Có một quy luật tâm lý kỳ lạ rằng, những đứa trẻ nhỏ khi bị cha mẹ đối xử tệ bạc lại luôn — thật lạ lùng — đổ lỗi cho bản thân chứ không phải cho người đã làm tổn thương mình. Chúng gh ét bản thân thay vì gh ét những ai gây đau khổ cho mình.
Trẻ nhỏ rất nhanh nhạy nhận ra khi mình không được yêu thương đủ như đáng lẽ phải được. Chúng chẳng hiểu gì về những lý do khiến cha mẹ trở nên lạnh lùng, chỉ cảm nhận trọn vẹn nỗi đau. Và rồi, chúng cần một lời giải thích, thế là chúng vội vàng, theo bản năng, đi đến kết luận luôn có sức thuyết phục nhất đối với chúng: chắc là chúng đã làm điều gì đó sai.
Vì sao mẹ lại cau có như thế?
Tại vì chúng đã làm gì sai rồi.
Vì sao cha lại lạnh nhạt như vậy?
Tại vì chúng đã làm gì sai rồi.
Vì sao chúng không được đối xử dịu dàng?
Tại vì chúng đã làm gì sai rồi.
Vì sao em gái lại được yêu thương hơn?
Tại vì chúng đã làm gì sai rồi.
Lâu dần, tính cách của chúng xoay quanh cảm giác tội lỗi: trong lòng chúng chỉ còn là nỗi niềm rằng bản thân vốn “xấu xa” từ sâu thẳm. Khi trưởng thành, chỉ một chút sự việc xảy ra cũng đủ khơi lại cảm giác rằng mình đã từng làm điều gì khủng khiếp lắm. Tùy vào hoàn cảnh cuộc sống và tâm lý chung của xã hội mà cảm giác tội lỗi của họ sẽ thay đổi: trong thời đại tôn giáo, họ có thể nghĩ mình đã phạm tội với Chúa.
Khi xã hội quan tâm về vấn đề ấu dâm, họ sẽ lo sợ mình đã gây tổn thương cho trẻ con. Khi vấn đề phân biệt chủng tộc được đưa ra ánh sáng, họ sẽ bị dằn vặt rằng mình có những suy nghĩ kỳ thị chủng tộc.
Gần gũi hơn, họ sẽ thấy lo sợ mình đã làm bạn đời buồn, làm bạn bè tổn thương hay xúc phạm đồng nghiệp. Mỗi khi kết bạn mới, họ luôn biết rằng sớm muộn gì người đó cũng sẽ nhận ra rằng họ là “kẻ xấu” và rồi sẽ bỏ đi. Nỗi tội lỗi khó buông bỏ chính vì họ chẳng thể chỉ ra rõ ràng nguồn gốc của nó. Một nỗi ám ảnh mơ hồ phủ lấy họ, như thể có giọng nói vang lên trong đầu: “Mình đã làm gì sai rồi…”
Cảm giác ấy trỗi dậy mạnh nhất khi họ cảm thấy cô đơn; nỗi tội lỗi luôn sinh sôi trong sự cô lập (cũng như tình yêu chính là điều có thể xua tan nó). Khi cảm giác này lên đến cực điểm, người đó có thể tưởng tượng cảnh tự đến đồn cảnh sát đầu thú. Có lẽ, sẽ thật nhẹ nhõm khi được nói với cảnh sát: “Tôi tệ lắm, tôi có tội, tôi đã làm rất nhiều điều sai trái…”
Họ hình dung mình sẽ bị còng tay và dẫn vào phòng giam, cuối cùng cũng được giải thoát khỏi áp lực khủng khiếp đang đè nặng trong lòng.
Nhưng dĩ nhiên, thực tế sẽ chẳng mang lại sự giải thoát nào cả; cách duy nhất để chữa lành nỗi tội lỗi là tìm ra nguồn gốc của nó, là nhận ra rằng chúng ta không xấu xa chút nào, mà chỉ là nạn nhân của sự bất công.
Cuối cùng, chúng ta cần từ bỏ sự tự trách để thay bằng lòng căm phẫn.
Nguồn: IT’S NOT YOUR FAULT