếu tôi là một người đàn ông bình thường, nghe bạn bệnh tật như vậy tôi đã đủ lo sợ chán nản rồi, bảo tôi cưới bạn tôi còn phân vân, huống gì lại còn có con cùng nhau. Đó không phải việc chăm sóc một con chó con mèo, không thích thì cho hay thả đi đâu thì thả. Bạn trai bạn tuy đi với người khác bỏ mặc bạn có thể là không đúng (tôi không phán xét chuyện này vì tôi không trong cuộc), nhưng việc anh ta từ chối chuyện cưới gấp và có con gấp, bạn không trách được đâu.
Tôi chỉ ước bạn học được cách chấp nhận suy nghĩ rằng không có con cũng không sao cả. Mà thật sự là chẳng sao cả. Đừng ép ai đến đường khó khăn chỉ vì mình đang bị rơi vào đường khó khăn bạn ạ. Tôi nghĩ thế.
Bạn phải mạnh khỏe trước, phải thanh thản tâm hồn trước thì sau đấy hãy nghĩ tới mấy việc như là làm mẹ, làm vợ hay làm dâu này nọ. Đừng quá lo chuyện đó sớm rồi lại căng thẳng áp lực bệnh nặng thêm. Không có lợi cho ai một chút nào cả.
Bạn hãy chia tay người đàn ông đó sớm đi, nhưng đừng trách anh ta. Anh ta không phải là người “tước quyền làm mẹ” của bạn, anh ta cũng không phải là người nên gánh chịu những đau khổ của bạn. Không ai trên đời nên gánh chịu sự đau khổ của người khác. Một từ khác của việc này là “hi sinh” – từ việc hi sinh mà cuộc đời của bao nhiêu người phải khổ sở. Bạn nên chia tay xong rồi dành toàn bộ thời gian để chăm sóc bản thân đi, từ cơ thể, sức khỏe cho tới tinh thần. Tập trung đi làm kiếm tiền và học thêm thứ gì đấy bạn yêu thích. Học vừa để bận rộn quên đi những chuyện buồn vừa mở rộng thêm các cơ hội việc làm sau này tự lo cho bản thân.
Nói về công việc, nếu như không thể có con mà bạn vẫn yêu trẻ thì bạn có thể nhận giữ trẻ con cho người khác chẳng hạn. Dùng tình yêu thương con trẻ của bạn để yêu thương những đứa trẻ của người khác, vừa thêm thu nhập nuôi bản thân vừa thỏa mãn nhu cầu làm mẹ sâu thẳm bên trong. Xã hội này cần lắm những người bảo mẫu đầy tình yêu thương con trẻ.
Cuộc sống này ngắn lắm, bạn cứ đau buồn, bệnh cũng không khỏi được, có khi còn nặng hơn. Chi bằng nghĩ về những gì mình đang có và có thể làm. Nghĩ về những gì mình muốn làm trong cuộc đời vốn ngắn ngủi này. Cái gì không làm được thì tìm cách thay thế. Phải nghĩ khác đi thì mới sống khác đi được.
Bạn cứ nghĩ kiểu truyền thống rằng đời bất công, rằng ai cũng phải làm mẹ bằng mọi giá, rằng người khác phải chịu trách nhiệm cho đời mình thì tin tôi đi, bạn sẽ còn đau buồn khổ sở dài dài. Sống như vậy phung phí cuộc đời hơn chuyện vô sinh nhiều.
Đừng quên lời tôi nhé: khi bạn không khỏe mạnh về cơ thể vật lý, không hạnh phúc về tinh thần, không đủ tài chính vật chất. Thì tốt hơn hết vẫn là đừng nghĩ đến chuyện có con vội vàng như vậy làm gì.”
Đại loại sau cuộc tâm sự ấy thì tâm trạng cô bạn cũng khá lên nhiều, cô bạn nói lời cảm ơn vì đã cho cô ấy một góc nhìn khác và chúng tôi không trò chuyện với nhau một thời gian. Tôi quên bẵng cô bạn cho tới khi cũng một ngày tháng 5, năm 2020, facebook cập nhật tin cô bạn ấy đổi ảnh đại diện khiến tôi bất ngờ. Ảnh đại diện mới là hình cô ấy cùng người chồng mới cưới trong trang phục cưới xinh đẹp và lộng lẫy.
Điều gây ấn tượng mạnh cho tôi là nụ cười của cô ấy rất mãn nguyện và hạnh phúc. Thế rồi tôi nhấn vào trang cá nhân để xem tình hình cô bạn ra sao và ngạc nhiên chưa, cô ấy đã kết hôn và vừa hạ sinh một em bé rồi. Đứa trẻ trông khoẻ mạnh, bụ bẫm. Người đàn ông trông có vẻ thành đạt và rất yêu thương cô.
Một post khác cô ấy viết những dòng cảm ơn con đã đến bên mình, đã ngoan ngoãn trong những ngày tháng thai kỳ khổ sở. Cô ấy cũng cảm ơn người chồng hiện tại đã đến bên cô ấy. Tôi chợt thấy mình nổi da gà vì vui mừng cùng cô bạn. Tôi không biết người đàn ông này có phải cùng người cũ hay không và bệnh tình cô ấy ra sao, nhưng chỉ cần nhìn nụ cười viên mãn hạnh phúc của cô ấy bên chồng con khiến tôi tin cô ấy đã vượt qua giai đoạn khó khăn trước đây rồi.
Cô ấy đã là một con người khác rồi, và con người mới này có lẽ đã sẵn sàng để làm mẹ. Cuộc đời là như thế, khi chuyện xảy đến, đặc biệt những chuyện như thất vọng, phản bội, đau đớn đổ xuống đầu người ta, người ta cảm tưởng như thế giới đổ sụp dưới chân mình. Nhưng rồi cứ để nó sụp đi, ngồi xuống một lát nghỉ ngơi đi, mọi chuyện sẽ lại đâu vào đó.
Một cánh cửa đóng lại luôn có những cánh cửa khác mở ra. Đôi khi nhiều cửa mở ra quá khiến bạn không thể tin được chỉ mới hôm qua bạn còn đang khóc thương một cánh cửa cũ nát vừa đóng sập trước mặt.
Kể cả khi bạn biết đó là cánh cửa của một buồng giam bằng đá lạnh lẽo chứ không gì hơn, vậy nhưng bạn vẫn tiếc nuối. Nhìn lại tất cả bạn sẽ thấy bản thân thật ngu ngốc và cả buồn cười làm sao.
Tôi mừng vì tin rằng cô bạn đã có con trong một hoàn cảnh đúng hơn trước đây rất nhiều. Đứa trẻ này có thể là một phúc lành cho cuộc đời cô ấy và cho thế giới, chứ không chỉ là một công cụ để trả thù cuộc đời và giành giật cái thiên chức vốn dĩ chỉ là tự phong tự nhận.
Làm mẹ có thể là thiên chức nhưng bạn phải chứng tỏ là bạn xứng đáng chứ với nó đã chứ. Mặc dù cho cô bạn lời khuyên nhưng thâm tâm tôi không cho rằng mình có đủ thẩm quyền để đánh giá bất cứ ai rằng họ đã sẵn sàng hay có đủ tư cách làm mẹ hay chưa. Đó không nên và không phải việc của ai cả. Đó là một việc cá nhân mà mỗi người, mỗi cặp đôi nên tự xem xét và đánh giá về khả năng của từng người lẫn của nhau trước khi có một quyết định quan trọng làm vậy.
Quyết định có con là một quyết định sẽ thay đổi cuộc đời bạn mãi mãi. Và thay đổi theo hướng tốt hay xấu thì tuỳ thuộc vào việc bạn đang sống cuộc đời tốt hay xấu nữa. Tốt xấu ở đây ngụ ý cuộc đời bạn có nhiều bình an không, nhiều hạnh phúc, vui vẻ, nhiều từ bi, nhiều sáng tạo và nhiều tỉnh thức hay không.
Mỗi người có tư duy khác nhau sẽ có những tiêu chuẩn khác nhau về việc thế nào là đủ khoẻ mạnh để sẵn sàng đón chào một sinh linh mới. Có những người muốn sinh con cách nhau nhiều năm để đảm bảo bản thân đủ khoẻ mạnh trong việc chăm sóc từng đứa. Nhưng cũng có những người muốn sinh liền hai đứa cách nhau thật ít, để “tiện thể một công chăm sóc”. Chúng ta chẳng là ai để phán xét những quyết định này.
Có người chỉ muốn sinh con khi khoẻ mạnh nhưng cũng có người muốn sinh con để “chạy bệnh” như cô bạn tôi ngày ấy. Rồi thì có người cho rằng chỉ khi lương tháng của họ hàng trăm triệu một tháng thế thì họ mới nên có con, trong khi những người khác lại cho rằng “trời sinh voi ắt sẽ sinh cỏ”.
Chuyện tài chính như thế nào là đủ thì mọi người nên tự suy xét, trước khi nghĩ chuyện con cái bạn nên có bảng kế toán dự liệu và tham vấn từ những bà mẹ khác để liệu chừng việc có con sẽ tốn kém như thế nào, tránh tình trạng thất vọng hay hoảng hốt khi đối diện thực tại tốn kém một cách phũ phàng và gây quá nhiều áp lực lên cuộc sống gia đình sau khi có con.
Còn những người cho rằng “trời sinh voi trời sẽ sinh cỏ”, ấy là những người của thời quá khứ, như cha mẹ của tôi. Tôi dám tin rằng họ chẳng bận tâm chuyện nuôi một đứa trẻ tốn kém bao nhiêu cả vì thời ấy rất khác bây giờ. Ngày xưa trẻ con không có được nhiều tiện nghi vật chất tốt như bây giờ nhưng một điều là chắc chắn: chúng có nhiều tự do hơn và ít áp lực hơn từ người lớn. Ít nhất là ở cái thời của tôi, lũ trẻ nghèo nhiều tự do lắm.
Cái nghèo của ngày xưa có cái hay của nó. Ấy là khi cha mẹ nghèo phải đi làm cả ngày, bỏ lại con cái cho người già ở nhà chăm sóc và đứa trẻ được tự do vui chơi và phát triển mà không bị ép buộc phải học hành hay bị áp đặt những tư duy hệ thống cứng nhắc của người lớn.
Tôi là một người may mắn khi gia đình tôi không nghèo nhưng cha mẹ tôi vẫn phải làm việc trên rẫy xa cả ngày và chúng tôi được bà nội chăm sóc. Nói chăm sóc cũng hơi quá. Bà phải chăm lo cửa hàng tạp hóa nhỏ, phải nấu cơm cho lũ cháu, nuôi đàn heo đàn gà nữa, và vì bà bận rộn thế nên chúng tôi hoàn toàn tự do vui chơi quanh nhà, quanh xóm. Điều này hóa ra là một diễm phúc lớn lao mà mãi sau này tôi mới biết.
Ngày xưa đơn giản nên cái nghèo không phải vấn đề. Đứa trẻ không uống sữa thì uống nước gạo, bột sắn vậy mà cứ lớn khoẻ vù vù. Người em mặc lại đồ của các chị mình và chẳng ai lấy làm phiền lòng cả. Nhưng vấn đề của người ngày nay là: ngày nay không phải… ngày xưa.
Cái nghèo ngày nay bị xem như một loại mặc cảm, một thứ “tội lỗi tinh thần”. Chẳng mấy ai là quá nghèo đến mức không thể nuôi con mình nhưng quá nhiều “người giàu” xung quanh liên tục khoe những tiện nghi mới nhất, loại sữa tốt nhất, đồ chơi hay nhất cho con của họ sẽ khiến những người nghèo này mặc cảm và xấu hổ.
Những cha mẹ sợ con mình thua thiệt thường làm mọi thứ “vì con” nhưng thực chất cũng chỉ vì bản thân họ. Họ không muốn mình là người thua cuộc trong cuộc chiến khoe con. Và cuộc chiến giữa những người lớn xem con mình như công cụ thường dẫn đến kết cục hiển nhiên rằng những đứa trẻ sẽ phải “ngấm” đủ mọi thể loại bản ngã, tham vọng, tranh đấu, hung hăng, so sánh hơn thua với người khác. Cuộc đời nó chính thức trở thành “loạn thần kinh” từ điểm này.
Cho nên nếu bạn không khoẻ về tài chính, điều đó cũng tốt thôi nhưng chỉ với một điều kiện, đây là điều kiện quan trọng nhất: Bạn phải khoẻ mạnh về tinh thần, tâm lý.
Nếu bạn chấp nhận được việc mình nghèo, con mình nghèo thế thì chỉ cần sống vui sống đủ với cái nghèo của mình, không bận tâm đua tranh với những người khác là đủ. Nếu bạn chấp nhận được rằng nếu nhà không có thịt, thì con có thể chỉ ăn cơm rau, ăn chay cũng tốt. Nếu bạn có thể chấp nhận được rằng bạn sẽ cố gắng cho con một cuộc đời tốt nhưng tốt ở đây không chỉ có nghĩa vật chất. Thế thì bạn rất khoẻ về tâm lý, bạn hoàn toàn sẵn sàng có con bất cứ lúc nào.
Cha mẹ tôi từng nghèo nhưng họ là người đúng để có con và cái đúng ấy được thể hiện qua việc họ đã cho chúng tôi tất cả những gì một đứa trẻ cần nhất. Đó là tình yêu và sự tự do.
Tôi hiện tại không nghèo và tôi cũng cho rằng mình đang là người đúng để có con, chỉ có điều thời điểm đúng chưa tới và tôi cũng không bận tâm khi nào nó tới.
Trời sinh voi sinh cỏ, trời cũng sinh ra tôi rất thích tự trồng bãi cỏ của riêng mình để nhẩn nha nhâm nhi tách cafe buổi sáng nghe tiếng chim hót líu lo, thay vì hối hả thúc bầy con thức dậy, bắt chúng nhồi bữa sáng và đưa cả đám đi học ở các trường khác nhau như nhà hàng xóm đối diện, hay như các chị em khác của tôi.
Mỗi người nên được quyền tự chọn phong cách sống của riêng mình và chịu trách nhiệm cho nó. Nếu có quyền, tôi muốn viết điều này thành một quyền trong hiến pháp, cho tất cả mọi người.
“Mọi người có quyền tự do lựa chọn phong cách sống của riêng mình.” Tốt hơn nữa, hãy xem nó như một “nghĩa vụ” chứ không chỉ là quyền. Thế thì cuộc đời bạn sẽ sớm nở hoa nhiều lắm. Tôi biết điều đó, vì tôi đã sống nó.
Cả đời tôi là chuỗi ngày trải nghiệm để dần dà tự tạo nên phong cách sống của riêng mình và điều đó đã khiến cuộc sống của tôi đẹp và ý nghĩa đến nỗi, tôi ước ao bạn cũng có thể làm như vậy.
Rồi biết đâu, con của bạn cũng sẽ có được quyền ấy. Nếu mọi người đều có khả năng sống cuộc đời theo phong cách của riêng mình, nhân loại sẽ sớm trở thành một khu rừng tuyệt đẹp bung nở đủ mọi sắc hoa.
Thế nhưng sự thật đáng buồn là thế giới hiện tại vẫn chưa có nhiều hoa bung nở như nó có thể, và một trong số những lý do lớn nhất là: những đứa trẻ không có nhiều tự do, chúng vẫn đang bị gò ép phải “nở hoa theo định hướng” của cha mẹ, trong từng việc làm nhỏ mỗi ngày.