Khi cuộc cách mạng tình dục bắt đầu vào thập niên 1960, một quan niệm chung đã được định hình: “giải phóng tình dục” sẽ đồng nghĩa với việc con người được tự do hơn trong việc tận hưởng những kiểu quan hệ tình dục mà họ thực sự mong muốn – tức là với nhiều bạn tình hơn và ít ngại ngùng hơn.
Tuy nhiên, điều mà người ta không lường trước được là cuộc “giải phóng” này, trên hành trình của nó, lại có thể tạo ra những ràng buộc mới, những điều cấm kỵ mới, và nói cách khác, là những dạng “nhà tù” mới. Những đối tượng bị ảnh hưởng lần này không phải là những người muốn có nhiều quan hệ tình dục hơn, mà là những người – vì nhiều lý do khác nhau – không muốn hoặc không thể đáp ứng được số lượng quan hệ tình dục mà xã hội nay coi là “bình thường.”
Giải phóng tình dục, vốn được thúc đẩy bởi mong muốn giải thoát con người khỏi những phán xét đạo đức khắt khe, rốt cuộc – một cách vô tình – lại khiến chúng ta rơi vào một kiểu áp lực mới. Thay vì cấm đoán chúng ta không được quan hệ, như những nhà đạo đức học xưa đã từng lên án, nó lại yêu cầu chúng ta phải hoàn toàn thoải mái với ý tưởng quan hệ thường xuyên và đa dạng.
Giờ đây, việc thừa nhận rằng mình không có quan hệ tình dục trở thành điều đáng xấu hổ, giống như trước đây việc thừa nhận rằng mình có quan hệ tình dục ngoài hôn nhân từng bị xem là điều không thể chấp nhận. Sự kỳ thị vẫn tồn tại, nỗi hổ thẹn vẫn tiếp diễn – chỉ là chúng đổi sang những mục tiêu khác mà thôi.
Ở trung tâm của nhóm người bị kỳ thị mới này là hình ảnh một đối tượng thường xuyên bị chế giễu và dè bỉu: người trưởng thành vẫn còn trinh, những người vô tình hoặc cố ý bước qua tuổi đôi mươi mà chưa từng “lên giường” với ai.
Sự xấu hổ này không hề liên quan đến con số thống kê. Các khảo sát ước tính có tới 15% người trong độ tuổi từ 20 đến 25 vẫn còn trinh. Vấn đề không nằm ở việc có bao nhiêu người còn trinh – vì rõ ràng là có rất nhiều – mà ở mức độ mà họ bị khiến cho cảm thấy khổ sở và kém cỏi vì điều đó.
Mục tiêu của một cuộc giải phóng tình dục đích thực, một cuộc giải phóng mà tất cả chúng ta nên theo đuổi, không phải là chuyển sự kỳ thị từ người này sang người khác, mà là xóa bỏ hoàn toàn sự kỳ thị đối với tất cả các lựa chọn tình dục mang tính tự nguyện. Giải phóng đích thực không chỉ là giải phóng con người để họ có thể quan hệ nhiều, với nhiều đối tượng, trong những phút giây đê mê; mà còn là để họ không quan hệ tình dục, hoặc quan hệ tình dục rất muộn, hoặc – nếu có – thì đó có thể là những lần quan hệ vụng về, thiếu kinh nghiệm, không trọn vẹn – và không bao giờ phải cảm thấy tội lỗi vì điều đó.
Giải phóng tình dục thực sự không chỉ là giải phóng để chúng ta trở nên mạnh mẽ, thuần thục, đầy kinh nghiệm và hứng khởi – mà còn để chúng ta được kỳ lạ, khép kín, nhút nhát một cách thú vị, lúng túng một cách thông minh, và đặc biệt theo cách mà chúng ta muốn – mà vẫn giữ được quyền tự tôn và yêu mến bản thân mình.
Điều mà chúng ta nên hướng tới là xây dựng một xã hội nơi con người cuối cùng có thể ngừng chịu đựng nỗi đau xung quanh vấn đề tình dục của mình, ngay cả khi điều đó có nghĩa là họ không muốn, hoặc chưa thể, quan hệ tình dục. Chỉ khi đó, và chỉ khi đó, chúng ta mới đạt được sự giải phóng thực sự.
Nguồn: On Still Being a Virgin – The school of life