Quê tôi nằm ở một trong những vùng đất màu mỡ nhất của đồng bằng sông Hồng. Việc canh tác hoa màu ở đây rất thuận lợi. Vụ mùa luôn cho thu hoạch với năng suất cao và chất lượng tốt. Tôi rất thích mỗi khi tựa đầu vào cửa kính oto và ngắm nhìn những cánh đồng tươi tốt trải dài bất tận về phía cuối trời trên những chuyến xe về nhà.
Phù sa là một trong những loại đất tốt nhất để trồng cấy, nhưng sẽ luôn có những loại cây không thích loại đất này. Nếu bạn trồng thanh long ở vùng đồng bằng châu thổ, bạn sẽ chỉ nhận được những trái bằng nắm tay trẻ con, vị chua loét và nói chung là ăn như hạch. Còn nếu bạn trồng cafe ở đây, thì tôi nghĩ nó còn chẳng thể nảy mầm. Thanh long sẽ chỉ phát triển mạnh ở vùng đất cát, còn cà phê thèm khát những vùng đất bazan. Mỗi loại cây phù hợp với một điều kiện thổ nhưỡng khác nhau. Nếu ta đi ngược lại đặc tính của chúng, chúng sẽ tạo ra những kết quả đáng thất vọng.
Cũng giống như các loại cây, mỗi người chúng ta đều tồn tại với sự khác biệt. Có thể bạn thích những thứ có nhiều sự sáng tạo, tôi thích sự ổn định và đơn giản, hay một tay ất ơ nào đó lại thích những điều phức tạp đến ủng cả não. Chúng ta khác nhau về sở thích, tính cách, đủ mọi thứ và vì thế rõ ràng chúng ta khác nhau về những môi trường phù hợp để phát triển. Bắt một người thích sáng tạo làm kế toán và ép một người nhàm chán làm marketing cũng giống như gieo hạt lúa trên đất cát và trồng thanh long trên đất bazan vậy.
Nhưng khi nói đến chuyện hướng nghiệp, chúng ta lại rất thích làm như thế. Chúng ta cho rằng những môi trường công việc ổn định với mức thu nhập tương đối là những đồng bằng màu mỡ và dù bạn có là loại người nào, thì bạn cũng nên đến và cắm rễ ở đó. Con cứ học y đi, sau này chả lo thiếu việc mà sau khi nghỉ hưu vẫn làm được. Cố gắng thi vào trường kinh tế rồi sau này vào làm ngân hàng cháu ạ. Mày cứ học sư phạm rồi sau này xin về chỗ mẹ làm việc là nhất! Xã hội chúng ta thích thiết kế những định kiến chung về một nghề nghiệp tốt và cho rằng tất cả mọi người đều sẽ phù hợp với nó. Hầu hết chúng ta chả biết gì về những ngành nghề và chỉ đơn giản là nhắm mắt đi theo định hướng đó về phía những “vùng đất thánh”, với một niềm tin không thể lay chuyển rằng một cuộc đời viên mãn nằm đâu đó ở trên đỉnh những tòa tháp sự nghiệp kia. Chúng ta cần mẫn leo từng bậc thang được định sẵn tuần tự từ ghế nhà trường tới giảng đường đại học, miệt mài trong những lớp học thêm vào tối muộn với ổ bánh mì gặm vội rồi lại cố gắng đeo đuổi những chứng chỉ và bằng cấp, rồi ra trường và làm một công việc ổn định mà chưa bao giờ thắc mắc xem liệu chúng có hợp với mình không.
Rất ít người chịu để ý xem mình thực sự là loại cây gì. Rất ít người có thể tự nhận diện những đam mê và thế mạnh để định hướng cho con đường tương lai của mình. Rất ít người biết mình thực sự là thanh long hay cà phê. Cũng dễ hiểu thôi vì hệ thống giáo dục của chúng ta không bao giờ hướng dẫn chúng ta làm điều đó, nó chỉ đơn giản coi tất cả mọi người đều là cây lương thực và cần những đồng bằng để phát triển. Tư duy lúa ngô khoai sắn đó đã dẫn chúng ta đến với những công việc mà chúng ta không thích, và khiến cho hầu hết mọi người cho quả teo tóp, hoặc là không thể nảy mầm và nằm lại trong bùn đất. Một báo cáo của Gallup vào năm 2019 cho thấy 85% người lao động không thấy hạnh phúc với công việc của họ. Thực ra là bạn chả cần tới cái báo cáo quái nào cả, cứ đến một công sở bất kỳ, quan sát trên tàu điện, nhìn những người xung quanh, hoặc tự soi gương là bạn sẽ thấy điều đó ngay thôi.
Đừng hiểu nhầm ý tôi. Tôi không định nói rằng các công ty lớn, các đơn vị nhà nước hay môi trường công sở là mồ chôn nhân sự. Tôi cũng không ca ngợi một cuộc sống tự do và bảo bạn hãy nộp mẹ nó đơn xin nghỉ việc rồi bắt đầu khởi nghiệp hay chu du khắp thế giới đi. Ý của tôi chỉ đơn giản là một công việc tốt theo quan điểm xã hội chưa chắc đã là công việc tốt cho bạn. Phần lớn nhân sự không hạnh phúc vì họ đã không lựa chọn công việc của mình dựa trên những tố chất của mình mà lựa chọn công việc dựa trên những niềm tin của xã hội. Chúng ta tin rằng đồng bằng là miền đất hứa, mà không chịu xét xem mình là lúa hay cà phê.
Vậy nên nếu bạn muốn tìm được một công việc tốt, đầu tiên bạn phải thay đổi định nghĩa của mình về một công việc tốt. Một công việc tốt không phải là một công việc ổn định hay có mức lương cao. Một công việc tốt không phải là công việc khiến phụ huynh bạn tự hào mỗi khi về quê hoặc trông oách xà lách khi ra đường, mà là công việc khiến bạn cảm thấy hạnh phúc khi làm việc, và mang lại hạnh phúc cho bạn kể cả khi bạn không làm việc. Một công việc mà bạn cảm thấy thực sự có ý nghĩa đối với bạn, mà bạn sẽ muốn được làm điều đó và cảm thấy tự hào khi hoàn thành nó. Không phải vì danh vọng, tiền bạc hay bất cứ điều gì từ người khác, mà là vì chính sự khao khát bên trong bạn. Khi bạn làm một công việc như thế, bạn sẽ không thấy như mình đang “làm việc”. Bạn thấy như thể đó chỉ là một hoạt động bình thường trong ngày, chứ không phải là một thứ khiến bạn luôn phải căng sức ra và gặp stress để hoàn thành. Bạn sẽ bắt đầu ngày mới với một nụ cười thay vì sự uể oải. Bạn sẽ chờ đợi được làm việc, thay vì chỉ chờ đến lúc hết giờ và thời điểm điện thoại kêu “ting ting”. Bạn sẽ dám đối mặt với những thách thức, thay vì cố gắng trốn chạy khỏi chúng. Và sau một ngày lao động, bạn sẽ cảm thấy tự hào và thoải mái khi trở về nhà, thay vì cố giương đôi mắt lờ đờ tìm kiếm các niềm vui vô vị để khỏa lấp cơn mệt mỏi của mình.
Bạn chỉ có thể làm được điều đó khi bạn được làm một công việc có ý nghĩa đối với bạn. Tại sao bạn có thể thức tới 2 giờ sáng để nhắn tin với crush, đọc mấy cuốn truyện tào lao, ngồi vẽ vời linh tinh hoặc chơi với mèo trong khi lại gục đầu vào cuốn giáo trình sau 30 giây? Vì việc làm những điều mình muốn có một ý nghĩa nào đó đối với bạn, còn việc được điểm cao chỉ có ý nghĩa đối với cha mẹ và thầy cô của bạn mà thôi. Đó là điều người khác muốn, chứ không phải điều bạn muốn, cho nên bạn bùng học và dành thời gian trong mấy quán game hoặc đi uống tà tữa cùng các chiến hữu. Cuộc sống của người đi làm cũng tương tự như vậy. Hầu hết mọi người làm những điều có ý nghĩa đối với gia đình, xã hội và các ông chủ doanh nghiệp, trong khi hoàn toàn phớt lờ những điều thực sự có ý nghĩa với họ. Họ cảm thấy mình giống như đang bị trói buộc, hơn là được tự do. Đó là lý do vì sao nhiều người tồn tại một cách vật vờ ở những cơ quan, không thể dậy đúng giờ, làm việc thiếu năng suất và tự hỏi mình đang làm ở đây vì cái đ** gì thế nhỉ. Bởi vì việc đi làm không có ý nghĩa gì với họ cả.
Người Hy Lạp có một mô hình dễ thương về điều khiến cuộc sống trở nên ý nghĩa được gọi là thuyết con nhím, còn người Nhật gọi đó là IKIGAI. Đó là sự giao thoa giữa Điều bạn thích, Điều bạn giỏi, và Điều thế giới cần. Sống với IKIGAI sẽ khiến cho cuộc sống của bạn trở nên dễ dàng và đầy đam mê. Bạn sẽ cảm thấy mình đang được tự do hơn là bị trói buộc trong những hoàn cảnh không thể thoát khỏi. Nhưng giờ thì người ta chỉ thích sống theo thứ mà thế giới cần, trong khi hoàn toàn loại bỏ đam mê và năng khiếu ra khỏi phương trình. Đáng ra thì điều mà bạn cảm thấy thích và phù hợp với những tố chất cá nhân của bạn là những điều đầu tiên mà bạn cần phải tìm ra, chứ không phải là google xem làm việc ở đâu lương cao khi đặt bước chân đầu tiên trên con đường sự nghiệp của mình. Không ai dạy chúng ta làm điều đó. Hầu hết chúng ta thậm chí chưa bao giờ nghĩ tới điều đó. Nhưng chúng ta có thể bắt đầu từ ngày hôm nay. Chúng ta phải tự kiến tạo nên con đường của mình, thay vì cặm cụi đi theo định hướng mà người khác đã vẽ ra. Vì đó là cách duy nhất để chúng ta không bị lạc đường.