Em là cô bé lúc sáng xin chụp hình với cô đó ạ. Em muốn gửi lời cám ơn sâu sắc đến cô, bởi sự chia sẻ của cô mang lại giá trị lớn cho em.
Thoạt đầu em rất ấn tượng với cô bởi dáng cô nhỏ bé, nhanh nhẹn. Ấn tượng hơn nữa là màn ảo thuật biến hình với bộ đồ phù thuỷ của cô đó ạ. Cô cứ như phù thuỷ xuất hiện gửi cho em những bài học gì đó vậy.
Lúc đầu cô nói em nghe không rõ, nhưng sau đó em đã nghe được rồi. Mà cô chơi lớn quá, một câu trả lời có sai thì cũng được nhận 100k, có lẽ với cô tiền bạc không là vấn đề gì so với tâm huyết muốn truyền đạt cho học sinh rồi. Hic, nhưng mà em giơ tay mãi không được mời…
Phải nói là em rất được thu hút bởi câu hỏi của cô. Em đi học, nhưng chưa bao giờ đặt ra câu hỏi rằng rốt cuộc việc học hết cấp ba hay đại học sẽ cho em những gì?
Em chưa từng để tâm đến mục tiêu lớn lao, để rồi cứ đâm đầu học mà không nắm rõ bản chất, rồi sau đó lại chán nản vì không nhìn ra lợi ích của việc học.
Những câu hỏi của cô khiến em mất khá nhiều thời gian để suy nghĩ. Thật vậy, như cô nói, trường học nó như một xã hội thu nhỏ, là sân chơi giúp mở ra những cơ hội cho em thử sức và trải nghiệm trước khi bước vào xã hội.
Cô có nói đến “sự vận động của hệ thống”, “kỷ luật tự thân”… những điều này em chưa từng nghe đến cô ạ. Em phải thốt lên waooo…
Còn cả vấn đề thành công, em cho rằng thành công là khi mình đã hoàn thành được những mục tiêu mà mình mong muốn, tuy nhiên em lại chưa từng lấy hạnh phúc làm mục tiêu… Cô khiến em nghĩ em cần nhìn lại bản thân nhiều lắm.
Ngoài ra cô còn cho em một số việc có thể thay đổi cuộc sống như đọc sách, viết lách, học ngoại ngữ (như một công dân toàn cầu). Em rất ấn tượng bởi cô nói, sách mang rất nhiều lợi ích cho chúng ta, chúng ta nên đọc nhiều sách và biết đâu chúng ta sẽ tìm ra cuốn sách làm thay đổi cuộc đời mình. Cô còn khuyên em đưa ra mục tiêu cho cuộc sống, cố gắng thử mọi thứ. Và em sẽ thử!
Nhìn cô cố đi vòng vòng để giao lưu, cố nói to cho học sinh có thể nghe, em nhìn thấy được sự tâm huyết phát ra từ cô, cám ơn cô rất nhiều ạ!”
Minh Nguyệt, nữ sinh trường cấp ba Phước Bình, tp. Bình Phước – viết cho ad sau buổi trò chuyện với trường (cả ngàn học sinh) nhân ngày đọc sách, hồi 4/2022.
Giờ bạn thử nghĩ, nếu tất cả học sinh cấp ba đều được hỏi những câu này: Em có biết đi học để làm gì? Ý nghĩa thực của trường học và việc học là gì? Em muốn đạt được gì trong tương lai? Thành công nên là tiền bạc hay hạnh phúc? Những điều em có thể làm ngay để kiến tạo một tương lai rực rỡ cho bản thân mình, thay vì hoài phí tuổi trẻ trong những thứ vô nghĩa? Kho báu nào mà trường học có thể cho em? Em có biết một cách thức rất đơn giản để trở thành một “công dân toàn cầu”?
Đọc sách là một trong số những cách biến người ta thành “công dân toàn cầu”, nhưng bao nhiêu trường học, bao nhiêu giáo viên thực sự tạo điều kiện cho các em đọc sách? Bao nhiêu em học sinh hiết rằng có một thế giới sách tuyệt vời và màu nhiệm vô cùng bên cạnh sách giáo khoa? (Hồi tôi đi học, tôi mặc định sách = sách giáo khoa và tôi cũng mặc định rằng tôi ghét sách)
Điều đáng buồn ngày nay là giáo viên không thể khuyến khích học sinh đọc sách vì bản thân họ dù muốn cũng không còn chút thời gian nào để đọc sách nữa là. Lỗi thuộc về hệ thống, về những vì sao, chả ai sức nào thay đổi được.
Nếu như từ sớm mọi bạn trẻ đều được hỏi những câu hỏi mang tính thực tế lẫn hiện sinh như vậy, thay vì những câu hỏi ngớ ngẩn mà chúng ta vẫn gặp trong các bài thi, thì bạn tưởng tượng đi: một Nhân Loại Mới sẽ có tiềm năng xuất hiện nhanh chóng tới cỡ nào!