[Sigmund Freud, nhà phân tâm học lừng danh, đã suy ngẫm rất nhiều về loài nhím. Trên bàn làm việc của ông, từ Vienna đến London, luôn có một bức tượng nhím bằng đồng, như một lời tri ân cho những nghịch lý của sự gần gũi.]
Chúng ta luôn biết rõ tình yêu nên trông như thế nào; ta tưởng tượng về người bạn đời lý tưởng của mình từ lâu trước khi họ bước vào đời thực. Họ sẽ dịu dàng, tử tế, đẹp đẽ, sâu sắc, biết quan tâm và truyền cảm hứng, lại thêm chút hài hước. Họ sẽ nâng niu những góc yếu đuối, mong manh nhất trong ta, và ta cũng sẽ làm như vậy với họ. Họ sẽ là chốn an yên, là mái nhà để ta tìm về.
Hình bóng ấy luôn hiện hữu trong tâm trí ta, qua bao sóng gió, những nghịch lý và bi hài kịch của hành trình tìm kiếm tình yêu: từ những buổi hẹn hò kỳ quặc, những mối quan hệ tan vỡ, những cuộc hôn nhân đầy cãi vã, đến những cuộc tình chóng vánh không trọn vẹn. Ta chế giễu những “ứng cử viên” thất bại, những người tình điên rồ hay tệ bạc, nhưng không bao giờ dám mỉa mai chính tình yêu, cũng không chất vấn mục đích mình theo đuổi. Ta chỉ khăng khăng rằng mình chưa tìm đúng người.
Nhưng đôi khi, giữa những nỗi buồn, ta nên thử can đảm hơn một chút. Có lẽ, ta đã gặp đủ người và có không ít cơ hội để khiến mọi chuyện thành công. Những trắc trở kéo dài không phải dấu hiệu cho thấy ta cần thử thêm nhiều đối tượng mới, mà là bằng chứng cho thấy điều ta khao khát ở tình yêu và điều người khác thực sự có thể mang lại luôn đối nghịch một cách sâu sắc.
Nhím là loài gặm nhấm ăn cỏ, toàn thân phủ đầy những chiếc gai sắc nhọn, và chỉ có một lớp mỡ mỏng manh dưới da để giữ ấm. Trong những đêm giá lạnh, chúng buộc phải quây quần bên nhau trong hang để sưởi ấm. Nhưng trong sự gần gũi đó, chúng thường làm tổn thương nhau, những chiếc gai đâm xuyên vào cơ thể bạn đồng hành. Không hiếm khi thấy những chú nhím lảo đảo rời khỏi hang vào lúc bình minh, trên người dính máu của đồng loại. Để chống lại cái lạnh, chúng phải trả giá đắt: lựa chọn giữa cái chết vì lạnh hoặc những vết thương rỉ máu.
Sigmund Freud, nhà phân tâm học lừng danh, đã suy ngẫm rất nhiều về loài nhím. Trên bàn làm việc của ông, từ Vienna đến London, luôn có một bức tượng nhím bằng đồng, như một lời tri ân cho những nghịch lý của sự gần gũi.
Khi các b ệnh nhân của ông chia sẻ những khó khăn: người vợ cảm thấy bị bỏ rơi, người chồng không chung thủy, những cặp đôi không thể lắng nghe nhau, hay những kẻ quyến rũ chỉ cảm thấy ham muốn khi bị chối từ… Freud nhìn vào những chiếc gai đồng sắc nhọn và nhận ra rằng, những câu chuyện này không hề đơn lẻ. Chúng là minh chứng cho những rủi ro không thể tránh khỏi mà con người phải đối mặt khi tìm kiếm – như ta luôn cần – một sự thay thế cho sự cô độc.
Phân tâm học đã xây dựng một cái nhìn sâu sắc không gì sánh bằng về lý do tại sao con người lại dễ làm tổn thương nhau đến vậy trong các mối quan hệ. Mỗi chúng ta bước vào tuổi trưởng thành với một lịch sử cá nhân đầy phức tạp, thường khiến ta khó lòng tìm thấy hạnh phúc trọn vẹn.
Những tuần đầu say đắm trong tình yêu có thể diễn ra tốt đẹp, nhưng rồi quá khứ phức tạp của ta bắt đầu bộc lộ. Có thể, khi còn nhỏ, ta từng bị làm cho cảm thấy mình kém cỏi, đáng xấu hổ; vì thế, tình yêu của người khác bỗng trở nên khó tin và luôn cần kiểm chứng. Hoặc, do từng sống trong cảm giác bất an vì sự thiếu tin cậy từ những người thân, ta không ngừng đòi hỏi sự đảm bảo, những dấu hiệu của lòng trung thành – và chính điều đó dần đẩy người ta muốn giữ gần ra xa.
Ta có thể trông dễ mến, ngọt ngào, và có những khoảnh khắc tử tế, nhưng chắc chắn, mỗi người trong chúng ta đều mang trên mình những chiếc gai sắc nhọn. Những chiếc gai ấy sẽ đâm sâu và làm tổn thương bất kỳ ai đủ dũng cảm đến gần.
Ta dành quá nhiều thời gian để tiếc nuối những lựa chọn sai lầm, nhưng lại quá ít thời gian tìm thấy sự an ủi trong một sự thật buồn bã nhưng an nhiên: rằng sự thân mật luôn là một nhiệm vụ khó khăn, gần như bất khả, bởi tâm hồn ta vốn gồ ghề và nhiều góc cạnh.
Người bạn đời lý tưởng nhất không phải là người không làm tổn thương ta – vì họ không tồn tại – mà là người hiểu được cách họ có thể làm đau ta, và biết cách cảnh báo trước bằng sự chân thành, một chút duyên dáng, và đôi khi là một nụ cười hài hước.
Trong những buổi hẹn hò đầu tiên, ta nên học cách nhìn thẳng vào “chú nhím” đối diện và mỉm cười trầm ngâm mà hỏi: “Vậy bạn sẽ làm tôi đau bằng những chiếc gai của mình như thế nào?”
Nguồn: FREUD’S PORCUPINE