Có câu nói nổi tiếng rằng mỗi người chúng ta chính là trung bình của năm người mà ta tương tác nhiều nhất.
Nhìn lại cuộc sống, câu nói này không sai chút nào. Một thiếu niên khi bước vào một nhóm bạn mới có thể bị ảnh hưởng mạnh mẽ, quên mất bao nhiêu năm được gia đình dạy dỗ. Một người lính có thể mang theo một thói quen khi ra chiến trường và trở về với một thói quen khác. Một anh chàng vốn chẳng thích tập thể dục, nhưng rồi đột nhiên lại chăm chỉ khi bắt đầu hẹn hò với cô nàng đam mê thể thao.
Những người xung quanh ta hoặc giới hạn, hoặc mở rộng cái nhìn của ta về khả năng của chính mình; họ điều chỉnh cách ta nhìn nhận điều gì là bình thường và chấp nhận được, nâng cao hoặc kéo xuống những khát vọng của ta. Sự ảnh hưởng này không đến từ việc họ ra sức khuyên nhủ ta nên hay không nên làm gì, mà thông qua sức mạnh của tấm gương họ thể hiện, qua năng lượng mà họ truyền đến cuộc sống của ta.
Khi nói đến việc thay đổi bản thân, ta có thể chọn cách đi ngược hoặc đi cùng dòng năng lượng ấy.
Nếu đi ngược, mọi chuyện sẽ càng thêm khó khăn: ta không chỉ phải đối diện với sự cản trở tự nhiên khi muốn thay đổi, mà còn phải chống lại lực kéo ngược từ những người xung quanh, những người không cùng chí hướng. Ngược lại, khi xung quanh ta là những người cùng giá trị, cùng mục tiêu, mọi việc trở nên dễ dàng hơn rất nhiều. Ta thay đổi từng chút, từng chút một, tự nhiên mà không cần phải gồng mình cố gắng.
Thế giới “tự cải thiện bản thân” luôn đề cao tính kỷ luật, nhưng sự kỷ luật mà cuộc sống yêu cầu tỉ lệ thuận với chất lượng của gia đình và bạn bè quanh ta. Một người bạn đời luôn động viên ta tiến bộ, một người bạn không ngừng khích lệ ta nhìn cao hơn, một cộng đồng luôn giúp ta xác định lại la bàn định hướng… tất cả có giá trị hơn bất kỳ quyết tâm cứng rắn hay nghị lực nào mà ta có thể gồng mình tạo ra. Khi nói đến việc trở thành con người mà ta mong muốn, mối quan hệ > nghị lực.
Nguồn: Art of Manliness