Biểu tượng trong ảnh bên dưới đây được gọi là Thái Cực đồ, hay biểu tượng m Dương. Thường thì bạn sẽ nhìn thấy nó ở những cửa hàng thuốc đông y, mấy nhà bói toán, hay trên quần áo của các cụ đang tập dưỡng sinh ngoài công viên. Với nhiều người đây là một thứ gì đó huyền bí, hay thậm chí là dị đoan, bởi nó rất hay xuất hiện trên các lá bùa và kính chiếu yêu. Nhưng thực ra đồ hình này dùng để thể hiện các yếu lĩnh của Dịch Kinh – tinh hoa của triết học Đông phương.
Cái hình tròn nhỏ xinh này bao hàm mọi thứ trong cuộc sống, nó có rất nhiều ý nghĩa đến mức có thể kiến giải cả ngày cũng không hết. Nhưng có một vài ý nghĩa đơn giản nhất mà bạn có thể thấy từ 2 phần trắng – đen đối nghịch nhau trong vòng tròn là mọi thứ trên đời đều có một thứ gì đó đối nghịch với nó ( m – Dương) như Nóng – Lạnh, Tốt – Xấu, Tĩnh – Động, Sống – Chết,…. Điều thú vị tiếp theo là bản thân mọi thứ cũng đều bao hàm trong nó hai mặt đối nghịch nhau. Trong phần trắng cũng có chấm đen và trong phần đen cũng có chấm trắng. Vậy nên không điều gì trên đời là tuyệt đối tốt hay tuyệt đối xấu, vì trong đó cũng bao gồm cả mặt tốt và mặt xấu.
Và cuối cùng là hai phần trắng – đen trong vòng tròn tồn tại song hành cùng nhau và hòa hợp với nhau. Điều này có nghĩa nếu chỉ có một mặt trong cặp đối nghịch thì sẽ mang lại ảnh hưởng tiêu cực, và chỉ khi có sự tồn tại một cách cân bằng giữa hai mặt đối nghịch mới có thể tạo ra ảnh hưởng tích cực. Ví dụ như nếu thời tiết chỉ có lạnh như mùa đông thì thật khó chịu, nhưng nếu trời chỉ có nóng như mùa hè cũng sẽ rất mệt mỏi. Chỉ khi thời tiết đạt được sự cân bằng giữa nóng và lạnh, tức là ấm áp như mùa xuân hay mát dịu như mùa thu thì người ta mới cảm thấy thoải mái. Nếu bạn chỉ ngồi lì cả ngày thì bạn sẽ đau lưng và béo phì, nhưng nếu lúc nào bạn cũng di chuyển thì đôi chân của bạn sẽ sớm biểu tình. Người ta hay nói “cái gì quá cũng không tốt”, chính là yếu lĩnh của Kinh Dịch vậy.
Thế nên nếu bạn đang phân vân giữa hai điều gì đó đối ngược nhau, câu trả lời thường sẽ nằm đâu đó ở giữa. Điều bạn nên chọn lựa có lẽ là sự cân bằng giữa hai điều đó, chứ không phải là nghiêng hẳn về bên nào cả. Ví dụ như nếu như bạn đang phân vân giữa việc “Bạn chỉ sống một lần’’ hay “tiết kiệm cho tương lai” , câu trả lời có lẽ chỉ đơn giản là vẫn lao động chăm chỉ và để dành ra một khoản dự phòng cần thiết, nhưng vẫn tận hưởng cuộc sống của mình một cách trọn vẹn nhất. Điều đó là hoàn toàn có thể vì thực tế là bạn không cần phải dùng hết tiền tiết kiệm của mình cho những chuyến du lịch trăm triệu hay những món đồ hàng hiệu mới là tận hưởng cuộc sống, và bạn cũng không cần phải chắt bóp đến mức vắt cổ chày ra nước mới là chuẩn bị cho tương lai phải không nào? Suy nghĩ rằng phải tiêu xài thật nhiều mới là YOLO, hay phải thật chi li thì mới đủ mua nhà là sự cực đoan nghiêng hẳn về một phía, và người ta sẽ chỉ tự làm khổ mình nếu sống theo cách đó.
Điều tương tự cũng xảy ra trong những cuộc tranh luận. Có lẽ câu trả lời đúng nhất thường nằm đâu đó ở giữa. Tranh luận dường như đang trở nên phổ biến hơn cả cơm bữa. Trong thời đại của mạng xã hội, cái đ** gì người ta có thể lôi ra để mà cãi nhau được. Bản thân việc tranh luận không phải là điều xấu, vì nó giúp chúng ta mở rộng góc nhìn và cải thiện suy nghĩ của mình. Nếu như bạn không bao giờ tranh luận thì bạn sẽ không thể biết thêm được điều gì mới. Vấn đề là người ta thường trở nên cực đoan trong tranh luận. Có lẽ là 100%, à tôi xin lỗi, chỉ 99% các cuộc tranh luận mà tôi thấy đều kết thúc với việc cả hai bên đều giữ quan điểm “Tao đúng, mày sai” và rồi cảm thấy khó chịu với nhau, hay tệ hơn nữa là bắt đầu nhìn nhau bằng ánh mắt hình viên đạn hoặc tuôn ra những từ ngữ liên quan đến sinh lý học của gia đình đối phương. Những cuộc tranh luận như vậy thực sự vô nghĩa, vì nó không giúp cả hai bên cải thiện mình hơn, mà chỉ tạo ra mâu thuẫn giữa cả hai.
Người ta không nhận ra rằng trong quan điểm của cả 2 người đều có chỗ đúng và chỗ sai. Chẳng ai là tuyệt đối sai và cũng không ai là hoàn toàn đúng cả. Biết cái đúng của mình thì cũng phải biết cái đúng của người kia. Biết cái sai của họ thì cũng nên nhận thức được cái sai của mình. Đó mới thực là biết. Mục tiêu của việc tranh luận không phải là để bảo vệ quan điểm của mình, mà là nhận ra chỗ đúng và sai của cả 2 bên để từ đó bổ sung cho nhau và hoàn thiện thêm nhận thức của cả hai. Chỉ khi đó thì cuộc tranh luận mới có ý nghĩa, và chúng ta mới có thể cải thiện được mình thông qua tranh luận.
Và vì thế, tốt nhất là bạn không nên đoan chắc rằng mình luôn luôn đúng trong mọi cuộc tranh luận. Hãy nhận ra rằng trong quan điểm của bạn dù tốt đến đâu cũng luôn có phần thiếu sót, và đó là lý do bạn tranh luận. Nếu bạn hoàn hảo, bạn sẽ chỉ đơn giản là kệ mẹ thế giới này và không nói gì, giống như Chúa vậy. Bạn tranh luận vì bạn còn có thiếu sót. Bạn tranh luận là để có thêm góc nhìn, chứ không phải để dựng lên một hàng rào vững chắc bảo vệ quan điểm của mình. Khi bạn nghĩ rằng mình đã có một thành trì đồ sộ bằng đá cẩm thạch xung quanh góc nhìn của bản thân, thực ra bạn chỉ đang xây nên cho mình một lăng mộ mà thôi.