Tôi nên sống một cuộc đời như nào? Đây chính là một trong những câu hỏi lâu đời và quan trọng nhất trong triết học.
Trong khi có nhiều câu trả lời đã được đề xuất, thì có 2 câu trả lời trong số đó cực kỳ phổ biến kể từ thời Hy Lạp cổ đại. Đó chính là con người nên dành cuộc đời của mình theo đuổi niềm vui hoặc cách khác đó chính là theo đuổi sự xuất sắc.
Với nhiều nhà triết học thời Hy Lạp cổ đại, một cuộc đời dành để theo đuổi niềm vui và thoải mái chính là một cuộc đời không phù hợp với con người. Aristotle đã nhắc lại quan điểm nổi tiếng này trong tác phẩm của mình:
“Nhiều người, kể cả kẻ thô bỉ nhất, có vẻ cho rằng điều tốt lành và hạnh phúc giống như là niềm vui vậy, và do đó họ cũng thích một cuộc sống hưởng lạc. Nhưng từ đây họ bắt đầu hoàn toàn trở thành nô lệ, bởi cuộc sống mà họ quyết định chính là cuộc sống của những loài động vật ăn cỏ.” (Aristotle, Nicomachean Ethics)
Thay vào đó, Aristotle và trên thực tế là tất cả triết gia thời kỳ Hy Lạp cổ đại, cho rằng một cuộc sống phù hợp với con người chính là cuộc sống dành cho việc theo đuổi sự xuất sắc. Họ nghĩ rằng, một cuộc sống như thế, có thể mang đến tất cả những điều mà con người khao khát một cách tự nhiên: Hạnh phúc và sự đủ đầy.
Richard Taylor, một nhà triết học người Mỹ thế kỷ 20, đồng ý với quan điểm này. Trong một số tác phẩm của mình, Taylor đã đề ra mục tiêu đó là làm sáng tỏ bản chất của sự xuất sắc và hạnh phúc của con người thông qua việc tạo nên một thứ ông gọi là “luân thường đạo lý của khát vọng” (Ethics of aspiration), đây sẽ là chủ đề của bài viết này.
Một câu hỏi chợt nảy lên khi có ai đó cho rằng con người nên dành phần đời của mình theo đuổi sự xuất sắc đó là: Sự xuất sắc là gì? Đối với người Hy Lạp cổ đại thì nhiều thứ, bao gồm cả những thứ sống động hay vô tri vô giác, bản thân chúng đều có sự xuất sắc của riêng mình, một khái niệm không xa lạ mấy đối với chúng ta. Ví dụ, ta có thể nói một cái máy tính xuất sắc, một con dao tuyệt hảo, hay một bác sĩ xuất chúng.
Nhưng, khi họ nhận ra rằng không thể cứ gắn danh hiệu xuất sắc cho bất kỳ thứ gì trừ khi biết trước được chức năng của chúng. Ta có thể nói một bác sĩ xuất chúng bởi vì ta biết được rằng chức năng của một bác sĩ đó là chữa bệnh cho người khác, hay một con dao tuyệt hảo bởi vì ta biết chức năng của con dao đó là dùng để cắt đồ vật.
Đó, như Aristotle đã nhận ra, nếu con người muốn đạt được tri thức về sự xuất sắc của con người, hay nói cách khác là những gì khiến cho một số người lại giỏi hơn so với người khác, thì trước hết người đó phải xác định rõ ràng chức năng của một con người. Hãy lưu ý rằng là ở đây chúng ta không tìm kiếm chức năng của con người ở trong phạm vi một ai đó thực hiện thiên hướng của mình như là một bác sĩ, luật sư, nhạc sĩ, hay bất kỳ điều gì khác, mà đúng hơn là chức năng của con người với tư cách là một con người, không phụ thuộc vào thiên hướng của một ai đó. Như Aristotle đã giải thích:
“Ta có thể cho rằng, trong khi người thợ mộc và thợ đóng giày có những chức năng nhất định hay có những công việc kinh doanh thuộc về họ, nhưng hiểu theo nghĩa này tức là con người không có, và cũng không được thiết kế bởi tạo hóa để thực hiện bất kỳ chức năng nào khác sao?” (Aristotle, Nichomachean Ethics)
Để tìm ra được chức năng của mọi thứ, Aristotle lưu ý rằng ta cần phải xác định được năng lực hay nét đặc trưng tiêu biểu của thứ đó. Ví dụ, con dao là độc nhất bởi vì nó có một lưỡi dao sắc bén, và do đó chức năng của nó là dùng để cắt đồ vật. Một bác sĩ thì có tay nghề độc nhất trong nghệ thuật chữa bệnh, và do đó chức năng của một bác sĩ đó chính là chữa trị cho người khác.
Vì vậy, để khám phá chức năng của con người, Aristotle đã đề ra cách để xác định nét đặc trưng hay khả năng độc nhất chỉ có ở con người. Sau khi suy ngẫm về quan điểm này, ông cho rằng nét đặc trưng độc nhất đó chính là khả năng lý luận, hay suy nghĩ lý trí. Sự xuất sắc của con người đối với Aristotle đó chính là đạt được một cuộc sống dựa trên lý trí, trong đó lý lẽ là thứ dẫn dắt cả sự chiêm nghiệm của trí óc và hành động thực tiễn. Khi hoàn thiện một chức năng như này, Aristotle nghĩ rằng một cá nhân sẽ đạt được sự xuất sắc, và có một cuộc sống hạnh phúc và viên mãn.
Đồng tình với đề xuất của Aristotle rằng việc hoàn thiện những khả năng độc nhất của con người sẽ tạo nên sự xuất chúng ở người đó. Và, trong khi ông nghĩ rằng lý trí chính là một khả năng độc nhất của con người, thì ông có đề xuất thêm rằng sự sáng tạo cũng ẩn chứa một tiềm năng như thế. Thêm nữa, ông nghĩ việc hoàn thiện tiềm năng sáng tạo của con người chính là một con đường dẫn tới sự xuất sắc tốt hơn là theo đuổi mỗi mình lý trí.
Như ông đã viết:
“[Sự sáng tạo] chắc chắn là thứ khiến ta khác biệt với những sinh vật khác. Con người, nhờ vào trí thông minh của mình, mới có thể tạo nên những thứ mới lạ, khác thường, đôi khi còn có giá trị lớn lao và thậm chí là vượt trội, dù hiếm khi xảy ra. Ví dụ, con người thường nghĩ tới những lý thuyết khoa học hay các tác phẩm nghệ thuật hay văn học vĩ đại, hoặc các luận án triết học sâu sắc như Ethics của Spinoza, hay những bản nhạc vĩ đại và trường tồn đến từ sự sáng tạo thiên tài của ai đó. Từ đây, chúng ta chắc chắn đã thấy được những gì khiến cho mình khác biệt với tất cả sinh vật sống khác và cho phép ta nghĩ bản thân mình giống như các vị thần.” (Restoring Pride, Richard Taylor)
Một số người có thể phản bác rằng những loài động vật khác cũng có khả năng sáng tạo và ở một mức độ nào đó thì điều này là đúng. Tuy nhiên, khoảng cách giữa loại hình sáng tạo do các loài sinh vật khác thể hiện ra, như là việc chế tạo nên những công cụ thô sơ, và hoạt động sáng tạo của con người là rất lớn. Sự khác biệt giữa mức độ sáng tạo đó lớn đến nỗi có thể thấy rõ ràng rằng con người sở hữu một năng lực sáng tạo thua xa bất kỳ loài động vật nào khác.
Taylor cũng nhấn mạnh rằng khả năng sáng tạo của con người không chỉ giới hạn ở việc tạo ra các tác phẩm trong lĩnh vực khoa học, nghệ thuật, triết học hay văn học. Thay vào đó, trí thông minh sáng tạo còn có thể được sử dụng bởi những vũ công chuyên nghiệp, vận động viên, doanh nhân, và thậm chí cả người làm vườn hoặc cha mẹ. Ông lưu ý, bất kỳ hoạt động nào được “thực hiện không theo quy luật, học vẹt hay bắt chước, mà đúng hơn là bằng sự mới lạ hoàn toàn,” chính là hoạt động được thực hiện bằng sự sáng tạo.
Ông tin rằng việc hoàn thiện khả năng hoạt động sáng tạo chính là con đường dẫn tới sự xuất chúng, và thêm nữa là dẫn tới sự trọn vẹn, Taylor đã đặt ra một mệnh lệnh bắt buộc cho những độc giả của mình, ông viết:
“Tất cả những điều này đều quy về một loại mệnh lệnh, nếu diễn đạt một cách tối thiểu sẽ là: Hãy làm một điều gì đó đi. Còn nếu diễn đạt hay hơn, thì đó là: Tạo ra điều gì đó đi. Làm ngược lại sẽ chỉ phí thời gian quý giá của mình. Đừng… yên nghỉ cùng với tổ tiên của mình khi vẫn còn là một con thú. Tất cả những gì chúng làm là ăn, ngủ, sinh nở, sau đó chết đi và lụi tàn. Một người chẳng làm tốt hơn những điều đó sẽ đơn thuần là trở thành một loài thú vật.” (Restoring Pride, Richard Taylor)
Nhưng Taylor đã nhận ra, nhiều người đang thiếu đi những hoạt động mà họ đam mê, và chính vì thế họ cảm thấy mình chẳng có điều gì để thực hiện với mục đích trau dồi sự sáng tạo và đạt được sự xuất sắc. Như Taylor đã nói, những cá nhân như thế có thể cảm thấy như thể họ đã được định sẵn để “biến thành một loài thú vật”. Taylor nghĩ rằng quan niệm này là vô lý, bởi như nhà tâm lý học thế kỷ 20 Carl Jung đã quan sát:
“…Nếu bạn chẳng có bất kỳ thứ gì để tạo ra, thì có lẽ bạn đang tạo nên chính bản thân mình.”
(Carl Jung)
“Tạo nên nét đặc trưng cho tính cách của con người – một nghệ thuật tuyệt vời và hiếm thấy!”, Nietzsche viết trong cuốn Gay Science. Riêng con người, Taylor, Jung và Nietzsche, mới có khả năng sử dụng sự sáng tạo của mình để kích thích sự biến chuyển ở bên trong bản thân và tạo ra bản ngã của chính mình giống như một nghệ sĩ tạo nên tác phẩm nghệ thuật tuyệt đẹp:
“Chính vì thế, thay vì cho rằng một tác phẩm nghệ thuật là thứ mà tất cả mọi người đều có thể cảm nhận – một bài thơ, một bức tranh, một cuốn sách, một công trình vĩ đại – thì hãy cân nhắc việc biến cuộc đời của mình thành một tác phẩm nghệ thuật. Bạn có bản thân mình để mở màn, và một khoảng thời gian không xác định để hoàn thiện nó. Bạn không nhất thiết phải là chính mình, và mặc dù bạn có thể khá là hài lòng với việc mình là ai và mình là gì, sẽ không quá khó để cho bạn nghĩ về điều gì đó vĩ đại mà mình muốn trở thành. Không nhất thiết phải là một thứ gì đó ngoạn mục hay thậm chí là một thứ gì đó thu hút sự chú ý của người khác. Điều cần ở đây chính là một kiểu xuất chúng mà bạn mong muốn ở chính mình, và sau đó đạt được – thứ gì đó mà sau này bạn có thể nhìn lại bằng cách đánh giá bản thân mình một cách trung thực và tự hào.”
Đối nghịch với những người sống cuộc đời dành cho việc trau dồi khả năng sáng tạo của họ, Taylor, mượn một thuật ngữ từ nhà Khắc Kỷ người Roma tên Epictetus, đã để ý rằng phần lớn con người đang trở thành “những kẻ nô lệ tự nguyện” (Willing Slaves). Trong khi những cá nhân sáng tạo là người tạo tác nên cuộc đời mình, theo đuổi đam mê một cách sáng tạo và điêu khắc bản thân mình dựa theo một hình mẫu ở bên trong, thì những kẻ nô lệ tự nguyện, theo lời của Taylor, sẵn sàng để cho “xã hội ít nhiều quyết định cuộc sống cho họ.”
Taylor tin rằng việc tự nguyện làm nô lệ này chính là trạng thái bình thường, hay mặc định của loài người. Trạng thái tự nguyện làm nô lệ bắt nguồn từ khuynh hướng bẩm sinh của con người đó là đặt giá trị bản thân của mình vào sự đồng thuận của người khác. Như Mark Twain đã quan sát.
“Bản chất của ta đó là hướng tới sự phù hợp; nó là một sức mạnh mà ít người có thể chống lại. Nguồn gốc của nó là gì? Đó chính là nhu cầu được chấp thuận vốn có ở bản thân mình.”
Khi còn là một đứa trẻ, ta thường nhìn vào cha mẹ để biết được mình đang hành xử tốt hay xấu, và sự phát triển nhân cách và ý thức về giá trị bản thân của ta phần lớn được quyết định bởi cách ba mẹ đối xử với chúng ta. Đối với trẻ con thì đây là một xu hướng tự nhiên và không thể tránh khỏi.
Nhưng khi những con người này dần bước vào tuổi trưởng thành, thay vì trau dồi sự tự lập và phán đoán giá trị người khác dựa vào những lý tưởng do bản thân mình tạo ra, thì những con người này dựa vào quan điểm của người khác. Nói cách khác, họ tìm kiếm “nụ cười” và “cái cau mày” của gia đình, bạn bè, đồng nghiệp họ, và kể cả là những người hoàn toàn xa lạ để đánh giá phẩm chất của mình như một con người. Và mặc dù việc để ý tới cách người khác phản ứng với hành vi của ai đó là điều quan trọng ở một mức độ nhất định, nhưng phần lớn mọi người lại quan tâm đến những gì người khác nghĩ về mình đến mức nó trở thành thứ gây hại tới khả năng sống một cuộc đời viên mãn của họ. Theo lời của Taylor, họ trở thành, những tên nô lệ tự nguyện:
“…Bạn không cần phải có ngữ cảnh hay tình huống đặc biệt để thấy rõ nhu cầu gây ấn tượng với người khác một cách thái quá của đám đông. Những người này coi toàn bộ giá trị bản thân mình chính là những gì người khác nghĩ về họ. Nói cách khác, thay vì tạo nên cuộc sống của riêng mình, thì họ để cho thế giới tạo nên cuộc sống của mình. Thay vì đáp ứng những gì bản thân họ khao khát, ngay cả khi nếu họ để cho bản thân trở thành thứ họ đang trở thành, thì cũng chính họ dần trở thành thứ mà người khác muốn ở mình.” (Restoring Pride, Richard Taylor)
Người dành cuộc sống của mình trau dồi khả năng sáng tạo bằng cách theo đuổi đam mê và tạo ra cuộc đời của mình tất yếu phải đánh giá phẩm chất bản thân mình dựa vào những ý tưởng do bản thân họ tạo ra: vì đó chính là ý nghĩa của việc “tạo ra cuộc sống riêng của mỗi người”. Với những cá nhân như vậy, thì việc sáng tạo của họ có nhận được sự tán dương hay sự khinh thường của người khác hay không chẳng quan trọng. Như Taylor đã để ý, đạt được sự xuất sắc tự bản thân nó đã là một phần thưởng lớn kể cả khi thế giới không quan tâm tới nó, mang lại cho người sở hữu nó một cảm giác tự hào, trọn vẹn, và lòng tự tôn thực sự.
Còn về việc người ta nên sử dụng năng lực sáng tạo của mình như thế nào để đạt được sự xuất sắc về mặt cá nhân, thì Taylor không nói gì. Có nhiều con đường khác nhau để đạt được sự xuất sắc về mặt cá nhân cũng như là có nhiều cá nhân. Tất cả những gì ông có thể làm là thúc giục chúng ta nhìn vào sâu bên trong bản thân mình, tìm xem những năng khiếu tiềm ẩn của ta nằm ở đâu, và chống lại thôi thúc bẩm sinh trở thành một tên nô lệ tự nguyện và quyết định sống một cuộc đời dành cho việc sáng tạo. Taylor tuyên bố rằng, làm ngược lại sẽ đồng nghĩa với việc đi trên một con đường quá phổ biến dẫn tới sự vô ích:
“Không thể nào đưa ra những định hướng để đạt được sự xuất sắc ở mỗi cá nhân, bởi mỗi người đều khác nhau. Năng khiếu và tiềm năng của một ai đó không giống như những người khác. Thực vậy, mỗi người là độc nhất. Năng khiếu và khả năng của anh hay cô ta có lẽ không ai sánh bằng trên Trái Đất này.
Và nó dẫn đến sự xuất sắc của một ai đó, nhưng nó chỉ của người đó mà thôi. Không ai có thể chỉ cho bạn cách để đạt được những gì của mình. Công việc của bạn chỉ đơn thuần là tìm một hay vài thứ nào đó mà bạn có thể thành thạo, và sau đó biến nó trở thành một công việc kinh doanh cốt yếu trong cuộc sống để ta có thể thành thạo chúng theo nhiều cách khác. Làm ngược lại, chính là đang coi thường những báu vật mà ít nhất bạn được ban tặng sẵn, chỉ đơn thuần là đang lãng phí cuộc đời mình – một con đường dẫn tới sự vô ích, than ôi, chỉ dẫn đến những thứ bình thường.”
Lý do vì sao lãng phí một đời người đang trở nên phổ biến chỉ đơn thuần là vì việc trôi nổi trong cuộc đời, làm những gì người khác làm và nghĩ những gì người khác nghĩ, dễ dàng hơn nhiều so với việc chấp nhận bị chế giễu và phản đối để theo đuổi sự xuất sắc. Đề ra một lý tưởng, và thông qua sự sáng tạo, phấn đấu để đạt được lý tưởng đó có lẽ là nhiệm vụ khó khăn nhất, đó là lý do tại sao rất ít người đạt được sự xuất chúng.
Bởi như Baruch Spinoza đã viết:
“Đối với tất cả những thứ xuất sắc thì càng hiếm chúng lại càng khó.”