“Tôi không hoàn toàn bi quan về chứng loạn thần. Trong nhiều trường hợp ta nên nói rằng, “Tạ ơn trời khi anh ta có thể để mình trở thành một kẻ loạn thần.” Chứng loạn thần thực sự và một cách để chữa trị…Nó là một nỗ lực đến từ hệ thống tự điều chỉnh của tâm thức để khôi phục lại cân bằng, không khác gì so với chức năng của giấc mơ – chỉ khác ở chỗ nó mạnh mẽ và quyết liệt hơn.” Carl Jung, The Symbolic Life.
Rối loạn lo âu, hay những gì thông thường được phân loại là các dạng rối loạn thần kinh, phổ biến trong thời đại ngày nay của chúng ta đến nỗi một số người cho rằng ta đang sống trong thời đại của lo âu.
Nhưng điều gì đã khiến cho nhiều người mắc phải chứng rối loạn lo âu? Nhà tâm lý học Carl Jung đã dành phần lớn sự nghiệp của mình đi tìm câu trả lời cho vấn đề này. Tuy nhiên, lý thuyết của Jung về bệnh loạn thần, hầu hết bị ngó lơ trong thời đại ngày nay, nơi mà những viên thuốc được xem như là tiên dược chữa bách bệnh cho hầu hết các căn bệnh của tâm lý. Nhưng lý thuyết của Jung cần sự chú tâm của ta bởi không như các mô hình dược tễ tập trung vào việc làm nhẹ đi triệu chứng, Jung xem căn bệnh loạn thần giống như một cách thông báo cho ta biết rằng mình cần phải thay đổi lối sống của mình. Nếu ta che giấu đi các triệu chứng, và sống như thể không có gì xảy ra, thì khi đấy ta đã tự hại chính mình, mất đi sự kết nối tới những thông tin cấp thiết mà căn bệnh loạn thần mang tới.
“Chúng ta không nên “loại bỏ” bệnh loạn thần, mà đúng hơn ta nên tìm hiểu ý nghĩa của nó là gì, điều nó muốn dạy ta là gì, và mục đích của nó là gì.” Carl Jung, Civilization in Transition.
Trong series gồm 2 Video này, chúng ta sẽ được cung cấp một cái nhìn tổng quát về lý thuyết của Jung. Trong Video đầu ta sẽ tìm hiểu cách chứng rối loạn lo âu có thể dạy cho chúng ta sống như nào bằng việc khám phá ra thứ mà Jung xem như là nguyên nhân gốc rễ của nó. Trong phần 2 ta sẽ thảo luận về cách Jung đề xuất ra những phương thức để ta có thể thoát khỏi vòng kìm kẹp của quỷ dữ để quay trở về một lối sống tốt đẹp hơn trước.
Một nét đặc trưng của lý thuyết Jung đó là nguyên nhân của loạn thần đều bắt nguồn ở thời điểm hiện tại.
“Khi xây dựng một lý thuyết cho rằng cơn loạn thần bắt nguồn những nguyên do xảy ra ở trong quá khứ xa xăm, chúng ta lại là những người đầu tiên đi theo khuynh hướng của bệnh nhân khi họ muốn mang ta ra càng xa càng tốt khỏi phần hiện tại cốt lõi…Những nguyên nhân thuộc về cảm xúc chỉ nằm ở hiện tại, và chỉ mỗi hiện tại mới có khả năng loại bỏ được chúng.”nCarl Jung, Theory of Psychoanalysis
Jung không phủ nhận việc cơn loạn thần có thể đã xuất hiện từ thời thơ ấu của ta. Ông cũng không bỏ qua tác động của việc giáo dục đối với sự phát triển về mặt tâm lý của ta. Đúng hơn, ông tập trung vào hiện tại là vì ông tin rằng nguyên nhân gây ra các triệu chứng của cơn loạn thần đến từ một lối sống đầy mâu thuẫn đang xảy ra ở hiện tại. Những mâu thuẫn có thể đã xuất hiện ở thời thơ ấu của ta, nhưng nó đã thay đổi và không còn là nguyên nhân khiến ta đau khổ ở hiện tại nữa, hay như Jung giải thích:
“Việc có sẵn những xung đột từ thuở ấu thơ không tạo nên một sự cách biệt nào cả. Bởi những mâu thuẫn ở thời thơ ấu thì khác biệt nhiều so với mâu thuẫn ở tuổi trưởng thành. Những người đã phải gánh chịu một cơn loạn thần kinh niên kể từ khi còn bé thì đến bây giờ họ sẽ không phải gánh chịu những xung đột tương tự như trước kia nữa.” Carl Jung, The Theory of Psychoanalysis.
Bản chất của mâu thuẫn, thứ dẫn đến cơn loạn thần là gì? Trong bài tiểu luận mang tên “The Significance of the Father in the Destiny of the Individual”, Jung đã mang tới một câu trích dẫn của nhà triết học Khắc Kỷ thời Hy Lạp tên là Cleanthes, giúp ta làm sáng tỏ bí ẩn này.
“The Fates dẫn dắt những người mong muốn đi theo, nhưng lại hắt hủi những kẻ khước từ.”Cleanthes
The Fates chính là 3 nữ thần dệt vải của thần thoại Hy Lạp, người điều khiển sợi dây định mệnh của mỗi cá nhân. Jung không tin vào việc các vị thần hay nữ thần có thể định đoạt số mệnh của mình, nhưng ông tin rằng mỗi người trong số chúng ta đều được mang đến một chuỗi những bổn phận trong cuộc sống, mà không phải do ta chọn lựa, và nếu đơn giản hóa thì nó chính là định mệnh của ta. Những bổn phận này là một sản phẩm của quá trình tiến hóa lịch sử, bản chất phàm trần của ta, và nền văn minh ta đang sống. Quan trọng nhứt trong số đó chính là bản năng sinh học giúp ta truyền lại nguồn gen của mình.
Nhưng vẫn còn nữa, và đó là mong muốn không lệ thuộc vào bố mẹ của mình về mặt tâm lý, tạo dựng một mối quan hệ xã hội, đóng góp cho cộng đồng, tìm một mục đích, và sau cùng là đối diện với cái chết.
Theo như Jung chúng ta thường được thúc đẩy một cách tự nhiên để làm tròn những bổn phận này. Bản năng, bản chất của ta giống như những loài động vật xã hội, sự lôi kéo đến từ mong muốn trở nên phù hợp, cái chết gần kề đến của chúng ta, tất cả đều thúc ép ta đi trên con đường này. Nhưng, trong khi ta được thúc đẩy một cách tự nhiên để đạt được những bổn phận này, thì chúng ta cũng có một khuynh hướng muốn trì trệ và tự phá hủy bản thân (Self-sabotage) hay như Jung đã nói:
“[Chúng ta] có một sự thù ghét rất lớn đối với mọi cố gắng có chủ đích của mình và nghiện sự lười biếng cho đến khi hoàn cảnh khiến [ta] phải bắt tay vào hành động.”Carl Jung, The Theory of Psychoanalysis.
Nếu ta có thể kiểm soát sự lười biếng của mình và thể hiện lòng can đảm dám đối mặt với những bổn phận của đời, thì nó sẽ đóng vai trò như là những chỉ dẫn, đánh dấu một con đường phát triển lành mạnh hơn. Số phận dẫn ta tiến về trước. Nhưng, nếu sự lười biếng và sợ hãi lại chiếm ưu thế hơn và ta lại trì hoãn việc thực hiện bổn phận của đời, thì khi đó nó sẽ thành những xiềng xích giam cầm ta. Theo lời của Cleanthes, chúng ta sẽ trở thành một “kẻ khước từ”, mà về sau này sẽ bị số phận hắt hủi. Theo như Jung, kẻ loạn thần chính là người đàn ông hay đàn bà nằm trong số những kẻ khước từ, nói cách khác, đó là những con người có một góc nhìn sai lệch về những bổn phận của cuộc đời.
Khi chữa trị cho bệnh nhân của mình, Jung nhấn mạnh rằng vấn đề của những người loạn thần luôn nằm ở thái độ của họ. Việc đạt được những bổn phận chỉ có tầm quan trọng thứ cấp. Bởi cuộc sống có thể mang đến cho ta những thử thách khó nhằn đến mức ta không thể nào đạt được một số nhiệm vụ nhất định – nhưng điều này không khiến cho ta sống một cuộc đời đau khổ do loạn thần mang lại. Trong những trường hợp như này thì việc chấp nhận tình thế và dành sức lực của mình cho những nhiệm vụ khác của đời sẽ là một câu trả lời hợp lý. Nhưng, thông thường những trở ngại cản đường ta không phải là thứ mang bản chất không thể nào đạt được. Mà đúng hơn thứ khiến cho ta không thể đạt được đó là do ta thiếu những phẩm hạnh cần thiết, hoặc ta quá lười nhác hoặc ta thiếu lòng can đảm khi đối diện với thử thách. Bị cản trở theo cách này không phải là điều mà chỉ mỗi kẻ loạn thần có, khi mà ta cũng phải đối mặt với điều này liên tục như một cách để thử thách sự quyết chí của mình. Nhưng điều đặc biệt của một kẻ loạn thần đó là thay vì thừa nhận sự thiếu sót của mình, họ lại tự lừa dối chính bản thân và đổ lỗi trực tiếp cho những trở ngại trên con đường của họ. Hay như Jung giải thích:
“[những kẻ loạn thần] tránh né [những trọng trách của cuộc đời] không phải do những điều đó là bất khả thi, mà là vì một rào cản không có thật do chính bản thân anh tự tạo nên… Từ khoảnh khắc này anh sẽ phải chịu đựng một cuộc xung đột xảy ra bên trong bản thân. Khi anh vừa nhận ra rằng sự hèn nhát của mình đã chiếm ưu thế, hoặc tính coi thường và ngạo mạn chiếm ưu thế. Trong cả hai trường hợp này thì [sức lực] của anh đều được dùng cho một cuộc nội chiến đầy vô nghĩa, và người này chẳng còn đủ khả năng thực hiện bất kỳ điều gì nữa… Hiệu suất của anh giảm đi, anh không thích ứng được, nói cách khác – anh trở thành – một kẻ loạn thần.”Carl Jung, The Theory of Psychoanalysis
Ở trong trạng thái đầy xung đột này, mong muốn đạt được những bổn phận trong cuộc đời, và tất cả sức lực đang thúc ép ta đi theo con đương này, không đơn thuần là biến mất. Đúng hơn, nó đang tìm một con đường khác. Hay như Jung giải thích:
“Phần năng lượng dự trù dùng cho để giải quyết các công việc nay chảy ngược lại vào lòng sông cũ kỹ của ta, những hệ thống lỗi thời trước kia, được đổ đầy trở lại.”Carl Jung, Freud and Psychoanalysis.
Nói cách khác, nếu ta không muốn tiến lên trong cuộc đời nữa, ta thường có xu hướng quay trở lại những kiểu thích ứng còn non nớt, hay như Jung gọi là kiểu thích ứng của “trẻ sơ sinh”. Và sự rút lui như một cách để tránh né xung đột, chính là thứ tạo nên vô vàn triệu chứng của căn bệnh loạn thần – có thể là một sự lo lắng sâu xa, chứng sợ (Phobia), những hành vi cưỡng chế, trầm cảm, thờ ơ hay những suy nghĩ ám ảnh và phiền nhiễu. Nhưng dù những triệu chứng đó khó chịu như nào thì nó cũng đóng một vai trò quan trọng trong việc cảnh báo cho ta biết rằng mình đang đi trên một con đường đầy nguy hiểm.
Bởi lẽ, trong khi ta thoái lui về mặt tâm lý, thì sự lớn lên về mặt thể lý vẫn tiếp diễn và một thoáng chốc nhìn lại chính mình sẽ mãi mãi nhắc nhở cho ta biết rằng mình không thể bắt kịp những thời điểm nhất định trong cuộc sống nữa và thời gian cứ trôi đi không hề ngoảnh lại. Ta càng ở lâu trong trạng thái đầy xung đột này, thì ta lại càng cảm thấy khó thích ứng hơn và một vòng luẩn quẩn sẽ là thứ tiếp diễn ngay sau đó.
“tránh né khỏi cuộc sống sẽ dẫn đến sự thoái lui, và sự thoái lui sẽ khiến cho ta càng muốn chống đối lại cuộc đời hơn.”Carl Jung, the Theory of Psychoanalysis
Khi mắc chứng loạn thần, chúng ta thường sẽ băn khoăn rằng tại sao mình lại bị nguyền rủa theo cách này cơ chứ? Điều gì khiến cho ta phản ứng với những thử thách của cuộc đời theo kiểu phi lý như này? Jung không nhìn thấy một nguyên nhân chủ chốt nào cho sự bất lực này. Mỗi trường hợp đều khác biệt. Trong khi một vài người trong số chúng ta có thể đổ lỗi cho gene của mình. Jung quan sát, một vài đứa trẻ sơ sinh nhất định, có một “sự nhạy cảm bẩm sinh” (Carl Jung) điều này khiến cho những đứa trẻ có khuynh hướng mắc phải tính cách loạn thần khi lớn lên sau này. Trong những trường hợp khác, thì nó là kết quả của một sự giáo dục kém:
“Thực sự có những bậc cha mẹ mang bản chất đầy xung đột, nó khiến cho họ đối đãi đứa con của mình theo một cách cực kỳ vô lý đến mức bệnh tật xuất hiện ở những đứa trẻ này là một điều không thể tránh khỏi.”Carl Jung, The Theory of Psychoanalysis
Nhưng đối với hầu hết mọi người thì nó là một tổ hợp không thể giải đáp được đến từ các ảnh hưởng về mặt di truyền và môi trường mà sau cùng mới suy ra được nguyên nhân.
Cho dù nguyên nhân như nào thì câu hỏi quan trọng nhứt đó là làm sao để thoát khỏi vòng lặp đau khổ do cơn loạn thần mang đến? Nếu ta sẵn lòng thừa nhận lối sống đầy mâu thuẫn của mình, vậy làm sao để ta giải quyết nó? Trong Video tiếp theo chúng ta sẽ khám phá thêm những ý tưởng của Jung về câu hỏi này. Như chúng ta sẽ thấy phương thức của ông không liên quan tới việc tìm hiểu những sự kiện ở thời thơ ấu hay thực hiện một thứ mà ông gọi là “những mớ cảm xúc chán chường của “lãng mạn gia đình”” (Carl Jung, Freud and Psychoanalysis). Thay vào đó, Jung xác nhận rằng phương thức tốt nhất để vượt qua một cơn loạn thần đó là tạo dựng nên một điều gì đó mới mẻ – nói đúng hơn là một cái nhìn mới lạ về cuộc sống. Chúng ta nên nhìn về phía trước, không phải đằng sau.
*Lãng mạn gia đình: Tên Eng là “Family Romance” , 1 dạng phức cảm tâm lý.
“Với tất cả sự tôn trọng dành cho lịch sử, đối với tôi nó chẳng có một góc nhìn sâu sắc nào về quá khứ và ta cũng không thể trải nghiệm lại những hồi ức đau thương bệnh tật – cho dù nó mạnh mẽ đến mức nào – thì nó cũng chỉ có tác dụng trong việc giải thoát con người khỏi sự kìm kẹp của quá khứ, cũng như tạo dựng nên điều gì đó mới mẻ… cho dù hoàn cảnh xuất hiện ban đầu của chúng như nào đi chăng nữa, thì [chứng loạn thần] đã bị biến đổi và được duy trì bởi một góc nhìn sai lệch trong suốt thời gian ta sống và một khi nó được biết đến, thì ta bắt buộc phải sửa chữa lại nó ngay bây giờ.”Carl Jung, Freud and Psychoanalysis