Zeno (sinh năm 334 TCN), người sáng lập trường phái Khắc Kỷ, đến từ Citium (nay là Larnaca, Cyprus), và có thể mang gốc gác Phoenicia. Khi còn trẻ, Zeno dong buồm từ Phoenicia chở theo hàng hóa là phẩm nhuộm hoàng gia, một loại phẩm màu được chiết xuất từ loài ốc biển. Không may, ông đã mất toàn bộ số hàng quý giá này trong một vụ đắm tàu, và dạt vào Athens chỉ với bộ quần áo trên người, nếu không muốn nói là trắng tay.
Sau khi hồi phục sau tai nạn, Zeno đến gặp một nhà tiên tri và hỏi phải làm gì “để sống một cuộc đời tốt đẹp nhất.” Nhà tiên tri trả lời một cách bí ẩn rằng ông nên “trò chuyện với những người đã khuất.” Hiểu điều này có nghĩa là nên nghiên cứu các tác giả cổ đại, Zeno bắt đầu thường xuyên lui tới một hiệu sách ở khu chợ trung tâm của Athens. Một ngày nọ, Zeno tình cờ đọc được cuốn *Memorabilia*, một tuyển tập các cuộc đối thoại của Socrates do Xenophon ghi chép lại. Bị ấn tượng bởi hình tượng của Socrates, ông hỏi người bán sách nơi có thể tìm thấy những người như vậy. Đúng lúc đó, nhà triết học theo trường phái Khuyển Nho là Crates thành Thebes tình cờ đi ngang qua. Người bán sách chỉ vào ông ta và nói: “Hãy đi theo người đàn ông kia.”
Sau khi đồng ý nhận Zeno làm học trò, Crates đưa cho Zeno một nồi súp đậu lăng để mang qua Kerameikos, khu phố của những người thợ gốm ở Athens – một bài tập cơ bản của trường phái Khuyển Nho nhằm rèn luyện “sự vô liêm sỉ”, hay nói cách khác là việc không quan tâm đến dư luận. Vốn chưa quen với những nhiệm vụ hèn mọn như vậy, Zeno, vì tự ti, đã cố giấu nồi súp dưới áo choàng. Thấy vậy, Crates dùng gậy đập vỡ nồi, khiến Zeno hoảng loạn bỏ chạy với súp đậu lăng chảy dài trên chân. Crates gọi với theo: “Sao phải chạy trốn, cậu bé Phoenicia bé nhỏ của ta? Có gì khủng khiếp xảy ra đâu!”
Sự cố với nồi súp đậu lăng cho thấy rằng Zeno,lúc đó, vẫn còn xa mới đạt được sự thông tuệ. Nhưng nếu lúc ấy ông đã là một nhà Khắc Kỷ, thì ông sẽ đối phó với vụ đắm tàu của mình như thế nào? Nói cách khác, ông có thể dùng lý trí để giảm bớt khổ sở bằng cách đặt vấn đề vào đúng bối cảnh ra sao?
🪐 1. Ngữ cảnh hóa
Zeno có thể bắt đầu bằng cách đặt khó khăn của mình vào bối cảnh như sau: “Nếu tôi hoặc bất kỳ ai thực hiện một chuyến đi biển, luôn có khả năng xảy ra đắm tàu. Vì vậy, đây không phải điều bất thường, thậm chí là điều có thể lường trước được, rằng sau rất nhiều chuyến đi thành công, cuối cùng tôi cũng gặp phải một vụ đắm tàu. Ít nhất tôi vẫn bình an vô sự, và tôi vẫn còn nhiều lợi thế và tài sản, không gì quý giá hơn là trí tuệ và học vấn của mình. Tình hình có thể tồi tệ hơn nhiều; nhiều người còn khốn khổ hơn. Xét cho cùng, tôi chỉ mất con tàu vì tôi đã từng có nó. Trong năm hoặc mười năm nữa, chuyện này có còn ý nghĩa gì không, huống chi là sau hàng trăm năm? Ai sẽ còn quan tâm đến hàng hóa của tôi khi đó? Thậm chí bây giờ ai quan tâm đến nó? Phẩm nhuộm hoàng gia, thật nực cười!”
🪐 2. Tưởng Tượng Điều Tồi Tệ Nhất
Sau khi ngữ cảnh hóa, Zeno có thể thử một kỹ thuật gọi là *premeditatio malorum* [tiếng Latinh, nghĩa là “suy tưởng về điều xấu có thể xảy ra”], hay còn gọi là “hình dung điều tồi tệ nhất”. Kỹ thuật này, trong trường hợp của ông, sẽ là tưởng tượng những điều tồi tệ nhất có thể xảy ra, và từ đó nhận ra rằng ngay cả điều đó cũng không quá tệ: “Vậy là tôi đã mất con tàu và hàng hóa. Trong trường hợp tốt nhất, hợp đồng vận tải của tôi (một dạng bảo hiểm hàng hải thời cổ đại) sẽ bù đắp phần nào. Trong trường hợp xấu nhất, tôi sẽ phải bán một số tài sản để trả nợ rồi bắt đầu lại từ quy mô khiêm tốn hơn. Điều đó có thực sự tồi tệ đến mức như tôi nghĩ không?”
🪐 3. Chuyển hóa
Kỹ thuật yêu thích của tôi là biến đổi khó khăn thành cơ hội – chính là điều mà Zeno đã làm khi trở thành học trò của Crates và trở thành một triết gia. Nếu không phải vì vụ đắm tàu, Zeno sẽ không phải là nhân vật trong bài viết này. Trên thực tế, sẽ không có bài viết nào cả. Với ảnh hưởng của Chủ nghĩa Khắc Kỷ lên những người sáng lập nước Mỹ, có lẽ sẽ không có cả nước Mỹ. Như Zeno sau này đã nói, “Tôi đã có một chuyến đi thành công nhờ việc bị đắm tàu.”