Xã hội hiện đại mặc nhiên cho rằng mọi người bình thường đều nên có con và cần được tạo mọi điều kiện để làm điều đó.
Thế nhưng, sự khôn ngoan lại có thể chỉ ra một hướng đi khác. Tận sâu trong trái tim mình, nhiều người trong chúng ta không thực sự muốn có con, nhưng lại cảm thấy áp lực vô cùng lớn phải sinh ra chúng.
Sau vài năm bên nhau, một cặp đôi trẻ sẽ liên tục hứng chịu hàng loạt câu hỏi về thời điểm sinh con, kèm theo sự phán xét rằng chắc chắn phải có điều gì đó rất sai trái (về thể chất hoặc đạo đức) nếu họ không mảy may nghĩ đến chuyện có con.
Nhưng một xã hội thực sự yêu thương trẻ em sẽ hiểu rằng điều lớn lao nhất góp phần vào hạnh phúc của trẻ chính là xóa bỏ suy nghĩ rằng ai cũng nên sinh con. Một xã hội tốt đẹp sẽ trao sự tôn trọng như nhau cho cả người có con lẫn người không có con. Chúng ta tôn vinh trẻ em, cả những đứa trẻ đã chào đời và chưa chào đời, bằng cách chấp nhận rằng làm cha mẹ không bao giờ nên là lựa chọn mặc định – cũng giống như cách tốt nhất để mọi người có một cuộc hôn nhân hạnh phúc là không coi độc thân là điều đáng xấu hổ.
Nếu ta chưa từng được đi đây đi đó, nếu ta còn chưa biết mình thực sự muốn gì, nếu ta khó lòng gắn bó lâu dài với ai đó hay vẫn giữ mãi mối ác cảm khi chia xa, nếu ta thích được ngưỡng mộ, nếu niềm đam mê lớn nhất của ta nằm nơi công việc, nếu mục đích sống của ta là danh tiếng, nếu ta không giỏi lắng nghe, nếu ta khó giữ bình tĩnh, nếu tuổi thơ của ta bị tổn thương bởi chính cha mẹ mình – thì ta cần tự hỏi rằng, liệu làm cha mẹ có công bằng với tất cả những ai liên quan hay không. Một số người tuyệt vời nhất trên đời này không phải là những bậc phụ huynh lý tưởng; người thực sự vĩ đại chính là người đủ dũng cảm để hiểu rõ điều đó và hành động dựa trên sự thấu hiểu ấy.
Trong một thế giới tốt đẹp hơn, một phần lớn dân số, thậm chí có lẽ là đa số, sẽ sống mà không có con cái. Họ sẽ thấy cuộc sống không con cái cũng đủ thử thách và trọn vẹn. Thỉnh thoảng khi lòng trỗi dậy niềm khao khát một đứa trẻ, họ sẽ có nhiều cơ hội để dành thời gian bên cạnh một đứa trẻ nào đó trong chốc lát. Cũng giống như bảo tàng quốc gia đã giúp phần lớn chúng ta không cần phải sở hữu những kiệt tác nghệ thuật, chúng ta cũng có thể dành một buổi chiều bên “báu vật nhỏ bé” của người khác, thay vì phải vội vàng tìm một đứa trẻ cho riêng mình.
Những ai thực sự khao khát có con sẽ được xem như những người tu sĩ hay linh mục của thế kỷ thứ IX – một thiểu số đầy tận tụy, sẵn sàng rời bỏ những tiện nghi bình thường để cống hiến cho một điều lớn lao hơn. Chúng ta sẽ ngưỡng mộ sự hiến dâng của họ, nhưng cũng ngầm rùng mình trước cái giá họ phải trả.
Trong bức tranh Mẹ và Con của họa sĩ người Thụy Sĩ Ferdinand Hodler, một đứa trẻ nhỏ ngồi trong lòng mẹ. Người mẹ đang cẩn thận múc một thứ gì đó, có lẽ là sữa ấm, từ trong chiếc cốc.
Những ai từng ở trong tình huống này sẽ lập tức nhớ đến cảm giác đứa trẻ ấy nặng bao nhiêu, ấm áp nhường nào khi được ôm ấp, mái tóc của chúng mềm mại ra sao, đôi tay mình bao bọc ngực trẻ thật bảo bọc và dịu dàng, và niềm hạnh phúc khi chứng kiến sự say mê của trẻ trước những thứ đơn giản như chiếc cốc và chiếc thìa. Nhưng bậc cha mẹ còn hiểu rõ một điều khác: những khoảnh khắc bình yên như vậy hiếm hoi nhường nào, phải mất bao lâu mới mặc được quần áo cho chúng, chúng đã cáu kỉnh ra sao khi ta cố xỏ giày cho chúng, sẽ chẳng mấy chốc lại cần thay bộ đồ khác, tiếng khóc đã từng dai dẳng đến mức nào, công sức của ta hiếm khi nào được thừa nhận và cuối ngày, ta sẽ kiệt sức đến mức gần như tuyệt vọng.
Thế giới này không hề bất hạnh vì những đứa trẻ chưa được sinh ra, mà vì những đứa trẻ đã được đặt chân lên đời nhưng không có ai đủ yêu thương và bảo bọc. Chúng ta có thể sống ổn với việc có ít trẻ em hơn; điều quan trọng nhất chính là có những bậc cha mẹ thực sự tận tâm với công việc đầy yêu thương này.
Tranh: Ferdinand Hodler, Mẹ và Con.
Nguồn: ARE CHILDREN FOR ME? – The School Of Life