Khi đã bắt đầu đọc đến một khoảng nhất định rồi thì bên trong anh em sẽ dần có một cái taste cho những thứ mà mình tiếp thu. Cái taste này sẽ ngày càng nhạy nếu anh em được tiếp xúc với kiến thức xịn từ những người chia sẻ xịn xò. Học cũng giống như ăn, giả dụ như khi thích ăn xôi gà, anh em ăn thử nhiều hàng quán khác nhau thì dần cũng nhận ra điều gì làm cho món xôi của anh em ngon đến vậy, ăn ở chỗ này thì ngon mà ở chỗ khác lại bóp gà không thấm, xôi nhão hay sao đó – cũng là khi taste của anh em lên một tầm cao mới. Đọc sách cũng thế, ban đầu đọc thì có thể quyển nào cũng hay hay, nhưng mà khi khẩu vị đã được cải thiện hơn trước thì anh em đọc mấy con page ghẻ hay sách rẻ về chất lượng sẽ thấy nó lấn cấn, sai sai, xàm l.
Bộ não của chúng ta cũng có cái cơ chế rất hay cho việc này, trước đây ăn toàn là rác lâu dần thấy quen, nhưng một khi anh em được chuyển sang sống ở nơi sạch sẽ thoáng mát, món nào món nấy ăn vào thơm ngon, đàng hoàng thì những thứ rác rưởi trong quá khứ sẽ làm bộ não của anh em bị dị ứng. Đây là một dấu hiệu tốt cho thấy chúng ta đang đúng hay sai trong việc nạp vào đầu các nguồn giá trị.
Người viết và người hay chia sẻ cũng có hai dạng khác nhau, gồm Doer và Thinker. Doer là người đã từng “thực” chứng những thứ mà họ chia sẻ ra ngoài, này thường là team trải đời, dấn thân đạp phải cít không biết bao nhiêu là lần, thử sai liên tục và đúc kết ra những bài học riêng cho bản thân – chia sẻ của team này cũng phong phú và thu hút hơn nhiều bởi nó xuất phát từ những trải nghiệm thật và mồ hôi nước mắt trong thực tế. Kiến thức chuyên sâu được team này truyền đạt lại đơn giản nhưng dễ hiểu và đánh đúng trọng tâm, không loằn ngoằn hoa lá hè, nói đâu trúng đó, đánh chóc vào thứ cốt lõi. Nhưng bị cái phần đông những tác giả viết sách hay blog chia sẻ thuộc dạng này lại không nhiều, một là vì không thuộc dân đọc nhiều – đúng hơn là họ học từ những thứ cuộc đời dạy cho họ, sau này đọc sách kiến thức, chứng ngược lại những thứ mình trải qua và đúc kết ra thành lời. Team này không đông cũng vì không phải kẻ dấn thân nào cũng giỏi viết và hứng thú với việc chia sẻ, xương máu đổ xuống đâu thể chia sẻ rọt rành được mà lắm khi từ ngữ cũng không diễn tả nổi thâm ý của người ta. Anh em để ý sẽ thấy nghe chuyện chia sẻ từ bậc ông cha bao giờ cũng hấp dẫn, đơn giản vì nó đến từ chính cảm xúc của cá nhân họ, cùng một lời khuyên nghe thì bình thường chứ từ team này nói ra nó sâu sắc lắm.
Thinker thì ngược lại, đa phần toàn trẻ, và đám này ngốn sách rất ghê. Văn phong của team này ngấm mùi trí thức, kiến thức chia sẻ gì cũng nghe có vẻ rất xịn xò, gây hoa mắt người đọc. Nhưng với những người mà taste họ nhạy, đọc bài của mấy thinkers họ nhận ra ngay, vì nó chạy vòng tròn mà không trúng trọng tâm, ngôn từ gây lú thế chứ thâm sâu chẳng còn – cốt là bởi team này đọc nhiều nhưng trải ít, hoặc có trải nhưng game đời khó quá không deal với đời được. Tính ra để ra đời xây dựng thành tựu sau này chia sẻ lại cho bậc con cháu nó khó vkl, tham vọng thì có nhưng tài lực kém hèn, vì để làm ra hàng xịn thì phải chịu khó dấn thân rồi thử sai và trả giá – trong khi phần đông chúng ta bị cái tâm tham sợ nó chặn lấy những bài học ngoài kia. Thành tựu thật thì tính bằng chục năm try hard có khi mới ra quả, cái hoài bão của mấy đứa non choẹt sớm bị cuộc đời nó dằn xé nát tinh tươm, lúc này trở về cái tâm bất lực và vô mục đích – tìm đến sách để mưu cầu sự phát triển, lập ra con page ghẻ, viết vài quyển sách chia sẻ để tìm kiếm thành tựu an ủi cho cái tôi kém hèn mà thích mơ xa.
Việc học và đọc cũng trải qua những giai đoạn và cách thức khác nhau. Nói về giai đoạn thì có ba giai đoạn tiếp thu bao gồm: biết – hiểu – ngộ. Ví dụ đơn giản cho anh em thế này, anh em đọc sách xong nhận ra quan điểm người đời không lúc nào cũng thuận ý với ta, nhưng mà anh em đụng chuyện vẫn cứ cãi chày cãi cối nhằm cố gắng điều hướng người khác theo ý mình – là khi anh em đọc nhưng mới biết chứ chưa hiểu. Lên được bực “hiểu” rồi thì anh em chia sẻ với người với tâm chân thành và góp ý hơn đôi chút, cũng muốn tốt cho người ta, nhưng nếu để đến mức cao trào thì anh em vẫn sẽ tranh cãi như thường, đó là vì anh em chưa “ngộ” được hết – vì anh em vẫn còn cái tâm tham được làm chủ người ta trong mình. Mức ngộ thì không chia sẻ chắc anh em cũng biết. Dĩ nhiên là ví dụ thế thôi chứ tôi đâu đã “ngộ”.
Cách tiếp thu nó cũng chia làm hai: một là anh em đọc trước, trang bị cho mình và sau này ra đời lấy nó ra mà áp dụng. Thứ hai là anh em ra đời thử sai với những giá trị quan điểm cũ của mình, trả giá ít nhiều, bây giờ cầm sách đến tay mà đọc thì anh em sẽ thấy nó thấm và chạm vào anh em hơn, vì câu từ lúc đó như dội lên tiếng lòng chúng ta. Không có cách học nào là xấu hay tốt ở đây cả, thậm chí nó cũng có thể kết hợp được với nhau kia. Giả dụ như anh em đọc một lần, thấy nó thường thường hiểu hiểu, xong để đó tận vài năm sau, tâm hồn anh em giờ cũng chững chạc hơn trước, đọc lại sẽ thấy nhiều cái hay ho, thâm thúy mà trước đó anh em đâu có ngờ. Ví dụ thế này, anh em trải qua cái thời kỳ đội gái lên đầu, cống hiến năng lượng tiền bạc cho mấy cô em mà tình cảm vẫn không được đáp lại, đời anh em vẫn khổ như thường – sau này tiếp thu được kiến thức xịn, để giúp anh em bỏ hẳn thói simp gái, thì anh em sẽ thấy nó vào đầu sâu và nhanh hơn hẳn. Ngược lại, anh em đọc này kia, hiểu về tâm lý phụ nữ, mà vì chưa trải yêu đương trả giá bao giờ, anh em đâm ra toxic rồi khinh thường giới tính còn lại (trừ mẹ mình) thì anh em tự hủy rồi, vì giới nào cũng có những góc khuất về tâm lý và bản năng đó thôi.
Nhìn chung, cách học từ việc thử sai, trải nghiệm, dấn thân ở đời rồi sau đó mới cầm sách sẽ hiệu quả hơn nhiều. Vì nó dùng chính những dữ liệu thất bại trong quá khứ của anh em ra làm bài học, anh em sẽ cảm tốt hơn các kiến thức đó – trên thực tế chúng ta ai cũng lười, dù có là người siêng đọc thì anh em đôi khi cũng sẽ lười thực hành, lắm khi anh em nên tự hỏi mình đọc để thông minh hay đọc để thôi cảm thấy có lỗi với bản thân là vậy. Trí thông minh thực sự chỉ bắt nguồn từ những kiến thức mà anh em áp dụng được ngoài đời thực thôi. Bằng không thì nó chỉ nằm ở dạng câu chữ bề mặt chứ không thẩm thấu vào đầu như anh em vẫn nghĩ, sau này đụng chuyện cũng sẽ không biết xử lý sao dù từng đọc qua rồi. Team Doer chia sẻ rất hay cũng vì ở khoảng dám thực hành, đọc ít nhưng cuốn nào cuốn nấy giá trị mà còn đọc kỹ song mang ra ngoài thử ngay thì trải nghiệm lại chả phong phú.
Con page này tôi lập ra cũng để vậy, nhiều khi viết xuống mà nói thật với anh em là nó lấn cấn đủ đường, là bởi vì mình chưa đủ chứng. Viết xong đọc lại nó cũng thấy sai sai, láo láo thế nào. Có vài bài mà bạn bè tôi đọc xong nhắn qua bảo thấy đúng là “chạm”, đó cũng là những bài mà tôi viết lại theo đúng y những trải nghiệm của mình. À, ai để ý sẽ thấy có lúc tôi xưng “anh em” có lúc tôi xưng “bạn” – đây không phải là sự thiếu đồng nhất hay gì đâu, chả là tôi đang muốn thử chia sẻ theo hướng khác, để xem cách viết nào gần gũi với anh em hơn thôi.