Không quan trọng bạn làm điều gì – bạn chẳng có sức mạnh nào cả. Điều bạn có thể hy vọng nhiều nhất là sinh ra trong hoàn cảnh may mắn và đủ vận để chịu đựng một cuộc đời ưu đãi nhiều tiện nghi hơn là đau khổ.
Niềm tin này, rằng ta cực kỳ bị giới hạn về khả năng tác động tới phương hướng của cuộc đời, có lẽ là một trong những trạng thái tâm lý gây hại nhất. Tuy nhiên, đáng buồn nó cũng là một kiểu tư duy gây khổ sở tới nhiều người trong thời kỳ hiện đại.
*Khi còn là trẻ sơ sinh, và bước vào thời thơ ấu, nhìn chung chúng ta là những sinh vật không tự lực được – hoàn toàn phụ thuộc vào cha mẹ, anh chị em và những người chăm sóc khác cho sự sống còn của chính mình. Nói cách khác, ở giai đoạn đầu cuộc đời, ta bất lực về mặt khách quan. Khi ta già đi, sự bất lực về mặt khách quan này giảm dần cùng với sự phát triển của khả năng thể chất và tinh thần. Nhưng đối với nhiều người, sự bất lực về mặt khách quan của tuổi trẻ được thay bằng sự bất lực chủ quan nguy hiểm – một sự bất lực không dựa vào thực tại khách quan, như đối với trẻ sơ sinh, mà thay vào đó là thái độ tâm lý và cảm xúc của con người đối với cuộc sống.
*Những người khổ sở với thái độ bất lực này ngày càng trở nên không có khả năng đương đầu với những hiện thực tàn khốc của cuộc đời. Họ tin rằng mình chẳng làm nên sự khác biệt nào và rằng số phận phần lớn nằm ngoài tầm kiểm soát của họ. Nếu thái độ này kéo dài quá lâu, cuộc đời sẽ trở nên không hơn gì một nỗ lực trốn chạy khỏi lo âu, trầm cảm, và sự chán chường – và điều này không có gì đáng ngạc nhiên. Nếu bạn tin rằng bản thân mình yếu đuối, bạn sẽ ngừng cố gắng tìm kiếm giải pháp cho vấn đề của mình, ngừng phấn đấu để hoàn thành mục tiêu và chìm vào tánh tự mãn khiến cuộc sống mất đi bất kỳ ý nghĩa hay mục đích nào.
*Do vậy, vượt qua sự bất lực chủ quan có thể mang đến một tác động to lớn tới cuộc sống con người và may mắn thay, bởi đó là một thái độ – một cách nhìn nhận bản thân trong mối tương quan với thế giới – chứ không phải khách quan như đối với một đứa trẻ sơ sinh, nó có thể khắc phục được.
*Điều khiến cho nhiều người khó vượt qua thái độ này là do họ hiểu những thất bại và khó khăn của mình giống như phản ánh thái độ kém cỏi của cá nhân hạn chế khả năng tạo ra những thay đổi tích cực. Nhưng hiếm khi họ tính đến việc tất cả mọi người đều trải qua những điều này, và rất thường xuyên những người vĩ đại mà ai cũng biết, không phải những kẻ tầm thường, là những người trải nghiệm sự đau khổ kịch liệt nhất.
*Khi con người nhìn vào một hình tượng nổi tiếng trong lịch sử, chẳng hạn như Goethe hay Beethoven, thường tập trung vào những thành tựu vĩ đại của họ – có thể là những tác phẩm của Goethe hay các bản giao hưởng của Beethoven, tuy nhiên, quan sát kỹ hơn những cá nhân này cho thấy rằng cuộc đời của họ được định hình bởi những bần hèn mà họ phải chịu đựng, cũng như những đỉnh cao đáng kinh ngạc mà họ chạm tới. Ví dụ Goethe không lạ gì với sự đau khổ, nói rằng:
“Tôi có thể nói rằng trong 75 năm cuộc đời của mình, tôi chưa bao giờ trải qua 4 tuần thực sự dễ dàng.” (Goethe)
*Nhưng không như một cá nhân bị bất lực chủ quan, Goethe không nhìn nhận khó khăn của ông như là một sự phản ánh rằng ông bằng cách nào đó kém cỏi hơn những người khác và do đó nên cam chịu một cuộc đời không hành động. Thay vào đấy, ông biết rằng cuộc đời chính là một quá trình, chứa đầy những thử thách vượt qua và rằng
“Điều tuyệt vời nhất trên thế giới này không nằm ở việc ta đang đứng ở đâu mà là ở vị trí ta đang tiến tới.” (Goethe)
*Nhiều người suy ngẫm về hoàn cảnh con người đã lưu tâm rằng sự đau khổ, khó khăn, và thất bại chắc chắn sẽ mang tới cho ta sự đau đớn. Nhưng một số ít người sống trọn vẹn cũng nhận ra rằng đây chỉ là một phần của việc trở thành con người và rằng trong mỗi người vẫn tồn tại một sức mạnh nội tâm to lớn để vượt qua ngay cả những đau khổ lớn nhứt.
*Nhà tâm lý học William James, trong bài luận The Energies of Men đề xuất rằng hầu hết mọi người chưa bao giờ đụng đến bề nổi của tiềm năng và trải qua cuộc sống hoàn toàn không để ý tới những sức mạnh tiềm ẩn to lớn sẵn có.
*“So sánh với những gì ta phải trở thành, ta chỉ mới tỉnh thức một nửa… do đó con người thường sống trong những giới hạn của mình; anh sở hữu nhiều loại sức mạnh khác nhau mà anh thường xuyên không sử dụng. Anh mang nguồn sinh lực dưới mức tối đa của mình, và anh hành xử dưới mức tối ưu của mình… theo mọi cách có thể tưởng tượng được, cuộc đời anh bị thu hẹp lại giống như tầm nhìn của một chủ thể cuồng loạn – nhưng với ít lời bào chữa hơn, bởi kẻ cuồng loạn thì bị bệnh tật, trong khi phần còn lại của chúng ta chỉ là một thói quen [lâu đời] – thói quen tự ti về bản thân hoàn chỉnh của mình.” (The Energies of Men, William James)
*Cách duy nhất để chạm vào những năng lượng này, và giảm thiểu tác động của sự bất lực chủ quan, là thông qua hành động. Bằng cách mạo hiểm và đối diện với nỗi sợ, con người sẽ sớm phát hiện ra rằng họ ít bất lực hơn so với những gì họ từng cho rằng. Hành xử theo lối này chắc chắn sẽ có nhiều thách thức vì nó đảm bảo sẽ đi kèm với những thất bại, khó khăn, sự thất vọng. Nhưng cần lưu ý rằng sự xuất hiện của những điều này không phải là dấu hiệu cho thấy rằng mình bằng cách nào đó kém cỏi hơn những người khác. Thay vào đó, một cuộc đời viên mãn không được tìm thấy ở việc tránh né những cuộc đấu tranh và gian khổ, mà bằng cách liên tục đối mặt và vượt qua. Bởi như Nietzsche đã viết trong cuốn Thus Spoke Zarathustra rằng:
“Và cuộc đời đã thổ lộ bí mật cho ta: nó nói rằng, hãy xem này, ta là kẻ phải luôn vượt lên chính bản thân mình.”