Có một sự thật đơn giản thế này, nếu anh chị em chịu khó quan sát sâu hơn một tý thì sẽ thấy ra ngay…
Cuộc sống chính là một dòng chảy ‘thay đổi’ liên tục,
Mọi thứ luôn theo chu kỳ, sinh-trụ-hoại-diệt, hay thành-trụ-hoại-không, mà người ta hay gọi là vô thường. Cái này thì rất nhiều người đã nói rồi.
Nên khi anh em càng tìm kiếm sự ‘ổn định’ trong game đời này thì đồng nghĩa anh em đang đi ngược lại với quy luật vận hành của tự nhiên.
Nghe thoáng qua thì rất mâu thuẫn, vì mục đích sống của đa phần chúng ta đều là tìm kiếm sự ổn định hết mà…
ổn định gia đình,
ổn định sự nghiệp,
ổn định sức khoẻ,…
sự ổn định này không hề sai,
nhưng cái kẹt ở đây là chúng ta luôn muốn sự ổn định này diễn ra mãi mãi theo ý muốn của mình.
từ đó, cái phiền não, stress, áp lực cuộc sống mới sinh ra, vì khi anh em đã quen với một sự ổn định nào đó thì anh em càng khó thích nghi với bất kỳ thay đổi nào khác, vì nó đang kéo anh em ra khỏi vòng ổn định thường ngày.
khi cuộc sống anh em đang bất ổn thì nó đã gây khổ ở mức số 1 rồi, nhưng cái khổ đấy chưa là gì đâu.
Cái khổ gấp 3-4 lần nữa là chính lúc anh em khởi tâm muốn cái bất ổn này phải biến mất ngay lập tức, hay phải ổn định ngay như cũ liền cho anh em, thì sự ức chế trong tâm lúc đó sẽ nhân đôi, nhân ba cái khổ ban đầu lên.
nó giống như, ai bắn một mũi tên vào lưng anh em,
rồi ngay lúc tâm anh em khởi sự sân hận và ý muốn hết đau ngay lập tức thì chính anh em đang bắn thêm 2-3 cây tên vào đúng ngay vết thương đang chảy máu đó,
không biết anh em đã hườm hườm hình dung ra được chưa,
Nên sự bất ổn nhất của nhân sinh, chính là luôn muốn mọi thứ ổn định theo ý mình,
game đời, nó luôn hoàn hảo, luôn ổn định theo chu kỳ của riêng nó… chứ không ổn định theo định nghĩa riêng của anh em được đâu.
càng cưỡng cầu là càng khổ,
không biết anh em nào đã chăm sóc người bị tai biến (đột quỵ), liệt nửa người hay liệt toàn thân chưa. Cái quyết định xem người đó có hồi phục được hay không, chính là ý chí và tâm tướng của người bệnh như thế nào.
nên đa phần người bị đột quỵ rất khó chuyển biến tốt, vì tự nhiên một ngày không thể tự đi đứng được thì đã khổ lắm rồi, nhưng cái tâm sân hận và ức chế luôn chống đối lại hoàn cảnh đó thì càng làm người ta khổ lên gấp 10 lần.
Nên tâm thế quyết định người đó sẽ sống tiếp hay không,
Ngoài việc uống thuốc trợ thêm, tập vật lý trị liệu để chữa phần ‘thân’… thì việc chữa lành phần ‘tâm’ của người tai biến vẫn là cốt lõi nhất.
Tâm thông + phước đủ, thì khả năng khỏi bệnh sẽ cao hơn,
còn không thì cứ nằm đó rồi chờ chết thôi,
Nhà tôi hiện tại có đến 2 người bị tai biến, ông chú và mẹ vợ của tôi, cái may mắn là tâm thức của cả hai đều rất thoải mái và chấp nhận những gì đang diễn ra.
Đợt rồi tôi về VN là để xem tình hình mẹ vợ tôi như thế nào, có lẽ phước của bà cũng còn dày mà thêm thằng con rễ cũng dày nữa, nên mọi thứ cũng sắp xếp êm rồi. Liệt nửa người, tuy vẫn đi lại rất khó khăn nhưng ít nhất là cái bệnh trong tâm của bà đã chuyển hoá thì mới có động lực sống tiếp được.
Có vài anh chị nhắn tôi, bị người yêu hay chồng/vợ phản bội, dù đã chia tay rồi nhưng vẫn còn đau đớn lắm… hỏi tôi làm sao để bớt đau đây ?!
Tôi chỉ hỏi, là “tại sao lại muốn hết đau ngay ???!!!”
tôi mới kể, đợt về VN vừa rồi, tôi có đi nhổ 1 cái răng khôn, không biết vết thương khâu thế nào mà tận 3 tuần tôi mới hết đau dù đã uống thuốc đầy đủ. Nhưng chính cái đau đó cũng làm tôi thấy ra được nhiều thứ… là chính trong game đời của chúng ta cũng sẽ luôn phải đối diện với rất nhiều lần nhổ răng khôn như thế.
Dù biết đau vẫn phải nhổ!
Nhổ có cái răng mà đến 2-3 tuần mới hết đau… giờ tâm tôi có ức chế, ép nó phải hết đau ngay, cũng không hết đau liền được.
Huống chi, các anh chị em, bị nhổ ra một người thương bên cạnh mình thì tất nhiên tâm trí phải đau đớn thôi, tự nhiên mà, từ từ rồi nó hết… chứ tâm anh chị cứ xoáy vào nó hoài thì nó càng đau và khó quên hơn.
anh chị em hiểu rồi chứ?
không có nỗi đau nào là mãi mãi,
và cũng không có hạnh phúc nào là mãi mãi,
thời gian sẽ làm tất cả thay đổi, vì đó là luật chơi rồi,
đợt cô vy 2 năm vừa qua, cũng chính là bài học về sự bất ổn của game đời… nó kéo tất cả mọi người ra khỏi những vòng ảo tưởng về sự ổn định trước đó.
đến cả nhịp tim, nó còn nhảy lên nhảy xuống, vậy mà anh em muốn cuộc đời mình chạy êm đềm như một đường thẳng thì sắp tới số rồi đó.
nói vô thường thì ai cũng biết,
hiểu vô thường thì cũng khá nhiều người,
nhưng sống được với vô thường thì rất ít,
life is change,
cuộc sống chính là thay đổi,
khi chấp nhận sống thì chúng ta phải chấp nhận sự đổi thay luôn diễn ra trong từng giây từng phút.
từ chối thay đổi là từ chối cuộc sống !
Tôi hay nói, cuộc sống là một sự chuỗi bất toàn, bất ổn định nhưng nó lại vô cùng hoàn hảo đúng theo dòng nhân quả và chu kỳ sinh diệt của nó.
Cho nên, đời thay đổi khi chúng ta thôi đẩy,
thôi đẩy là đừng bắt ép cuộc đời phải diễn ra theo ý mình, theo cái định nghĩa hoàn hảo về ổn định của mình…
khi mình buông được cái định nghĩa đó xuống thì tự nhiên game đời nó đã hoàn hảo rồi.
Khi chu kỳ nó đang chạy vào giai đoạn hoại-diệt thì tôi đố anh em lội ngược dòng được…
đã có sinh thì phải có diệt,
vừa sinh ra, anh em tập đi, có người thay tã…thì vào đúng giai đoạn bệnh lão, thì anh em cũng tập đi lại y hệt hồi nhỏ và cũng có người thay tã cho anh em.
nó là một vòng tròn,
chồng hay vợ của anh em, hôm nay vui, ngày mai buồn, đó là chuyện rất bình thường, ngay chính cả tâm anh em, nó cũng thay đổi liên tục mà.
tự quan sát chính mình đủ lâu thì anh em sẽ thấy ra, game đời này chỉ xoay quanh có vài thứ:
được, mất, buồn, vui, nóng, lạnh,
cái ngày mà anh em ‘được’ một cái gì đó, thì đồng nghĩa là cái ngày ‘mất’ chính cái đó cũng đã được định sẵn luôn rồi… vì không có cái gì trong game đời này mà tồn tại mãi mãi cả.
Nên càng nắm 10 cái, thì bắt buộc phải nhả ra 10 cái.
Cái này nó sâu lắm, anh em cứ chiêm nghiệm thêm,
Người nào thấy được cái ‘ngọt’ trong chính cái đắng của sự đổi thay thì người đó đã hiểu luật chơi, còn không thì anh em sẽ nếm trái đắng dài dài. Vì có đó rồi mất đó, dù người anh em yêu thương nhất, cũng không thể theo ý anh em hoàn toàn được, nên nhớ điều đó.
Những gì anh em đang cố gắng trong game đời này, gia đình ổn định, sự nghiệp ổn định, tự do tài chính, nói sát nhất, thì nó giống như xây lâu đài trên cát vậy…
Nên cái cốt lõi không phải, cái lâu đài của tôi to hơn hay hoành tráng hơn của anh… mà là chúng ta đã ‘học’ được gì trong quá trình xây lâu đài trên cát đó.
Chứ so đo với nhau trên những thứ luôn đổi thay thì chính chúng ta lại càng sống trong ảo tưởng sâu hơn nữa.
Năm mới, tôi chỉ chúc anh em thế này,
đừng cầu cuộc sống mình ‘ổn định’ nữa,
mà hãy cầu, mình đủ trí tuệ và nghị lực, để sống được với những đổi thay của cuộc đời này.
Cheers,
Bác 7B
——-
Hình của chogiseok