“Vô số khả năng là điều không phù hợp với con người; nếu chúng tồn tại, cuộc sống của bạn sẽ chỉ tản mác trong vô chừng. Để trở nên mạnh mẽ, một người cần giới hạn đời mình với bổn phận và lòng tự nguyện. Một người chỉ đạt được cuộc sống ý nghĩa cùng với tinh thần tự do bằng cách bao quanh mình bằng những giới hạn và bổn phận do chính mình lựa chọn.” – Kinh Dịch, quẻ 60.
Trong các cuộc thảo luận về tự do thì người ta có xu hướng nói về tự do chính trị. Nhưng có một hình thức tự do khác mà ngày nay cũng hiếm không kém. Đó là sự tự do tâm lý khi mà chúng ta nhận thức rõ những điểm yếu và thói quen xấu của mình, và thay vì chìm đắm trong sự thương hại bản thân, chúng ta thực hành quyền tự chủ để theo đuổi một cuộc sống tốt đẹp hơn. Hình thức tự do này ngày nay đã quá vắng bóng. Nghiện ngập, không cưỡng lại được những thỏa mãn nhất thời, rối loạn thần kinh và các hành vi tự hủy hoại bản thân khác khiến nhiều người trong chúng ta bị giam hãm trong nhà tù của tâm trí và cản trở khả năng phát triển của ta.
Thường những vấn đề này được cho là do có sai sót trong gen hoặc cấu tạo sinh học của ta. Do đó, giải pháp hẳn là cần thay đổi những hoạt chất hóa học trong não của ta bằng cách kê toa thuốc. Nhưng không phải ai cũng đều đồng tình rằng kê thuốc là cách tốt nhất để thoát khỏi lối sống sai lệch của chúng ta.
Steven Pressfield, tác giả sách Turning Pro (Trở thành Chuyên nghiệp), đã đưa ra một giải pháp khác. Ông lập luận rằng nhiều người trong chúng ta sẽ chỉ chữa lành bản thân được nếu ta có thể giành lại quyền kiểm soát cuộc sống của mình, bằng cách định hướng cho phép ta có được trải nghiệm sống gắn liền với sự phát triển bản thân. Và cách tốt nhất để làm điều này, ông lập luận, là cam kết theo đuổi sự xuất sắc trong một lĩnh vực mà ta chọn, một quá trình mà ông gọi là ‘trở thành chuyên nghiệp’. Quyết định của người nghiệp dư chấp nhận một cuộc đời tầm thường, hay quyết định của một người chuyên nghiệp kỷ luật bản thân để trở nên xuất sắc, đều là những lựa chọn cho thấy cuộc sống là khó khăn.
Tuy nhiên, trong khi người nghiệp dư tìm cách giải tỏa nỗi đau của cuộc sống bằng sự đê mê của những cơn nghiện và theo đuổi thú vui, thì người chuyên nghiệp cố gắng vượt lên trên nỗi đau của mình bằng “lao động và tình yêu”. Một số người may mắn vì sớm tìm thấy tiếng gọi cuộc đời và cam kết trở thành chuyên nghiệp mà không cần đắn đo gì nhiều. Tuy vậy, với đa số người khác, thì lựa chọn trở thành chuyên nghiệp sẽ đi kèm với nhiều năm lãng phí trong tuyệt vọng, trước khi sự thức tỉnh ập tới, và họ nhận ra rằng cần phải thay đổi cuộc sống một cách có mục đích hơn.
Nếu ta quyết định trở thành chuyên nghiệp, thì ta cần biết rằng đó không phải là một nỗ lực nửa vời. Nó đòi hỏi sự rèn luyện mỗi ngày, điều mà các nhà tâm lý học gọi là “thực hành có chủ đích” (deliberate practice), mà nhờ đó, ta trau dồi kỹ năng của mình thông qua sự kiên trì và tập trung. Thiên tư, hay tiếng gọi của cuộc đời, phải trở thành ưu tiên hàng đầu của ta. Thời giờ của ta thay vì trước đây dành cho những thú vui sao lãng, thì nay ta phải dành chúng để trau dồi những thói quen và kỹ năng cần thiết để hoàn thành xuất sắc công việc của ta. Trở thành chuyên nghiệp, trong bất kỳ lĩnh vực nào chúng ta chọn, đồng nghĩa với việc đặt bản thân vào những xiềng xích kỷ luật mà ta tự áp vào chính mình, và nghịch lý thay, đây lại là con đường dẫn đến sự tự do về tâm lý.
“… Tự do về bản chất là sự chấp nhận những xiềng xích phù hợp với bạn, buộc bạn hướng tới một mục đích do chính bạn lựa chọn và đánh giá chứ không phải áp đặt từ bên ngoài. Nó không phải, và không bao giờ có thể thiếu vắng những hạn chế, nghĩa vụ hay luật pháp và bổn phận.” – Bronislaw Malinowski, Tự do và Văn minh.
Trong khi hầu hết mọi người có thể xây dựng cuộc sống của họ xung quanh mục tiêu theo đuổi sự xuất sắc, thì nhiều người lại chạy trốn khỏi lối sống này bằng cách viện đến hai lý do chính. Lời bào chữa đầu tiên dựa trên niềm tin rằng chúng ta là những sinh vật tầm thường trong một vũ trụ vốn hoàn toàn ngó lơ mong ước của ta, và vì vậy mục đích của cuộc sống là tận hưởng chuyến đi, chứ không phải tự mang vác gánh nặng cho mình bằng nhiệm vụ phải đạt được bất cứ điều gì có giá trị lâu dài. Nhưng lối suy nghĩ này bỏ qua thực tế rằng bẩm sinh trong mỗi người chúng ta đều sở hữu một mong muốn vượt lên chính mình, và nếu chúng ta từ chối chú ý đến tiếng gọi này, thì chúng ta sẽ trở nên tự hủy hoại bản thân và dễ mắc các bệnh về tâm lý. Hay như nhà tâm lý học James Hillman đã viết:
“Hiện diện trong thể xác và vắng bóng trong tinh thần, anh ấy nằm ườn trên chiếc ghế dài, xấu hổ bởi chính… những tiềm năng trong anh mà anh đã không khuất phục được. Anh cảm thấy sự sụp đổ trong nội tâm, tưởng tượng trong sự thụ động của anh về những điều hung hăng và những ham muốn phải bị dập tắt. Giải pháp: nhiều việc hơn, nhiều tiền hơn, uống nhiều hơn, nhiều cân hơn, nhiều thứ hơn, nhiều thông tin giải trí hơn.” – James Hillman, Mật mã của linh hồn.
Mặt khác, một số người trong chúng ta nhận ra tầm quan trọng của việc trở nên chuyên nghiệp, nhưng chúng ta liên tục trì hoãn hành động. Chúng ta tự nhủ rằng ta sẽ trở nên chuyên nghiệp khi ta đã “tìm thấy chính mình”, hoặc khi ta đã vượt qua được chứng trầm cảm, lo âu hoặc nghiện ngập. Tuy nhiên, nếu lý thuyết của Pressfield là đúng, thì chiến thuật trốn tránh này lại được xây dựng dựa trên một lỗi tư duy. Vì trở thành chuyên nghiệp không phải là điều chúng ta sẽ làm sau khi đã chữa khỏi các vấn đề của mình hoặc phát hiện ra mình là ai, mà đúng hơn, trở thành chuyên nghiệp chính là cách chữa trị – đó là phương tiện để chúng ta trở thành chính mình.
Nếu chúng ta quyết định trở thành chuyên nghiệp, thì điều quan trọng là chúng ta phải làm điều đó với những lý do chính đáng. Bởi vì trong khi trở thành chuyên nghiệp sẽ làm tăng cơ hội của chúng ta để đạt được sự giàu có, địa vị và thậm chí có thể nổi tiếng, thì nếu ta chỉ nhằm đến những thứ này, ta có thể phá hoại nỗ lực của bản thân. Năng lượng của ta, nếu quá chú trọng vào thành công bề ngoài, thì sẽ khiến công việc của ta bị ảnh hưởng tiêu cực. Và nếu những phần thưởng này không đến đủ nhanh, vì chúng hiếm khi xảy ra, thì không chắc chúng ta sẽ muốn tiếp tục thực hiện những hy sinh cần thiết để đạt được sự xuất sắc trong lĩnh vực của mình.
Nói cách khác, chúng ta sẽ không trở thành chuyên nghiệp được trừ khi ta có thể đặt ham muốn tiền bạc và địa vị đằng sau mong muốn nuôi dưỡng kỹ năng và tiềm năng của ta. Và nếu chúng ta có thể tìm thấy động lực bên trong để cam kết với lối sống không phổ biến này, ta rồi sẽ khám phá ra rằng theo thời gian, phần thưởng tâm lý mà ta có được sẽ vượt xa mọi hình thức thành công vật chất. Vì khi ta cố gắng hướng tới đỉnh cao của bản thân, thì các vấn đề tâm lý của ta cũng sẽ không còn tác động đến ta như chúng đã từng. Chúng sẽ bị vô hiệu hóa bởi cảm giác bình yên bên trong và những thành tựu mà ta đạt được, điều vốn thiếu thốn trong đời sống của hầu hết mọi người. Hay như Lão Tử đã khuyên:
“Theo đuổi tiền bạc và sự đảm bảo, Và trái tim bạn sẽ không bao giờ bình yên. Để tâm đến sự chấp thuận của kẻ khác, Và bạn sẽ là tù nhân của họ. Làm việc của bạn, rồi lui bước. Đây, con đường duy nhất của sự thanh thản.” – Lão Tử, Đạo Đức Kinh.