Vốn là giống loài có nhiều tham vọng, đàn ông sống với nó và chết trong u uất cũng vì nó mà ra. Thật khó để diễn tả cái cảm giác tủi nhục và đau đớn trong cái tâm hồn cằn khô của những con người đã từng thất bại nặng nề ấy.
So với giới tính còn lại, người đàn ông từ lúc được sinh ra đã ngây thơ đến khác thường. Những cậu bé bao giờ cũng vô lo vô nghĩ hơn các bạn nữ đồng trang lứa. Đây là thứ bản năng sâu thẳm của loài người, đàn ông bao giờ cũng muốn hướng ra ngoài với cái nhu cầu được chinh phục mọi thứ mà anh ta thấy tò mò. Phụ nữ thì ngược lại, từ bé đã hướng nội hơn, cho nên thời gian suy ngẫm về mọi thứ cũng nhiều hơn bình thường, dẫn đến việc suy nghĩ cũng chín chắn mà phong thái cũng nhẹ nhàng.
Như một sự đảo chiều, những kẻ ham chơi thời trẻ giờ gồng gánh trên vai cái trách nhiệm gia đình, bản thân và xã hội. Ngược lại, phụ nữ không hẳn là không có sự nghiệp và các mối lo, nhưng mối quan tâm của họ khác với đàn ông nhiều. Người ta bảo trái tim người phụ nữ chỉ có một ngăn dành cho tình cảm, tức là họ một khi đã yêu vào thì khả năng cao dành trọn tâm tình cho mối tình đó. Có thể là gia đình, là chồng, đặc biệt là con cái. Cái hạnh phúc của người phụ nữ thường là do người khác đem lại, người phụ nữ không nhận được sự đáp lại xứng đáng những tâm tình mà họ bỏ ra là người phụ nữ vô cùng bất hạnh. Khi đã có chồng con rồi thì họ toàn tâm toàn ý cho cái gia đình nho nhỏ của mình, họ đang thực hiện cái sứ mệnh lớn lao của mình, sống đúng với đạo trời, họ là những con người hạnh phúc.
Người đàn ông, trái tim họ có 4 ngăn riêng biệt. Dĩ nhiên, không phải lăng nhăng gì mà tới tận con số đó, chỉ có điều, mối quan tâm của người đàn ông nó hướng xa hơn cái tình cảm của họ. Tôi không muốn đánh giá thấp phụ nữ, nhưng nếu ở trên thương trường hay tính theo công lao xây dựng nền văn minh, đàn ông vẫn là loài thống trị. Chỉ đơn giản là sứ mệnh của mỗi người là khác nhau, đàn ông xây nhà đàn bà xây tổ ấm, đáng tiếc là ngày nay cái quan niệm này lại được gán cho cái nhìn khá tiêu cực, tôi không dám bàn sâu, sợ đụng chạm. Đàn ông họ không chỉ có tình cảm, họ còn mối bận tâm đến sở thích, bạn bè và sự nghiệp. Họ tất nhiên rất coi trọng những thứ này, đặc biệt là sự thành công trong công việc của bản thân. Nếu không phải nói là sự ám ảnh.
Tại sao cùng một công việc, một vị trí và thời gian làm, đàn ông lại thăng tiến nhanh hơn phụ nữ? Đó không phải là một sự bất công mà truyền thông vẫn thường hay rêu rao trên báo đài, nhằm dẫn dắt những phụ nữ cả tin đòi hỏi những quyền lợi lố bịch. Vấn đề nó luôn nằm ở bản chất hai giới. Phụ nữ có chỉ số đồng thuận cao hơn so với đàn ông, tức là khi cống hiến cho sự nghiệp, đến một mức lương có thể gọi là dư dả, phụ nữ có xu hướng không muốn cố gắng thêm nữa vì tham vọng họ không cao đến vậy.
Đồng thời môi trường việc làm là khắc nghiệt, ít phụ nữ nào đủ lì lợm và lý trí để cạnh tranh trực tiếp với đàn ông ở ngoài kia. Ở đàn ông chỉ số này thấp hơn nhiều, minh chứng là ở việc họ rất hay tăng ca và có vẻ số tiền kiếm được chưa bao giờ là đủ đối với họ. Môi trường làm việc của đàn ông cũng rất khác so với phụ nữ. Một bên muốn xây dựng môi trường làm việc vui vẻ, thiện lành, mọi người quan tâm đến nhau; một bên thì áp lực, khô khan và đòi hỏi cao sự hiệu quả. Điều này dẫn đến kết quả là dù phụ nữ đã tham gia thị trường lao động từ khá lâu, đến nay sếp nam vẫn luôn là người chiếm ưu thế.
Vì mối quan tâm và ám ảnh khác nhau, nên giữa hai giới tồn tại hai lý tưởng sống khác biệt. Đàn ông mỗi ngày ra đường là một ngày họ chà đạp lên nhau để thắng và họ hạnh phúc với những gì họ làm ngoài kia, phụ nữ thì không, vì ưu tiên của họ vẫn là gia đình mà. Tâm hồn của một người phụ nữ mà lại đặt lên bàn cân tranh giành quyền lực với đấng mày râu thì quả là mất cân bằng và phí phạm. Sự nghiệp đối với người đàn ông có thể quyết định cả cuộc đời của anh ta. Không chỉ là tiền bạc, mà còn là quyền lực, sự ảnh hưởng, địa vị xã hội và sự tôn trọng của người khác dành cho mình. Nó là công cụ để anh ta bồi bổ lòng tự trọng của bản thân, đặc biệt trong cái thời đại người ta trọng tiền bạc và vị thế hơn cả cung cách làm người. Game đời là một game tranh giành hơn thua về sức ảnh hưởng và quyền lực thống trị. Một nhóm nam thanh niên với nhau luôn ngấm ngầm sự tranh chấp nhưng công bằng, thể hiện cá tính và cái tôi độc lập, cảm giác thống trị mang lại cho người đàn ông sự tự tin mà anh ta luôn thèm khát, nó nâng tầm anh ta lên và anh ta yêu cảm giác đó mãnh liệt. Trong khía cạnh sự nghiệp có thể còn khắc nghiệt hơn vậy nữa. Một ông sếp sòng dù không mấy phẩm chất, không thông minh bằng đám nhân viên, nhưng với vị thế mà ông ta đang có, xung quanh ông vẫn tỏa ra cái aura của những kẻ thống trị.
Nhưng, như hai mặt của một đồng xu, cứ 20% kẻ thành công ngoài kia thì lại có đến 80% những người còn lại thất bại ê chề trong tủi hổ. Game đời đối với thằng đàn ông là vô cùng khắc nghiệt, bởi chính cái định kiến xã hội, gia đình và chính bản thân nó gắn cho mình. Thất bại trên đường công danh, nhất là ở độ tuổi quá 3 đầu, khi mà sức cạnh tranh lúc này gần như không còn mấy. Anh ta dần chấp nhận cuộc đời thấp kém của mình. Gia đình anh có thể êm ấm vì vợ anh làm ra tiền, con cái anh có thể ngoan, bạn bè anh có thể vẫn liên lạc nhưng tâm hồn anh từ lâu đã chết mất rồi. Anh tìm đến bia rượu và thuốc lá như một liều giải tỏa, anh không chết vì không có sự nghiệp, anh chết dần đi vì cái lý tưởng của anh vẫn còn sống và nó dằn xé tâm can của anh mỗi ngày. Anh lên mạng xem linh tinh, thấy bạn bè sống sung túc, thằng này mua cho vợ chiếc Iphone mới tinh, thằng kia bao gia đình một chuyến du lịch mà đã lâu anh không thể tự mình chi trả,… anh tắt máy, anh quay lại với cuộc sống ê chề của bản thân. Bây giờ muốn khóc lóc cũng không được, vì khóc trước mặt vợ con chứng tỏ anh không đủ vững vàng để lèo lái gia đình. Cứ thế, anh biết cố gắng cũng không được mà buông bỏ cũng không xong. Vợ anh mà còn chì chiết thì cuộc đời anh không khác gì một bãi rác (điều này rất hay xảy ra ở những gia đình túng thiếu).
Anh từng thất bại, có thể vì bản tính và năng lực của anh không cho phép hoặc vì chính cuộc đời anh cũng xứng đáng vứt đi. Anh quay lại chăm sóc gia đình cùng với vợ, người ta kháo nhau gia đình này hạnh phúc, vợ anh cũng vui vẻ khi chồng phụ nhà rất đảm; nhưng mấy ai biết con tim anh toác hoác một vết đâm mãi không lành. Anh sống suốt mãnh đời còn lại và hy vọng con của anh không đi nhầm vào những vết xe đổ. Đâu đó trong thâm tâm anh không rõ con anh có còn tôn trọng anh không.
Tôi chưa bao giờ hạ thấp sự mệnh của một người phụ nữ dù cho sứ mệnh đó chỉ loanh quanh bếp núc và gia đình. Tôi thậm chí còn cho rằng đó là động cơ chính yếu trong bất kỳ thành công nào của đấng ông chồng trong nhà nữa kia. Một người đàn ông tài giỏi có thể từng cặp với những em bé xinh xắn, nhưng khi lấy vợ thì anh nhất quyết chọn lấy người người đảm đang. Chớ xem thường việc tề gia nội trợ, nó vẫn đáng trân quý như bao công việc phi thường khác ở đời người. Tôi chưa bao giờ thấy người phụ nữ nào sống đúng sứ mệnh trời ban mà lại không hạnh phúc cả. Có điều càng về sau xã hội càng thay đổi, hình ảnh nội trợ đã không còn đáng mơ ước vì phụ nữ giờ cũng đã chạy theo đồng tiền mà không muốn gò bó chồng con, tôi tôn trọng điều đó. Nhưng họ có thể sống đến tận 90 tuổi, tức là trải qua tận hơn 40 năm cô đơn không ai chăm sóc mà cũng không chăm sóc ai. Cô độc là cảm giác giết chết người đàn bà nhanh chóng, không có gia đình để chăm sóc, phụ nữ dễ phát điên.
Đàn ông thì không cần đề cập nữa, đây là hồi kết của bài post này. Cho dù anh có không muốn trở thành người mãi chạy theo đồng tiền, nhưng cái tham vọng và bản năng của anh sẽ là thứ dẫn dắt anh mỗi ngày. Nếu anh không có gì để cống hiến, anh lết xác đến cơ quan mỗi ngày với cái công việc dead end, anh tìm đến chất kích thích để khuây khỏa, anh vẫn hay trầm tư thì cuộc đời anh chưa thể gọi là hạnh phúc.
Làm con, làm vợ trong gia đình, đôi khi nên hiểu cho cha cho chồng một tí. Cái lời khuyên “gia đình êm ấm là vui rồi anh” chưa bao giờ xoa dịu được vết thương khó lành mà những người chồng đã từng nhận được. Nhiều người tôi hiểu là vì áp lực tài chính, cuộc sống khổ quá họ không nghĩ cho nhau được. Nên con cái thì hư, vợ thì cằn nhằn so sánh đủ kiểu. Chồng thì cộc cằn, nghiện ngập. Gia đình tan nát. Phú quý sinh lễ nghĩa là vậy, miếng cơm còn khó huống gì thông cảm cho nhau. Làm chồng nếu cưới được vợ đảm, làm con có được người mẹ hiền; đó là phước phần to lớn nhất của cuộc đời họ rồi.
Hôm nay mưa bão, bài post cũng ngấm mùi tiêu cực.
“Sống đúng đạo trời, cuộc đời hạnh phúc” tui mới chế.