“Đa số con người đều sống một cuộc đời tĩnh lặng trong tuyệt vọng.” (Henry David Thoreau, Walden)
Henry David Thoreau đã nói câu này hơn 150 năm trước, tuy nhiên, nó vẫn là một góc nhìn đúng đến tận ngày nay. Thông thường cơn tuyệt vọng này chính là sản phẩm đến từ những cảm giác buồn phiền vì ta đang lãng phí cuộc đời mình, đi kèm với đó là sự thất vọng rằng mặc dù chúng ta muốn làm điều gì đó cho bản thân mình, nhưng nhiều năm trôi qua và chẳng có gì thay đổi cả. Phillips Brooks đã nhận xét những người gặp tình trạng khó xử như này đó là “cảm nhận [sự vật] theo cách mình nghĩ nhưng lại hạ thấp bản chất của [nó]” (Phillips Brooks). Nếu chúng ta ngó lơ những cảm giác này quá lâu thì ta sẽ mãi mãi bị ám ảnh bởi những gì đáng lẽ nên xảy ra. Trong Video này, chúng ta sẽ khám phá cách mà mình có thể thoát ra khỏi một cuộc sống tĩnh lặng trong tuyệt vọng và biến đổi chính mình theo một cách hữu hiệu hơn cho một cuộc sống như ý.
“Chúng ta không thể thay đổi thứ gì trừ khi ta chấp nhận chúng,” Carl Jung viết. Do đó, bước đầu tiên, là phải nhận ra rằng một sự thay đổi trong cuộc sống chúng ta là điều cấp thiết. Một cách dễ dàng để biết chúng ta cần thay đổi như thế nào, đó là lưu tâm tới việc ta bị ảnh hưởng bởi những cảm giác tiếc nuối, tội lỗi, lo âu hay trầm cảm thường xuyên như thế nào. Jung tin rằng phần lớn trường hợp, các triệu chứng loạn thần kinh chức năng như này chính là kết quả trực tiếp của việc tiếp cận sai lệch với đời và nó hoạt động như những tín hiệu truyền tải đến sự thay đổi cần thiết.
“Có vẻ đối với [Jung] thì ý nghĩa của những cơn [rối loạn thần kinh] nằm ở việc nó bắt một người phải chấp nhận bản chất của chính mình và thế giới, và theo cách này anh ta có được kiến thức tốt hơn về những giới hạn và khả năng của mình… Do đó Jung nhấn mạnh vào khía cạnh tiềm năng này, mang một ý nghĩa tích cực cho căn bệnh loạn thần kinh chức năng và không xem nó như là một căn bệnh phiền toái. Theo như ông, nó còn có thể là một tác nhân kích thích trong quá trình phát triển đầy gian nan của nhân cách và trở thành, nghịch lý thay, một phương thuốc chữa bệnh.” (Jolande Jacobi, The Way of Individuation)
Tuy nhiên, khi mắc phải những trạng thái cảm xúc mang tính tiêu cực này, hầu hết mọi người lại chọn con đường dễ dàng. Thay vì thay đổi hành vi của mình thì họ cố lơ đi cảm giác đó hoặc tránh xa chúng nếu họ có thể. Họ chơi thuốc, rượu bia, hoặc đánh lạc hướng bản thân mình bằng cách theo đuổi những thú vui đơn giản. Về mặt dài hạn, điều này chỉ làm trầm trọng thêm vấn đề và Jung đã có một lời cảnh báo dành cho những người chọn con đường này.
“Chúng ta có thể nghĩ rằng có một con đường an toàn. Nhưng đó sẽ là con đường dẫn tới cái chết. Bởi sau đó sẽ chẳng còn gì xảy đến nữa – ở bất kỳ mức độ nào, không còn những điều đứng đắn nữa. Những ai lựa chọn con đường an toàn chẳng khác gì đi đến chỗ chết của mình cả.” (Carl Jung, Memories, Dreams, Reflections)
Sau khi chấp nhận rằng một sự thay đổi là điều cần thiết, thì câu hỏi tiếp theo đó là kiểu thay đổi nào mới giúp ta có được một cuộc sống như ý? Vào giữa thế kỷ 20, nhà tâm lý học Abraham Maslow đã bắt đầu trả lời cho câu hỏi này. Không như những đồng nghiệp khác của ông dành phần lớn thời gian của mình nghiên cứu bệnh tâm lý, thì Maslow quyết định làm ngược lại. Ông tìm hiểu những con người xuất sắc trong cuộc sống và điều này đã dẫn ông đến một khám phá quan trọng. Những người khỏe khoắn và thành công nhất trong số chúng ta chính là những người “được thúc đẩy bởi những mong muốn hiện thực hóa bản thân”, mà Maslow định nghĩa là “một sự hiện thực hóa về những tiềm năng, năng lực và năng khiếu, như là hoàn thành [một] sứ mệnh, như là có nhiều hiểu biết hơn và chấp nhận bản chất bên trong của con người, [và] cũng như là một khuynh hướng tăng tiến liên tục tới sự trọn vẹn.” (Abraham Maslow, Toward a Psychology of Being)
Maslow tin vào tầm quan trọng của việc hiện thực hóa bản thân đến nỗi ông đã có một lời tuyên bố hào hùng dưới đây:
“Nếu bạn lên kế hoạch thực hiện bất kỳ điều gì mà nó không phù hợp với khả năng của mình, thì bạn sẽ luôn bất hạnh trong những ngày tháng còn lại của cuộc đời.” (Abraham Maslow, Toward a Psychology of Being)
Nhưng sau nhiều năm trì trệ, khi mà những hành vi xấu và khuynh hướng tự hủy hoại bản thân ta đã trở thành một thứ khỏ bỏ, vậy làm sao ta có thể trở thành những người tự hiện thực hóa bản thân? Có một lời trích dẫn không rõ nguồn gốc, nhưng thường được cho là của Ralph Waldo Emerson, cung cấp cho ta một vài hướng đi:
“Gieo suy nghĩ thì gặt hành động; gieo hành động thì gặt thói quen; gieo thói quen thì gặt tính cách; gieo tính cách thì gặt số phận.” (Ralph Waldo Emerson)
Bước đầu tiên đó là “suy ngẫm”, và đối với những người mong muốn một cuộc sống đầy viên mãn hơn, thì bước này chính là việc chọn lựa một mục tiêu hay mục đích ta tồn tại – hay như Maslow đã chỉ ra rằng những người tự hiện thực hóa bản thân cũng được định hình bởi một sứ mệnh cuộc đời. Trong quá trình chọn lựa đôi khi con người lại lầm tưởng rằng điều này cần ta xác định rõ đam mê thực sự của mình. Sai lầm về cách nhìn này đó là đam mê thường chỉ xuất hiện khi ta phát triển kỹ năng của mình. Do đó, nếu chúng ta không biết rõ đam mê của mình nằm ở đâu, thì có lẽ ta phải tự khám phá nó bằng việc nhìn nhận lại bản thân mình. Thay vì trì hoãn quá lâu thì tốt hơn hết là lựa chọn một thứ gì đó mang tính thử thách, thứ khơi gợi nên sự tò mò của mình, và không nên ưu phiền rằng liệu điều đó có phải lựa chọn hoàn hảo nhất không.
Và như đã nói ở trên, gieo một suy nghĩ, hay lựa chọn một mục tiêu, sẽ mang đến kết quả tích cực, nếu chúng ta “gặt hành động” và xây dựng nên một thói quen tốt hơn, thứ sau cùng sẽ giúp ta theo đuổi mục tiêu của mình. Có một điều gì đó để phấn đấu không phải là điều quan trọng lắm bởi vì nó chỉ là những phần thưởng phù phiếm do mục tiêu mang đến, đúng hơn điều quan trọng ở đây đó là quá trình thay đổi bản thân mà ta buộc phải trải qua. Theo đuổi một mục tiêu mang tính thử thách đòi hỏi chúng ta phải bước ra khỏi vùng an toàn của mình khi mà ta sẽ phát triển kỹ năng mới, trau dồi kỷ luật bản thân, và trong quá trình đó, khám phá ra được rằng mình không phải là kẻ vô dụng như bản thân mình nghĩ trước kia.
Tuy nhiên, vấn đề của đại đa số đó là chúng ta luôn chật vật trong việc gieo trồng một suy nghĩ, để gặt hái một hành động. Thông thường con người hay đổ lỗi cho sự bất lực của mình khi không thể giải quyết cơn lo âu, trầm cảm, sợ hãi, hoặc thiếu đi tự tin vào khả năng của mình. Trước khi bắt tay vào thực hiện điều cần thiết để theo đuổi mục tiêu của mình, những người như này thường viện lý do, có thể là do họ muốn loại bỏ những cảm xúc tiêu cực của mình trước tiên. Tuy nhiên, điều này, lại là con đường dẫn đến thất bại.
Những trạng thái cảm xúc tiêu cực phần lớn là kết quả của các khuynh hướng hành vi sai lệch và tránh né việc đối diện với nỗi sợ của mình và không đủ can đảm để chấp nhận những thử thách trong cuộc sống, thứ giúp ta phát triển bản thân mình hơn. Chỉ mỗi thiền định và xem xét nội tâm không bao giờ là đủ để ta chữa lành những cảm xúc này, đúng hơn ta nên hiểu rằng mình có thể làm những điều có ý nghĩa hơn dù cho ta bị lo âu, trầm cảm hay sợ hãi. Tầm quan trọng của một hành động đầy ý nghĩa giống như là một phương thuốc chữa trị cho những cảm xúc rối rắm chính là nền tảng cho liệu pháp Morita, một trường phái trị liệu tư tưởng của Nhật Bản. Như David Reynolds, một chuyên gia về trường phái này giải thích:
“…điều chỉnh cuộc sống của bạn để hướng tới việc hoàn thành những điều mà thực tại muốn ta làm. Nói cách khác chúng tôi khuyên bạn nên tập trung nhiều hơn vào những điều có ý nghĩa. Hãy để cho cảm xúc tự lo liệu chính nó. Tôi nghĩ thứ bạn sẽ tìm ra được đó là khi bạn làm tốt những công việc mà bạn muốn ở cuộc đời này, thì cảm xúc sẽ không còn quấy phá bạn nữa. Và kể cả nếu cảm xúc của bạn bắt đầu quấy rầy, thì khi bạn tham gia vào hoạt động có tính giá trị, nó sẽ không làm phiền. Những cảm xúc đó không còn xuất hiện nữa.” (David Reynolds, A Handbook for Constructive Living)
Khả năng hành động kể cả khi ta không có hứng thú chính là một trong những điểm đặc trưng nhứt của những người hiện thực hóa bản thân. Như Thomas Huxley viết: “Có lẽ thành quả đáng giá nhất của tất cả nền giáo dục đó chính là khả năng khiến cho bản thân mình làm những việc đáng ra phải hoàn thành, cho dù thích hay không.” (Thomas Huxley) Hơn nữa, như Maslow viết trong cuốn Toward a Psychology of Being:
“Hiện thực hóa bản thân không phải là một cách siêu việt cho tất cả vấn đề của con người. Mâu thuẫn, lo âu, giận dữ, buồn rầu, đau đớn, và tội lỗi, tất cả vẫn xuất hiện ở những con người khỏe mạnh.” (Abraham Maslow, Toward a Psychology of Being)
Do đó, không quan trọng bạn là ai, hay bạn đang ở giai đoạn nào trong cuộc sống, những cảm xúc tiêu cực sẽ luôn xuất hiện – câu hỏi ở đây là liệu bạn có dám dũng cảm đối mặt với những cảm xúc này hay không? Những người can đảm đối diện thì sẽ có một cuộc sống tốt hơn những người thu mình lại trước nỗi sợ của họ, hay như Emerson viết:
“Hãy làm những gì chúng ta sợ và cơn sợ hãi đó chắc chắn sẽ biến mất .” (Ralph Waldo Emerson)
Một cách hiệu quả để có lòng dũng cảm cần thiết để đối diện với nỗi sợ của mình đó là hãy nghĩ về cái chết sắp xảy đến. Các nhà triết học Khắc Kỷ (Stoic) cho rằng những người nhận thức được sự ngắn ngủi của cuộc sống sẽ luôn muốn sống một cách dũng cảm và đầy nhiệt huyết nhất có thể, cố gắng tận dụng từng khoảnh khắc. Steve Jobs, một con người của hành động, đã nhận ra sức mạnh của phương pháp này:
“Nhớ rằng tôi sẽ chết chính là công cụ tuyệt vời nhất tôi từng có để giúp mình đưa ra những lựa chọn lớn trong cuộc đời. Bởi vì hầu như tất cả mọi thứ – tất cả những hy vọng phù phiếm, lòng kiêu hãnh, nỗi sợ mất mặt hay thất bại – tất cả những điều đó trở nên mờ nhạt khi ta đối diện với cái chết, chỉ những điều thực sự quan trọng còn ở lại. Hãy nhớ rằng bạn sẽ chết chính là cách tốt nhất mà tôi biết để giúp bạn tránh cái bẫy tư duy rằng mình vẫn còn có một thứ gì đó để mất. Bạn thực tế chẳng có gì. Và chẳng có lý do gì để không đi theo tiếng gọi con tim của bạn.” (Steve Jobs)
Nhưng nhận thức về cái chết đang đến gần chính là một con dao hai lưỡi. Nếu ta trì hoãn quá lâu trong việc thiết lập một sự thay đổi cần thiết để sống cuộc đời trọn vẹn và thay vì tiến bước trong việc hiện thực hóa tiềm năng của mình, thì ta lại phung phí thời gian của mình, vậy thì việc ý thức được cái chết của ta sẽ chỉ dẫn đến sự đau khổ, và cảm xúc hối hận hay tiếc nuối sẽ ngày càng mãnh liệt hơn. Chúng ta đã chọn con đường an toàn, thứ mà Jung gọi là con đường dẫn tới cái chết, và chúng ta dành những ngày còn lại lảng tránh khỏi sự thực rằng mình đang lãng phí cuộc đời mình. Trong cuốn sách The Way of Individuation của Jolande Jacobi, cô đã đưa ra lời cảnh báo về những điều có thể xảy đến dành cho những người chọn con đường này:
“Bất kỳ trở ngại nào ảnh hưởng tới quá trình phát triển tự nhiên… hay vẫn còn mắc kẹt ở một mức độ không phù hợp với độ tuổi của người đó, thì nó sẽ trả thù, nếu không phải ngay bây giờ, thì khi đã trôi qua một nửa đời người về sau này, nó sẽ xuất hiện dưới hình thức những cơn khủng hoảng nghiêm trọng, suy nhược thần kinh, và tất cả thể loại hành hạ về cơ thể và tâm lý. Hầu hết chúng đi kèm với cảm giác tội lỗi không rõ ràng, bằng cách hành hạ lương tâm mà ít ai hiểu, thứ mà cá nhân đang phải đối mặt đó chính là sự vô vọng. Anh ta biết mình không phạm phải sai lầm xấu xa nào, anh cũng không để cho những cơn xung động đen tối trỗi dậy, và anh vẫn bị đầu độc bởi sự bấp bênh, bất mãn, tuyệt vọng, và tất thảy là bởi sự lo âu – một mối lo âu dồn dập, không xác định được. Và trên thực tế anh ta nên bị phán là “có tội”. Tội lỗi của anh không đến từ việc mình bị cơn loạn thần kinh chức năng, mà đúng hơn là, dù anh biết mình mắc phải nó, nhưng anh vẫn không chịu làm gì để chữa khỏi nó.” (Jolande Jacobi, The Way of Individuation)