Trong danh sách những nhiệm vụ quan trọng nhất của các bậc làm cha làm mẹ, không gì cần thiết hơn việc thực sự lắng nghe con cái mình. Nghĩa là, họ phải nhận ra và dành chỗ cho những cảm xúc, niềm vui, nỗi giận hờn hay cả những ước muốn của con, ngay cả khi những điều đó hoàn toàn trái ngược với mong muốn của bản thân họ. Chính nhờ được lắng nghe một cách đầy đồng cảm và thấu hiểu mà sau này, đứa trẻ sẽ học cách chấp nhận chính mình, luôn kết nối với những cảm xúc bên trong và có thể tìm thấy những người bạn đời yêu thương con người thật của chúng.
Nhưng tại sao việc lắng nghe con cái lại khó đến thế đối với nhiều bậc phụ huynh? Một phần vì những điều trẻ nói và làm đôi khi có thể gây tổn thương nghiêm trọng đến cái tôi của cha mẹ. Là cha mẹ, có lẽ chúng ta đã sớm khép lại những phần dễ tổn thương, trí tưởng tượng bay bổng, sự thẳng thắn, tính linh hoạt trong cảm xúc, hoặc cả nỗi buồn của mình. Nhưng con trẻ thì không biết gì về những điều chúng ta đã cố chối bỏ ấy.
Những gì ta đã chôn vùi vào góc tối của tâm hồn lại có thể hiện diện rạng rỡ như ánh nắng giữa trưa trong cuộc sống ngây thơ của chúng.
Con trẻ chẳng ngần ngại nói rằng bà ngoại là “một cục ph*n to béo”, rằng chúng muốn mặc đồ của giới tính đối lập, hay rằng chúng ước được sống trong một ngôi nhà lớn hơn. Chúng cũng có thể rất tệ trong môn toán và chẳng biết buộc dây giày sao cho tử tế. Những điều ấy có thể khiến chúng ta bối rối tận cùng: Làm sao mà ta đã nỗ lực đến thế để xóa bỏ những điểm yếu của mình, vậy mà giờ đây chúng lại xuất hiện đầy đủ trong thế hệ kế tiếp? Làm sao chúng lại có thể yếu đuối, rắc rối, vô lý và bất lịch sự đến thế?
Thực tế, đằng sau sự không chịu lắng nghe ấy đôi khi là lòng ghen tị. Có thể cha mẹ chẳng mấy để tâm đến những lời than vãn của con, vì khi họ còn bé, chẳng ai thực sự để ý đến những nỗi buồn của họ. Tại sao họ phải kiên nhẫn với những nỗi đau nhỏ nhặt của người khác, khi chính họ đã phải trưởng thành một cách khắc nghiệt và nhanh chóng? Và cách tốt nhất để bảo vệ bản thân khỏi những thất vọng âm ỉ ấy, là khiến con cái cũng không có được những gì chúng muốn.
Những bậc cha mẹ không lắng nghe thường xuyên viết lại câu chuyện của con cái:
“Vớ vẩn, mẹ biết con thích đi dạo dưới mưa mà!”
“Con mẹ dũng cảm lắm, làm gì có chuyện khóc vì chuyện đó!”
Hoặc họ ám chỉ rằng không thể vừa theo đuổi một điều gì đó (ballet hay kinh doanh, tính nhút nhát hay thích hóa trang thành tiên nữ) mà vẫn giữ được sự đáng yêu và giá trị trong mắt mọi người.
Hậu quả của việc không được lắng nghe là một nhân cách rạn nứt, nơi ta không thể dung chứa những cảm xúc mà cha mẹ từng chối bỏ trong ta: nỗi buồn hay cơn giận, sự dễ tổn thương hay lòng tự tin. Để thực sự trưởng thành, có lẽ ta cần tự hỏi một câu thật xa lạ: “Có những phần nào trong con người mình mà cha mẹ không thể chấp nhận?” – và học cách làm bạn với câu trả lời ấy.
Nguồn: IF OUR PARENTS NEVER LISTENED