Im lặng, từ chối lắng nghe, không nói chuyện hay đáp lời người bạn đời – đây thường được gọi là “chiến tranh lạnh”. Nhiều người dùng cách này để làm tổn thương, trừng phạt, hoặc thao túng đối phương. Có những người thậm chí phớt lờ sự tồn tại của bạn đời trong suốt nhiều giờ, ngày, hoặc thậm chí tuần lễ, khiến cho người kia có cảm giác bản thân chẳng khác nào cái bóng mờ, kém phần nhân tính.
Nina không bao giờ biết chuyện gì sẽ khiến chồng cô, Ray, tự dưng quay lưng và từ chối trò chuyện với cô. Ngay từ khi mới hẹn hò, Nina đã nếm trải sự im lặng của Ray. Lần đó, Ray cảm thấy Nina quá vui vẻ khi nhảy với một người bạn nam, thế là anh bỏ đi khỏi câu lạc bộ mà không một lời tạm biệt, và suốt nhiều tuần sau cũng chẳng thèm nhìn mặt hay nói chuyện với cô.
Qua năm tháng, Nina đành học cách chịu đựng những khoảnh khắc “chiến tranh lạnh” đầy cay nghiệt ấy của Ray. Cô vẫn chuẩn bị bữa ăn, giặt giũ, xếp quần áo cho anh dù anh hoàn toàn phớt lờ sự tồn tại của cô. Thường thì, sau một khoảng thời gian im lặng, Ray sẽ nắm lấy Nina một cách thô lỗ, yêu cầu quan hệ vào buổi tối. Đến sáng hôm sau, anh lại làm như chưa có gì xảy ra và từ chối bàn luận về sự đứt gãy trong mối quan hệ của họ.
Bị lãng quên là một cảm giác khó chịu vô cùng, nhất là với những người đang bị cô lập bởi bạo hành và kiểm soát. Họ phụ thuộc vào sự thừa nhận của người kia để cảm thấy mình có giá trị và an toàn. Nhiều người từng trải qua bạo hành tâm lý thừa nhận họ thậm chí ghét sự im lặng đó hơn cả lời lăng mạ hay quát tháo. Ít ra, khi bị la mắng, họ còn hiểu được tâm trạng của người kia và có thể tự đánh giá tình hình an nguy của bản thân và con cái. Còn sự im lặng lạnh lẽo này chỉ càng củng cố cảm giác mong manh và sợ hãi nơi họ.
🌺 KHI LẠNH NHẠT CŨNG LÀ MỘT CÁCH THAO TÚNG TÂM LÝ
Khi giận dỗi người bạn đời, một số người có xu hướng trở nên lạnh lùng hơn. Họ có thể đáp lại những lời nói một cách “đúng mực”, không bộc lộ sự cay nghiệt ra ngoài, nhưng lại đối xử với bạn đời như người xa lạ – như hàng xóm hoặc đồng nghiệp nơi công sở. Điều này thật khiến người kia điên đầu, bởi khi bị hỏi, kẻ hành xử lạnh lùng ấy sẽ phủ nhận mọi điều: “Ý em là gì? Em tưởng tượng ra đấy!” Hoặc một câu nói quen thuộc khác để thuyết phục nạn nhân rằng lỗi là do họ, “Em chỉ làm quá mọi chuyện lên thôi.”
Một số người sử dụng một dạng “chiến tranh lạnh” có vẻ nhẹ nhàng hơn, khi họ không im lặng hoàn toàn nhưng vẫn cắt đứt cảm xúc của người kia:
Sara nhận ra khi chồng cô, Reggie, giận là khi anh ấy mang gương mặt “nghiêm nghị”, khiến cô phải ngoan ngoãn cúi đầu và không dám đến gần. Anh ấy nói chuyện với cô bằng giọng điệu lạnh nhạt, không một nụ cười, giọng điệu hời hợt như người xa lạ. Cô biết Reggie cố tình làm vậy để khiến cô cảm thấy tệ. Sau mỗi lần lạnh nhạt, Reggie thường bùng nổ cơn giận. Sara chia sẻ rằng cách đối xử lạnh nhạt và gián tiếp này làm cô cực kỳ lo lắng; cô càng cố gắng làm hài lòng anh ấy hơn, quên đi những nhu cầu và mong muốn của chính mình.
🌺 ĐÁP LẠI “CHIẾN TRANH LẠNH” NHƯ THẾ NÀO?
Nếu bạn hoặc người thân của bạn đang phải chịu đựng sự im lặng lạnh lùng này, hãy cân nhắc những bước sau để vượt qua:
👉 Đừng tự cô lập bản thân: Hãy giữ mối quan hệ gần gũi với gia đình, bạn bè, hàng xóm và đồng nghiệp. Chính những mối quan hệ này sẽ giúp bạn vững vàng hơn khi phải đối diện với những thay đổi tâm trạng thất thường của đối phương.
👉 Giữ cho đời sống tinh thần phong phú: Tham gia các sở thích cá nhân, đọc sách, làm nghệ thuật sẽ giúp bạn giữ vững tinh thần và sự ổn định trong lòng dù đang phải đối diện với sự lạnh nhạt từ người kia.
👉 Nhớ về chính mình: Một trong những vấn đề khi ở trong mối quan hệ với người kiểm soát và bạo hành là dần dần, bạn quên đi chính con người mình. Đừng để ý kiến, mong muốn và mục tiêu của bạn bị xóa nhòa – đây là điều mà người ta gọi là “giết chết bản sắc”.
👉 Tìm kiếm sự hỗ trợ chuyên nghiệp: Một chuyên gia tư vấn hiểu về bạo hành và kiểm soát sẽ giúp bạn hiểu những gì bạn đã trải qua và đối mặt với thử thách phía trước.
👉 Xác định ranh giới của mình: Hiểu rằng “chiến tranh lạnh” chỉ là một trong những thủ đoạn mà người muốn kiểm soát bạn sử dụng, hãy tự xác định giới hạn của mình. Nếu bạn cảm thấy tình trạng này gây tổn hại cho bản thân hoặc các thành viên trong gia đình, hãy tìm đến một chuyên gia hỗ trợ bạo hành gia đình để có một kế hoạch thoát ra an toàn.
👉 Cân nhắc việc kết thúc mối quan hệ: Bạn không cần tiếp tục trong một mối quan hệ mà ở đó đối phương đối xử tệ bạc hay tàn nhẫn với bạn, dù là qua “chiến tranh lạnh”, lời nói độc địa, bạo hành thể xác hay tình dục, kiểm soát tài chính, hoặc các cách thức khác. Hãy liên lạc với cơ quan hỗ trợ bạo hành gia đình tại địa phương, nói chuyện với một người hỗ trợ, xây dựng một kế hoạch an toàn, và vẽ ra một tương lai tự do cho chính mình.
🌺 THỜI GIAN TẠM NGỪNG VS. CHIẾN TRANH LẠNH
Đôi khi, các nhà tư vấn khuyến khích người có khuynh hướng nóng giận hãy thực hiện “thời gian tạm ngừng” để bình tĩnh lại và sắp xếp suy nghĩ trước khi quay lại nói chuyện cùng người bạn đời. Nếu làm đúng cách, người đó sẽ xin phép đối phương và thông báo rằng mình cần một khoảng thời gian ngừng lại, sau đó có thể đi dạo, tập thể dục, thiền, hoặc đọc sách để khi quay lại, họ có thể trò chuyện một cách bình tĩnh và xây dựng hơn.
Thời gian tạm ngừng đúng đắn giúp cải thiện giao tiếp và tăng cường sự hợp tác, trong khi chiến tranh lạnh lại là một cách khẳng định quyền lực và sự kiểm soát. Người bị đối xử như vậy hoàn toàn có thể cảm nhận được sự khác biệt giữa hai điều này.
Nguồn: Why the Silent Treatment Is a Tactic of Abuse and Control
Image: wavebreakmedia/Shutterstock