Cậu bé Osho được sinh ra trong gia đình theo đạo Jaina, một tôn giáo nhỏ rất lâu đời của Ấn Độ với chỉ khoảng ba triệu người.
Nana – ông ngoại của Osho thường đến ngôi đền mỗi sáng để cầu nguyện nhưng chưa bao giờ bảo cậu bé đi cùng mình. Thỉnh thoảng cậu bé Osho tò mò đi cùng ông đến ngôi đền nhưng Nana luôn nói, “Con về đi. Con đừng đi theo ta. Nếu con muốn đến ngôi đền thì lúc khác hãy tự mình đến đó. Đừng đi theo ta.”
Ông không bao giờ cố gắng thuyết phục hay cải đạo cậu, hay thậm chí tuyên bố cậu là một người Jaina. Nana thì cứng rắn và sùng đạo như thế còn Nani – bà ngoại thì lại là một người khác hẳn. Bà không theo một tôn giáo nào, bà chỉ tin vào việc thực hành thiền vì thiền thì không cần niềm tin hay đền đài, không cần lời hứa hẹn hay bất cứ gì cả, chỉ cần thực hiện và tự mình cảm nhận giá trị của nó.
Bà đã dạy cho Osho một bài mật chú về việc cúi đầu kính thờ trước mọi bậc thầy, mọi hiền nhân giác ngộ trong lịch sử, bất kể người đó thuộc tôn giáo nào, thời đại nào và giáo lý giảng dạy bên ngoài có khác nhau thế nào.
Suốt bảy năm đầu đời không bị ông bà cải đạo, Osho trở thành người rất cứng rắn trong vấn đề tôn giáo. Khi về sống cùng gia đình là những tín đồ Jaina thành kính, cậu bé Osho đã có nhiều thắc mắc và những chất vấn đề tôn giáo mà không một ai trả lời được, kể cả cha mẹ cậu hay những vị tu sĩ danh tiếng nhất.
Dù không theo tôn giáo nào nhưng cậu bé lại quá hứng thú với tôn giáo đến nỗi tự nguyện đi thăm nơi thờ tự của mọi tôn giáo khác nhau để nghe xem họ đang giảng điều gì, có đúng không, có hợp lý và đáng để đi theo hay không. Cậu ghé thăm những ngôi đền Jaina, Hindu, chùa Phật giáo, nhà thờ Ki-tô giáo và cả thánh đường Hồi giáo nữa. Cậu ngạc nhiên khi phát hiện ra rằng mọi tôn giáo đều dường như chỉ quan tâm về việc cải đạo cậu, để biến cậu trở thành một bản sao của Mahavira, Krishna hay bản sao của một Phật, một Jesus chứ chẳng tôn giáo nào có ý muốn giúp cậu trở thành chính mình hay tìm ra chính mình cả.
Từ đó cậu quyết định, nếu không tôn giáo nào giúp cậu tìm ra được sự thật về mình là ai, cậu sẽ tự mình làm điều đó, cậu sẽ tự mình tìm cách để biết bản thân mình là ai và sẽ không bao giờ ngơi nghỉ cho đến khi tìm ra sự thật đó.
Không chỉ không ngơi nghỉ, cậu cũng sẽ không bao giờ để cho ai được ngơi nghỉ. Đó là lý do của những màn đối đáp và chất vấn vô cùng thông minh của cậu với những người được mệnh danh là ‘người tôn giáo’ mà cậu từng diện kiến, chỉ để nhằm tìm ra bản chất của tôn giáo là gì và cậu là ai.
Rồi thì cậu cũng tìm ra câu trả lời cho chính mình. Sau này trong một bài phỏng vấn, một phóng viên hỏi, “Osho, ông là ai?”
Osho đáp, “Tôi chỉ là chính mình. Tôi không là nhà tiên tri, không là đấng cứu thế, không là Christ. Tôi chỉ là một con người bình thường, giống y như bạn.”
Phóng viên, “Ồ, không phải hoàn toàn như thế!”
“Đúng, không hoàn toàn như thế. Bạn vẫn còn ngủ, nhưng cái đó không khác biệt bao nhiêu. Trước đây tôi cũng đã ngủ. Một ngày kia bạn sẽ có thể tỉnh dậy. Bạn có thể tỉnh dậy ngay khoảnh khắc này, không ai ngăn cản được điều đó. Cho nên sự khác biệt cũng không có gì đáng kể.”
Thật là một lời giải thích đơn giản và đẹp đẽ. Tôi luôn yêu thích những lời đơn giản mà chứa nhiều khai phóng như vậy.
“Tôi là ai? Tôi được sinh ra để làm gì?” là những câu hỏi nền tảng của triết học nhân loại qua muôn thế hệ. Tôi dù cho chỉ là một đứa trẻ vùng quê cũng đã tự mình câu hỏi đó.
Và chúng đến một cách thật tự nhiên. Chúng đến khi tôi nghe quá nhiều kinh sách về chuyện Jesus là con Thiên Chúa, Ngài có sứ mệnh xuống thế làm người cứu chuộc nhân loại. Điều đó khiến tôi tự hỏi, “Vậy tôi thì sao? Sứ mệnh của tôi là gì?”
Nếu một đứa trẻ tám tuổi đã bắt đầu tự hỏi bản thân mình là ai, bạn nghĩ nó sẽ mất bao lâu để tìm ra câu trả lời? Bạn nghĩ cuộc đời nó có bị lạc hướng trôi dạt rất lâu trước khi tìm ra câu trả lời?
Tôi tìm ra câu trả lời về mình là ai và ý nghĩa sự tồn tại của mình từ sớm (năm 32 tuổi), lý do là vì tôi đã tự hỏi bản thân mình những câu hỏi rất hàm ý, rất nội tại, từ những năm tôi chín-mười tuổi.
Một linh hồn già sẽ tạo nên một đứa trẻ “già”. Đứa trẻ già khi nó bắt đầu hỏi những câu hỏi về sự tồn tại của bản thân mình từ khi còn rất sớm. Càng sớm hỏi, người ta càng sớm tìm ra câu trả lời.
Phi Tuyết, cuốn “Một Hạt Mầm”, bài viết này sẽ bị cắt bỏ khỏi bản thảo nên ad đăng lại lên đây cho bạn đọc chơi! Còn về những câu chuyện tuyệt hay của Osho với Jaina giáo thì cuốn “Đứa trẻ nổi loạn” nha!!! 350k sách có sẵn ạ!