Có một dấu hiệu cho thấy người ấy có thể là một người đáng tin cậy và xứng đáng để bạn tìm hiểu: họ sẵn sàng đi trị liệu tâm lý.
Hãy làm rõ ngay nhé: không phải liệu pháp nào cũng hiệu quả và (nói thẳng ra) không phải nhà trị liệu nào cũng giỏi.
Nhưng vấn đề không nằm ở chỗ họ đã hoàn toàn thay đổi nhờ liệu pháp hay thậm chí là đã từng bước chân đến đó. Vấn đề là họ có đủ can đảm để thừa nhận rằng họ có thể cần đến trị liệu.
Điều này quan trọng vì nó cho thấy sâu thẳm bên trong, họ hiểu rằng bản thân không hoàn toàn “bình thường” và thậm chí có thể hơi “lệch pha” hoặc phiền toái đôi chút. Nhưng chính những điều đó lại là nền tảng giúp họ giữ cho mối quan hệ được an lành, vui vẻ, và có thể… dễ chịu hơn.
Một người bạn đời lý tưởng không phải là người hoàn toàn ổn định, chín chắn (vì thực sự chẳng ai như vậy đâu). Đó là người đã buông bỏ suy nghĩ mình hoàn hảo, đã chấp nhận những giới hạn của bản thân và biết rằng đôi khi mình cũng cần sự giúp đỡ. Họ nhận ra cuộc sống phức tạp hơn mình tưởng và việc tìm kiếm sự trợ giúp để hiểu rõ những góc khuất trong lòng mình không phải là điều gì đáng xấu hổ.
Người ấy đã rũ bỏ ảo tưởng về sự hoàn hảo của mình — và nhờ vậy, họ biết cách mỉm cười và biết cách tha thứ.
Những người bình tĩnh và thông minh nhất thường không ngần ngại chấp nhận rằng họ có thể ngốc nghếch, rằng có khi lỗi thuộc về họ và rằng đôi khi họ chẳng hiểu nổi chuyện gì đang diễn ra. Sự hoài nghi nhẹ nhàng này không chỉ khiêm tốn và hài hước hơn, mà còn là một “vũ khí bí mật” vô giá khi xảy ra bão tố giữa hai người, khi bạn lạc đường giữa đêm khuya trong một chiếc xe thuê, khi chuyện chăn gối bỗng trở nên trục trặc, hay khi bạn đang phải chuẩn bị đối diện một bữa cơm gia đình căng thẳng.
Kẻ thù lớn nhất của tình yêu chính là sự tự cho mình là đúng — và việc sẵn sàng đi trị liệu, theo cách nào đó, là dấu hiệu cho thấy người ta đã vượt qua được tính tự mãn đó. Người đáng quý nhất không phải là người luôn nghĩ rằng lỗi là do người khác, mà là người sẵn sàng thừa nhận rằng họ cũng có những điều kỳ lạ, biết rằng mình cần thay đổi — ngược lại, kẻ thù của những mối quan hệ bền lâu chính là những người luôn chắc chắn rằng lỗi là của bạn và họ ổn “như vốn có.”
Vậy nên, việc sẵn sàng đi trị liệu không chỉ nằm ở lợi ích của liệu pháp đó, mà là ở thái độ khi xảy ra xung đột, một người có thể can đảm phá vỡ thế bế tắc bằng cách nói “có lẽ tôi nên suy nghĩ lại” hoặc “có khi tôi cũng đang góp phần làm rắc rối thêm.” Và chính những câu nói đó, chứ không phải những món quà đắt tiền hay chuyến đi xa hoa, mới là “gia vị” lãng mạn thực sự giúp tình yêu nở hoa.
Biết đâu người bạn đời của ta sẽ tìm đến trị liệu và tìm được sự giúp đỡ; hoặc có thể họ sẽ không. Điều đó quan trọng ít hơn nhiều so với việc họ sẵn lòng với ý tưởng trị liệu, vì điều đó nói lên rằng đây là người có thể chấp nhận mình cũng có lỗi, người biết rằng mình vẫn còn nhiều điều cần học hỏi. Nói cách khác, đây là người đáng để ta dành tình cảm, sự cảm thông và thời gian quý giá của mình.
Image: Roger Fry, Vanessa Bell, c.1912
Nguồn: A CRUCIAL SIGN THAT SOMEONE IS WORTH GOING OUT WITH – The School Of Life