Một trong những phân tích về tình yêu gây tranh cãi và sâu sắc nhất được tìm thấy trong các tác phẩm của triết gia hiện sinh người Đan Mạch, Soren Kierkegaard. Trong cuốn sách có tựa đề Những Tác Phẩm Về Tình Yêu, xuất bản tại Copenhagen vào năm 1847, Kierkegaard — khi ấy 34 tuổi — đã đưa ra một lý thuyết đầy thách thức, cố ý đập tan mọi quan niệm phổ biến về tình yêu thiêng liêng mà thời đại của ông (và cả thời đại chúng ta) tôn sùng.
Đầu tiên và quan trọng nhất, Kierkegaard khẳng định rằng hầu hết chúng ta chẳng hiểu tình yêu là gì — mặc dù ta không ngừng nhắc đến nó. Ở châu Âu đầu thế kỷ 19, “tình yêu lãng mạn” đã lên ngôi, một thứ tình yêu tôn thờ và sùng kính một người đặc biệt, người mà ta hy vọng sẽ hòa hợp cả tâm hồn và thể xác với mình.
Kierkegaard nhấn mạnh rằng, khi quá tập trung vào tình yêu lãng mạn, chúng ta đã tự thu hẹp và làm nghèo nàn khả năng hiểu biết về tình yêu chân chính.
Tình yêu, theo Kierkegaard, không phải là cảm giác đặc biệt bùng lên khi ta gặp một người tuyệt đẹp, trong sáng, thông minh hay tài năng xuất chúng. Ông đề xuất rằng chúng ta nên trở về với tình yêu Kitô giáo đầy thách thức — thứ tình yêu dạy ta yêu thương tất cả mọi người, và khó nhất là bắt đầu với những người mà bản năng ta cho là không xứng đáng được yêu.
Kierkegaard phân biệt rõ hai loại tình yêu trong tiếng Đan Mạch: “kaerlighed” — tình yêu chân thành mà người Kitô hữu được khuyên răn, và “elskov” — tình yêu mang tính xác thịt.
Theo ông, chúng ta cần học cách yêu thương tất cả những người mà lẽ ra ta sẽ dễ dàng ghét bỏ hoặc nguyền rủa: những người mà ta cho là sai lầm, xấu xí, khó chịu, hay thậm chí là đáng khinh; những người đã mắc phải những sai lầm nghiêm trọng, xúc phạm đến quy tắc đạo đức của ta. Yêu thương những người như vậy, thực hành “kaerlighed,” đó mới là đỉnh cao của con người.
Tình yêu là khi ta có thể nhìn vào một ai đó có vẻ lầm đường, lười biếng, ích kỷ, nóng nảy hay kiêu căng, và thay vì gắn nhãn họ là kẻ đáng ghét, ta lại có thể tưởng tượng và đồng cảm với hành trình đã đưa họ đến đó; khi ta thấy được đứa trẻ lạc lõng, tổn thương hay yếu đuối nào đó ẩn giấu bên trong người lớn phức tạp và khó hiểu kia.
Tình yêu là khi ta nỗ lực mở rộng lòng bao dung vượt khỏi ranh giới của sự cuốn hút, để có thể nhìn những người mà thoạt tiên ta thấy “không xứng đáng” bằng ánh mắt rộng lượng hơn.
Kierkegaard bảo rằng, nếu ta hiểu đúng về tình yêu, thì khi nói mình yêu ai đó, ta không có nghĩa là ta ngưỡng mộ họ, mà là ta đã nắm bắt được mọi thử thách, góc khuất đằng sau những khía cạnh khiến ta phiền lòng hay khó chịu ở họ.
Kierkegaard đặc biệt tiếc nuối khi thấy thời của ông đã thay thế tinh thần tha thứ Kitô giáo bằng cái gọi là công lý — thứ nghe có vẻ khách quan, sắc bén và hợp lý hơn nhiều.
Những người theo đuổi công lý muốn trao cho mỗi người cái họ thật sự “xứng đáng” có. Nghe thì hợp lý, cho đến khi ta nhận ra một sự thật bất ngờ: nếu mọi người thực sự nhận đúng những gì họ “xứng đáng”, thì thế giới này sẽ không còn nơi nào yên ổn để sống. Khi công lý bị đẩy lên thành tối thượng và ta tin rằng mình có thể là công cụ tuyệt đối cho lẽ phải, thì sẽ không còn giới hạn cho cơn giận dữ hay những hình phạt nặng nề mà ta muốn trút lên “kẻ sai trái.”
Với Kierkegaard, mục tiêu của chúng ta không phải là xây dựng một thế giới nơi mọi người nhận đúng những gì họ “xứng đáng,” mà là cố gắng để càng nhiều người càng tốt nhận được lòng tốt họ cần. Khi áp dụng vào trẻ con, ý niệm về công lý trở nên vô lý hết mức, như Kierkegaard đã thấy rõ. Nếu cha mẹ cho con mình đúng những gì chúng “xứng đáng” nhận, có lẽ đa phần lũ nhỏ sẽ sớm bị bỏ ngoài đồi trọc để mặc kệ chúng. Dù công lý có thể bắt nguồn từ động cơ cao đẹp, nhưng nó dễ dẫn ta tới một cõi địa ngục không còn bóng dáng của yêu thương.
Kierkegaard đã vẽ nên một “nấc thang tình yêu,” từ cấp độ dễ dàng nhất đến chân thật nhất. Bước đầu tiên, ta yêu những ai yêu ta; tiếp đến, ta yêu cả những ai không yêu mình; rồi ta yêu những ai làm tổn thương ta; và cuối cùng, bước vinh quang nhất, là yêu tất cả mọi người, không loại trừ ai.
Kierkegaard mỉa mai những ai nói tin vào tình yêu nhưng lại thêm rằng họ chưa tìm được ai để yêu. Hàng triệu người xung quanh ta kia mà. Nếu nói rằng không ai đáng để yêu, thì chính ta chưa hiểu gì về tình yêu. Ta cần yêu những ai ta thật sự nhìn thấy, chứ không phải những “hình bóng xa xôi” nào đó. Một trang hẹn hò kiểu Kierkegaard sẽ buộc chúng ta yêu những người hoàn toàn ngẫu nhiên, không dựa trên sự ngưỡng mộ hay phẩm hạnh, mà dựa trên nhân tính chung của loài người. Ông phê phán “tính ích kỷ của tình yêu có điều kiện.” Ông viết: “Kitô giáo chưa từng dạy rằng ta phải ngưỡng mộ người lân cận; chỉ đơn giản là phải yêu thương họ mà thôi.”
Kierkegaard nhìn thấy một sự phân biệt đáng kinh ngạc trong tình yêu lãng mạn. Những người tự hào rằng mình không có định kiến lại áp dụng những tiêu chuẩn khắt khe đến đáng sợ khi chọn người yêu: họ muốn đối phương phải có gương mặt thế nào, thu nhập ra sao, khiếu hài hước thế nào mới được. Họ tự xem mình là tử tế và bao dung, nhưng khi nhắc đến tình yêu, lòng rộng lượng ấy lại giống như một thứ “chế độ đẳng cấp” khiến con người chia rẽ tàn nhẫn bởi sự phân biệt của cuộc sống trần gian.
Kierkegaard nói: “Người Kitô hữu không chỉ yêu người nghèo; họ yêu tất cả mọi người. Kẻ giàu, kẻ sa ngã, kẻ quyền thế: ‘Ai yêu người lân cận mình một cách chân thành cũng yêu kẻ thù của mình… Tình yêu chính là sự hoàn thành của một điều răn…’”
Kierkegaard nhắc đến tình yêu của Chúa Kitô dành cho môn đệ Peter, người luôn làm Ngài thất vọng: “Chúa Kitô không nói: ‘Peter phải thay đổi trước, phải thành người khác thì Ta mới yêu lại anh ấy.’ Ngược lại, Ngài nói: ‘Peter là Peter, và Ta yêu anh ấy; chính tình yêu, nếu có gì, sẽ giúp anh ấy trở thành một con người khác.’”
Vậy nên, noi gương Chúa Kitô, chúng ta cần yêu thương đặc biệt là khi ai đó đáng ghét: làm một điều tồi tệ không có nghĩa là người đó không xứng đáng được yêu; trái lại, điều đó khiến họ càng cần được yêu hơn. “Ta cứ mãi nói về sự hoàn hảo và một con người hoàn hảo. Nhưng Kitô giáo […] nói về người hoàn hảo là người có thể yêu một cách vô bờ bến, yêu con người mà mình thấy trước mặt […] dù họ còn khiếm khuyết và yếu đuối.”
Cuối cùng, Kierkegaard mong muốn chúng ta làm điều nghe thật kỳ lạ nhưng cũng thật tử tế: “Là một Kitô hữu có nghĩa là trở thành người bắt chước Chúa Kitô […] và làm người bắt chước nghĩa là sống sao cho cuộc đời của ta giống với cuộc đời của Ngài nhất có thể, trong giới hạn của kiếp người.”
Những độc giả Đan Mạch vào thập niên 1840 khi đọc về những quan điểm của Kierkegaard về tình yêu hẳn đã ngạc nhiên không kém gì chúng ta — vì lối nhìn của ông hoàn toàn khác biệt so với suy nghĩ thông thường. Nhưng dù thông điệp của ông có phần khó nhằn, ta vẫn thấy nó chẳng hề mất đi tính thời sự. Chúng ta ngày nay cũng thường mắc kẹt trong ý nghĩ rằng ta chưa tìm được “người ấy” và vì thế từ chối yêu bất kỳ ai; chúng ta vẫn phán xét và đạo đức hóa thay vì tha thứ và cảm thông. Có lẽ, ta vẫn chỉ mới chạm đến ngưỡng cửa hiểu biết về ý nghĩa thật sự của tình yêu chân chính — cùng những điều mà nó đòi hỏi ở chúng ta.
Nguồn: KIERKEGAARD ON LOVE – The School Of Life