Bản Ngã như tôi từng đề cập ở bài trước, xuất hiện từ trước khi anh em thực sự có được cái nhận thức rõ ràng về thế giới ngoài kia. Cho nên cá tính của Bản Ngã nhìn chung có thể xem là mang tính bẩm sinh.
Có hai loại hình tâm lý chính, với cái tên rất quen thuộc là hướng nội và hướng ngoại, cũng là các yếu tố bẩm sinh, dù cho gia đình của anh em có chăng đều là những người thích hướng ra bên ngoài. Điều này thể hiện rất rõ nếu cha mẹ chịu để ý đến con em của mình, sự xấu hổ hình thành từ sớm ở những em hướng nội hơn. Và trong một xã hội đề cao và ưu ái những cá nhân giỏi trong việc kết nối, những đứa trẻ ngại ngùng có thể đứng trước nguy cơ chịu sự tổn thương từ một vài lời “dèm pha” vô ý tứ của chính người thân trong gia đình.
Những đứa trẻ đó có xu hướng bào mòn đi cá tính nội tâm bằng việc cố gắng hướng thật nhiều ra bên ngoài, vì tâm lý nghĩ rằng việc quá yên ắng đồng nghĩa với “không có ai chơi”, đồng nghĩa với việc tự mình chất chứa nhiều thêm những bực dọc và cơn đau không đáng có khác.
Từng có khoảng thời gian tôi từng không chấp nhận bản thân là một đứa trẻ ít năng động, điều này khiến khoảng thiếu niên của tôi nhìn chung là “bùng nổ” bởi đủ thứ trò khùng điên, phá phách. Những câu bông đùa, chê bai rằng tôi là thằng nhóc ngơ ngơ chậm chạp của cô chú trong nhà, phần nào như vết sẹo khó lành nơi đứa trẻ nhạy cảm bên trong tâm hồn tôi. Điều may mắn là ở thời điểm hiện tại, tôi đã phần nào quay về với đúng Bản Ngã thơ ấu của mình hơn, dần chấp nhận và chữa lành cho thằng ku được cho là “yếu ớt” đó.
Không chỉ mang tính bẩm sinh, cá tính hướng nội hay hướng ngoại còn khác nhau ở cả hai giới tính. Phụ nữ sống nội tâm hơn, suy nghĩ nhiều hơn so với đàn ông, cho nên họ cũng sâu sắc hơn và đôi khi là trưởng thành hơn trong một số vấn đề. Là lý do tôi hong khuyến khích anh em quen mấy em bé cùng tuổi, vì có thể mấy bé đó “già” hơn anh em nhiều. Tuy phụ nữ suy nghĩ nhiều hơn, nhưng họ không giỏi trong việc ra quyết định, rất hay tự giam mình trong chuỗi dài những suy nghĩ mù mờ và lộn xộn, là nguyên do mà họ hay tìm đến mẫu tượng người đàn ông quyết đoán, dễ dàng là đối tượng bị phóng chiếu hình ảnh “anh chàng cầm đuốc” Animus trong tâm hồn của các chị em.
Cá tính hướng ngoại tìm kiếm nguồn năng lượng từ bên ngoài nhiều hơn là việc được ở một mình. Điều này có ích trong khoảng thời gian đầu trưởng thành, khi mà đa phần anh em cần nhiều mối quan hệ tốt lành để cùng phát triển. Xã hội hiện tại cũng đánh giá rất cao người hướng ngoại, à không, đúng hơn là đánh giá chưa đúng về người hướng nội, vô hình trung làm gia tăng giá trị của những con người “thuộc về xã hội” kia. Rõ ràng sự kết nối tốt hơn mang đến cho cá nhân và hội nhóm cơ hội để phát triển mạnh, nhưng đồng thời họ đứng trước nguy cơ đối mặt với những vấn đề thuộc về nội tâm – thứ đòi hỏi thời gian suy nghiệm lâu dài.
May mắn là đa phần chúng ta đều sẽ ít nhiều là “hợp chất” của cả hai loại cá tính của Bản Ngã, anh em vừa có thể hướng ngoại lẫn hướng nội, thứ này sẽ trội hơn thứ kia một chút. Tuy nhiên thì cái cốt lõi, cái cá tính chính là thứ anh em luôn phải lưu tâm. Nếu anh em là người hướng nội, điều này tốt thôi, nhưng thế giới bên ngoài đòi hỏi anh em một số đặc tính xã giao và nhiều năng lượng, và dĩ nhiên anh em không thể chỉ sống có mình mình.
Nếu là người hướng ngoại nhiều hơn, có thể anh em đã bỏ lơ đi rất nhiều dấu hiệu mà Vô thức gửi gắm đến Bản Ngã. Anh em đôi khi quá vô tư đến mức bỏ quên đi những hư tổn ở bên trong mình, tuy nhiên cá tôi thấy người hướng ngoại có cách giải quyết cảm xúc tốt hơn, họ thẳng tính hơn, dám thể hiện ra với người xung quanh cảm xúc của họ – điều này làm cho các vấn đề nội tâm được nhẹ hơn đôi phần, họ ít khi bị Anima và Animus quấy rối. Dù thế không phải mọi thứ đều đã được giải quyết rốt ráo với kiểu cá tính như vậy, anh em vẫn phải hướng dần vào bên trong, để tìm kiếm tiếng nói bị bỏ quên từ lâu đến giờ.
Người càng trưởng thành tôi thấy càng hướng nội, một số người đã qua tuổi trung niên tính tình rất đằm thắm, vừa sáng suốt quyết đoán, lại vừa uyển chuyển nhẹ nhàng. Anh em có nhớ vừa rồi tôi share anh em bài phỏng vấn bác dịch giả Trịnh Lữ không? Anh em ấn tượng thế nào với con người như vậy? Tôi thấy hình ảnh một con người gần như chạm đến ngưỡng “thành toàn tự ngã” rồi vậy.