Thất vọng nảy sinh khi kỳ vọng bị phá vỡ. Thất vọng đến với tất cả mọi người, đôi khi một cách chính đáng. Nhưng càng kì vọng viển vông, thái quá, và cứng nhắc – càng giống như trẻ con – thì người ta càng dễ rơi vào nỗi buồn này, nhiều lần và sâu sắc.
Trẻ con mong thắng mọi cuộc thi, và gục ngã trước thất bại; người trưởng thành vẫn giữ niềm hy vọng, nhưng hiểu rằng nỗ lực xứng đáng đôi khi không được đền đáp.
Trẻ con chờ đợi mọi thứ theo kế hoạch và rơi vào buồn bã thụ động khi dự định sụp đổ; người trưởng thành có khả năng thích nghi và khai thác tốt nhất trong những tình thế đổi thay.
Trẻ con mong thần tượng của mình hoàn hảo, và sẵn sàng từ bỏ khi phát hiện ra nhược điểm; người trưởng thành có thể được truyền cảm hứng bởi điểm mạnh của người khác, dù rằng họ không hoàn hảo.
Người chưa trưởng thành thất vọng khi người khác không đạt cùng mức tiến bộ như mình; người trưởng thành hiểu rằng mỗi người (kể cả bản thân) đều có những khía cạnh tính cách phát triển ở mức độ khác nhau.
Người chưa trưởng thành thất vọng khi một nhân vật công chúng, báo đài hay tổ chức nào đó ra mắt nội dung không vừa ý; người trưởng thành không nhầm lẫn sở thích cá nhân với chân lý, hiểu rằng điều mình ghét nhất có thể lại là niềm yêu thích của người khác.
Người chưa trưởng thành cũng thất vọng khi một nhân vật hay tổ chức bày tỏ quan điểm trái ý mình; người trưởng thành hiểu rằng không có một ai hay một tổ chức nào có thể đồng thuận 100% với quan điểm của mình (và sự đồng thuận tuyệt đối đó cũng chẳng phải điều đáng mong đợi).
Đứa trẻ nghĩ rằng thế giới xoay quanh mình; người trưởng thành tập trung xoay trục của chính mình.
Người chưa trưởng thành chờ đợi người khác đáp ứng nhu cầu của mình; người trưởng thành chuẩn bị để tự đáp ứng chúng.
Khi một người lớn nói với người khác, “Tôi thất vọng về anh,” người đó thường vô thức đặt mình vào vai trò của cha mẹ nói với con trẻ; nhưng trớ trêu thay, có lẽ chính anh ta mới là người cần trưởng thành hơn.
Nguồn: Disappointment, The Emotion of Children – Artoffmanliness