Nghiên cứu đã hé lộ những điều bất ngờ về hành vi đeo bám không mong muốn.
TÓM TẮT CHÍNH:
– Nghiên cứu chỉ ra rằng những người phụ nữ đeo bám đàn ông điển hình thường là phụ nữ độc thân, tầm tuổi giữa 30, đã ly hôn hoặc ly thân và có tiền sử tâm lý không ổn định.
– Nhóm phụ nữ nguy hiểm nhất trong số này là những người đeo bám bạn tình cũ.
– Động cơ phổ biến nhất của hành vi đeo bám là mong muốn có một mối quan hệ – có thể là bắt đầu mới hoặc hàn gắn với người cũ.
Chắc bạn từng nghe bạn bè thảng thốt kể về một lá thư hay món quà bất ngờ từ người tình cũ được để lại trên kính xe: “Đúng là kẻ đeo bám!” Nhưng sau hơn 20 năm xử lý các vụ việc này, tôi có thể khẳng định với bạn, đó chưa đủ để định nghĩa “đeo bám.” Đeo bám thường phải có một chuỗi hành vi lặp đi lặp lại, kèm theo đó là mối đe dọa rõ ràng đến an toàn của nạn nhân.
Dẫu vậy, không ai trong chúng ta cảm thấy thoải mái khi nhận được sự chú ý không mong muốn hay tình cảm không được đáp lại. Pháp luật đã có biện pháp như lệnh cấm tiếp cận để giúp những ai gặp phải những hành vi phiền phức này.
Điều thú vị là, đàn ông thường ít báo cáo bị đeo bám hơn phụ nữ, và có người thậm chí còn không nhận ra mình là nạn nhân của hành vi này. Mặc dù đa số những kẻ đeo bám là nam giới và nạn nhân thường là nữ, các nhà nghiên cứu đang dần khám phá những hành vi đặc trưng của phụ nữ khi họ quyết tâm theo đuổi đàn ông.
🍁 GÁI NGOAN ĐÂU CÓ ĐI… ĐEO BÁM!
Nghĩ đến phụ nữ đeo bám, chắc hẳn hình ảnh phim “Sự Quyến Rũ Ch.ết Người” hiện ngay trong đầu bạn – cô Glenn Close cứ mãi theo sát và đe dọa nhân vật của Michael Douglas, một người đàn ông đã có gia đình, sau một cuối tuần lỡ dại. Nhưng thực tế, các nhà nghiên cứu đã chỉ ra những đặc điểm của người phụ nữ hay đeo bám, qua các vụ việc thật chứ không phải kịch bản phim ảnh.
J. Reid Meloy và các đồng sự (2011) trong nghiên cứu “Người Phụ Nữ Đeo Bám” đã xem xét 143 trường hợp từ hồ sơ của các cơ quan công lực, công tố và an ninh của giới giải trí, sử dụng định nghĩa đeo bám là “từ hai lần liên hệ không mong muốn trở lên từ một cá nhân đến mục tiêu, gây ra nỗi lo sợ hợp lý cho nạn nhân.” Họ mô tả rằng người phụ nữ đeo bám điển hình là một cô gái độc thân tầm ngoài 30, đã ly hôn hoặc ly thân, và có chẩn đoán tâm lý, thường gặp nhất là các rối loạn cảm xúc. Khác xa hình ảnh mà truyền thông dựng lên, phụ nữ đeo bám thực sự thường nhắm vào người nổi tiếng, người lạ, hoặc một người quen nào đó, hơn là theo đuổi một bạn tình cũ.
Dù vậy, các nhà nghiên cứu chỉ ra rằng nếu đã từng có mối quan hệ trước đây – dù là tình cũ hay bạn bè quen biết – thì khả năng xảy ra bạo lực và đe dọa lại tăng cao hơn. Meloy và đồng sự phát hiện rằng nhóm phụ nữ nguy hiểm nhất là những người đeo bám bạn tình cũ, vì phần lớn đều có hành vi đe dọa và bạo lực với nạn nhân. Ngược lại, nhóm ít gây nguy hiểm nhất là những người đeo bám người nổi tiếng. (Nhớ câu chuyện cô gái nhiều lần đột nhập vào nhà David Letterman, tự tin rằng mình là… vợ của ông không?).
So với nam giới, phụ nữ đeo bám ít đe dọa và ít bạo lực hơn, cũng hiếm có tiền án hơn. Cách họ tiếp cận thường không quá gần gũi, và lời lẽ giao tiếp cũng được mô tả là nhẹ nhàng hơn đàn ông nhiều.
Nhưng… tại sao họ lại làm vậy?
🍁 VÌ SAO PHỤ NỮ LẠI ĐEO BÁM ĐÀN ÔNG?
Acquadro Maran và các đồng sự (2020) chỉ ra rằng, trong đa phần các vụ việc, người bị đeo bám là đàn ông và người bám theo lại chính là phụ nữ. Nghiên cứu này cho thấy động cơ thường gặp nhất đằng sau các hành vi đeo bám là khát khao có được mối quan hệ – hoặc là bắt đầu một tình cảm mới hoặc hâm nóng lại một tình yêu cũ. Đối với các mối quan hệ cũ dẫn đến hành vi đeo bám, các nhà nghiên cứu cũng ghi nhận rằng phần lớn các vụ việc đều có tiền sử về bạo lực hoặc xung đột.
Thực tế, nhiều nam giới đã từng có những linh cảm chẳng lành ngay từ sớm trong mối quan hệ – như việc đối phương có kỳ vọng không thực tế, hay dễ nổi nóng, kiểm soát, hoặc phản ứng tiêu cực trước sự từ chối. Tuy nhiên, những dấu hiệu này đôi khi bị bỏ qua hoặc xem nhẹ, rồi dẫn đến hành vi đeo bám ngày càng quá đà và khó kiểm soát.
Kết hợp với những phát hiện từ các nghiên cứu, nạn nhân của hành vi đeo bám được khuyến khích nên báo cáo sớm. Bởi nhiều người đeo bám không thay đổi cách cư xử, chỉ thay đổi “đối tượng” của họ mà thôi. Việc nhận diện sớm những kẻ đeo bám cũng mở ra cơ hội can thiệp, giúp phá vỡ mô hình hành vi độc hại này và ngăn chặn nạn nhân mới trong tương lai.
Image: Volodymyr TVERDOKHLIB/Shutterstock
Nguồn: What Type of Woman Stalks Men?/Psychology Today