Đọc qua tiêu đề thì có lẽ ai cũng đều cho rằng giàu mà mình muốn đề cập ở đây là nhiều tiền bạc hay tài sản… tựu chung là của cải vật chất. Tuy nhiên, theo mình thì hiểu như vậy là quá hời hợt và có phần nghèo nàn. Cũng không thể trách các bạn, bởi ở thời đại này, rất nhiều giá trị bị đảo lộn, phần đông mọi người đều hướng cả đời sống về tiền bạc, của cải bất chấp đạo đức, lương tâm, tình người.
Tạm bàn một chút về việc mọi giá trị bị đảo lộn. Nếu tỉnh táo một xíu, ngồi nhìn lại và suy ngẫm những thứ đang diễn ra trong cuộc sống xung quanh, có lẽ các bạn sẽ hiểu được mình đang nói gì. Để dễ hình dung hơn, mình sẽ lấy một vài ví dụ. Chẳng hạn mình có một cỗ máy thời gian quay về những năm 1900 gặp lại các cụ thân sinh trong gia đình, và kể với các cụ những điều sẽ diễn ra ở 100 năm sau, có lẽ các cụ sẽ tưởng mình bị tâm thần. Thật đó, ở thời của các cụ, làm gì có việc hàng trăm, hàng ngàn người ngồi xem ai đó chửi thề nói tục, thì thời nay lại có hàng triệu thanh thiếu niên trên toàn thế giới tiêu thụ, tán dương những kẻ toxic, tiêu cực.
Lại nữa, trong khi ngày xưa thì hiếm lắm mới có một hai thanh niên hâm dở suốt ngày ở trong phòng kín, không tiếp xúc với tự nhiên, không kết giao, từ chối xã hội; thì ngày nay có hàng trăm ngàn Hikikomori ở Nhật Hàn, Neet ở Âu Mỹ đến Lying Flat ở xứ Trung. Rồi thì hàng ngàn vấn đề kỳ lạ trong các lĩnh vực, các khía cạnh của đời sống có thể kể đến như: sức khỏe, giáo dục, y tế, giới tính, hôn nhân, gia đình… Chủ đề này quá rộng nên mình sẽ không bàn ở đây, có lẽ sẽ dành riêng ở một bài khác.
Vì rất nhiều những giá trị đúng đắn trở thành sai lầm, những giá trị sai lầm được cổ xúy, tôn thờ. Nên “Thế giới hiện nay không hẳn là dễ sống hơn, hiện đại và tiện nghi đấy, nhưng anh có nhiều cơ hội đau khổ hơn, với hàng núi vấn đề của nó: Người ta dễ có điều kiện để bị trầm uất, điên loạn và dễ bỏ quên bản thân hơn, từ sức khỏe thể xác đến đời sống tinh thần. Kể cả hạnh phúc gia đình cũng bị đe dọa nhiều hơn. Liên lạc nhau tiện hơn, nhưng lòng người cũng từ đó mà dễ ly tán hơn, thiếu kiên nhẫn hơn. Đi lại thoải mái hơn nên người ta cũng dễ rời xa nhau hơn. Người ta có thêm nhiều phương tiện để bày tỏ và thực hiện suy nghĩ của mình hơn, nhưng trong lòng người thì thường ác nhiều hơn thiện, thế là thiên hạ càng mệt mỏi hơn. Thế giới hôm nay đã là một môi trường sống cần được cảnh giác nhiều hơn. Bởi ở đây bây giờ độc tố nhiều hơn, rủi ro nhiều hơn, dù luôn có vẻ hấp dẫn hào nhoáng hơn.”. – Đoạn này mình trích từ bài viết của Sư Giác Nguyên, các bạn có thể tìm đọc trong link bài ở comment.
Quay lại chủ đề chính của bài viết, thú thực là ngày xưa mình cũng ham giàu vật chất lắm, nhưng theo thời gian, mình dần cảm thấy cái giàu của vật chất có gì đó không bền lâu và nhiều trắc trở lắm. Không bền lâu là bởi vì chỉ cần một biến cố không hay ập đến thì tất cả những gì chúng ta tích góp bấy lâu từ từ khăn gói ra đi, trắc trở là bởi vì nếu chỉ chăm chăm kiếm tiền mà bỏ quên những giá trị khác thì đời sống của chúng ta có khác nào một cái máy, đôi lúc là tệ hơn khi cùng lúc đó ta theo đuổi những giá trị tội lỗi, sai lầm.
Có lẽ ai tin kính Chúa Trời đều nằm lòng lời dạy của người rằng: “Con lạc đà chui qua lỗ kim còn dễ hơn người giàu có vào nước Thiên Chúa.”. Mỗi người chúng ta đều có thể hiểu lời dạy này theo cách một cách riêng, nhưng trong góc nhìn của mình – một đệ tử Phật gia, thì lời dạy này vẫn rất chuẩn xác, không bàn về cách thức anh tạo ra của cải, cứ cho là anh tạo ra bằng cách thiện lành nhất đi nữa, thì tâm anh vẫn khó mà không bị dính mắc rất nhiều vào khối tài sản kia. Và trên tinh thần của nhà Phật, thì còn tham lam, bám chấp, dính mắc thì còn đau khổ.
Đừng hiểu lầm, mình không hề có ý phê phán hay bác bỏ sự giàu có trên phương diện của cải, mình chỉ muốn nhắn nhủ một sự thật rằng, giàu có về của cải không phải và không bao giờ là tất cả. Anh giàu có để làm gì, khi mà anh lương tâm anh luôn cắn rứt bởi những thứ hóa chất độc hại mà anh đã nhẫn tâm gieo rắc đến đồng bào mình thông qua những rau củ, thực phẩm mà anh mua bán hằng ngày. Anh giàu có để làm gì, khi mà đồng bào của anh đang ngày đêm gánh chịu những nổi đau khổ mà anh mang đến, khi mà sản phẩm anh tạo ra đang từng ngày từng giờ giết dần, giết mòn bao thế hệ, bao đất nước, dân tộc. Anh giàu có để làm gì, khi mà gia đình anh bất hòa liên miên, con cái anh không người chăm sóc, hướng dẫn… Anh giàu có để làm gì, khi màng đêm buông xuống anh lại phải vắt tay lên trán, nằm thao thức, ray rứt về những tội ác mà anh đã nhẫn tâm giáng xuống đầu các sinh mạng khác.
Trong suy nghĩ của mình, “Giàu” có thể được hiểu rộng rãi trên nhiều phương diện lắm, đó là một trái tim giàu tình thương hữu tình, một tâm hồn giàu đạo đức, một cái đầu giàu trí tuệ, một cơ thể giàu sức khỏe, một kho tàng giàu hạt giống thiện lành… Thật đó, nếu mình chỉ còn sống thêm một giờ nữa và những người thân yêu đang quây quần lắng nghe những lời trăn trối cuối cùng của mình. Thì chắc có lẽ mình sẽ dành ra một phần ba thời gian quý giá này chỉ để nhắc nhở mọi người rằng, hãy dốc sức làm giàu cho con tim, tâm hồn, khối óc, cơ thể, kho hạt giống của mình thay vì chạy theo kiếm tìm bạc tiền. Bởi nếu ta giàu có trên những phương diện này thì trước hết cuộc sống của ta sẽ thật hạnh phúc, an lành mà sau đó, tiền bạc sẽ tự tìm đến với ta bằng cách này hay cách khác như một quy luật của tự nhiên, như là mưa thì phải rơi xuống, khói thì sẽ bốc lên trời.
Mong thế giới thái bình,
Mọi nhà được ấm no,
Mong vạn sự thái hòa,
Hữu tình thường an lạc.
—
Thân ái!
Như Tuệ.