Thế giới vào cuối thời Cộng hòa La Mã đã trở nên đa dạng và cởi mở hơn bao giờ hết, một phần không nhỏ là nhờ ảnh hưởng của các nhà tư tưởng theo trường phái Khắc Kỷ.
Các triết gia Khắc Kỷ như Panaetius, người thường xuyên đi lại giữa Athens và Rome, Rutillius, người bảo vệ quyền lợi của người dân châu Á trước chính đồng bào của mình, và Posidonius xứ Syria đã chuyển từ Athens đến Rhodes để mở một trường học nổi tiếng khắp đế chế. Họ không coi mình là người Hy Lạp hay La Mã, mà chỉ là một “công dân toàn cầu”.
Chủ nghĩa siêu quốc gia của các triết gia Khắc Kỷ đã có từ rất lâu, ít nhất là từ thời Diogenes the Cynic (mất năm 323 TCN). Khi được hỏi ông đến từ đâu, ông đã tuyên bố rằng: “Tôi là một công dân toàn cầu.”
Đây là một tuyên bố cấp tiến vào thời điểm đó và cũng là lần đầu tiên thuật ngữ “công dân toàn cầu” được ghi nhận.
Triết gia Khắc kỷ Musonius đã trích dẫn Euripides: “Đại bàng có thể bay khắp bầu trời, và một người cao thượng coi cả trái đất là quê hương của mình.” Người thông tuệ có thể cảm thấy thoải mái ở bất cứ đâu, nên đối với họ việc bị lưu đày không phải là sự trừng phạt như ta thường nghĩ.
Thật vậy, một trong những lợi ích của việc sống lưu vong chính là chúng ta không bị cuốn vào những cuộc tranh giành quyền lực của một quốc gia mà ta chỉ cảm thấy có mối liên hệ ở bề ngoài, không bị làm phiền bởi những người chỉ là bạn bè xã giao, hay bị ràng buộc bởi những mối quan hệ họ hàng xa lạ. Rutilius đã sống rất tốt trong thời gian bị lưu đày đến nỗi ông từ chối lời mời trở về Rome của Sulla.
Ngay cả Marcus Aurelius, dù là hoàng đế, cũng không coi mình đơn thuần là người La Mã: “Thành phố của ta, nhà nước của ta là La Mã – dưới tư cách Antoninus. Nhưng như một con người? Đó là cả thế giới. Vậy nên với ta, “tốt đẹp” chỉ có thể mang nghĩa là thứ tốt cho cả hai cộng đồng ấy mà thôi.”