Người ta vẫn thường nói rằng, vấn đề lớn nhất trong hôn nhân xoay quanh tiền bạc và tình dục — nhưng đây không phải là hai yếu tố duy nhất có thể quyết định sự sống còn của một mối quan hệ lâu dài. Có rất nhiều kiểu tương tác không lành mạnh, hành vi tổn thương, và các ưu tiên sai lầm khác cũng đủ để phân biệt giữa việc hạnh phúc hay tan vỡ.
Trong các nghiên cứu sâu rộng về hôn nhân, nhà tâm lý học John Gottman, một chuyên gia trong lĩnh vực tâm lý học lâm sàng, đã chỉ ra bốn dấu hiệu báo trước sự không hạnh phúc trong hôn nhân, được ông gọi là “Bốn Kỵ Sĩ”. Sara Miller, chủ Confluent Relationship Therapy tại Chicago, giải thích: “Đó là chỉ trích, khinh thường, lẩn tránh và phòng thủ. Đây là những hành vi nếu xuất hiện trong mối quan hệ sẽ gây ra thiệt hại theo thời gian.”
Để giữ gìn mối quan hệ tình cảm lành mạnh và hạnh phúc, điều quan trọng là phải nhận biết (và loại bỏ) những vấn đề phổ biến có thể dẫn đến sự bất hòa hay thậm chí là chia ly. Có thể nói, nhiều thứ phá hỏng hôn nhân đều bắt nguồn từ “Bốn Kỵ Sĩ” này, nhưng cũng có những vấn đề vượt ngoài khuôn khổ đó.
Những xung đột nhỏ nhặt hàng ngày có thể tích tụ thành căng thẳng trong hôn nhân, hoặc đôi khi là những mâu thuẫn sâu xa không mong muốn trỗi dậy. Sau đây là bảy hành vi phổ biến có thể hủy hoại một cuộc hôn nhân hoặc mối quan hệ lâu dài — và cách để sửa chữa chúng trước khi quá muộn.
🌺 1. GIAO TIẾP KÉM HOẶC THẬM CHÍ KHÔNG GIAO TIẾP
Chắc không ai ngạc nhiên khi nghe rằng giao tiếp kém có thể làm mối quan hệ đi xuống. Nếu một hoặc cả hai người trong cuộc cảm thấy mình không được lắng nghe, bị hạ thấp hoặc hoàn toàn bị bỏ rơi, thì kết nối giữa họ sẽ rất khó mà phát triển.
Giao tiếp không lành mạnh trong hôn nhân có nhiều hình thức. Đôi khi, đó là việc không thể nói chuyện với nửa kia về cảm xúc thật của mình. Theo thời gian, điều này có thể tích tụ thành những cảm xúc bức bối, “tích tụ” cho đến khi bùng nổ thành những trận cãi vã nảy lửa vào những lúc không ngờ tới nhất.
Sara Miller, chuyên gia tư vấn về mối quan hệ, chia sẻ rằng: “Khi bạn không có thói quen bộc lộ cảm xúc đều đặn, thì những vấn đề nhỏ sẽ tích tụ thành những mâu thuẫn lớn khó giải quyết.”
Giao tiếp kém cũng có thể hiện ra qua việc cãi nhau không công bằng. Theo Miller, khi tình hình căng thẳng, các cặp đôi thường bắt đầu cuộc trò chuyện với thái độ quá gay gắt, tảng lờ nhau hoặc dùng cách nói chuyện mỉa mai, đá xoáy.
Nhưng đừng lo, bạn không cần phải là một “bậc thầy” trong giao tiếp để cải thiện vấn đề này. Chỉ cần vài kỹ năng đơn giản có thể giúp bạn chuyển từ la hét hoặc phớt lờ nhau sang trò chuyện bình tĩnh và hiệu quả hơn. Miller khuyên bạn nên bắt đầu bằng cách tìm kiếm điều gì đó mà bạn có thể đồng cảm hoặc ghi nhận từ góc nhìn của đối phương. Hãy thử nhìn nhận sự việc từ góc độ của họ. Có thể bạn sẽ hiểu được lý do khiến họ tổn thương, giận dữ hoặc thất vọng — dù bản thân bạn không thấy vậy.
Ngoài ra, hãy chắc chắn rằng bạn thực sự lắng nghe đối phương, chứ không chỉ chờ đến lượt mình nói. “Kỹ năng lắng nghe tích cực có thể giúp ích rất nhiều, ví dụ như nhắc lại nội dung cuộc trò chuyện để đối phương thấy rằng họ đã được lắng nghe,” Miller chia sẻ. “Nếu cuộc trò chuyện quá căng thẳng đến mức hai người không còn tôn trọng nhau, thì cần phải có một khoảng nghỉ ngắn để mọi người giữ được sự bình tĩnh.”
🌺 2. BẠN ĐỂ NGƯỜI NGOÀI CAN THIỆP QUÁ NHIỀU VÀO HÔN NHÂN CỦA MÌNH
Một cuộc hôn nhân lành mạnh rất cần sự ủng hộ từ gia đình, bạn bè — nhưng có những mối quan hệ bên ngoài có thể ảnh hưởng quá mức. Bố mẹ, bạn thân, thậm chí là con cái đều có thể vô tình “can thiệp” quá sâu vào hôn nhân của bạn. Theo chuyên gia tâm lý David Tzall, PsyD, từ Brooklyn, New York: “Khi một người thứ ba tham gia quá sâu vào quá trình ra quyết định của một cặp đôi, nó có thể dẫn đến xung đột và đưa ra những quyết định không thực sự phù hợp với giá trị và ưu tiên của họ.” Sự hiện diện của người thứ ba có thể làm lung lay niềm tin. Nếu một trong hai người cảm thấy ý kiến của mình liên tục bị gạt qua, họ có thể dần mất lòng tin vào cam kết của người bạn đời đối với cuộc hôn nhân.
Để bảo vệ hôn nhân khỏi sự ảnh hưởng quá lớn từ bên ngoài, tiến sĩ Tzall nhấn mạnh rằng thiết lập ranh giới là điều cần thiết. “Bước đầu tiên là thẳng thắn trao đổi với vợ hoặc chồng của mình. Hai người cần chia sẻ cảm xúc về sự can thiệp của người ngoài và thỏa thuận về các ranh giới mà cả hai muốn xây dựng. Hãy định rõ vai trò và ranh giới với người thứ ba.”
Sau đó, bạn cần thẳng thắn nói với “người ảnh hưởng” rằng hôn nhân của bạn chỉ dành cho hai người. “Hãy giải thích rằng dù bạn trân trọng ý kiến của họ, nhưng các quyết định cuối cùng liên quan đến hôn nhân nên thuộc về bạn và người bạn đời,” tiến sĩ Tzall chia sẻ.
🌺 3. BẠN KHÔNG NHỜ GIÚP ĐỠ KHI MẮC KẸT TRONG VÒNG XOÁY NGHIỆN NGẬP
Nghiện ngập đâu chỉ có thuốc lá, rượu bia — mà đôi khi là những thói quen khó ngờ như mạng xã hội, công việc, mua sắm, đánh bạc, hay trò chơi điện tử cũng có thể trở thành nỗi ám ảnh, theo lời của Tzall.
Dù là thứ gì gây nghiện, nó đều có thể tạo nên khoảng cách lớn giữa bạn và người bạn đời. “Khi ai đó đang vật lộn với cơn nghiện, ưu tiên của họ thường dần lệch khỏi mối quan hệ và những người thân yêu.
Thứ gây nghiện ấy bỗng chốc trở thành tâm điểm, hút cạn thời gian và năng lượng cảm xúc dành cho nửa kia,” Tzall chia sẻ. Người bị cuốn vào vòng xoáy nghiện thường có xu hướng sống khép kín hơn, thậm chí giấu diếm và xa cách bạn đời vì cảm giác xấu hổ.
Nghe có vẻ nhàm nhưng việc thừa nhận cơn nghiện của mình thật sự là bước đầu tiên để chữa lành — cho chính bạn và mối quan hệ của bạn. Khi đã thành thật với bản thân và người bạn đời về “gánh nặng” mà mình đang mang, Tzall khuyên nên tìm đến sự hỗ trợ từ liệu pháp cá nhân hoặc liệu pháp cặp đôi.
Một nhà trị liệu có chuyên môn sẽ giúp bạn và người bạn đời đi qua hành trình hồi phục này. “Có thể là đặt giới hạn với thói quen gây nghiện hoặc thỏa thuận hậu quả khi phá vỡ ranh giới… hoặc tìm đến các hoạt động lành mạnh như thiền, tập thể dục, hay tham gia những sở thích khác.”
🌺 4. BẠN “NGÓ LƠ” CHUYỆN GẦN GŨI HAY ÔM ẤP NGƯỜI BẠN ĐỜI
Theo một nghiên cứu đăng trên tạp chí Archives of Sexual Behavior, đời sống chăn gối hòa hợp và sự ấm áp trong giao tiếp là hai yếu tố gắn liền với hạnh phúc hôn nhân.
Cũng tương tự, nghiên cứu công bố vào tháng 4/2023 trên Scientific Reports cho thấy, những cử chỉ thân mật như vuốt ve, ôm ấp có mối liên hệ mật thiết với mức độ tình cảm giữa các cặp đôi. Thực ra, sự gần gũi về thể xác là điểm khác biệt quan trọng giữa hôn nhân hay tình yêu so với các mối quan hệ khác.
Vậy điều gì sẽ xảy ra khi hôn nhân thiếu vắng chuyện gối chăn hay những cái ôm dịu dàng? Thường thì cảm giác xa cách sẽ dần hình thành. Một số nghiên cứu cho thấy rằng, sự không hài lòng trong đời sống tình dục có thể kéo theo nhiều vấn đề trong hôn nhân.
Dĩ nhiên, có nhiều lý do khiến hai người không còn đồng điệu về chuyện ấy, và tần suất thân mật cũng thay đổi theo từng giai đoạn của cuộc sống, từ nuôi con, công việc đến sức khỏe. Một khoảng thời gian ít gần gũi hơn là điều hoàn toàn bình thường. “Đời sống tình dục không trọn vẹn có thể tạo ra sự ngăn cách trong mối quan hệ, nhưng chỉ vì gặp khó khăn ở mặt này không có nghĩa là cả mối quan hệ sẽ sụp đổ,” Miller giải thích.
Tuy nhiên, nếu bạn cố tình “bỏ mặc” chuyện gần gũi, có thể có những vấn đề sâu xa hơn đang âm thầm phá vỡ mối quan hệ. “Khi nguyên nhân là do khoảng cách cảm xúc, điều cần làm là tập trung vào những vấn đề lớn hơn trong mối quan hệ trước khi cố gắng cải thiện chuyện chăn gối,” Miller nói. “Đôi khi, khách hàng có những vết thương quá khứ khiến họ không thể hoàn toàn tận hưởng sự gần gũi về thể xác.”
Lời khuyên của cô để hâm nóng lại chuyện tình cảm: hãy tìm đến một buổi trị liệu. Nhà trị liệu có thể giúp bạn khám phá nguyên nhân đằng sau sự thiếu vắng này và từng bước giúp bạn kết nối lại về mặt thể xác với người bạn đời của mình.
🌺 5. HAI BẠN KHÔNG CÙNG “QUAN ĐIỂM TÀI CHÍNH”
Chuyện hai người có quan điểm khác nhau về tiền bạc là bình thường thôi — nhưng nếu mỗi người hoàn toàn có cách nghĩ khác nhau về tài chính thì rất dễ làm cho mối quan hệ trở nên căng thẳng. Cuộc sống hàng ngày luôn xoay quanh vô số quyết định về tiền nong, nên cách chi tiêu khác biệt có thể dẫn đến “va chạm” mỗi ngày.
Dù việc tranh luận về tiền bạc là điều hoàn toàn tự nhiên (thậm chí còn tốt cho mối quan hệ), một mối quan hệ lành mạnh cần biết cách xử lý những bất đồng này, Miller chia sẻ. Một lần nữa, chìa khóa chính là giao tiếp rõ ràng. “Các cặp đôi nên ngồi lại và chia sẻ ý nghĩa, giá trị của đồng tiền trong cuộc sống, nó tượng trưng cho điều gì với họ. Hai người thường sẽ khác nhau về thói quen chi tiêu hàng tuần, có thể sẽ không tránh khỏi những cuộc tranh luận hay ‘cãi vã công bằng’ về chuyện này.” Miễn là hai người vẫn cố gắng hiểu nhau và tìm cách dung hòa, thì Miller cho rằng những bất đồng tài chính không phải là vấn đề lớn có thể chia rẽ hai người.
🌺 6. ĐỂ CẢM GIÁC “TẺ NHẠT” LẤN LÊN, HAY RƠI VÀO “VÒNG LẶP NHÀM CHÁN”
Nghe thì có vẻ vô hại, nhưng cảm giác tẻ nhạt trong hôn nhân đôi khi còn nguy hiểm không kém gì những cơn giận bùng nổ. Một nghiên cứu trên tạp chí Journal of Sex & Marital Therapy cho thấy sự thờ ơ với người bạn đời là lý do hàng đầu khiến các cặp đôi tìm đến trị liệu.
Cảm giác “thờ ơ” có thể len lỏi vào khi hai người thiếu thời gian chất lượng bên nhau, không chia sẻ sở thích, hay đơn giản là rơi vào guồng quay đều đều. “Sự ổn định là cần thiết, nhưng nếu cuộc sống quá đi vào lối mòn thì sẽ dễ sinh ra cảm giác nhàm chán và không còn hứng thú,” Tzall nói. “Những áp lực từ bên ngoài như công việc, vấn đề tài chính, hay chuyện gia đình cũng có thể làm giảm đi sự quan tâm và năng lượng tình cảm dành cho hôn nhân.” Những xung đột hay oán giận kéo dài mà không được giải quyết cũng có thể tạo ra khoảng cách về cảm xúc. Nếu không thấy được sự ủng hộ và trân trọng, một trong hai sẽ dần rút lui về mặt tình cảm, Tzall giải thích.
Để giữ “lửa” cho hôn nhân, hãy chống lại sự nhàm chán bằng một chút mới mẻ. Đôi khi hãy tạo bất ngờ cho người bạn đời bằng một cử chỉ ngọt ngào, món quà nhỏ, hay một điều đặc biệt nào đó, Tzall gợi ý. Ngoài ra, hãy tập trung vào những điểm chung của hai người. “Tìm ra những mục tiêu hoặc dự án mà cả hai có thể cùng thực hiện. Cùng nhau làm việc hướng đến những điều chung sẽ giúp gắn kết thêm tình cảm.” Và tất nhiên, việc thường xuyên chia sẻ cảm xúc, nhu cầu, và mong muốn của bạn với người bạn đời là cách giữ cho mối liên kết luôn bền chặt.
🌺 7. BẠN KHÔNG TÌM ĐẾN TƯ VẤN HÔN NHÂN KHI CẦN
Dù hôn nhân của bạn đang “gặp bão” hay chỉ cần chỉnh sửa chút đỉnh, việc nhờ đến sự giúp đỡ của chuyên gia tâm lý hoàn toàn không có gì đáng xấu hổ. Nghiên cứu đã chứng minh rằng tư vấn hôn nhân thực sự mang lại hiệu quả. Chẳng hạn, một nghiên cứu trên tạp chí Journal of Marital and Family Therapy cho thấy, trong 32 cặp đôi tham gia liệu pháp hôn nhân tập trung vào cảm xúc, hầu hết các cặp đều cải thiện mối quan hệ sau 24 tháng điều trị. Việc tham gia trị liệu không chỉ giúp cải thiện hôn nhân mà còn có thể giúp bạn phát hiện ra những vấn đề cá nhân cần được giải quyết.
Tất nhiên, trị liệu không phải lúc nào cũng rẻ. Nếu chi phí là một vấn đề, bạn có thể kiểm tra bảo hiểm của mình trước khi quyết định. Ngoài ra, bạn cũng có thể liên hệ với nhà thờ, chùa, hay các tổ chức từ thiện về sức khỏe tâm thần gần nơi ở; nhiều nơi cung cấp các dịch vụ tư vấn miễn phí hoặc với chi phí thấp. Hoặc, hãy tìm đến các dịch vụ trị liệu trực tuyến với mức giá phải chăng để đưa hôn nhân của bạn quay lại quỹ đạo.
🌺 THÔNG ĐIỆP QUAN TRỌNG
Duy trì một mối quan hệ bền vững và hạnh phúc không phải là việc dễ dàng, nhưng có một số điều ai cũng biết là dễ “gây bể chén” và cần tránh. Thiếu giao tiếp hoặc không giao tiếp sẽ dễ làm mối quan hệ nguội lạnh dần. Bạn cũng nên tránh để người ngoài tác động quá nhiều vào hôn nhân của mình. Bỏ bê chuyện gần gũi, thân mật cũng sẽ tạo ra khoảng cách, hay không giải quyết các hành vi gây nghiện cũng thế.
Điều quan trọng là cả hai cần chung tay trong chuyện tiền bạc và đừng để sự thờ ơ len lỏi. Những cử chỉ nhỏ và thời gian chất lượng bên nhau sẽ là “gia vị” tuyệt vời. Cuối cùng, đừng ngại tìm đến liệu pháp tư vấn nếu bạn thấy cần thiết. Dù chi phí có thể là trở ngại, nhưng vẫn có nhiều lựa chọn hợp túi tiền để bạn có thể gìn giữ và vun đắp hạnh phúc hôn nhân.
Image: Alison Winterroth/Stocksy
Nguồn: everydayhealth.com