Con người nhìn chung là thích phán xét, đưa ra những kết luận nhanh chóng hơn là thực sự suy nghĩ sâu xa. Như tôi đã từng nói với anh em nhiều lần, suy tư là một quá trình khó khăn, nơi mà anh em đấu tranh với mọi thứ tạp niệm chỉ để giữ vững đôi chân trên mảnh đất mà anh em đang tìm hiểu, tránh để hụt chân rơi sang các vùng đất khác.
Suy nghĩ thì đòi hỏi nhiều năng lượng tinh thần, đòi hỏi môi trường phải đủ tĩnh mịch, đòi hỏi bản thân anh em nhìn chung có một mức kiến thức đủ để phân tích vấn đề cho sâu. Còn phán xét thì dễ hơn nhiều, kết luận nhanh chóng theo một motif suy nghĩ chung mà trước giờ anh em vẫn thường hay áp dụng, vì nó dễ hơn nhiều, nên là ai cũng thích.
Tôi tuy hạp tính với bà già, nhưng lại khắc khẩu trong nhiều vấn đề rất vô duyên. Đó cũng là một trong số những sai lầm tôi hay mắc phải, tranh luận với phụ nữ và tranh luận với người nhiều tuổi đời hơn. Đó đều là những công việc làm hao tốn thời gian vô ích, nhưng tôi vẫn hay vậy, bị cái nhục dục muốn được nói, cái nhục dục được làm khôn chi phối lấy mình. Sau mỗi lần như vậy, tôi nhiều phần hối tiếc.
Nhưng thiệt tình là tôi nhìn thấy ở bà già tôi nói riêng và rất nhiều người lớn tuổi khác nói chung, óc phán xét của họ không ổn tí nào. Có thể thời trẻ họ rất giỏi, nhưng càng già hơn, càng trải đời hơn thì họ càng cứng đầu, càng bảo thủ, càng tin là mình đúng, càng vững được mình trong một cái thế giới đã nhiều phần biến động. Dựa vào số năm sống trên đời để tự cho mình hiểu biết là thứ định kiến khiến mọi tư tưởng như rơi vào ngõ cụt, đều là những lối tư duy nô lệ thói quen phán xét. Đặc biệt là khi tranh luận với lứa nhỏ hơn, việc bản thân tỏ ra thua kém không khác gì một thất bại bẽ bàng. Vì vậy mà họ sẽ càng lý sự cùn hơn, càng vô lý hơn; thay vì đưa ra những minh chứng thật thuyết phục, họ bảo họ sống ở đời đủ lâu để nhìn cái biết liền.
Tôi nói vậy có vẻ hơi nặng. Nhưng để giữ được óc phán xét thật khách quan, thì việc đầu tiên một con người cần làm, là ý thức được bản thân mình đã, đang và sẽ có thể là một con người hoàn toàn ấu trĩ. Từ đó mà anh mới có thể nhìn nhận sự việc một cách chăm chú hơn, dưới góc nhìn của một người đối mặt với nhiều điều mới lạ. Anh lúc này, loại bỏ đi rất nhiều trở lực mang tên định kiến, anh sống lâu không có nghĩa là anh khôn, anh kiếm ra nhiều tiền chưa chắc anh đã tài. Đại loại vậy.
Mà đa phần chúng ta thường đánh đồng ý kiến về một vấn đề với những khía cạnh chẳng mấy liên quan. Kể anh em nghe, đại gia đình trước khi đưa ra một quyết định lớn lao nào đó, thì ý kiến của ai có tiếng nói nhất? Ông bà già? Vì sao? Vì sống lâu hơn. Sau ông bà già thì là ai? Thằng anh cả à? Chưa chắc. Mà là thằng con/cháu làm ra tiền nhất, chi tiền nhiều nhất cho gia đình. Lúc này, mặc nhiên ý kiến của hắn ta trở nên có trọng lượng, dù cho thứ khiến hắn giàu có như ngày hôm nay chẳng liên quan gì đến vấn đề mà cả gia đình đang cùng nhắm đến. Hắn có chịu nghe ý kiến nào đối nghịch hay không? Tôi không chắc, đa phần các cuộc tranh luận sẽ dẫn đến tranh cãi, rằng anh có chăm lo được gia đình này bằng tôi không mà anh lắm lời, trong khi việc có chăm được gia đình hay không, đôi khi chẳng mấy liên quan đến công chuyện đang cần được nói đến.
Óc phán xét khách quan lúc này trở nên vô dụng, anh em bị che mắt đi bởi những thiên kiến từ bên trong, bởi cảm xúc vào thời điểm đó, và bởi sự nông cạn từ trong kiến thức và tư tưởng. Nói chung nhiều. Nếu tôi nhớ không nhầm, thì Thiển Cận là một trong số bản chất của con người (trong cuốn sách dày chìn chịn Quy luật bản chất con người của Robert Greene), và ai cũng có thể thiển cận được.
Tôi nghĩ, óc phán xét, để giữ cho nó được khách quan, giống như bên trong anh em nổ ra một cuộc chiến tinh thần, giữa lý trí từ những gì được học và cảm xúc hiện thời của anh em. Đây là cảm giác không hề dễ chịu, cố gắng suy nghĩ cho đâu ra đấy trong khi tâm không bình là một nhiệm vụ khó nhằn à nha. Và để luyện tập nó, anh em phải chú ý đến từng manh mún trong suy nghĩ của mình, quan tâm đến nó nhiều hơn, ý thức đến từng ý nghĩ nảy số trong đầu rồi đặt câu hỏi xem xem, tại sao lại nghĩ như vậy. Quy trình tôi nghĩ sẽ là như thế, còn mới nghĩ thôi chớ tôi chưa có làm được haha.
Tôi nhìn chung khá kín tiếng những câu chuyện riêng tư, trong nhóm bạn của mình, tôi đang tìm hiểu ai, tôi đang quen ai, lối sống của tôi thế nào, tôi có đọc sách không, công việc tôi ra sao, là thứ gì đó đối với họ là cực kỳ bí ẩn. Tôi không thích chia sẻ đại trà những điều như vậy, và vì họ không nắm được cụ thể, nên họ tìm cách thêu dệt lên những câu chuyện chẳng mấy thật là tôi cho lắm. Vì bản chất con người, lại bản chất con người à, nhìn chung sợ sệt những người họ không hiểu rõ, và để xoa dịu cảm giác đó đi, người ta tìm cách phán xét và gán cho đối phương một đặc điểm tính cách bất kỳ. Cũng là cách mà hầu như tất cả chúng ta vẫn thường hay áp dụng, khi bắt đầu làm quen với một người bạn mới.
Bà già tôi có cái tật như vầy, hễ ai có nguyên quán không cùng quê với bà, thì những người “ngoại tỉnh” đó nhìn chung sẽ có điều gì xấu xa. Đây thứ nhất là phần bản năng “chúng ta – chúng nó” rất nặng mà tôi từng đề cập đến. Và thứ hai là để bảo toàn năng lượng, người ta chọn cách tìm hiểu người mới theo cách đơn giản hơn – tin đồn về quê quán, về ngoại hình, về công việc pla pla… Và không dưới hai lần, tôi chứng kiến tình trạng bà già tôi vỡ lẽ ra rằng người mà bà luôn phán xét thực ra lại vô cùng tội nghiệp và đáng thương. Vậy mà bà vẫn hay tự tin ở khoảng nhìn người của mình. Và rất nhiều quý phụ huynh của bạn bè tôi, họ cũng tương tự. Nếu không phải là quê quán, thì cũng là tuổi có hạp không, họ tên là gì, nghề nghiệp ra sao.
Có nhiều thứ để học, anh em càng mở rộng tâm trí của mình hơn thì cơ hội để anh em giữ được tính khách quan sẽ càng lớn. Đa phần chúng ta phán xét trước là bởi kiến thức ở mảng đó của chúng ta quá hạn hẹp thôi. Chẳng hạn như mấy biểu hiện tâm lý này kia, anh em nào cày cuốc sách Carl Jung sẽ có cái nhìn rất khác so với người chưa từng biết Carl Jung là thứ gì. Nhưng dù mở rộng cũng có cái hại của nó, biết nhiều cũng chính là thứ thiên kiến nguy hiểm mà anh em càng giỏi càng khó thấy. Nhưng mà trước tiên cứ giỏi đi đã tính tiếp. Stay đói stay ngu man!
Còn bên dưới là tôi bị cho là đi tà lưa chim chuột với 2 3 em bé khác nhau trong cùng một tuần, gọi không bắt máy, trong khi thực ra tôi cô đơn ở nhà gõ lạch cạch trên con page này đây.