Một người quen vừa đi California về, đem đến biếu tôi một ít quà vặt gồm chút trà và bánh ngọt. Món nào cũng có hộp đựng thiệt trang trọng, đẹp mắt. Tôi tháo ra từng thứ, muốn đi nấu nước để pha trà mời khách và cũng để nếm thử hộp bánh. Nhưng rồi tôi lại ngồi yên. Lý do ư? Tôi vừa nhìn thấy hàng chữ Quangzhou, China bên ngoài mấy hộp trà bánh. Quảng Châu, Trung Quốc, nơi có phi trường Bạch Vân (Baiyun) bụi nhiều như mây và cũng là một trong những trọng điểm kinh tế hàng đầu của Trung Quốc với vô số hàng hóa làm ra mỗi năm, từ hàng giả (nhái) đến hàng dỏm (không đủ tiêu chuẩn). Đến sữa bột cho trẻ nít còn bị dư độc tố thì kể gì thức ăn cho người lớn. Ngán quá.
Theo thống kê của World Bank năm 2007, chỉ riêng tại Trung Quốc đã có đến nửa triệu người chết mỗi năm vì tình trạng ô nhiễm môi trường, từ các nguồn khí thải như tàu xe hay nhà máy công nghiệp đến những hóa chất độc hại được sử dụng bừa bãi trong nông nghiệp toàn quốc. Chính phía Trung Quốc cũng nhìn nhận từ hàng chục thước trên không đến mấy chục mét dưới lòng đất ở xử sở này – khó tìm nơi nào không bị ảnh hưởng ít nhiều từ cái thảm họa môi trường đó.
Hình ảnh những dòng nước đen ngòm hay một bầu trời xám xịt những bụi khói công nghiệp, từ lâu đã trở thành quá quen thuộc trong mắt người Đại Lục. Người ta bảo đó là chuyện đương nhiên phải xảy ra, như là cái giá phải trả để nước này trở thành một cường quốc như Anh, Mỹ, Đức, Nhật.
Chuyện ô nhiễm ở xứ Tàu hình như không phải chỉ là mỗi vấn đề môi sinh, nó còn mở ra bao nhiêu điều phải suy nghĩ.
Ô hay, chuyện nước Tàu sao giống hệt chuyện riêng của từng người trên trái đất này hôm nay. Mỗi cá nhân luôn có những cái giá phải trả cho từng ước mơ của mình. Bản thân mỗi người cũng là một xứ Tàu, muốn trở thành hay có được cái gì đó thì anh phải thải ra bao nhiêu là khí độc, và phải sử dụng bao nhiêu là những độc tố chết người để rồi chính anh là người đầu tiên hít thở bầu không khí đó trước khi thiên hạ chung quanh gánh chịu những thứ do anh thải ra. Anh sẽ là sản phẩm mà cũng là nạn nhân của môi trường do chính anh tạo ra.
Xin đừng quên rằng, từng hơi thở của anh luôn ảnh hưởng đến người khác. Tôi có nói quá lời đâu: Nếu anh sống bằng kiểu sống hại người, mỗi phút giây hiện hữu của anh là một cái họa cho người khác. Anh còn thở thì thiên hạ còn phải mệt dài dài. Còn nếu anh sống hữu ích, mỗi hơi thở của anh sẽ là một đóng góp cho đời!
Cái gọi là môi trường sống ấy thật ra rộng lắm. Nó không những là bối cảnh chung quanh anh, mà còn là bầu không khí riêng tư mà chính anh hít thở, tồn tại từng giờ nữa. Xin đừng nói với tôi là anh giàu có, mạnh khỏe và trẻ đẹp thì chuyện gì cũng ok. Một khi không có được cõi sống nội tâm ngon lành thì anh có đi đâu, làm gì, ăn gì, mặc gì… thì cũng không chạy trốn được cái bóng hắc ám của mình. Anh có đi đâu cũng không trốn được cái bóng hắc ám của mình. Anh có đi đâu vẫn không sao trốn được tấm hình hài sắp già bệnh của mình. Không một phương trời nào có thể giúp anh trốn lánh được cái thế giới nội tâm nghèo nàn không đủ chánh tín, chánh kiến mà lâu nay anh cứ quên dòm ngó tới để chăm sóc, hàm dưỡng. Với nó, anh có đến bao nhiêu nơi chốn sang trọng, thơ mộng, lãng mạn trên hành tinh này thì cõi riêng của anh vẫn cứ là một góc tối đìu hiu.
Nói vậy có nghĩa là không chỉ những nhà hoạt động kiểu ông Al Gore mới là người bảo vệ môi sinh cho trái đất, mà đến cả những hành giả sống chánh niệm từng giờ cũng đáng gọi là những người đóng góp đáng kể vào môi trường sống của nhân loại. Phật dạy đem vật chất của mình chia sẻ cho người khác là tài thí, nhưng đem lại sự an lòng cho người khác cũng là một kiểu bố thí khác, vô úy thí. Bằng vào cái từ trường của một lòng lành, ta hoàn toàn có thể tạo nên một môi trường sống an lạc cho kẻ khác. Biết rõ mình đang làm gì, nói gì để tránh những manh động nguy hiểm cho người khác thì có khác gì việc vun trồng những cội cây xanh cho trái đất chứ. Trái đất này rõ ràng đang cần đến những cánh rừng kiểu đó.
Thế giới hiện nay không hẳn là dễ sống hơn, hiện đại và tiện nghi đấy, nhưng anh có nhiều cơ hội đau khổ hơn, với hàng núi vấn đề của nó: Người ta dễ có điều kiện để bị trầm uất, điên loạn và dễ bỏ quên bản thân hơn, từ sức khỏe thể xác đến đời sống tinh thần. Kể cả hạnh phúc gia đình cũng bị đe dọa nhiều hơn. Liên lạc nhau tiện hơn, nhưng lòng người cũng từ đó mà dễ ly tán hơn, thiếu kiên nhẫn hơn. Đi lại thoải mái hơn nên người ta cũng dễ rời xa nhau hơn. Người ta có thêm nhiều phương tiện để bày tỏ và thực hiện suy nghĩ của mình hơn, nhưng trong lòng người thì thường ác nhiều hơn thiện, thế là thiên hạ càng mệt mỏi hơn. Thế giới hôm nay đã là một môi trường sống cần được cảnh giác nhiều hơn. Bởi ở đây bây giờ độc tố nhiều hơn, rủi ro nhiều hơn, dù luôn có vẻ hấp dẫn hào nhoáng hơn.
Mọi sự chỉ còn trông cậy vào mỗi cá nhân. Tuy từng người chỉ là một hạt cát trong biển người, nhưng chính từng cá nhân mới là nguồn cội của mọi vấn đề trên thế giới. Chuyện tôi viết ở đây rõ ràng chẳng mới mẻ gì, nhưng hình như cái thảm họa môi trường của hành tinh này thì ngày nào cũng có thêm những phát tác mới. Nguy ngập lắm thay!
Tôi không tin có một thiên đường kiểu như các chính khách vẫn hứa cuội, chỉ mơ có một ngày ở đâu trên trái đất này cũng có thể hít thở thoải mái an tâm, trà nào cũng uống được, bánh nào cũng ăn được và ai cũng tin cậy được. Mong thay!
Tác giả: Sư Giác Nguyên – Bút danh Toại Khanh