Khi đề cập đến bản ngã, chúng ta nhìn chung đều có một cái nhìn tiêu cực hướng về nó, rằng “Đó là bản ngã của anh ta”. Và dù chúng ta không thực sự hiểu về cái thuật ngữ này, thông thường chúng ta vẫn thích dùng, để tăng thêm phần cảm giác cao siêu trong ngôn ngữ.
Bản ngã – là trung tâm của Ý Thức. Tự nó không phải là Ý Thức, mà tồn tại một cách độc lập. Những ký ức mà anh em đang bóc tách ra mỗi ngày, những kỳ vọng, khao khát và phản ứng cảm xúc của anh em, đa phần đều bắt nguồn từ Bản Ngã. Ví dụ kinh điển nhất của việc Bản Ngã tồn tại độc lập trong trường Ý
Thức là hành vi vừa suy nghĩ vừa lái xe, chúng ta đưa cơ thể mình vào trình tự động lái có ý thức, và Bản Ngã vẫn tha hồ lang thang đến mọi khoảnh khắc đã qua hay nhiều dự định ở phía trước. Cho đến khi một nguy cơ bất thình lình xảy đến, Bản Ngã ngay lập tức quay trở lại xử lý vấn đề.
Anh em vẫn hay phản ứng trước những tác động bất ngờ, chẳng hạn như giơ tay lên phòng vệ khi bị đe doạ, ham muốn được mua một chiếc áo đẹp, một buổi sáng tự dưng muốn ngồi cà phê, đều là những dấu hiệu của Bản Ngã. Bản Ngã hầu như điều phối mọi tâm tình, tư tưởng và phản ứng ở hiện tại của anh em – vì nó, như đã nói, là cái lõi của miền Ý Thức.
Nhưng khác với Anima và Animus, Bản Ngã không thực sự là một cá thể có cá tính bên trong nội tâm. Mà là một thực thể tự nhiên, và vì tự nhiên, anh em không thể nắm bắt hay ghì chặt được cái ‘trung tâm’ này. Và hệt như cách ta vẫn luôn nghĩ về bản thân mình, Bản Ngã bị ảnh hưởng bởi cả những tác động từ thế giới bên ngoài lẫn thế giới bên trong.
Chẳng hạn, rất nhiều người sau khi rời rạp phim, dấy lên trong lòng mình một ham muốn mãnh liệt về tình dục hay bạo lực. Điều này minh chứng cho sự thật rằng Bản Ngã từ lâu vẫn luôn ít nhiều bị ảnh hưởng bởi ngoại tố, ngược lại, tràn lan những dòng cảm xúc, tâm trạng, những bực dọc mất kiểm soát, là khi Bản Ngã phần nào chịu sự đá động từ một thế giới tâm thần bí ẩn mà rộng vô cùng đằng sau hiểu biết.
Điều đáng nói hơn nữa, là Bản Ngã vẫn luôn phát triển theo dòng thời gian anh em sống trên đời – sự trưởng thành về mặt nội tâm, sự bình tĩnh hơn trong nhiều tình huống, cũng chính là việc ngày càng phát triển hơn của Bản Ngã. Thực tế, Bản Ngã xuất hiện từ rất sớm, ngay khi anh em vừa được nhìn thấy ánh sáng của thế giới bên ngoài – hành vi một đứa trẻ với tay nắm lấy những thứ đồ vật khiến nó thích thú là minh chứng rõ ràng nhất cho sự ra đời của Bản Ngã.
Theo thời gian trôi, Bản Ngã ngày càng khẳng định vị thế của mình trên đường phát triển. Trẻ thiếu niên đã bắt đầu biết từ chối, biết nói “Không”, biết cách thể hiện cá nhân rằng “Tôi muốn” “Tôi là…” và đối mặt với những xung đột từ thế giới ngoại lai. Cha mẹ, bạn bè bắt đầu phản ứng với sự tự nhận thức đó nơi trẻ, chúng dần đối mặt với những tan vỡ đầu tiên – những từ chối, hay phản kháng của người xung quanh trước sự thay đổi của chúng – cũng là tiền đề để trẻ trưởng thành hơn. Đúng vậy, Bản Ngã lớn hơn thông qua những khó chịu và những biến cố mà cá nhân nó gặp phải. Những đứa con lớn lên trong một gia đình quá độc đoán hay quá bảo bọc, Bản Ngã trong cả hai trường hợp, đều sẽ gặp nhiều khó khăn trong tiến trình phát triển của mình.
Sự xâm hại, bạo lực, chèn ép quá mức sẽ khắc sâu vào tâm hồn con trẻ những cơn đau đeo bám suốt cuộc đời. Về sau, Bản Ngã của những con người này, thực sự rất khó để tìm ra ánh sáng – mỗi lần họ đối mặt với những cơn đau gợi nhớ về quá khứ, là mỗi khi cơ chế phòng vệ của Bản Ngã được bật lên, nhằm bảo vệ tâm hồn khổ chủ khỏi những cơn đau quá lớn. Những người này luôn tìm cách trốn tránh thực tế về vết thương đang rỉ máu trong lòng. Về sau, họ có xu hướng dành ít lòng tin vào người xung quanh, tự cô lập mình, tự cảm thấy nhạy cảm, dù cho có thể với người khác, xung đột bên ngoài là không quá lớn lao.
Những tổn thương vừa phải, trong một môi trường có tính tự do, là điều kiện cần để Bản Ngã của anh em được phát triển, được trưởng thành hay nặng tính triết học hơn, để biết được Tôi là ai, trong cái cục đời nhiều phần khốn khổ này.
Chẳng hạn, Bản Ngã của anh em, như một đứa trẻ, luôn muốn trở thành trung tâm của sự chú ý – bắt nguồn từ sự tổn thương bị bỏ rơi từ cha mẹ (không thể tránh khỏi, cha mẹ về sau có xu hướng ít quan tâm con cái hơn do những vấn đề đời sống thường nhật, họ thì thấy điều đó bình thường. Nhưng tâm lý của một đứa trẻ, đó ngang hàng với nổi đau bị xa lánh và bỏ rơi). Về sau ra đời, anh em nếm nhiều sự thờ ơ hơn, dần nhận ra rồi thì mỗi người chỉ có thể là trung tâm với chính bản thân họ, ở ngoài kia, đôi khi phải chấp nhận mình chẳng là gì đáng đặc biệt cả. Từ đó có thể nói, Bản Ngã của anh em đã già đời hơn, từ chính những vỡ tan nhỏ nhặt như thế.
(To be không tình iu…)