Một nghiên cứu gần đây khám phá cách vẻ đẹp gương mặt, giọng nói, và sự quan tâm xã hội của nam giới ảnh hưởng đến quyết định của phụ nữ về sự công bằng trong các trò chơi kinh tế. Kết quả cho thấy phụ nữ thường hào phóng hơn với những người đàn ông có khuôn mặt ưa nhìn, giọng nói hấp dẫn và tỏ ra quan tâm đến họ. Nghiên cứu này đã được công bố trên Scientific Reports.
Ai cũng thích cái đẹp. Mà con người lại có xu hướng thích giao tiếp với người mà họ thấy dễ nhìn, thế là tạo ra hiện tượng gọi là “phần thưởng sắc đẹp.” Phần thưởng sắc đẹp là khi những người có ngoại hình ưa nhìn thường nhận được ưu ái trong nhiều mặt của cuộc sống: lương cao hơn, công việc tốt hơn, và tương tác xã hội tích cực hơn.
Các nghiên cứu cho thấy mọi người thường đánh giá người đẹp là có năng lực, thông minh, và đáng tin cậy hơn. Tại nơi làm việc, phần thưởng sắc đẹp giúp họ được trả lương cao và thăng tiến nhanh hơn so với những người đồng nghiệp kém “mã” hơn. Cả trong các mối quan hệ xã hội, người đẹp cũng thường được ưu ái và có nhiều cơ hội giao tiếp hơn.
Để nghiên cứu phần thưởng sắc đẹp, các nhà khoa học sử dụng hai trò chơi kinh tế: trò “Nhà Độc Tài” và trò “Tối Hậu Thư.” Trong trò Nhà Độc Tài, một người chơi (gọi là “nhà độc tài”) được giao một khoản tiền và phải quyết định chia số tiền đó như thế nào giữa mình và người chơi khác, người chơi còn lại hoàn toàn không có quyền ý kiến. Còn trong trò Tối Hậu Thư, người chơi thứ nhất đề nghị một cách chia tiền, và người chơi thứ hai có quyền chấp nhận hoặc từ chối. Nếu từ chối, cả hai bên đều không nhận được gì.
Hai tác giả nghiên cứu Junchen Shang và Yizhuo Zhang muốn khám phá tác động của vẻ ngoài hấp dẫn và sự quan tâm xã hội đến quyết định của người chơi trong trò chơi Nhà Độc Tài và Tối Hậu Thư. Cụ thể, họ muốn xem điều này ảnh hưởng ra sao đến các quyết định của các người chơi nữ khi đối đầu với nam giới. Hai nhà nghiên cứu này đã đặt ra giả thuyết rằng giọng nói và khuôn mặt đẹp của nam giới sẽ kích hoạt “phần thưởng sắc đẹp”, khiến các nữ người chơi sẵn sàng cho họ nhiều tiền hơn. Hiệu ứng tương tự cũng được mong đợi nếu nam giới bày tỏ sự quan tâm xã hội với người chơi nữ.
Nghiên cứu thu hút 70 nữ sinh từ Đại học Đông Nam, Trung Quốc, với độ tuổi trung bình là 21. Để đảm bảo các phản hồi của người tham gia là thật, các nhà nghiên cứu đã cẩn thận chọn ra 32 khuôn mặt nam hấp dẫn và 32 khuôn mặt kém hấp dẫn từ một cơ sở dữ liệu lớn. Một nhóm sinh viên đánh giá khác (không tham gia vào thí nghiệm chính) đã đánh giá và phân loại mức độ thu hút của những khuôn mặt này.
Ngoài ra, 60 nam giới bản xứ nói tiếng Trung phổ thông được ghi âm khi đọc hai câu: “Tôi thích bạn” và “Tôi không thích bạn.” Từ các bản ghi âm này, các nhà nghiên cứu chọn ra 107 giọng nói và yêu cầu một nhóm đánh giá khác xếp loại mức độ hấp dẫn và độ tin cậy của chúng, cuối cùng thu hẹp xuống còn 32 giọng nam hấp dẫn và 32 giọng không hấp dẫn.
Trong thí nghiệm chính, các nữ người chơi tham gia trò chơi Nhà Độc Tài và Tối Hậu Thư với vai trò là người chia tiền, nghĩa là họ sẽ quyết định cách chia khoản tiền. Họ được giao nhiệm vụ chia 10 nhân dân tệ (khoảng 1,40 đô la Mỹ) giữa mình và một đối tác nam, đại diện bởi một khuôn mặt và giọng nói của nam giới. Mỗi gương mặt và giọng nói được hiện lên trong hai giây, sau đó người chơi nữ quyết định chia bao nhiêu tiền cho nam đối tác. Mỗi người chơi tham gia 192 lượt chơi, với các kết hợp ngẫu nhiên của giọng và mặt nam giới.
Trong trò chơi Nhà Độc Tài, kết quả đã xác nhận giả thuyết của các nhà nghiên cứu. Những người chơi nữ sẵn sàng cho các nam đối tác sở hữu khuôn mặt hấp dẫn, giọng nói êm tai, hoặc tỏ ý thích họ, nhiều tiền hơn. Trung bình, họ cho 3,35 tệ đối với những người đàn ông có gương mặt thu hút, so với 2,68 tệ đối với những khuôn mặt kém hấp dẫn – hơn khoảng 25%. Tương tự, những giọng nói cuốn hút nhận được 3,10 tệ, so với 2,93 tệ dành cho giọng nói kém lôi cuốn hơn. Đáng chú ý nhất là khi nam đối tác tỏ ý thích người chơi nữ: họ nhận trung bình 3,62 tệ, so với chỉ 2,42 tệ khi tỏ ra không thích – chênh lệch khoảng 50%.
Những kết quả tương tự cũng xuất hiện trong trò chơi Tối Hậu Thư, khi các người chơi nữ đưa ra những quyết định giống nhau. Họ sẵn sàng đưa 4,52 tệ cho nam có khuôn mặt đẹp, so với 3,94 tệ cho người kém hấp dẫn hơn. Giọng nói cuốn hút cũng có lợi thế với 4,30 tệ, so với 4,16 tệ cho những giọng nói kém hấp dẫn. Và một lần nữa, yếu tố quan tâm xã hội đóng vai trò quan trọng: người chơi nữ cho 4,68 tệ đối với nam giới tỏ ý thích họ, so với 3,76 tệ khi nam đối tác tỏ vẻ không thích. Ngay cả trong số những người tỏ ý thích, nam giới có giọng nói hấp dẫn vẫn được nhận nhiều hơn một chút – 4,80 tệ so với 4,57 tệ.
Khi trò chơi Tối Hậu Thư đảo vai và các người chơi nữ trở thành người nhận tiền, yếu tố xã hội là điều duy nhất ảnh hưởng đến kỳ vọng của họ. Họ mong nhận được nhiều hơn từ những người đàn ông tỏ vẻ thích mình, bất kể ngoại hình hay giọng nói của người kia.
“Kết quả nghiên cứu hiện tại đã xác nhận phần thưởng sắc đẹp bằng cách cho thấy các hiệu ứng từ kênh nghe nhìn liên quan đến kết quả quyết định. Người chơi nữ sẵn sàng cho nam giới có khuôn mặt hấp dẫn nhiều tiền hơn so với nam giới kém hấp dẫn. Họ cũng dành nhiều tiền hơn cho nam giới tỏ ý thích hơn là những người tỏ vẻ không thích. Khi nam giới bày tỏ quan tâm xã hội tích cực, người chơi nữ sẽ cho nam giới có giọng nói hấp dẫn nhiều tiền hơn, trong khi hiệu ứng này biến mất khi thiếu sự quan tâm xã hội tích cực,” các tác giả nghiên cứu kết luận.
Nghiên cứu đã khẳng định sự tồn tại của “phần thưởng sắc đẹp” và cho thấy chỉ cần một khuôn mặt hư cấu cũng đủ kích hoạt hiệu ứng này. Tuy nhiên, cũng cần lưu ý rằng số tiền trong trò chơi là rất nhỏ và đối tượng tham gia đều là nữ sinh viên trẻ tuổi. Kết quả có thể sẽ khác khi áp dụng với số tiền lớn hơn hoặc các nhóm nhân khẩu học khác.
Bài báo “Influence of male’s facial attractiveness, vocal attractiveness and social interest on female’s decisions of fairness,” (Ảnh hưởng của sự hấp dẫn khuôn mặt, giọng nói và quan tâm xã hội của nam giới đến quyết định về sự công bằng của phụ nữ) được viết bởi Junchen Shang và Yizhuo Zhang.
(Photo credit: Adobe Stock)