“Điều tồi tệ nhất có thể xảy đến với một con người đó là khi anh ta bắt đầu nhìn nhận sai lệch về bản thân mình” (Johann Wolfgang von Goethe)
Nếu câu nói của Goethe gần như đúng với sự thực, thì điều bi kịch nhất đó chính là trên thực tế có rất nhiều người “nhìn nhận sai lệch về bản thân”, hay nói cách khác, phải đấu tranh với một lòng tự trọng thấp kém.
Nhà tâm lý học kiêm nhà văn viết nhiều tác phẩm tên Nathaniel Brandon đồng thời nhận ra được sự lộng hành của một lòng tự trọng thấp bé và nhu cầu sống còn của nó, ông cho rằng việc thiếu đi lòng tự trọng chính là nguyên nhân cốt lõi cho câu hỏi vì sao có rất nhiều cá nhân thất bại trong việc đạt được thành công và sự trọn vẹn trong cuộc sống.
“Trong tất những lời phán xét mà ta phải trải qua trong cuộc đời, chẳng có cái nào đáng lưu tâm hơn ngoài lời phán xét mà chính ta mang đến cho bản thân mình, bởi lời phán xét đó chạm đến nơi sâu thẳm tận cùng của sự tồn tại chúng ta.” (Nathaniel Branden, Honoring the Self: Self-Esteem and Personal Transformation)
Branden quan niệm rằng lòng tự trọng giống như là 1 năng lực giúp ta cảm thấy mình có đủ khả năng để phấn đấu thành công trong cuộc đời. Điều này bao gồm cả niềm tin rằng ta có thể chống chọi lại trước những đòn giáng và tai ương của số phận, và khắc họa nên một sự tồn tại có ý nghĩa và đủ đầy.
Mất đi lòng tự trọng chính là cảm giác bản thân mình “không phù hợp với cuộc đời”; sợ rằng ta bằng một cách nào đó “sai lầm như bao người khác” và không đủ khả năng để đạt được một cuộc sống ý nghĩa và đủ đầy nữa. Ở góc nhìn của Branden thì một lòng tự trọng thấp bé có thể là căn nguyên của những vấn đề phổ biến như là trầm cảm, lo âu, và cảm giác thờ ơ nói chung và thiếu đi động lực trong cuộc sống.
Nỗi sợ rằng ta có thể “sai như bao người khác” chính là một nỗi sợ mãnh liệt, và ta thường có xu hướng kìm nén và ngó lơ chúng; bởi nếu thiếu đi những nguồn lực phù hợp đến từ bên trong bản thân, Branden nghĩ rằng chúng ta sẽ không đủ khả năng để đối diện và vượt qua chúng. Tuy nhiên, cũng giống như những trường hợp của tất cả mọi nỗi sợ, lo âu, và bất an mà ta đang cố gắng để quên, khi nằm ngoài sự chú ý của nhận thức ta thì nỗi sợ hãi này sẽ ngày càng lớn mạnh và tác động tới nhiều khía cạnh của cuộc sống và nhân cách chúng ta hơn. Ở trường hợp cực đoan, nó có thể hoàn toàn chiếm hữu ta – khiến ta dần trở nên sợ hãi chính cái sự tồn tại của mình:
“Ở mức độ mà một người phải chịu đựng một lòng tự trọng thấp kém, ý thức của anh hay cô ta bị nỗi sợ hãi thống trị: sợ những người khác, sợ những sự thật đúng đắn hoặc không có thực về bản thân mình, những điều đã tránh né hoặc bị dồn nén. Có tồn tại một nỗi sợ thế giới bên ngoài và nỗi sợ về thế giới bên trong… Do đó nỗi sợ dần trở thành động lực thúc đẩy chính bên trong nhân cách.” (Nathaniel Branden, Honoring the Self: Self-Esteem and Personal Transformation)
Để khắc phục một lòng tự trọng thấp thì chúng ta bắt buộc phải đối diện và vượt qua nỗi sợ này, đó chính là lý do vì sao Branden nghĩ rằng việc phát triển một lòng tự trọng thường là một “cuộc đấu tranh quy mô lớn”. Chúng ta phải học cách thay thế nỗi sợ hãi bản thân và sự tồn tại bằng “amor fati”, có nghĩa là yêu thương lấy số phận:
“Nguyên tắc để phân biệt động lực thúc đẩy cơ bản của một lòng tự trọng cao so với một lòng tự trọng thấp đó chính là nguyên tắc của động lực thúc đẩy bởi tình yêu so với động lực thúc đẩy bởi nỗi sợ: tình yêu thương bản thân và sự tồn tại của mình so với nỗi sợ rằng mình không phù hợp với sự tồn tại. Động lực thúc đẩy bởi sự tự tin thì đặt tầm quan trọng vào khả năng tận hưởng niềm vui, so với động lực thúc đẩy bởi sự sợ hãi, thứ đặt tầm quan trọng vào việc tránh né nỗi đau.” (Nathaniel Branden, Honoring the Self: Self-Esteem and Personal Transformation)
Quá trình thay thế nỗi sợ bằng tình yêu thương bản thân và sự tồn tại, hay một lòng tự trọng tích cực, sẽ được bổ trợ thêm thông qua việc xây dựng những trụ cột (Pillar) ở bên trong. Những trụ cột này chính là nền tảng hoặc cơ sở để xây dựng nên lòng tự trọng chân chính. Bằng cách xây dựng những cột trụ này và mang nó vào lối sống của bản thân, chúng ta sẽ dần phát triển một lòng tự trọng tích cực, và theo như Branden, bắt đầu phấn đấu để hướng tới mục tiêu cuối cùng của sự sống con người, đó là “trân quý bản thân”.
I) MONG MUỐN TÌM HIỂU.
Branden gọi mong muốn tìm hiểu chính là “cột trụ cốt lõi của lòng tự trọng tích cực”. Nó đòi hỏi một cam kết đó là phải luôn truy cầu tri thức hơn là thiếu hiểu biết, sự thật hơn là hư cấu. Giữ vững lòng tin với trụ cột này có thể cực kỳ khó khăn, bởi sự thật, nhất là những sự thật không hay lắm về bản thân, người khác, hay sự tồn tại của ta, có thể gây ra bất ổn, lo âu và thậm chí là sợ hãi dữ dội.
Sự thật có thể dẫn ta tới những hiện thực phá vỡ thế giới quan của mình. Đấy chính là lý do vì sao nhiều người chọn, một cách ý thức hay vô thức, sự nhàn hạ và ngó lơ các khía cạnh của bản thân và thế giới.
Nếu ta cam kết phát triển một lòng tự trọng tích cực thì việc phản bội sự thật để tìm kiếm sự thoải mái là điều không thể chấp nhận được. Ta phải đi theo sự thật cho dù nó dẫn ta đến đâu, bởi mặc dù sự thật có thể gây ra nỗi sợ hãi và lo âu tạm thời, nhưng sau cùng một nhận thức tuyệt vời hơn vẫn luôn dẫn tới sự phát triển của bản thân.
“Bất kể khi nào ta thừa nhận một sự thật khó nuốt, bất kể khi nào ta đối diện thứ mà mình sợ hãi bấy lâu nay, bất kể khi nào ta thừa nhận, với bản thân hay người khác, những sự thật về sự tồn tại mà ta đã lảng tránh từ lâu, bất kể khi nào ta sẵn sàng chịu đựng nỗi sợ hay mối lo lắng tạm thời trên con đường tiếp cận tốt hơn với hiện thực, thì lòng tự trọng của chúng ta sẽ tăng lên.” (Nathaniel Branden, Honoring the Self: Self-Esteem and Personal Transformation)
II) MONG MUỐN ĐƯỢC TƯ DUY KHÁC BIỆT.
Bởi con người vẫn còn tồn tại một khuynh hướng cố hữu đó là trở nên thoải mái vô lo vô nghĩ, để cam kết theo đuổi sự thật đòi hỏi ta phải phát triển thêm một cột trụ khác của lòng tự trọng đó là: Mong muốn được tư duy khác biệt. Trong quá trình tìm kiếm sự thật chúng ta chắc chắn sẽ bị ép buộc phải tách biệt bản thân mình khỏi tư duy đám đông đang điều khiển tâm trí những người khác. Chúng ta buộc phải chỉ trích một cách đúng đắn những niềm tin và tục lệ thông thường, và sau cùng phát triển một thế giới quan dựa vào những kết luận của riêng của bản thân ta.
Đối với một loài động vật xã hội vốn sinh ra để đi tìm sự chấp thuận và thân thuộc, thì điều này có thể gây nên lo âu và sau cùng khiến ta nhận thức được “sự đơn độc không thể tránh khỏi” này – về sự thực rằng ta chính là một cá nhân riêng biệt và độc nhất hoàn toàn chịu trách nhiệm cho cuộc sống của mình.
III) MỘT LỜI CAM KẾT VỀ VIỆC CHỊU TRÁCH NHIỆM CHO BẢN THÂN.
Nhận thức như này đòi hỏi sự phát triển của một trụ cột khác đó là: Lời cam kết về việc chịu trách nhiệm cho bản thân. Có 2 khía cạnh của trụ cột này. Thứ nhứt, ta phải hiểu và chấp nhận rằng sẽ chẳng có ai tới để cứu hay giải quyết vấn đề của mình cả, và thứ hai là “chúng ta không ở trên Trái Đất này để sống theo những kỳ vọng của người khác” (Nathaniel Branden, Honoring the Self: Self-Esteem and Personal Transformation). Cả hai điều này có thể khó nhằn nhưng nó mang tính giải phóng, với kết quả là một sự chuyển biến trong lối sống phù hợp với cá tính và sự độc đáo của ta.
IV) MONG MUỐN TRỞ NÊN CÓ ÍCH
Ở cột trụ cuối cùng mà chúng ta sẽ thảo luận ở đây chính là “mong muốn trở nên có ích”, có nghĩa là “khước từ việc chấp nhận sự bất lực như thể nó là một tình trạng vĩnh viễn và không thể thay đổi của con người.” (Nathaniel Branden, Honoring the Self: Self-Esteem and Personal Transformation). Việc ta phải đối mặt với những thời điểm khó khăn và chật vật trong cuộc sống là điều không thể tránh khỏi và tất yếu.
Với một lòng tự trọng thấp thì ta sẽ đối phó bằng cách nằm gục xuống, chấp nhận thất bại, và cho rằng ta sẽ không bao giờ thành công hay trở nên trọn vẹn. Với lòng tự trọng cao thì ta sẽ không cảm thấy nản chí trước những khoảnh khắc này, mà đúng hơn là trở nên vững chắc hơn, thậm chí là hồi phục. Chúng ta sử dụng những lúc đấu tranh này để làm nhiên liệu thắp sáng cho khát vọng đam mê thành công của mình, và củng cố quyết tâm để đảm bảo ta không gục xuống một cách dễ dàng mỗi khi gặp trắc trở.
“Mong muốn trở nên có ích – đây chính là khái niệm giúp tôi giải thích điều mà mình đã quan sát thấy được ở những bệnh nhân và học sinh của mình, nguyên lý đó giúp tôi hiểu được sự khác biệt giữa những người cảm thấy mình bị cuộc đời đánh bại và những người không bị như thế.” (Nathaniel Branden, Honoring the Self: Self-Esteem and Personal Transformation).
V) TẦM QUAN TRỌNG CỦA LÒNG TỰ TRỌNG
Phát triển lòng tự trọng chính là một quá trình gian nan, cần thời gian lẫn nỗ lực, và nhìn nhận bản thân mình một cách sâu sắc. Tuy nhiên, đây là một cuộc đấu tranh xứng đáng với công sức mình bỏ ra. Trong thời kỳ hiện đại có quá nhiều người đánh giá bản thân mình dựa vào những quan điểm của người khác, và cho rằng giá trị của họ chính là những gì người khác nghĩ về mình. Điều này dẫn đến một nhân cách lệ thuộc, theo đó mục tiêu cốt lõi trong cuộc đời của họ chính là làm hài lòng và gây ấn tượng với người khác. Một cuộc đời thành công đòi hỏi ta phải sống và đưa ra những lựa chọn dựa vào giá trị bên trong và bản sắc cá nhân của ta, và điều này đòi hỏi ta phải trau dồi lòng tự trọng của mình để tự tin hơn về con người mình, kể cả khi bị bao quanh bởi những lời phản đối đến từ người khác. Chúng ta phải nhìn nhận bản thân một cách chân thực nhứt, giao phó cho sự hiểu biết của mình: Với tư cách là người cuối cùng phán xét chính cuộc đời mình, và chính vì thế ta phải cố gắng tạo nên những dấu ấn vô điều kiện cho chính bản thân độc nhất của mình.
“Chúng ta đang đứng giữa một mạng lưới các mối quan hệ gần như vô tận: với người khác, với vạn vật, với vũ trụ. Tuy nhiên, vào lúc 3 giờ sáng, khi ta chỉ có một mình, ta mới nhận thức được rằng mối quan hệ lâu bền và chặt chẽ nhất và mối quan hệ mà ta không thể nào tránh khỏi đó chính là mối quan hệ với bản thân mình. Bất kỳ khía cạnh quan trọng nào của tư duy, động lực, cảm giác, hay hành vi của ta đều bị ảnh hưởng bởi việc tự đánh giá chính bản thân mình. Chúng ta là những sinh vật không chỉ có ý thức mà còn tự ý thức về bản thân mình. Đó chính là vinh quang của chúng ta, và đôi khi cũng là gánh nặng của ta.” (Nathaniel Branden, Honoring the Self: Self-Esteem and Personal Transformation).