Nếu các anh muốn tránh gây bực mình cho phụ nữ, tuyệt đối đừng làm điều này. Hãy tưởng tượng bạn là một người phụ nữ đang nói chuyện với một đồng nghiệp nam về một vấn đề chung. Nhưng chỉ trong tích tắc, cuộc trò chuyện ấy bỗng dưng biến thành buổi diễn thuyết của anh ấy dành cho bạn. Anh ta ngả lưng ra ghế, bắt đầu chỉ dẫn cách làm việc mà bạn thừa biết rõ. Hay giả sử bạn đang thảo luận về một chủ đề chính trị, khi y tế được nhắc đến. Bạn đã đọc rất kỹ và nắm rõ mọi số liệu, tự tin rằng mình hiểu tường tận vấn đề. Nhưng chưa kịp phản ứng, đối phương đã lao vào giảng giải về Medicaid một cách rất căn bản, như thể bạn là người mới học.
Nếu bạn là người đàn ông trong tình huống này, có lẽ bạn nghĩ rằng nữ đối phương đang cần được hướng dẫn. Bạn quen thuộc với suy nghĩ rằng phụ nữ thường thiếu kiến thức về chính sách hay con số, và cho rằng chỉ có những người “mọt sách chính sách” mới thực sự hiểu được y tế. Thậm chí, ngay cả khi chủ đề không quá phức tạp, bạn vẫn nghĩ mình có góc nhìn độc đáo để chia sẻ.
Một bài báo trên Cosmopolitan mới đây của Gina Mei đã đưa ra 17 ví dụ về kiểu hành xử này, khi nam giới xem phụ nữ là người cần được “khai sáng”. Một người chia sẻ câu chuyện thế này: “Tôi từng thấy một người bạn nam cố giải thích cho bạn cùng phòng của tôi cách phát âm đúng tên của cô ấy, vì anh ta nghĩ cô ấy phát âm sai!” Ở một ví dụ khác, một phụ nữ làm việc tại trường đua suốt 14 năm cho biết, mỗi khi cô nhận tiền cược, những vị khách nam lại hào hứng “dạy” cô cách đặt cược như thế nào cho đúng.
Cái cách các anh đinh ninh rằng mình nắm “chân lý” ấy chính là điều khiến phụ nữ khó chịu không ít!
Dù kiểu hành xử này chẳng mới mẻ gì, nhưng thuật ngữ để gọi tên nó chỉ xuất hiện gần đây. Từ điển Urban Dictionary định nghĩa “mansplaining” là hành vi trịch thượng của nam giới đối với phụ nữ, hay theo cách diễn đạt của họ: “Khi một người đàn ông nói chuyện với một phụ nữ bằng giọng điệu kẻ cả về vấn đề mà anh ta cho rằng cô ấy không biết, trong khi thực tế kiến thức của anh ta về chủ đề ấy lại hời hợt.
Khả năng rằng cô ấy biết nhiều hơn anh ta là điều mà kẻ ‘mansplainer’ này không tài nào hình dung nổi.”
Dù các nghiên cứu trong tâm lý học và truyền thông chưa hoàn toàn bắt kịp với khái niệm “mansplaining,” nhưng bài viết của Joseph Reagle thuộc Đại học Northeastern (2016) lại đưa ra một vài góc nhìn từ “văn hóa mọt sách.” Trong văn hóa này, có một nguyên tắc ngầm là phải tự biết điều gì có thể tìm được trên mạng hay trong sách hướng dẫn, thay vì hỏi người khác. Chẳng hạn, đừng yêu cầu ai đó giải thích điều gì đã có sẵn trong mục Hỏi & Đáp, vì bạn hoàn toàn có thể tự tìm hiểu.
Reagle còn đề cập đến phong trào “Nữ quyền trong giới mọt sách” (Geek Feminism), hình thành do người ta hay mặc định rằng dân mọt sách đa phần là đàn ông da trắng. Nếu phụ nữ cố áp dụng nguyên tắc tự tìm hiểu ấy, họ dễ bị “cáo buộc là đang cáu kỉnh vì hội chứng PMS.” Trên các cộng đồng mạng, phụ nữ còn dễ bị “tấn công và quấy rối bởi những kẻ troll và antifan.” Khi các hành vi xấu này nhắm vào phụ nữ, những người đó thường dùng “mồi lửa” để kích động phản ứng giận dữ từ phái nữ, làm trệch hướng cuộc thảo luận khỏi chủ đề chính. Tất cả những điều này tạo ra một môi trường “gây căng thẳng hơn hẳn so với bối cảnh mọt sách thông thường.”
Reagle và cuộc khám phá về văn hóa mọt sách cũng phát hiện ra một “luật ngầm” gọi là Luật Kỳ Lân, rằng “phụ nữ trong lĩnh vực kỹ thuật, giống như kỳ lân, rất hiếm và thường vô hình trừ khi họ tự lựa chọn để xuất hiện.”Khi phụ nữ lên tiếng đáp trả những lời châm chọc từ các kẻ troll và kẻ ghét, họ không “xuất hiện” vì lý do kỹ thuật mà vì phải trở thành “cô giáo dạy phép tắc trên mạng.”
Một vấn đề khác mà phụ nữ trong thế giới mọt sách này thường đối mặt là cảm giác mình là kẻ ngoài cuộc, như thể họ đang “giả danh” trong thế giới mọt sách nam quyền. Nam giới thường không ngần ngại khoe khoang về kỹ năng của mình, trong khi phụ nữ thường tự ti, cảm thấy thành tựu của mình không đáng nhắc đến. Hành vi “mansplaining” xảy ra, theo các tác giả, vì nam giới quá tự tin vào năng lực của mình và cho rằng phụ nữ ít hiểu biết, cần được “giáo huấn.” Khó chịu hơn, nếu phụ nữ dám vượt qua cảm giác bị xúc phạm này và thách thức lại người “mansplainer,” họ có thể bị rơi vào thế khó xử, dễ bị gán mác là “đang cáu kỉnh vì PMS.”
Vậy nên, “mansplaining” xuất hiện khi nam giới tự cho mình là hơn hẳn phụ nữ chỉ vì họ thuộc một lĩnh vực được mặc định là của phái mạnh, như cộng đồng lập trình viên. Nam giới có thể cũng “giảng đạo” cho nhau, nhưng khi không có yếu tố giới tính, hiện tượng này chỉ còn là thái độ trịch thượng. Và khi bị “giảng đạo” kiểu này, đàn ông thường chẳng ngại ngần đáp trả kẻ đang muốn hơn thua với mình.
Vậy nếu một “mansplainer” xuất hiện trong cuộc sống của bạn, liệu có cách nào để đối phó không? Câu trả lời quan trọng nhất là: hãy nhận thức rằng điều đó đang xảy ra với mình. Điều khó chịu nhất về “mansplaining” chính là giả định ngầm rằng bạn không biết mình đang nói gì, trong khi thực tế bạn rất rõ. Điều này dễ khiến bạn tự vấn liệu mình có thiếu sót gì về kiến thức không. Thay vì nghi ngờ bản thân, bạn hoàn toàn có thể coi đây là vấn đề của người kia — không phải của bạn. Nếu bạn lùi bước, đó chỉ là tạo thêm cơ hội để người kia “giáo huấn.”
“Mansplaining” thực ra dễ khắc phục, miễn là bạn nhận ra khi nào nó đang xảy ra, dù bạn là người chịu đựng hay người mắc phải. Một mối quan hệ lành mạnh phụ thuộc vào sự tôn trọng từ cả hai phía, đặc biệt là với niềm tin, thái độ, và — trong trường hợp này — kiến thức của nhau.