Phóng đại cảm xúc của người đàn ông, biến mọi thứ xảy ra (vốn đơn thuần) trở thành vấn đề mang tính cá nhân – chính là cách mà một Anima tiêu cực chiếm trọn và chi phối tâm trí người đàn ông.
Anh em có thể sẽ không để ý, nhưng tâm trạng và suy nghĩ của anh em là hai phần tách biệt nhau. Lý trí sẽ hoạt động trơn tru trong trạng thái bình thường, nhưng khi bị khuấy động lên bởi các yếu tố ngoại cảnh, bởi những sự tấn công từ bên ngoài nhắm đến anh em – bộ óc mà anh em vốn tự hào sẽ bị vô hiệu hoá. Nó sẽ hoạt động như thế này, với bàn tay điều phối tài tình của Anima.
Anh em nhận những lời chỉ trích từ người ngoài (chỉ trích đúng), và cách ăn nói của người ta thiệt tình không mấy là dịu tai, cực kỳ khó chịu. Trong lúc này, anh em không thể dõng cổ lên cãi tay đôi với người ta, nên quyết định sẽ nuốt mối hờn đó vào sâu trong lòng.
Anima nhận thấy tín hiệu này, nắm lấy thời cơ và rồi phản ánh lại với anh em bằng chuỗi tâm trạng u ám.
Nó trò chuyện với anh em, rủ rỉ vào tai anh em “Tại sao anh không đứng ra mà bảo vệ mình? Sao anh không phản ứng gì cả? Anh yếu nhược đến vậy à? Anh không phản ứng thì để tôi thay anh lên tiếng!” Từ đây anh em nảy sinh bên trong nhiều thù hằn vô lý, anh em bắt đầu dấy lên nhiều định kiến và căm ghét người đã chỉ trích anh em, vô tình, anh em đồng hoá chính những cảm xúc đó với suy nghĩ của mình.
Nhưng nếu may mắn, anh em có ý thức về Anima, về những tác động của cô ta đến với những phản ứng bên ngoài, thì phần nào anh em đặt được 1 chân ra khỏi những cám dỗ tìm đến xung đột mà cổ muốn đẩy anh vào đó. Anh em cô lập được cảm xúc của mình, đưa nó ra ánh sáng ý thức, anh em biết mình cảm thấy gì, và từ đâu mà ra cảm giác đó. Ở ví dụ trên, anh em cảm thấy khó chịu với lời chỉ trích đó là bởi cách ăn nói của người ta, trên thực tế dù những lời đó lại có ích cho anh em. Và thế là Anima mất đi cơ hội được chộp lấy cảm xúc vuột qua đó để điều khiển anh em. Bởi anh em đã biết đâu là anh em, đâu là sự tác động của người đàn bà bên trong đó.
Tác động kinh điển nhất của Anima, cũng dễ thấy nhất, là ở những xung đột với người yêu/vợ của anh em.
Trong chuyện tình cảm, tôi vẫn khuyến khích đặt ra những lằn ranh đối với hành động của người đối diện. Chẳng hạn như 1 hành động vô lễ của cô người yêu làm anh không chấp nhận được, anh có sẵn sàng thể hiện cảm xúc ra ngay đó không? Kiểu cảm xúc dựa vào lý trí, rằng “Em làm như vậy anh thấy không hài lòng” – hay anh nghĩ điều đó không đáng, hoặc/và sợ sự giận dữ ngược mà cô người yêu sẽ dành lại cho anh?
Trong trường hợp anh từ bỏ sự chủ động bày tỏ cảm xúc đó đi, Anima biết cách để chộp lấy nó, đồng thời lèo lái tâm trạng của anh trở nên ủ rũ hơn, và anh bắt đầu có cảm giác đổ thừa cho cô người yêu vào sự tồi tệ mà anh đang cảm nhận. Thời khắc anh trở nên thụ động, anh chừa ra một khoảng trống quyền lực, và Animus bên trong người phụ nữ thay anh chiếm lấy chiếc ghế trống đó. Cô người yêu dần mất đi sự đồng cảm, bắt đầu những châm chọc và mỉa mai hướng vào anh (Animus tác động người nữ theo cách như vậy). Anima nhận thấy những câu châm chích sâu cay đó từ đối phương, lại phóng thích ra ngoài bằng những phản ứng và hành động mất kiểm soát – một cuộc chiến giữa hai người nổ ra, hay đúng hơn, là giữa Anima của anh và Animus của cô nàng.
Tôi nói với anh em chủ động thể hiện cảm xúc, là khi anh em biết nói ra những điều anh em đang cảm thấy trong một mối quan hệ, hoàn toàn sáng suốt và có lý trí – không phải kêu gọi anh em nằm khóc trên đùi nữ nhi, chớ hiểu lầm.
Anh em học về Khắc Kỷ, áp dụng được nó vào trong đời sống hàng ngày là rất hay. Chỉ chú tâm vào những gì anh em có thể kiểm soát được, và những lời chỉ trích ngoài kia, nằm ngoài tầm với của anh em cả. Tuy nhiên, để tránh đưa lối sống Khắc Kỷ thành sự chèn ép của những Bóng Âm và suy nghĩ nặng cảm xúc, cần thiết lắm sự ý thức và chút hiểu biết về những gì đang xảy ra ở bên trong mình. Tôi tìm đến Carl Jung, và ở mức độ cực kỳ căn bản, tôi mù mờ hiểu có những ai đằng sau lớp màn Ý thức đó. Và chỉ sự ý thức như dậy thôi, không ít lần kéo tôi ra khỏi những xung đột từ các cuộc “tấn công” bên ngoài.