Trong hầu hết các tình huống, thì giữ mình ‘im lặng’ được luôn luôn khó hơn ‘nói ra’. Nó là 2 trình độ hoàn toàn khác xa nhau.
Tại sao ‘im lặng’ luôn khó hơn rất nhiều?
Một, vì cái miệng chúng ta luôn nhanh hơn cái não,
(tập khí hay thói quen nó thấm vào máu rồi, nên đụng chuyện là phản ứng trước cái đã hay nói cho đã cái nư trước đã)
Hai, dù có dùng não phân tích thật nhanh rồi mới nói ra đi nữa… thì cũng chưa chắc cái lý trí anh em đã thấy đúng hết bản chất hay nhìn ra cốt lõi của vấn đề để đưa ra lời nói hay hành động cho phù hợp nhất.
Nói ra ngay hay phản ứng ngay, theo trải nghiệm của tôi, khả năng trúng vấn đề thường không cao, tỷ lệ khá thấp, 10 lần chắc trúng được 1-2 lần ăn may.
Nên khi đụng chuyện, người giữ im lặng được thì đã thắng được 50% câu chuyện đó rồi. Cái này anh em phải khắc lên người, im lặng được thì đã thắng 50% rồi.
Còn 50% còn lại thì nó sẽ diễn biến như thế này,
1. Có những việc sau vài hôm thì nó tự động đâu vào đấy, dù anh em không cần nói, không cần giải thích, phân tích hay hành động gì thêm. Nó tự giải quyết bởi chính nó, chứ nếu anh em can thiệp ngay lúc đầu thì chưa chắc nó đã trôi êm như thế.
2. Có những việc, vì anh em có sự quan trọng trong đó, nhưng do anh em im lặng quá, nên các người liên quan cũng hơi lo lo, rồi sợ là anh em sẽ rút hay không vui, nên tự động mọi người tự điều chỉnh hoặc tự đưa ra giải pháp win win hơn. (áp dụng cái này trong các mối quan hệ gia đình hay bạn bè thân, thậm chí là đối tác với nhau cũng khá hiệu quả)
3. Có những việc bắt buộc phải trả lời liền, cần giải quyết ngay, thì anh em cũng đừng trả lời liền. Nếu gấp quá, mặt đối mặt, thì trì hoãn thêm 5-10 phút. Một là để anh em lấy lại nhịp thở cái đã, oxy bơm lên não đều đều cái thì cái não anh em mới hoạt động hết công suất của nó được. Trong 5-10 phút đó, ít nhất là mình không có trả lời nhanh quá mà chưa kịp suy nghĩ hết vấn đề, tuy chưa chắc lời nói ra đã tốt hơn sau khi trì hoãn, nhưng ít nhất, hãy chậm lại vài nhịp rồi hãy trả lời.
4. Có những việc cũng bắt buộc trả lời, nhưng không phải liền hôm nay thì cứ im lặng đến khi nào đến thời hạn thì hãy trả lời. Cái ‘cơn’ lúc đó sẽ làm cái đầu mình đóng băng lại, nếu sau 1 giấc ngủ hay 1 buổi thể thao thì đầu nó xã ra khá nhiều, thì lẽ ra định nói 10 câu hôm qua thì hôm nay chỉ cần nói 1-2 câu là đi thẳng vào trọng tâm vấn đề.
Cái cốt lõi của sự im lặng, là cho anh em thêm thời gian để bình tâm lại, cho ổn định dòng khí trong người lại đã… máu lên cao quá thì hay làm liều.
Khi cơn sân có mặt, thì nó muốn dập tan đối tượng làm nó sân ngay lập tức hay nó muốn giải quyết vấn đề ngay lập tức, cho nên nói ra hay làm gì trong cơn sân đều khiến anh em bị tán khí rất mạnh.. đó là tại sao trả lời trong cơn sân… thấy giọng điệu, hơi thở, lời nói, và ánh mắt chắn chắn không thể điềm tĩnh được.
Quy chung, khi anh em gặp chuyện, dù muốn nói ra lắm rồi… nhưng nếu cố gắng giữ im lặng được để bình tâm lại rồi hãy trả lời… thì đa phần anh em sẽ né được hơn 50% những phiền toái rồi do cơn sân hay do phản ứng quá nhanh gây ra.
Còn một mức khó hơn nữa,
Nếu im lặng là vàng,
Thì nói ra trúng cốt lõi thì lại là kim cương,
Có nghĩa, khi mình đã rút kiếm ra, thì câu nào chắc chắn câu đó, làm chủ hơi thở, làm chủ vấn đề, đảm bảo có giải pháp win win cho tất cả các bên liên quan, đường tiến và đường lui rõ ràng.
Cái nào mình gây lỗi thì mình nhận, mình sửa,
Cái nào mình không lỗi thì mình đưa ra giải pháp để tất cả không gặp lại vấn đề này nữa,
Im lặng giữ được hòa khí chung, chưa kể, cái người hỏi mình hay đang trách mình, cũng có thêm thời gian để bình tâm lại khi nghe câu trả lời từ mình.
Muốn đưa ra quyết định đúng, lời nói chuẩn, thì anh em cứ im lặng trước cái đã,
Dù khả năng rất cao, dù đã im lặng rồi, nhưng mình vẫn quẹo vào đường cụt, vì cái trí của chúng ta vẫn chưa nhìn ra vấn đề gốc. Tuy nhiên, im lặng được sẽ là cái nền móng rất rất tốt cho phát triển trí tuệ sau này.
Người nói nhiều mà không nghĩ, thì cái định lực rất yếu, khí lực tán loạn, lời nói không có chắc, nên nói càng nhiều thì sơ hở càng nhiều !
Người im lặng được, thì lâu ngày, người ta sẽ thấy anh em vô cùng nguy hiểm… vì không biết nội lực bên trong anh em có gì trong đó.
2 năm đầu qua Mỹ đi làm chung với anh em Tây lông bên đây, nhiều lúc nó châm biếm mình, hỏi khó mình, chửi khéo mình, nhưng tôi toàn im lặng và vui vẻ mỉm cười… Mấy anh em Việt làm chung bảo thằng này cứng quá!
Nhưng sự thật là không phải do tôi công phu giỏi mà là do tôi không hiểu mấy anh em Tây đang nói cái gì, chửi tiếng lóng thì tôi thua, với cả dù hiểu đi nữa thì Anh ngữ tôi lúc đó còn bập bẹ quá, cũng không biết trả lời sao, nên im lặng mỉm cười, nhờ vậy mà tôi còn sống sót đến hôm nay để học hết nghề của anh em Tây nữa chứ.
Im lặng thì không có thừa nhận chuyện đó đúng hay sai (nếu người ta cố quy chụp sai lên anh em)… đúng sai chỉ đến khi nào anh em lên tiếng thôi. Còn người ta đã cố ép sai cho anh em, mà cả anh em cũng không đủ lực để chống lại thì im lặng luôn cho đỡ tốn năng lượng, vì biết rõ duyên đã không đủ rồi.
Thật ra, con người ta thích nói hơn là im lặng,
Mà đa phần những cái chúng ta nói qua nói lại mỗi ngày, trừ công việc ra hay mấy chuyện quan trọng trong gia đình thì tất cả đều dư thừa hết.
Tái bút:
Im lặng đủ lâu thì tự động các vấn đề nó giảm hẳn,
Im lặng quá nên ít bạn ít bè chơi, mà có gặp cũng không có chuyện để nói, nên cũng không có gì để thích hay ghét nhau cả.
Cả đi làm cũng thế, ít nói thì ít chuyện,
… Mà cái lợi kinh khủng nhất của im lặng, là tiết kiệm được rất nhiều thời gian, thay vì nói này nói kia thì mình bỏ vào những việc nâng cấp bản thân mình lên nữa..
Nói ra, vài anh em hơi chạnh lòng, nhưng người có trí càng cao thì độ im lặng của họ càng sâu càng dày chừng đấy ! Họ chỉ nói khi quá cần thôi.
Mà anh em nhớ tự nhắc,
con đường tu thân là con đường một mình và rất cô độc, mình đến đây một mình thì ra đi một mình…
và những điều vĩ đại nhất trong vũ trụ này đều xảy ra trong sự im lặng !
Cheers,
Bác 7B
——
Hình của RumiHeals