I) MỐI NGUY HẠI LỚN NHỨT: ĐÁNH MẤT BẢN THÂN MÌNH.
“Mối nguy hại lớn nhất, mang tên đánh mất chính mình, có thể biến mất trên thế giới này một cách lặng lẽ như thể nó chẳng là cái thá gì; tất cả những mất mát khác, một cánh tay, một cái chân, 5 đô la, một người vợ, vân vân. Chắc chắn sẽ được chú ý nhiều hơn.” (Soren Kierkegaard, The Sickness Unto Death)
Quá trình “đánh mất chính mình” là một mối nguy phổ biến nhưng không được để ý nhiều, nó xảy ra khi một người mất liên lạc với trải nghiệm bên trong bản thân họ, và không ý thức được mình là ai hay những gì mình muốn trong cuộc đời này.
Trong cuốn sách The Disowned Self của ông, nhà tâm lý học thế kỷ 20 Nathaniel Branden đã nghiên cứu mối nguy hại cực kỳ phổ biến này. Miêu tả trải nghiệm của một người đã trở nên xa cách với con người thật của mình, ông viết:
“Đôi khi nó được trải nghiệm như là một cảm giác tự ghẻ lạnh bản thân; đôi khi, như cảm giác rằng bản thân của mình chỉ là một dấu chấm hỏi màu đen tối hay một bí mật đầy tội lỗi, đôi khi, như cảm giác bản thân mình đang trôi nổi trong chân không, mất kết nối với cơ thể; đôi khi, như cảm giác mình chẳng có bản ngã nào. Nó hiện diện trong mọi căn bệnh loạn thần; nó chính là gốc rễ của căn bệnh loạn thần. Tôi gọi nó là: vấn đề của một bản thân bị chối bỏ.” (Nathaniel Branden, The Disowned Self)
II) BẢN THÂN BỊ CHỐI BỎ VÀ PERSONA.
Khi từ chối con người thật của mình, một bản ngã “không có thực” sẽ xuất hiện trước thế giới này. Bản ngã “không có thực” này chính là Persona
Tất cả chúng ta đều có một Persona – một “mặt nạ nhân cách” ta đeo vào và trình diện với những người khác trong xã hội. Nhưng có 1 vấn đề xảy ra khi bản ngã của con người và Persona trở nên đồng nhất với nhau.
Khi một cá nhân thất bại trong việc nhận ra Persona của họ là gì (chỉ đơn thuần là một mặt nạ nhân cách), và thay vào đó lại cho rằng con người mà họ trình diện trước xã hội này chính là con người thật của mình, vậy thì khi đó họ đã chối bỏ chính bản thân mình. Họ đã trở thành một cái vỏ trống rỗng:
“Khi một người chối bỏ những nhu cầu thực sự của mình, thì kết cục không thể tránh khỏi đó là một bản ngã giả mạo sẽ được tạo nên – phần nhân cách mà anh ta sẽ thể hiện trước thế giới này.” (Nathaniel Branden, The Disowned Self)
III) MẤT KẾT NỐI VỚI CON NGƯỜI THẬT CỦA MÌNH
Trong khi hầu hết chúng ta vẫn chưa hoàn toàn mất kết nối với con người thực của mình, thì ở nhiều mức độ khác nhau, chúng ta đều bị ngắt kết nối với nó.
Chúng ta cũng có một khuynh hướng nhầm lẫn giữa Persona với con người thật của mình. Ta nghĩ rằng con người mà mình thể hiện trước xã hội chính là con người thật của mình.
Sự mất kết nối và mơ hồ này cản trở quá trình phát triển tâm lý. Do đó hiểu được lý do tại sao ta xa cách con người thật của mình, và ta có thể làm gì để kết nối lại nó nhằm mục đích trở thành một con người chân chính, và thống nhất hơn là điều cấp thiết.
IV) CƠ CHẾ PHÒNG VỆ VÀ LÝ DO VÌ SAO TA MẤT KẾT NỐI VỚI BẢN THÂN MÌNH.
Mất kết nối với con người thật của mình xảy ra khi ta dồn nén, phủ nhận, hay từ chối trải nghiệm những cảm xúc đau đớn, gợi lên sự sợ hãi, hoặc ta đã đánh giá là không thể chấp nhận được, nói cách khác, khi ta từ chối trải qua những cảm xúc không mong muốn này.
Ta luôn kìm chế những cảm xúc không mong muốn, ở nhiều mức độ khác nhau, bằng cách sử dụng các cơ chế phòng vệ.
“Một sự phòng vệ (hay cơ chế phòng vệ) chính là một kỹ thuật được áp dụng 1 cách tiềm thức, theo đó một người tạo ra và giữ cho bản thân anh không nhận thức được những thôi thúc, cảm xúc, ý tưởng và ký ức không thể chấp nhận nổi và khó chịu với ý thức của anh.” (Nathaniel Branden, The Disowned Self)
Trong khi có vô số cơ chế phòng vệ, 2 cái nổi bật hơn trong số đó chính là phóng chiếu và phân tâm.
V) 2 CƠ CHẾ PHÒNG VỆ PHỔ BIẾN: PHÓNG CHIẾU VÀ PHÂN TÂM.
PHÓNG CHIẾU (PROJECTION)
Khi ta trải nghiệm một cảm xúc cực kỳ tiêu cực, thay vì đối diện và xử lý cảm xúc đó, ta có một xu hướng phóng chiếu nhận thức của mình vào tâm lý của người khác (một ai đó gần gũi với ta)
Chúng ta tiếp tục thuyết phục bản thân mình rằng người khác mới chính là nguyên nhân gây nên nỗi đau, giận dữ, hay buồn rầu, và cứ tiếp tục như thế với trạng thái tâm lý của họ. Điều này cho phép ta
tránh né được nhiệm vụ khó nhằn đó là tập trung và xử lý cảm xúc tiêu cực trong ta.
SAO LÃNG (DISTRACTION)
Thông thường khi ta trải nghiệm những cảm xúc tiêu cực đang lớn dần, hầu hết chúng ta sẽ tìm kiếm một số hình thức gây phân tâm một cách máy móc. TV, các trang mạng xã hội, ma túy, hay rượu bia, tất cả có thể hoạt động giống như một phương tiện để ta hướng nhận thức của mình ra khỏi những cảm xúc đớn đau.
VI) TÁC ĐỘNG CÓ HẠI CỦA VIỆC KÌM NÉN NHỮNG CẢM XÚC KHÔNG MONG MUỐN.
Kìm nén quá nhiều những cảm xúc đau đớn có thể gây ra một số tác hại theo thời gian.
1. Ta có thể mất quyền truy cập vào những nguồn thông tin quan trọng về bản thân chúng ta.
“Có nhiều sự sáng suốt trong nỗi đau cũng như ở trong niềm vui…rằng nó gây tổn thương không phải là để ta tránh né chính nó, mà đúng hơn đó là bản chất của nó.” (Friedrich Nietzsche)
Những cảm xúc đau đớn cực kỳ quan trọng, và nó xuất hiện vì một lý do nào đó. Bên trong bản chất của những cảm xúc không mong muốn đó chính là thông tin về con người thật của mình, tại sao chúng ta như thế này, và ta cần phải làm gì để trưởng thành như một con người.
Kìm nén những cảm xúc đau đớn khiến ta mắc kẹt mãi ở giai đoạn phát triển hiện tại – về mặt cảm xúc, tâm lý và tinh thần.
Theo lời của Branden:
“Khi kìm nén những ký ức, những đánh giá, cảm xúc, sự thất vọng, khao khát và nhu cầu có ý nghĩa, thì họ đã từ chối quyền truy cập vào những thông tin quý giá của bản thân mình; khi cố gắng để nghĩ về cuộc đời và vấn đề của mình, thì anh đã bị kết án để đấu tranh trong đêm tối – bởi vì những khoản thông tin quan trọng đã mất đi.” (Nathaniel Branden, The Disowned Self)
2. Theo thời gian sự kìm nén có thể dẫn tới bệnh tâm thần.
Khi những cảm xúc đau đớn bị kìm nén, nó dần bị giam cầm bên trong cơ thể. Không được phép tự tuôn trào và thể hiện bản thân nó, qua thời gian điều này có thể dẫn đến việc hình thành những túi năng lượng có hại, tạo nên những triệu chứng về mặt thể lý và thậm chí là thành căn bệnh nghiêm trọng
3. Nếu những cảm xúc bị kìm nén quá lâu, ở một thời điểm nhất định nó sẽ thoát ra ngoài, gây nên những hành vi mang tính hủy diệt.
Một cơn giận dữ bị kìm nén trong một khoảng thời gian dài sẽ xuất hiện giống như một cơn thịnh nộ hủy diệt. Một nỗi sầu tiềm ẩn nếu bị ngó lơ sẽ biến thành một cơn trầm cảm cực độ.
VII) TRỞ THÀNH NẠN NHÂN CỦA “MỐI NGUY HẠI LỚN NHẤT”
Khi ta dùng các cơ chế phòng vệ để bảo bọc bản thân mình khỏi việc trải nghiệm và xử lý những cảm xúc đau đớn, ta dần trở nên ngày càng mất kết nối với con người thực của mình.
Khi ta từ chối nhìn vào bên trong và xử lý những cảm xúc đau đớn, ta dần trở nên lạc nhịp không chỉ với nỗi giận dữ, tức giận và nỗi sầu, mà còn cả niềm hy vọng, ước ao, niềm vui, khoái lạc, và bản sắc cá nhân của mình.
Khi điều này xảy ra thì ta đã trở thành nạn nhân của “mối nguy hại lớn nhất” – đó là đánh mất bản thân mình.
“Một người tự dập tắt 1 phần của nhân cách mình đến phần kế tiếp– và sau đó cảm thấy sợ hãi khi anh nhìn vào bên trong và chỉ tìm thấy một khoảng không tĩnh lặng.” (Nathaniel Branden, The Disowned Self)
VIII) LIÊN HỢP NHỮNG CẢM XÚC ĐAU ĐỚN VÀO Ý THỨC.
“Một người không phá hủy một cảm xúc bằng cách từ chối cảm nhận hay thấu hiểu nó; họ chỉ đơn thuần là từ chối 1 phần của bản thân mình.” (Nathaniel Branden, The Disowned Self)
Để đảm bảo ta không thành nạn nhân của mối nguy hại lớn nhất về việc “đánh mất bản thân”, thì liên hợp những cảm xúc đau đớn đó vào ý thức chính là điều cấp thiết.
Trong cuốn sách Breaking Free của ông, Branden đã giải thích lời khuyên ông đưa ra cho những bệnh nhân ở một trong những buổi liệu pháp nhóm của mình như sau:
“Tôi khuyến khích họ chú ý tới những cảm xúc mà họ cảm thấy và để cho họ tự trải nghiệm những cảm xúc đó một cách toàn tâm toàn ý – không chặn đứng nó hay cấm cản hay kìm chế nó. Tôi giải thích rằng việc giải phóng những cảm xúc đó là điều hoàn toàn lành mạnh và cần thiết, để mang chúng vào một nhận thức đủ đầy hơn… Tôi giải thích rằng việc kìm nén, chất chứa nỗi đau luôn luôn đại diện cho một vấn đề nan giải và chỉ khi cảm nhận cơn đau đó ngay bây giờ, bằng cách thừa nhận và trải nghiệm hiện thực của nó, thì họ mới có thể giải quyết vấn đề bị chôn giấu bên trong nỗi đau đó. Tôi giải thích rằng không có nỗi đau nào tàn phá hơn ngoài nỗi đau mà con người từ chối đối mặt – và không có nỗi đau khổ nào dai dẳng hơn ngoài nỗi đau khổ mà con người từ chối thừa nhận.” (Nathaniel Branden, Breaking Free)
IX) QUÁ TRÌNH LIÊN HỢP
Chú ý tới những cảm xúc đau đớn, và trải nghiệm chúng một cách toàn tâm toàn ý, không đồng nghĩa với việc ta sẽ sử dụng chúng như một chỉ dẫn cho hành động của mình. Cảm thấy một cơn giận dữ cực điểm không có nghĩa là ta sẽ thể hiện cơn tức giận đó.
Với một nhận thức đủ đầy thì bạn có thể khiến cho cơn giận dữ – hay bất kỳ cảm xúc đau đớn nào – chảy qua cơ thể, mà không cho phép nó ảnh hưởng tới hành vi của mình.
Khi làm được điều này, ta đã kích hoạt thứ mà Brandon gọi là “quá trình liên hợp.”
Ta thường nghĩ sự phát triển bản thân và lớn lên cần sức mạnh ý chí có chủ đích, và rằng ta phải nỗ lực cực kỳ để trở thành một con người chân chính hơn.
Nhưng cũng như cơ thể có một khả năng bẩm sinh để chữa lành bản thân nó, tâm trí cũng có một khuynh hướng bẩm sinh hướng tới sự phát triển và liên hợp – không đòi hỏi bất kỳ nỗ lực có chủ đích nào.
Khi ta dồn nén những cảm xúc tiêu cực, và từ chối cảm nhận và xử lý nó, chúng ta đang cản trở quá trình liên hợp này.
Mặt khác, nếu ta để yên cảm xúc của mình – để nó chảy qua ta và cố gắng học hỏi từ chúng, thì ta đã giúp cho khả năng tự sửa chữa bản thân của tâm trí hoạt động.
Khi làm như vậy, ta đã kích thích sự phát triển tâm lý, kết nối lại với con người thật của mình – những nhu cầu thực sự, ham muốn, và bản sắc cá nhân – và sống một cuộc đời trọn vẹn hơn:
“Cũng như cơ thể chứa đựng khả năng hồi phục chính bản thân nó, tâm trí cũng thế. Nhưng khả năng hồi phục này cần phải được cho phép mới hoạt động. Sự kìm nén ngăn cản việc hồi phục – nghĩa là: quá trình liên hợp.” (Nathaniel Branden, The Disowned Self)