Thật khó nói ra, nhưng với một số người trong chúng ta, có thể nói rằng phần lớn cuộc đời là chuỗi ngày tự hỏi cùng một câu, tuần này qua tuần khác, cùng một sự pha trộn giữa thất vọng, buồn bã và khó hiểu: Tại sao mình lại cô đơn đến vậy?
Tại sao, nói cách khác, mình cứ mãi lạc lõng giữa đám đông, tại sao mình không dễ dàng kết nối được với mọi người hơn, tại sao mình lại chẳng có nhiều bạn bè thực sự đáng gọi là bạn?
Ta dễ sa vào kết luận đen tối: vì mình tệ, vì có gì đó không ổn ở mình, vì mình xứng đáng bị người ta ghét bỏ.
Nhưng câu trả lời thật ra thường bớt khắc nghiệt hơn và, theo cách nào đó, lại hợp lý hơn nhiều: chúng ta – những người thuộc về “bộ tộc” cô độc – cảm thấy cô đơn vì một lý do rất chính đáng và dễ tha thứ: vì chúng ta quan tâm đến sự soi xét nội tâm, còn họ – những người còn lại – dù có thông minh, sắc sảo, mạnh mẽ đến đâu, lại không như vậy.
Họ có thể có nhiều sở thích và đam mê, nhiều điều để bàn luận về vô số chuyện, nhưng đơn giản là họ không hứng thú với việc nhìn sâu vào bên trong chính mình. Ý tưởng về một ngày vui đối với họ không phải là ngồi phân tích tuổi thơ, lần theo mối liên hệ giữa cảm xúc và hành động của mình, hay nằm dài trong bồn tắm hoặc trên giường để nghiền ngẫm về những sự kiện trong thế giới nội tâm.
Tự soi xét không phải là “gu” của họ. Họ không nói ra điều này – và có lẽ sẽ không bao giờ nói; thậm chí có khi họ còn không nhận ra điều ấy. Chúng ta chỉ có thể cảm nhận qua những biểu hiện bên ngoài: rằng ta chẳng bao giờ thấy có gì nhiều để nói với họ, dù – xét một cách khách quan – vẫn còn rất nhiều điều để chia sẻ.
Chính sự thiếu đi chiều sâu nội tâm này khiến các cuộc trò chuyện với họ thường dừng lại ở những nơi khá lạ lùng: giá vé tàu bao nhiêu, cách làm bánh muffin ngon nhất, hay cô bạn học đại học (người mà chúng ta chưa bao giờ thực sự thân thiết hay yêu quý) bây giờ đang làm gì. Nó cũng giải thích vì sao khi ta cố gắng chuyển câu chuyện sang điều gì đó thân mật và dễ tổn thương hơn, thì mọi thứ dường như vẫn chẳng tiến triển được, và cuối cùng lại lạc vào những vòng lặp khác về kết quả thể thao hay vụ bê bối chính trị mới nhất.
Họ không hẳn là lạnh lùng, nhưng có thể dễ khiến ta cảm thấy như vậy, bởi họ không quan tâm đến việc chia sẻ những gì thật sự diễn ra trong lòng mình. Đôi khi, ta còn cảm thấy ngạc nhiên khi bỗng nhiên họ nói rằng họ coi ta là một người bạn thân.
Chúng ta nên chấp nhận rằng hầu hết những người quen – dù có thể họ rất muốn thân thiện về mặt lý thuyết – sẽ không sẵn sàng làm điều đó nếu phải đánh đổi bằng việc nhìn sâu vào chính tâm trí của mình.
Còn về phía chúng ta, cảm giác cô đơn này đến từ việc ta đang tìm kiếm một kiểu thân mật ít phổ biến hơn nhiều so với những gì ta tự dằn vặt mình tưởng tượng. Nếu trong đời gặp được một hoặc hai người muốn “chơi cùng cách” với ta thì đã là phúc lớn. Phần lớn thời gian còn lại, thay vì cảm thấy cô đơn vì mình cô đơn, ta nên hiểu rằng điều này là hoàn toàn dễ hiểu. Đau lòng thật, nhưng cũng hợp lý thôi, bởi thú vui yêu thích của ta – dù cao quý đến đâu – thực chất là một thứ rất đỗi hiếm hoi.
Nguồn: LONELINESS AS A SIGN OF DEPTH – The school of life
Tranh: Edward Matthew Ward, Byron’s Early Love, ‘A Dream of Annesley Hall’, c. 1856, Manchester Art Gallery