Dù 25 hay 85 tuổi, bạn luôn có cảm giác thời gian còn lại quá ngắn ngủi. Khi bạn 85 tuổi, vẫn còn rất nhiều điều mà bạn chưa có cơ hội làm. Nếu bạn có cháu, bạn muốn thấy chúng lớn lên và có gia đình riêng. Khi bạn 25 tuổi, bạn có rất nhiều khát vọng và nhiều việc muốn làm, đến mức ngay cả 200 năm cuộc đời cũng không đủ. Luôn luôn có điều gì đó còn sót lại để làm, bất kể tuổi tác của bạn.
Đây cũng là điều mà vị triết gia và hoàng đế Marcus Aurelius nhận ra. Ông viết trong nhật ký của mình khi đang trị vì đế chế lớn nhất vào thời điểm đó: “Khoảng thời gian còn lại ngắn lắm.”
Giải pháp của ông để đối phó với thực tế khắc nghiệt này? “Hãy sống như thể ngươi chỉ có một mình – giữa thiên nhiên hoang dã. Không có gì khác biệt giữa ở đây và ở đó: thành phố ngươi sống cũng có thể được coi là cả thế giới. Hãy để mọi người xung quanh nhìn thấy một người sống thuận theo tự nhiên, và hiểu được điều đó là thế nào.”
Điều đó có nghĩa là gì? Thật không may, ông không đưa ra một lời giải thích chi tiết về việc sống “thuận theo tự nhiên” có nghĩa là gì. Nhưng qua việc đọc những suy tư khác của ông, cách giải thích của tôi về “thuận theo tự nhiên” là hòa mình vào thế giới mà bạn đang trải qua. Hãy phân tích xem điều đó có nghĩa là gì. Nếu nhìn vào nỗi sợ chết của mình, bạn thấy gì? Bạn có lẽ còn rất nhiều thứ muốn làm trước khi chết, phải không? Những nơi để ghé thăm, những điều để học hỏi, những mục tiêu để hoàn thành,… Niềm khao khát thường xuyên về mọi thứ này có nghĩa là có sự khác biệt giữa “ở đây” (hiện tại) và “ở đó” (tương lai).
“Ở đây” chính là nơi bạn đang ở hiện tại. Trạng thái hiện tại của bạn. Dù giàu hay nghèo, khoẻ mạnh hay ốm yếu, có nhiều trải nghiệm du lịch không. “Ở đó” là nơi bạn muốn đến. Có một khoảng trống giữa hai trạng thái đó. Phần lớn cuộc sống diễn ra trong không gian ấy. Và đó thực sự là một nơi tồi tệ vì bạn bị mắc kẹt giữa hiện tại và tương lai. Điều đó có buồn không? Chúng ta tiếp tục sống cuộc sống của mình trong khoảng “không gian” và chúng ta chưa bao giờ thực sự ở đây. Chúng ta chỉ vội vã qua hiện tại để có thể đến được tương lai.
Tôi nghĩ đó chính là điều Marcus muốn nói khi ông viết: “Không có gì khác biệt giữa ở đây và ở đó”. Nơi bạn sống chính là thế giới. Nói cách khác: Dù bạn ở đâu hay làm gì, đó là điều duy nhất bạn có trong thời điểm đó. Vì vậy, hãy chắc chắn bạn tận dụng hết mọi thứ từ nó.
Như Marcus đã nói, hãy sống như bạn cô đơn nơi thiên nhiên hoang dã. Bởi khi bạn ở nơi hoang dã, bạn không mơ mộng về một tương lai hoàn hảo. Tâm trí của bạn chỉ tập trung vào những gì ngay trước mắt.
Nhưng rất nhiều người trong chúng ta sẽ ở trong phòng chờ suốt đời. Chúng ta chờ đợi cho đến khi có được công việc, ngôi nhà, mối quan hệ, bằng cấp,… hoàn hảo. Nhưng trong khi chờ đợi, chúng ta tiếp tục lãng phí ngày hôm nay. Cứ tiếp tục như vậy mỗi ngày, và cuối cùng bạn sẽ lãng phí cả cuộc đời. Làm thế nào để chúng ta tránh điều đó? Bằng cách không sống vội.
Điều này đi ngược lại với lối tư duy thông thường rằng chúng ta không sống mãi mãi. Phản ứng tự nhiên là vội vàng, phải không? Giống như khi bạn đi chơi bowling cùng bạn bè. Trong những ván đầu tiên, bạn thoải mái và thư giãn. Nhưng khi thời gian gần hết và nhóm tiếp theo đang háo hức đứng sau lưng, bạn sẽ mất hết sự hứng thú và niềm vui của trò chơi. Bạn chỉ muốn kết thúc thật nhanh để có thể tiếp tục. Hãy tránh sống cuộc sống của bạn như vậy.
Đừng vội vàng làm mọi việc bạn làm hôm nay chỉ để có thể hoàn thành nó. Cuộc sống ấy có gì? Tận hưởng khoảnh khắc này! Bởi vì dù bạn còn lại bao nhiêu thời gian thì thực ra cũng đủ rồi. Chúc bạn mọi điều tốt đẹp nhất.