Tôi cũng từng có những lúc ghét cha mẹ mình. Ghét theo đúng nghĩa đen và không hề hàm ý. Tôi ghét cha tôi những khi ông uống rượu say xỉn và gây sự. Điều này không thường xuyên nhưng có một giai đoạn khi tôi còn nhỏ, ông rất thường xuyên say xỉn và gây sự với mẹ. Khoảng thời gian đó ám ảnh tuổi thơ tôi và thậm chí cả cuộc đời tôi nữa. Không chỉ đời tôi mà cuộc đời của tất cả các chị em gái khác nữa.
Sau này khi lớn lên tôi hiểu được nỗi đau khổ của ông, hiểu được tại sao ông lại làm như thế và tôi không còn ghét ông nữa, nhưng mỗi lần nhớ lại quá khứ ấy, sự giận vẫn còn nguyên.
Tôi không còn giận về việc ông uống rượu và trở lên bạo lực nhưng giận vì đó là cách ông đã chọn để đấu tranh, phản kháng lại mẹ tôi – cách duy nhất mà ông biết, và tất nhiên không phải là cách tốt nhất chút nào. Vì mẹ tôi quá mạnh, mẹ luôn kiểm soát mọi thứ đến nỗi cha chỉ biết một cách duy nhất là xỉn rượu để có thể thoát khỏi sự kiềm chế của mẹ, để cảm nhận tự do. Vì chỉ khi ông xỉn thì mẹ mới xuống nước một chút, mới mềm ra một chút, còn những khi mẹ không xuống nước thì tất nhiên căn nhà biến thành “nơi hỗn chiến”.
Rượu là một sáng tạo hay của con người, nó giúp đưa người ta ra khỏi tâm trí trong vài thoáng chốc, nó làm mềm tâm trí người ta ra. Và khi tâm trí được làm mềm ra, nó trở thành hiện tượng lâng lâng dễ chịu, nhất là khi người ta vui vẻ thì rượu giúp nhân vui vẻ lên nhiều lắm. Nhưng người đang mang tâm trí lớn, bản ngã lớn như là khi đang buồn đang giận mà uống rượu thế thì rượu lại càng giúp thổi bùng tâm trí người ấy lên, khiến người đó trở nên vô cùng nhạy cảm và nhiều phần hung dữ.
Cha tôi khi không uống rượu là người hiền lành nhất thế gian, hiền đến mức gần như bị mẹ xem là cục đất. Và tất nhiên chẳng đàn ông nào muốn bị xem là cục đất cả nên thi thoảng cha đã uống nhiều, dùng nhiều rượu để lấy lại cái uy đàn ông của mình – thứ mà cha đã hết lần này đến lần khác gạt bỏ để chiều theo ý mẹ. Và tất nhiên cũng còn những lý do khác nữa khiến ông uống rượu mà tôi không biết, vì khi ấy tôi còn nhỏ quá, chỉ chưa tới mười tuổi. Khi ấy tôi không hiểu gì về những lý do khiến cha buồn bực, tôi chỉ thấy căm thù rượu và giận cha tôi khủng khiếp. Tôi đã nhiều lần vừa khóc vừa từ chối rằng đó không phải là cha tôi.
Thế rồi hai chục năm sau, khi Du Phong đi học lớp hai, con được giao bài tập miêu tả một người thân như ông hoặc bà. Thằng bé đã chọn miêu tả ông, nó rất yêu quý ông nhưng đồng thời cũng vẫn ghét những khi ông uống rượu hệt như tôi khi xưa. Cha tôi vẫn chưa hề thay đổi, dù giờ đây khi đã già và yếu hơn thì ông cũng không còn “quậy” như trước, nhưng bản chất của việc say để thoát ra khỏi những áp lực vô hình thì dường như vẫn thế. Có khi nó chỉ là thói quen cũng nên. Và việc người ta hành xử vì thói quen là ví dụ dễ thấy nhất của sự vô nhận biết.
Khoảnh khắc bạn nhận biết đầy đủ, bạn hành xử dựa trên hoàn cảnh thực tại chứ không phải trên những hoàn cảnh trong quá khứ mà đã tạo thành thói quen của bạn. Cha tôi ngày xưa uống nhiều rượu để cảm thấy “mạnh”, để cảm thấy “tự do” và nắm quyền kiểm soát, nhưng ngày nay thì việc uống giống như thói quen nhiều hơn. Mẹ tôi cũng vậy, việc chuyên tâm làm ăn kiếm tiền vì sợ con cái sau này khổ là phản ứng của ngày xưa, nhưng ngày nay khi kinh tế gia đình đã khá tốt mà mẹ vẫn giữ nguyên tâm thế làm việc như thể ngày mai cả nhà sẽ chết đói, điều ấy là không cần thiết và thậm chí là tội lỗi.
Tôi xem một việc làm là tội lỗi khi nó tạo ra khổ, khổ cho người làm hay cho những người xung quanh. Việc nào tạo càng nhiều khổ thì là tội càng nặng. Thế thôi!
Mẹ tôi đã từng là người rất nóng tính, quyết đoán và có phần gia trưởng trong nhà. Mẹ rất giỏi làm kinh tế, tháo vát và chịu khó vậy nên việc nhà tôi có chút điều kiện đa phần do mẹ biết cách chèo lái kinh tế gia đình. Cha tôi là người dễ tính, ông thường im lặng hoặc nhún vai làm theo ý mẹ nên chẳng biết từ lúc nào mẹ tôi đã trở thành người chủ chính trong gia đình.
Tôi từng không ưa sự gia trưởng nóng nảy và sự đề cao giá trị tiền bạc của mẹ. Mẹ rất ham làm giàu và giỏi làm giàu. Nhà chúng tôi từ rất lâu đã buôn bán đủ thứ, từ thực phẩm, đồ gia dụng, gạo thóc, phân bón thuốc sâu lại vừa làm trang trại cà phê, nuôi dâu tằm và vài thứ khác nữa. Cả đời tôi chẳng nhớ được ngày nào được mẹ dịu dàng chăm sóc bảo ban vì mẹ luôn luôn bận rộn làm việc kiếm tiền.
Tôi rất giống mẹ ở khoản tháo vát giỏi kinh doanh nhưng tôi khác mẹ ở chỗ tôi sớm thoát khỏi sự mê tiền. Từ những năm 26 tuổi khi đang ở đỉnh cao của việc kinh doanh tôi đã bắt đầu đóng dần các cửa hàng vì không muốn sống một đời chỉ chạy theo tiền, chỉ sống để làm ăn, để kiếm tiền.
Tôi từng học việc cho đi sòng phẳng từ mẹ: giúp đỡ mọi người nhưng theo cách của toán học tức là ghi chép đầy đủ và cần được trả lại đầy đủ, đôi khi phải thêm tiền lời. Nhưng sau này tôi học nghệ thuật của cho đi vô điều kiện từ cha. Cha tôi hay đem tiền đi giúp đỡ người thân mà chẳng bao giờ được trả lại.
Ông cũng thường xuyên cho mọi người trong làng đồ ăn rau củ một cách vui vẻ hân hoan. Cha và mẹ tôi tính tình rất khác nhau và đôi khi tôi ngạc nhiên làm sao họ có thể chung sống cùng nhau suốt 40 năm trời. Tất nhiên thi thoảng cũng có những cãi vã xô xích nhưng nhìn chung trên bề mặt thì khá êm thấm hòa thuận.
Tôi học từ cả cha và mẹ, từ cả điều tôi thích và không thích ở cả hai người, nhờ đó mà tôi trưởng thành nhanh chóng về chiều sâu. Tôi biết kiếm tiền từ sớm và rồi thoát ra khỏi vòng xoáy kiếm tiền cũng nhanh. Tôi học sự chăm chỉ nỗ lực cho mọi điều mình muốn từ mẹ, nhưng tôi cũng học được vẻ đẹp của sự đầu hàng sớm từ cha nữa. Tôi cũng có nhiều điều mình không thích, không ưa và muốn chiến đấu, nhưng tôi chọn một cách chiến đấu thông minh hơn, không bằng rượu hay bạo lực, không bằng sự hung hăng hay lý lẽ, nhưng bằng sự thông cảm và thấu hiểu.
Giờ đây khi tôi đã thấu hiểu, hiểu bản thân mình tại sao mình lại là mình của hôm nay, hiểu cha mẹ tôi tại sao họ lại hành xử như cách họ đã hành xử, thấy những gì mình được “thừa kế” từ cha và mẹ, tự dưng một tình yêu và sự biết ơn bao la ngập tràn tâm hồn tôi dành cho cha mẹ.
Sự biết ơn của tôi dành cho họ bao la đến mức thỉnh thoảng khi nghe nói về họ, tôi lại rơm rớm nước mắt. Tôi bật khóc vì đã có thời mình ghét họ, vì nhận ra mình đã không thể trở thành một đứa con mà họ kì vọng.
Tôi bật khóc khi nhận ra dù giờ đây mình đã yêu thương và biết ơn họ nhiều như vậy nhưng hành xử của tôi đối với họ dường như vẫn không khác bao nhiêu cả. Tôi vẫn cảm thấy giận mỗi khi nghe tin cha mê rượu và giận mỗi khi mẹ để chuyện tiền bạc làm cho đau lòng.
Tôi giận bản thân mình khi quan sát thấy mình giận họ, và tôi khóc. Bạn đã bao giờ thấy nước mắt của con bạn khi nó giận bạn chưa? Nếu nó còn có thể khóc thì bạn vẫn còn có cơ hội sửa sai. Đừng đợi đến khi sự giận chất chồng bên trong và nó không còn khóc nữa, lúc ấy sẽ khó lòng cho bạn để hồi quy mọi sự.
Thật không dễ dàng để viết ra những điều ‘nói xấu’ cha mẹ mình. Nó cho bạn cảm giác như bạn là người không có lương tâm, không có lý trí, như thể bạn là đứa bất hiếu và xấu xa nhất trên đời.
Nhưng nếu như bạn có thể bộc lộc ra, nếu như bạn có một cơ hội để thổ lộ lòng mình với cha mẹ và nghe cha mẹ thổ lộ lòng mình với bạn, thế thì một chiều hướng mới sẽ mở ra trong đời bạn. Cây cầu nối bạn với thế giới sẽ được xây lại, bạn cảm thấy từ bi, biết ơn và bình an hơn bao giờ.
Bạn còn thù ghét, đau khổ và thất vọng khi bạn còn mong đợi từ người khác. Bạn còn sợ hãi, lo lắng và bất an khi biết người khác còn kì vọng nhiều nơi bạn. Hai chiều của kì vọng và mong đợi này hệt như cơn bão lớn gây ra sóng thần san bằng cuộc đời bạn từ bên trong khiến bạn không còn bình tĩnh an yên mà cảm nhận được vẻ đẹp cuộc sống nữa.
Giờ đây tôi chấp nhận cha mẹ mình và không còn kì vọng nơi họ nữa. Tôi không còn kì vọng cha mình sẽ thay đổi việc uống rượu cũng không kì vọng mẹ tôi sẽ thay đổi cách nhìn về tiền bạc. Con người về bản chất là không thể thay đổi ai khác cả ngoại trừ bản thân mình.
Tôi đã đau khổ nhiều năm vì cố gắng thay đổi cha mẹ mình trong vô vọng và rồi nhận ra chỉ khi tôi thay đổi bản thân mình, chỉ khi tôi thay mong đợi bằng sự chấp nhận, thay kì vọng bằng biết ơn, thay tiếng nói bằng sự im lặng, thay “không” bằng “vâng” nhiều hơn – thì đột nhiên theo cách nào đó họ cũng thay đổi.
Sự thay đổi dù nhỏ bé nhưng tích cực và đáng quý vô cùng. Họ đã từng quan sát sự trưởng thành của tôi và giờ đây có thể nói, tôi đang “quan sát sự trưởng thành” của họ. Tôi vui sướng khi thấy mẹ giờ đây đã có thể nói lời cảm ơn, lời xin lỗi. Tôi vui sướng khi thấy cha đã có thể thoải mái chia sẻ với tôi về niềm vui uống rượu của mình.
Tôi hạnh phúc vô cùng khi tặng mẹ một khoản tiền nhỏ và thấy mẹ dùng nó để mua món đồ mới cho bản thân mình thay vì để nhập một món hàng nào đó và bán.
Tôi hân hoan khi thấy mẹ đã vui vẻ hơn khi tôi mua đồ ăn về cho cả gia đình, thay vì như trước đây mẹ sẽ cằn nhằn về chuyện tốn kém.
Tôi hạnh phúc làm sao khi là đứa con gái rượu đúng nghĩa của cha – đứa duy nhất ngồi trong bàn tiệc mà “dám” nâng chén cụng ly cùng với cha và các chú bác bạn bè của cha, nói những điều góp vui vui vẻ khiến mọi người cùng cười.
Có thể nói, từ khi có khả năng quan sát sự thay đổi của bản thân mình, tôi cũng có thể quan sát cả sự thay đổi nơi cha mẹ nữa. Tôi thấy họ đều có nhiều tĩnh lặng hơn, nhiều chấp nhận, ít tranh đấu hơn, nhiều tình bạn và sự tôn trọng hơn, đối với nhau lẫn đối với con cái nữa. Thật là điều đáng mừng vô cùng.
Tôi vô cùng yêu thương và biết ơn cha mẹ, bất kể thi thoảng tôi vẫn còn “nói xấu” họ một chút ở đây ở đó.
Rất khó khăn để một đứa con dám thổ lộ những lời không tốt về cha mẹ mình mà không có ít nhiều dằn vặt, cắn rứt bên trong. Tôi đã phải tranh đấu nội tâm khá nhiều để có thể viết ra những điều “nói xấu” ấy mà không cảm thấy cắn rứt và không sợ người khác đánh giá tôi là một người con xấu xa mang tâm thù ghét cha mẹ.
Việc nói ra những điều này không hề dễ dàng chút nào, nhưng nó thật sự xứng đáng. Tôi nhận ra chỉ khi bạn có thể thành thật với cha mẹ về cảm xúc của bạn như thế, chỉ khi bạn có thể hàn gắn những vết thương và nỗi đau, hàn gắn những oán giận và thù ghét trong tim bạn, thế thì cuộc đời bạn mới thật sự được làm nhẹ gánh và viên mãn.
Khi người con dù thành công và hạnh phúc đến đâu mà không được cha mẹ chấp nhận hay chúc phúc, nó đều cảm thấy có sự tan vỡ bên trong, một sự day dứt khôn nguôi. Khao khát làm hài lòng cha mẹ là khao khát rất tự nhiên và rất đẹp. Thoả mãn được khao khát này thì người ta sẽ dần biết đến cảm giác gọi là sự viên mãn. Để đạt tới điểm viên mãn, người ta sẽ cần những người xung quanh cũng trong cùng nhận biết tương tự.
Cho nên, con cái có một khát khao tự nhiên để làm hài lòng cha mẹ, nó là điều rất đẹp, rất mang tính “người”. Khi làm cha mẹ, hãy ý thức để tận hưởng nhưng tuyệt đối đừng lợi dụng điều này để bắt con chiều theo ý mình; thay vào đó cha mẹ nên thiền, nên suy ngẫm xem mình có đang đặt quá nhiều kì vọng nơi con cái hay không, mình có đang bắt chúng hoàn thành đủ mọi điều kiện chỉ để làm mình vui lòng.
Cha mẹ đúng nghĩa là khi bạn trở thành người bảo vệ, người quan sát và hỗ trợ con bạn sống đời của chúng, chứ không phải đời của bạn.
Nhiệm vụ của bạn là sống cuộc đời hạnh phúc mãn nguyện và giúp con bạn cũng sống cuộc đời hạnh phúc mãn nguyện. Đừng bắt con bạn phải làm bạn mãn nguyện và cũng đừng hi sinh hạnh phúc đời bạn vì bất cứ lý do gì, kể cả con cái.
Người lớn hay nhập nhằng giữa công và tội. Tự họ hi sinh hạnh phúc bản thân mình và nói vì con cái, nhưng rồi lại bắt con họ phải đáp lại sự hi sinh ấy như một cách trả ơn. Nếu sự hi sinh mà cần được trả ơn thì nó là việc hi sinh kiểu gì? Nó chỉ là kinh doanh thôi.
Trong kinh doanh người ta xem nhau như món hàng và mọi hành động của họ là làm sao để món hàng sinh lợi nhuận.
Mọi thù ghét nảy sinh khi một người nhận ra mình chỉ là món hàng, đồ vật. Sự thù ghét của con cái đối với cha mẹ có lẽ cũng bắt nguồn từ đây.
Bạn có đang xem con bạn như đồ vật không? Đồ vật tức là nó tồn tại vì bạn, nó thuộc sở hữu của bạn và không có tự do riêng chút nào.
Có hai kiểu đồ vật: đồ để sử dụng và ném sọt rác hay đồ quý giá chỉ để trưng trên bàn thờ và chiêm ngắm – thì cũng vẫn là đồ vật. Có những cha mẹ đối xử với con như nô lệ nhỏ để sai khiến áp đặt và để thể hiện quyền lực. Nhưng cũng có những cha mẹ “dùng” con mình như một phương tiện linh thiêng: phương tiện để cảm nhận sự tồn tại của họ, phương tiện để giúp đời họ trở nên ý nghĩa, để giúp hoàn thành những ước nguyện vĩ đại mà họ nung nấu trong lòng.
Bất kể bạn “dùng” con với mục đích gì, khi bạn dùng nó tức là bạn đang xem nó như đồ vật và khi bị xem như đồ vật, kể cả đồ cao quý linh thiêng, thì cũng đừng ngạc nhiên khi một ngày bạn nhận ra bên cạnh sự yêu thương, con bạn cũng thù ghét bạn nữa.
Hãy cho phép con cái ghét bạn vì điều đó là tự nhiên, vì bạn biết rằng mình không phải “thánh thần”, vì bạn biết rằng mình cũng đầy những lúc đáng ghét.
Nhận ra sự ghét này giữa mối quan hệ của bạn và cha mẹ bạn – nếu có – rồi tìm cách hóa giải nó với kiên nhẫn và thấu hiểu, bạn sẽ cảm thấy mình như có thêm đôi cánh để bay vào trời xanh và cha mẹ bạn cũng cảm thấy hệt như vậy.
Nhận ra những khoảnh khắc đáng ghét của bản thân mình với tư cách người cha người mẹ và hóa giải nó ngay khi vừa chợt nhận ra nó, đừng để nó đi sâu vào trong tâm hồn ngây thơ của con trẻ, ấy là bạn đang giúp đỡ nó vô cùng.
Hãy xin lỗi và nhận lỗi thường xuyên hơn với con, con bạn sẽ học được cách xin lỗi và cũng học được cả sự khiêm nhường, chân thành nữa. Trẻ con rất dễ tha thứ, chỉ cần bạn xin lỗi chúng sẽ bỏ qua ngay. Và xin lỗi con trẻ không phải là điều quá khó khăn nếu như bạn có thể xem nó như một hữu thể người bình đẳng chứ không phải một nô lệ.
Tôi đã quan sát những giọt nước mắt bình an của mình khi nhận ra mình đã “tha lỗi” cho cha mẹ, giọt nước mắt bình an khi tôi chấp nhận rằng họ đã cố gắng hết sức và đã làm rất tốt – tốt nhất trong khả năng mà họ có thể.
Thế rồi tôi cũng quan sát những giọt nước mắt của Du Phong khi tôi xin lỗi con mỗi lần tôi nóng giận, và cùng với những giọt nước mắt chảy ra, tôi biết con đã tha thứ cho mình.
Một sự nhẹ nhõm đến từ cả hai phía như phần thưởng cho công việc làm cha mẹ thiêng liêng: Công việc của sự nâng cao nhận thức, tình yêu và lòng cảm tạ.
Phi Tuyết, “Một hạt mầm”, sách có sẵn