Nếu bạn không ngủ gật trong tiết địa lý hồi cấp 2, hẳn là bạn biết nước ta có nguồn tài nguyên dầu mỏ vô cùng dồi dào. Sản lượng khai thác dầu mỏ của Việt nam khoảng 40 triệu thùng/năm[1], chỉ kém các nước khối OPEC và Hoa Kỳ. Việt Nam cứ như một ông con quý tử đã được mẹ thiên nhiên đào sẵn cho một giếng vàng đen ở sau nhà, cứ ra vườn múc lên là có của ăn của để.
Thế nhưng dù có giếng vàng khủng, cậu quý tử vẫn nhiều năm lận đận trong đói nghèo. Trong suốt nhiều năm, dầu mỏ không mang lại cho cậu nhiều của cải như tiềm năng to lớn của nó. Nguyên nhân là vì cậu Việt chỉ biết múc dầu thô lên và bán thẳng cho thương lái mà không qua xử lý. Bán dầu thô như thế mang lại lợi nhuận thấp. Vậy nên dù có dầu, Việt không thể trở nên giàu có như nhiều thằng cũng có giếng vàng đen sau vườn khác. Cách thức của Việt là:
KHAI THÁC DẦU THÔ → BÁN → LỢI NHUẬN THẤP (1)
Trong khi đó, mấy anh râu xồm con cháu ông Mohammed ở xóm Trung Đông không chơi kiểu gà mờ như Việt. Nhà chúng nó cũng có nhiều dầu, nhưng thay vì bán thẳng cho thương lái, bọn này chế biến dầu thành sản phẩm như xăng rồi mới bán đi. Bán xăng và các chế phẩm từ dầu mỏ mang lại lợi nhuận cao hơn nhiều lần so với bán dầu thô. Nhờ vậy, mấy anh râu xồm trở thành big kinhtếboi, xây mấy tòa tháp dát vàng cao tổ bố, lái siêu xe bon bon trên đường làng phả khói làm Việt đang ngồi trên con công nông ho sặc sụa. Cách thức của mấy anh râu xồm là:
KHAI THÁC DẦU THÔ → CHẾ BIẾN THÀNH XĂNG → BÁN → LỢI NHUẬN CAO (2)
Bán những nguyên liệu thô luôn mang lại lợi nhuận thấp. Chỉ có bán sản phẩm hoàn thiện mới đem lại hiệu quả kinh tế cao. Điều này không chỉ đúng với xăng dầu mà còn đúng với tất cả các ngành sản xuất khác. Lợi nhuận của người nông dân bán hàng tấn trái cây chỉ bằng người chủ siêu thị bán vài chục cân hoa quả đóng hộp. Đó là lý do vì sao cùng có tài nguyên dầu mỏ như nhau nhưng các nước Trung Đông lại phát triển hơn Việt Nam nhiều lần.
Và nếu bạn cho rằng mình là người thông minh nhưng vẫn nghèo, có lẽ là bạn đang bán tài nguyên chất xám của mình giống như cách mà cậu Việt bán dầu – bán chất xám “thô”.
CHẤT XÁM “THÔ”
Mỗi người chúng ta đều mang trong mình một mỏ tài nguyên có tiềm năng lớn lao: chất xám. Trí tuệ của con người có thể mang lại nhiều của cải như dầu mỏ vậy. Nhưng trớ trêu thay, những người có mỏ chất xám lớn lại thường không phải người giàu. Những người trí thức được xã hội coi trọng như kỹ sư, kiểm toán, IT, bác sĩ, giáo viên… đều không thể đạt tới ngưỡng giàu[2]. Họ chỉ có được một cuộc sống ổn định và cùng lắm là khá giả mà thôi. Những người trí thức làm công ăn lương phải mất trên dưới 10 – 15 năm mới có thể (tự thân) mua được nhà riêng cho mình. Cá biệt có rất nhiều người dù rất thông minh nhưng vẫn có thu nhập thấp, điển hình là các bác sỹ, giáo viên, hay các nhà nghiên cứu chẳng hạn.
Tôi tin rằng lý do những người có nguồn tài nguyên chất xám dồi dào nhưng vẫn nghèo là vì họ cũng như Việt Nam, bán chất xám “thô” thay vì bán sản phẩm hoàn thiện. Để tôi giải thích.
Lấy ví dụ về một kỹ sư IT tại Nintendo. Khi người kỹ sư gia nhập công ty, anh ta sẽ sử dụng chất xám của mình để tạo ra game cho Nintendo. Quá trình này có thể được hiểu như sau:
a) Người kỹ sư khai thác tài nguyên chất xám trong mình.
b) Người kỹ sư bán chất xám cho công ty với mức giá là lương hàng tháng .
c) Công ty mua chất xám “thô” của người kỹ sư, dùng chất xám của anh ta tạo ra sản phẩm – game.
d) Công ty đem bán sản phẩm và thu lợi.
Khi bạn tải Pokemon Go về máy, bạn mua game từ Nintendo chứ không phải người viết ra game này. Người bán sản phẩm hoàn thiện là công ty chứ không phải người kỹ sư. Thực chất, kỹ sư đã bán chất xám “thô” của mình để làm nguyên liệu cho công ty tạo ra thành phẩm. Kết quả của việc bán tài nguyên chất xám cũng như dầu mỏ. Người kỹ sư bán chất xám “thô” thu được lợi nhuận thấp là đồng lương bèo bọt của mình. Trong khi đó, các chủ doanh nghiệp thu được lợi nhuận lớn hơn nhiều do họ là người bán sản phẩm hoàn thiện.
Nếu bạn đang đi làm thuê, điều ấy có nghĩa bạn là người bán chất xám thô cho chủ doanh nghiệp của bạn. Bác sĩ bán chất xám thô cho bệnh viện, bệnh viện dùng chất xám ấy tạo ra sản phẩm “dịch vụ khám bệnh” và đem bán nó. Trường hoc bán sản phẩm “bài giảng”, thứ mà họ đã sản xuất từ chất xám của người giáo viên. Kế cả những công việc khác như kế toán, chuyên viên phân tích đầu tư, tư vấn viên ngân hàng cũng đều là những người bán chất xám thô cho chủ doanh nghiệp. Đó là lý do vì sao những người làm công ăn lương đều không thể đạt tới ngưỡng giàu, dù họ có thu nhập tốt so với phần đông xã hội . Vì họ chỉ đang bán chất xám thô, thứ mang lại lợi nhuận thấp. Những người làm thuê tuân theo công thức (1) như cậu Việt:
KHAI THÁC CHẤT XÁM THÔ → BÁN → LỢI NHUẬN THẤP (1)
Mặt khác, những người chủ doanh nghiệp có thể trở nên giàu có vì họ bán sản phẩm hoàn thiện, thứ mang lại lợi nhuận cao gấp nhiều lần so với chất xám thô. Các nhà tư bản đã thu mua chất xám của nhân viên và dựa vào đó tạo ra sản phẩm. Sản phẩm của một doanh nghiệp chính là kết tinh chất xám của toàn bộ nhân viên trong doanh nghiệp đó. Và cũng như dầu mỏ, sản phẩm hoàn thiện luôn đem lại lợi nhuận lớn hơn so với nguyên liệu thô. Như ta thấy ở trên, công ty game đã sản xuất game từ chất xám của kỹ sư, bệnh viện tạo sản phẩm từ chất xám của bác sĩ và trường học tạo ra dịch vụ sản phẩm từ chất xám của người giáo viên. Chủ công ty game, bệnh viện và trường học có thể giàu, còn kỹ sư, bác sỹ và giáo viên thì không. Các chủ doanh nghiệp làm theo công thức (2):
KHAI THÁC CHẤT XÁM THÔ → DÙNG CHẤT XÁM TẠO RA SẢN PHẨM → BÁN → LỢI NHUẬN CAO (2)
Điều này giải thích vì sao những người giàu nhất trên thế giới đều là những chủ doanh nghiệp – những người bán sản phẩm, còn những người có công việc “ngon” như bác sỹ, kỹ sư, kiểm toán vẫn lận đận, vì họ là những người bán chất xám thô.
Vậy sao chúng ta không thử làm theo các chủ doanh nghiệp để tăng thêm thu nhập? Sao ta không thử bán sản phẩm thay vì bán chất xám thô nhỉ?
“CHẾ BIẾN” CHẤT XÁM
Mục tiêu của mọi người thường là cố gắng kiếm được một công việc tốt như kỹ sư, bác sĩ, kiểm toán… Việc tìm một công việc tốt thực chất là việc “tìm một người chủ có thể mua chất xám thô của bạn với giá tốt”. Nhưng như đã phân tích, việc bán chất xám thô luôn a) mang lại lợi nhuận thấp hơn so với bán sản phẩm và b) không thể giúp bạn đạt tới ngưỡng giàu.
Vì vậy, quan điểm của tôi là: THAY VÌ GIA NHẬP CÁC CÔNG TY VÀ BÁN CHẤT XÁM THÔ CHO CÁC CHỦ DOANH NGHIỆP, CHÚNG TA CÓ THỂ TĂNG THÊM THU NHẬP CỦA MÌNH BẰNG VIỆC SỬ DỤNG CHẤT XÁM CỦA MÌNH ĐỂ TẠO RA SẢN PHẨM, RỒI MỚI ĐEM BÁN SẢN PHẨM ĐÓ.
Nếu bạn muốn trở nên giàu có, đạt được tự do tài chính hoặc chí ít là tăng thêm thu nhập, quan điểm của tôi là bạn nên tìm cách bán sản phẩm hoàn thiện thay vì bán chất xám cho các nhà tư bản. Tôi không bảo bạn phải nhảy việc hay bỏ học để start up đâu nhé. Kiến lập một công việc kinh doanh là cách hay và nhanh nhất để làm giàu, nhưng bạn không cần phải thành lập một công ty hay trở thành một doanh nhân mới có thể bán sản phẩm. Nếu như bạn không có tài kinh doanh, bạn có thể thử biến chuyên môn của mình thành một sản phẩm và đem bán sản phẩm đó.
Quay trở lại với anh chàng kỹ sư IT ở trên. Thay vì viết code cho Nintendo, người kỹ sư có thể tự viết ra 1 game và đăng tải trên app store, hay bán bản quyền game cho một công ty khác. Trong trường hợp này người kỹ sư đã không bán chất xám cho Nintendo, anh ta làm như sau:
a) Người kỹ sư khai thác chất xám của mình
b) Người kỹ sư dùng chất xám của mình tạo ra sản phẩm hoàn chỉnh – game
c) Anh ta bán game của mình và thu lợi.
Khi tự bán sản phẩm game của mình, người kỹ sư làm theo công thức (2) và sẽ có được thu nhập cao hơn mức lương anh nhận được tại công ty. Công việc của người kỹ sư không hề thay đổi, vẫn là viết code. Anh cũng không cần mở rộng thêm mỏ chất xám của mình. Nhưng bằng việc thay đổi cách thức khai thác chất xám, anh đã kiếm được nhiều hơn với cùng một lượng công sức và chất xám bỏ ra. Người kỹ sư cũng không nhất thiết phải bỏ việc và thành lập một công ty phần mềm. Anh ta có thể dành ra những buổi tối và ngày chủ nhật để tự viết game mà thôi.
Kiểu bán sản phẩm từ chuyên môn này có thể đem ra áp dụng với các công việc trí thức khác. Giáo viên tự bán sản phẩm “bài giảng” tại lớp học thêm sẽ thu được nhiều hơn so với bán chất xám ở trường. Bác sỹ bán sản phẩm “dịch vụ khám chữa” ở phòng khám tư hoặc cho các gia đình sẽ thu được nhiều hơn so với bán chất xám ở viện. Kế toán có thể thu được nhiều hơn từ sản phẩm “tư vấn kế toán” bán cho các công ty thay vì làm kế toán viên.
Có nhiều cách khác nhau để tạo ra sản phẩm từ chuyên môn của mình mà không cần lập công ty. Tôi sẽ chia sẻ một ví dụ. Tôi có biết một vài bạn sinh viên khoa kế toán. Thay vì chọn vào làm kế toán trong các doanh nghiệp thì họ làm freelancer hạch toán thuế cho khoảng 30 doanh nghiệp khác nhau. Các doanh nghiệp nhỏ thường không có nhân viên kế toán thuế mà thường phải thuê ngoài. Bình quân mỗi doanh nghiệp trả cho bạn ấy 2 triệu, và thời gian hạch toán chỉ cần khoảng 2-3 tiếng/công ty. Như vậy những ngày kết thúc năm tài chính bạn ấy có thể kiểm khoảng 60 củ chỉ trong 10 ngày, rõ ràng là ăn đứt so với việc làm nhân viên kế toán thuế trong một doanh nghiệp lớn. So với việc bán chất xám trong công việc kế toán cho các công ty, bạn ấy đã thu được nhiều hơn hẳn bằng cách bán sản phẩm “dịch vụ hạch toán thuế”.
Bạn có thể vận dụng những cách tương tự để tạo ra dịch vụ từ chuyên môn của mình và trở thành người bán dịch vụ đó. Một trong những cách tôi nghĩ ra là dùng chuyên môn của mình làm freelancer cho các cá nhân, doanh nghiệp nhỏ. Một designer bán dịch vụ design sẽ thu được nhiều hơn so với làm trong big corp. Một kiểm toán bán dịch vụ tư vấn kế toán sẽ kiếm được nhiều hơn mức lương tại Big 4. May mắn là, nhờ sự phát triển của công nghệ và mạng lưới freelancer, ta có thể dễ dàng hơn trong việc tìm kiếm người sẽ mua sản phẩm/dịch vụ của ta. Còn tạo ra sản phẩm/dịch vụ nào thì phải tùy vào khả năng và đặc thù chuyên môn của bạn. Nhưng hãy nhớ việc bán sản phẩm luôn đem lại lợi nhuận cao hơn so với bán chất xám thô.
Từ trước đến nay, giáo dục mà tôi nhận được từ gia đình và nhà trường luôn hướng tôi đến việc có một công việc tốt. Cả xã hội đều chỉ chạy đua cho việc đó. Mọi trường học đều chỉ đào tạo sinh viên thành những người bán chất xám thô cần mẫn và được giá, chứ chả chỗ quái nào dạy cho sinh viên cách khai thác mỏ chất xám của mình hợp lý cả. Điều này không hẳn là sai trái, nhưng nó không tối ưu hóa được tiềm năng của chúng ta. Vì cho dù bạn có vào được một công ty lớn, và tìm được người chủ doanh nghiệp mua chất xám của mình với giá cao bao nhiêu, thì mức giá ấy cũng không thể bằng được tiềm năng mà chất xám sẽ mang lại cho bạn, và không thể giúp bạn đạt tới mức sống giàu. Nếu bạn là người có tham vọng, chắc hẳn bạn cũng không thích điều này.
Biết được điều này làm tôi cảm thấy như bị đấm vào mồm vậy. Các quan niệm về làm việc và học tập của xã hội mà tôi tin tưởng từ trước đến nay hóa ra không đúng đắn như tôi vẫn nghĩ. Rất nhiều các quan niệm đó sai be bét. Còn cả tá những quan niệm khác của xã hội sai lầm mà tôi sẽ dần chứng minh qua các bài viết trên blog này. Nên nếu bạn thích bài viết này, mong là bạn sẽ không bỏ lỡ những bài viết sau.
CHÚ THÍCH
[1] Theo số liệu từ Wikipedia
[2] Có nhiều cách định nghĩa thế nào là giàu. Cá nhân tôi lượng hóa ngưỡng giàu bằng số tiền một người cần để sống thoải mái trong cả đời: 750.000 USD, cỡ hơn 17 tỉ VND.