Chúng ta thường dùng từ “dễ thương” và “tử tế” như thể chúng mang cùng một ý nghĩa. Nhưng, việc phân biệt hai phẩm chất này sẽ rất có ích, như Eric Kapitulik – một cựu lính đặc nhiệm Thủy quân lục chiến và huấn luyện viên lãnh đạo – đã chỉ ra.
Sự dễ thương là khi bạn làm cho người khác cảm thấy dễ chịu trong ngắn hạn. Cư xử lịch thiệp, trao nụ cười, vỗ nhẹ vào vai, nói những lời xã giao, tránh tranh cãi.
Ngược lại, lòng tử tế là khi bạn làm điều tốt nhất cho ai đó về lâu dài, ngay cả khi điều đó khiến họ không thoải mái ở thời điểm hiện tại.
Thực ra, ta có thể – và nên – vừa dễ thương vừa tử tế. Nhưng đôi khi, hai phẩm chất này lại xung đột.
Mua cho con một món đồ chơi để dỗ dành cơn giận có thể là dễ thương, nhưng cướp đi cơ hội để con học cách kiên nhẫn thì không hẳn là tử tế.
Im lặng khi thấy đồng đội lơ là có thể là dễ thương, nhưng để họ bỏ phí tiềm năng của mình thì chẳng phải là tử tế.
Không chia tay với người mà bạn biết sẽ không có tương lai có thể là dễ thương, nhưng tước đi thời gian để họ tìm được người thích hợp hơn thì không hẳn là tử tế.
Giả vờ đồng ý với những quan điểm sai lệch của bạn bè có thể là dễ thương, nhưng ngầm khuyến khích họ tiếp tục con đường lạc lối thì không tử tế chút nào.
Dễ thương thì tốt, nhưng tử tế còn quan trọng hơn nhiều. Và như Kapitulik đã nhận định, chọn sự tử tế thường đòi hỏi sự hy sinh.
Nhiều khi, khi chúng ta nói muốn dễ thương với ai đó, thực ra không hẳn là vì họ. Đó là vì chúng ta không muốn phải đối diện với cuộc trò chuyện khó khăn, không muốn gánh lấy hậu quả của việc yêu cầu người khác phải chịu trách nhiệm, và cũng chẳng muốn khiến mọi thứ trở nên “ngượng ngùng.”
Khi chúng ta chọn dễ thương thay vì tử tế, thực ra ta đang chọn sự thoải mái cho mình, thay vì giúp người khác tìm thấy hạnh phúc thực sự và trở thành phiên bản tốt nhất của họ. Và khi nghĩ kỹ lại, điều đó chẳng hề dễ thương chút nào.
[Photo: Ketut Subiyanto/Pexels]
Nguồn: Don’t Confuse Niceness With Kindness | The Art of Manliness